John M. Ellis, Đọc Kafka như thế nào

Franz Kafka (1883-1924) ecrivain tcheque ici vers 1910 — Franz Kafka (1883-1924) czech writer c.1910

PHẦN I

[Phần đầu tiên trong xê ri hai phần về nhà văn đã làm thay đổi quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa duy lý hiện đại.]

Các tác phẩm của Kafka nổi tiếng kỳ dị và bí ẩn, và vì thế mà người đọc thường phải cầu cứu những người kiếm sống bằng nghề đọc và bình luận văn học – không ai khác ngoài các nhà phê bình văn học. Nhưng các vị này cũng thường chỉ đưa ra những ý kiến vô cùng chung chung và mơ hồ đến mức những lời bình luận đó có thể áp dụng vào bất kì một nhà văn nào trong số hàng trăm nghìn cây viết ngoài kia. Một quan điểm mà phần đông yêu thích chính là Kafka đã nói gì đó vô cùng quan trọng về thời hiện đại của chúng ta. John Updike cho rằng Kafka là nhà ngụ ngôn siêu đẳng nói lên những nỗi niềm suy tư trăn trở mang tầm cỡ vũ trụ của con người hiện đại, nghe thì thật là sâu sắc uyên thâm, nhưng Updike cũng không bao giờ giải thích rằng những nỗi niềm đó là gì hay vì sao chúng lại tầm cỡ đến thế, cũng không nói được cho ta hay rằng Kafka đã nói gì về những trăn trở này. Irving Howe cũng tin rằng Kafka chính là hiện thân của ý thức hiện đại, và giải thích thêm rằng qua văn chương Kafka ta thấy “những trải nghiệm ngột ngạt của đời sống hiện đại, nỗi hoang mang, sự mất mát, tội lỗi, và sự chiếm đoạt.” Thế nhưng danh sách toàn những cảm xúc này đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử nhân loại – chứ chẳng riêng gì những thời “hiện đại”. Các nhà trí thức của thế kỷ 20 luôn tự tin rằng mình đã cầm trịch được nỗi bất an – nhưng lẽ dĩ nhiên họ làm sao mà hiểu hết được.

Max Brod, một người bạn của Kafka, cũng đặt ra một ý kiến khác được ưu ái không kém: trong văn chương Kafka, “những ảo mộng và viễn tượng sâu sắc đến mức không thể đo đạc được mải miết trôi dưới bề mặt hiền hòa êm ả.” Nhưng đến nước này rồi thì người đọc không thể không cảm thấy bị lừa dối. Tại sao Brod không nói cho chúng ta hay những ảo mộng và viễn tưởng đó là gì? Những câu khẳng định chung chung vô cùng hoành tráng (cùng vô số lời tương tự) dường như chỉ đơn thuần là cách né tránh một cuộc thảo luận thực thụ về việc Kafka nói gì với chúng ta, bởi vì quả thật rất khó để có thể bàn luận những văn bản văn chương vô cùng kỳ quái này.

Vậy làm sao để bắt đầu nói về những thông điệp của Kafka? Cần đọc tác phẩm của Kafka như thế nào? Hãy bắt đầu từ một ấn tượng vô cùng sâu đậm: Kafka luôn luôn lý tính đến mức quá đáng. Bất luận chủ đề trong truyện có kỳ lạ đến đâu, mọi thứ đều được giải thích kỹ càng, mọi tiểu tiết được săm soi kỹ lưỡng. Một ví dụ điển hình xuất hiện ở ngay chương đầu tiên của tiểu thuyết Lâu Đài (Das Schloss) khi nhân vật chính K. đang cố tìm đường đến toà lâu đài. Anh đang bước đi trên con đường chính của ngôi làng nằm dưới chân lâu đài, nhưng “con đường chính này của làng tuy không rời xa Lâu Đài, xong cũng không xích lại gần hơn.”[1] Đây đích thị là một mô tả hết sức chính xác, nhưng lại dẫn K. (và cả người đọc) chẳng đi đến đâu. Kafka vẫn thường cho ta những suy luận và lý giải vô cùng tỉ mỉ mà khi đọc xong ta vẫn mãi dậm chân tại chỗ.

Tại sao ông lại làm như thế? Công cuộc tìm kiếm câu trả lời của chúng ta sẽ bắt đầu với câu chuyện mà Kafka dành riêng cho chính vấn đề này: mặt lợi, mặt hạn chế, và những thảm họa mà lý tính gây nên. Đó là truyện ngắn “Der Bau” (“Cái hang”).

“Cái hang” kể về một con vật (không rõ đích xác là con gì) đi đào một cái hang để phòng thân. Thoạt nhìn đây chỉ là một việc cần lao động chân tay đào bới, nhưng với con vật của Kafka đây lại là hẳn cả một nhiệm vụ cần đến lao động trí óc. Cần phải có “những tính toán khó nhọc”[2], và niềm vui mà bộ não tinh khôn đó có được từ những hành động của mình là động lực thúc đẩy con vật tiếp tục làm việc. Nó phải tạo được cái hang hoàn hảo nhất, lá chắn phòng thủ tốt nhất có thể.

Câu chuyện này làm ta nhớ ngay đến một truyện cổ tích khác cũng kể về những con vật xây lá chắn hoàn hảo: Ba chú lợn con. Con đầu tiên xây nhà bằng rơm, con thứ hai xây nhà bằng cành cây khô, nhưng cả hai con đều không chống lại được chó sói. Con thứ ba thì đủ khôn để nhận ra xây nhà bằng gạch sẽ đuổi được chó sói đi. Mọi việc đều rất hợp lý và logic. Bài học rút ra từ câu chuyện này chính là lý tính và sự thận trọng sẽ đem lại an toàn cho ta. Nhưng thế giới của Kafka thì lại không dễ dàng đến thế, bởi lý tính và sự thận trọng lại chính là hai tác nhân làm cho cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn.

Mở đầu câu chuyện, con vật của Kafka kể cho ta hay rằng nó đã xây xong cái hang và trông có vẻ là thành công rực rỡ rồi. Mọi việc đến đây đều hết sức tốt đẹp. Nhưng nó không thể ngừng suy đi tính lại về thiết kế của cái hang và tự vấn bản thân về những điều có thể làm khác đi. Công việc chân tay đã xong nhưng lao động trí óc thì không bao giờ ngưng.

Nó đã làm lối vào hang bằng một lớp rêu mỏng để dễ tẩu thoát trong trường hợp có kẻ đột nhập vào hang, nhưng vì thế cũng giúp kẻ thù dễ xông vào. Nó nghĩ, lẽ ra nó nên che lấp miệng hang bằng một lớp đất cứng để kẻ thù khó có thể xâm nhập, nhưng như thế lại khiến chính nó khó chạy thoát nếu kẻ thù đã kịp đào một đường khác để chui vào trong. Làm thế nào đây: một lối vào vừa khó trốn thoát vừa chống đột nhập, hay ngược lại? Đây là một câu hỏi không có lời giải đáp. Có lúc nó còn tính đến việc làm hẳn hai lối vào – nhưng như vậy cũng chỉ làm nguy hiểm nhân đôi.

Nó đã đặt một mê cung ngay dưới lối vào để làm kẻ thù rối trí, nhưng sau khi suy nghĩ lại thì nó lại nhận ra làm vậy chỉ tổ tốn công vô ích: mê cung thường có những vách tường ngăn mỏng manh mà kẻ đột nhập chỉ cần đạp đổ là có thể vượt qua ngay.

Nó đã đặt một chiếc cổng giả cách cái hang thật một đoạn. Đằng sau cánh cổng đó trống trơn chẳng dẫn đến đâu cả, chỉ dùng để đánh lạc hướng kẻ thù khỏi cái hang thật, nó nghĩ thế. Nhưng nó cũng lại tự thấy rằng làm như thế chẳng khác nào chưa đánh đã khai rằng “lạy ông tôi ở bụi này”. Nếu có một cái cửa giả thì khả năng bị tấn công sẽ giảm đi nhờ sự đánh lạc hướng hay lại tăng lên vì bật mí rằng có gì đó “hay ho” đang diễn ra? Ai mà biết được?

Nó đã xây xong một cái hang vô cùng hoành tráng, với nhiều lối đi và các phần phụ. Đó là một pháo đài vô cùng ấn tượng. Nhưng bẵng đi một thời gian nó lại nhận ra làm hang to quá sẽ khiến những loài đào hang khác dễ đụng vào. Cuối cùng nó hoàn toàn quay ngoắt thái độ đối với cái hang hoành tráng này: nó nhận ra rằng chính cái hang lớn nhưng dễ tấn công này sẽ khiến nó khó mà bảo vệ bản thân. Nó đi ra ngoài và thử xây một cái hang khác không to hơn người nó là bao. Cái này thì khó phát hiện hơn – nhưng mặt khác lại không có lối thoát hiểm nếu bị bại lộ.

Kể cả địa điểm được chọn để xây hang cũng lại là một câu hỏi không lời giải khác: con vật đã xây hang ở một nơi hoang vắng ít người qua lại để không bị theo dõi mỗi khi đến và đi, nhưng đột nhiên nó lại nghĩ rằng nơi đông đúc người qua lại có khi lại che chắn tốt hơn.

Chú lợn con thứ ba đã tìm ra cách bảo toàn tính mạng: để sống sót bạn phải trở nên thông minh và cẩn trọng, và làm việc chăm chỉ. Nhưng với con vật của Kafka, mọi đặc tính xây dựng mà nó suy xét đều vừa có lợi vừa có hại.

Mặc dù con vật này một mực theo đuổi lý tính và đã nói rõ ngay từ đầu rằng nó đã thiết kế một cái hang hoàn hảo bằng sức mạnh của việc lập luận, nó đã vô tình để lọt một thứ vào trong những toan tính bất tận mà không một phép tính nào có thể dự đoán được: niềm kiêu hãnh của nó đối với cái hang này. Vì nó tự hào về cái hang nên càng cảm thấy mình phải bảo vệ nó. Nhưng kiêu hãnh nằm ngoài lý tính, hay chính ra, thứ cảm xúc ấy càng khiến con vật trở nên phi lý tính hơn. Dần dà, nó trở nên lo lắng quá đà về sự an nguy của cái hang, cứ như thể đó mới chính là cái cần bảo vệ chứ không phải bản thân con vật. Nhìn ngắm vật mà nó vô cùng yêu thương khiến con vật vui đến không nói nên lời, và nó cảm thấy như thể mình đang canh gác chính mình. Nhưng giờ đây mối quan hệ giữa nó và cái hang đã hoàn toàn đảo lộn: lẽ ra cái hang phải bảo vệ nó, nhưng giờ đây ngược lại nó đang xả thân bảo vệ cái hang.

Nó không thấy gì hết và quyết định trở ngược vào trong, nhưng cũng vừa kịp tạo ra một vấn đề suy lý khác, một câu hỏi không thể nào trả lời được. Làm sao để trở vào trong? Khi nó nhấc tấm che cửa lên, bước vào hang, rồi đậy lại, làm sao nó biết được liệu lúc đó kẻ thù có đến và thấy nó đang đóng cửa hay không? Tất nhiên, nó có thể mở cửa lên nhìn ngó xem có ai xung quanh không, nhưng khi đóng cửa câu hỏi đó sẽ lại xuất hiện.

Qua đó chúng ta thấy cẩn trọng thật khó sánh vai cùng lý tính: cẩn trọng bao nhiêu là đủ? Cẩn trọng nên đóng vai trò là một phương pháp để đạt tới cái đích cuối cùng là một cuộc sống mãn nguyện, và vì thế nếu nó trở thành một công việc toàn thời gian như đối với con vật thì chẳng khác nào phản lại chính mục tiêu ban đầu. Nhưng vấn đề ở đây chính là không có một câu trả lời nào hợp lý cho câu hỏi: chúng ta cần bao nhiêu thời gian để lên một kế hoạch thận trọng? Nếu chúng ta mong muốn cẩn trọng, vậy thì thận trọng thêm nữa chẳng phải rất đáng mơ ước sao? Con vật bị ám ảnh với việc phải thận trọng đến mức nó đẩy chính bản thân mình vào hiểm nguy cùng cực, ví dụ như khi nó bước ra khỏi hang để trông chừng cái hang đấy. Bản thân con vật này chính là minh chứng cho nghịch lý: “Cẩn trọng đòi hỏi ta liều mạng.”

Con vật bắt đầu câu chuyện với lời kể hết sức hào hứng phấn khởi rằng cái hang của mình là một thành công vang dội, nhưng những câu hỏi không lời giải đáp cứ dần chất chồng chất chứa khiến nó nhận ra công sức của mình đều đổ sông đổ bể. Để quên đi mọi cố gắng tay chân và những lần lao tâm khổ tứ, nó tự đổ tại bản thân mình đã quá lười nhác không suy nghĩ thấu đáo: nó đã lơ là và dành hết những năm tháng trưởng thành vào những trò trẻ con. Nhưng nó vẫn không thể quên đi ước mơ xây một cái hang hoàn hảo vì nó khăng khăng rằng lập luận chính xác sẽ giúp mình đạt được mục tiêu. Nó tưởng tượng ra rằng nó có thể xây một cái hang theo như kế hoạch đã vạch sẵn ra từ khi còn trẻ, và làm như thế nó có thể quên hết các vấn đề logic ngày đêm đeo bám. Nó mơ về những tiến bộ kỹ thuật vượt bậc, và chìm vào huyễn tưởng khi nghĩ đến sự xuất sắc về mặt lý thuyết của kế hoạch này. Nó nghĩ, bây giờ ta chỉ cần làm lại tất cả từ đầu! Trong những trang cuối truyện nó liên tục thay đổi giữa hai trạng thái tuyệt vọng và lạc quan, nhưng đến cuối truyện thì “tất cả vẫn không hề thay đổi”. Nó chưa giải quyết được những vấn đề này, và sẽ không bao giờ giải quyết được. Ngay từ đầu truyện, con vật tự nói với bản thân: “Tất nhiên, [quá nhiều] mưu mẹo [lại] tinh vi đến nỗi tự chống lại [mình].” Câu khẳng định đơn giản đó đã nói lên hết mọi sự xảy ra với nó. Lập luận – những lập luận vô cùng thấu đáo và kỹ lưỡng, nhờ ơn tác giả – đã biến thành nguồn cơn mọi rắc rối của con vật, thay vì là giải pháp. Cuối cùng con vật nghe một tiếng rít nhưng khi nó cố tìm nguồn gốc tiếng kêu này thì tiếng kêu lại không hề thay đổi âm lượng khi nó di chuyển, chứng tỏ rằng tiếng kêu này phải nằm trong đầu con vật. Nó đang chìm dần vào điên loạn.

Việc xác định thứ đã huỷ diệt con vật là bản thân lý tính nghe thật xa vời với tinh thần triết học Khai sáng, phong trào triết học đã có tuổi đời hơn một thế kỷ khi Kafka chào đời năm 1883. Với các nhà triết học Khai sáng, kiên trì áp dụng lý tính sẽ giúp giải quyết tất cả mọi vấn đề gây ra bởi sự ngu dốt của con người. Nhưng chuyện đó không hề xảy ra trong “Cái hang”. Trong truyện này, lý tính liên tục chạm trán với những câu hỏi không lời giải, và lẽ vì vậy mà con vật trở nên điên loạn vì không thể ngừng lập luận để tìm ra cách thiết kế cái hang hoàn hảo nhất có thể. Trong câu chuyện của Kafka, lý trí không thể vượt qua được những điểm yếu tinh thần của con người ta bởi vì điểm yếu chính là động lực thúc đẩy lập luận và hai thứ này hoà quyện chặt chẽ với nhau. Khi con vật cảm thấy vui vì sự tráng lệ của cái hang, nó đã vô tình đem đến cho sự nhiệt thành đấy một yếu tố phi lý tính. Cái hang không chỉ là một nơi trú thân đơn thuần – nó yêu cái hang đến mức tuyên bố rằng nó sẵn sàng chết trong cái hang và để máu chảy xuống nền đất đó. Cái logic của cái hang một lần nữa bị đảo ngược: đáng lẽ cái hang phải tồn tại để phục vụ con vật, nhưng giờ đây con vật lại hy sinh thân mình để bảo toàn cái hang.

Phong trào Triết học Khai sáng có thể bảo ta phải dựa hoàn toàn vào lý trí, nhưng “Cái hang” của Kafka chứng minh một điều rằng ta vẫn có thể dùng lý trí theo những cách phi lý nhất. Kafka vốn là một người hoài nghi về Triết học Khai sáng. Ông đã thấy được điều mà các triết gia Khai sáng không thấy được: rằng kể cả khi họ thuyết phục con người để lý trí dẫn đường thì bản thân con người vẫn giữ nguyên không đổi. Những người vốn được xem là làm điều đúng đắn thật ra chẳng khác gì mấy so với trước đây. Mặt phi lý trong họ không biến đi đâu cả: nó chỉ tìm cách khác để thể hiện ra ngoài. Nó sẽ lôi kéo rồi thông đồng với lý trí để thực thi những động lực, khát khao, và kể cả sự ngu dốt luôn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.

Các nhà triết học Khai sáng có niềm tin tuyệt đối với lý tính đến mức họ tin rằng nó sẽ dẫn lối cho ta đạt được những giá trị đạo đức cao hơn. Chẳng cần phải nói, Kafka cũng vô cùng nghi ngờ điều này. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, “Die Verwandlung” (Hoá thân), chính là nói về vấn đề này.

hoa than
Bìa bản dịch tiếng Anh của Oxford University Press.

Trong truyện ngắn này, Gregor Samsa đột nhiên biến thành một con quái vật có hình thù côn trùng vô cùng kỳ dị sau một đêm. Câu hỏi đầu tiên mà các nhà phân tích “Hoá thân” thường cố gắng giải thích là: chính xác thì Gregor Samsa đã biến thành con gì, và vì sao? Nhưng hai câu hỏi này tốt hơn hết là để dành cho sau khi ta giải đáp được hai câu hỏi sau đây: Đầu tiên, tình trạng gia đình của Gregor như thế nào trước khi anh biến hình? Và thứ hai, tình trạng gia đình của anh ra sao sau khi anh biến thành côn trùng và bỏ lại gia đình?

Đáp án câu hỏi đầu tiên khá là phức tạp. Nhìn bề ngoài Gregor là hình mẫu người con trai lý tưởng tận tuỵ gánh vác trọng trách gia đình. Năm năm trước đó công việc kinh doanh của cha anh thất bại và Gregor lập tức lao vào hành động: anh mong muốn giải cứu gia đình mình khỏi tình cảnh vô vọng, và vì thế anh bắt đầu làm việc điên cuồng và nhanh chóng trở thành trụ cột chính và duy nhất trong nhà. Không còn nghi ngờ gì nữa, Gregor đã làm điều đúng đắn: anh đã hành xử thật cao thượng.

Thế nhưng “công trình” hoành tráng này cũng đầy rẫy khiếm khuyết như cái hang lộng lẫy của con vật. Mặc dù Gregor rất tận tâm đóng vai người bảo hộ duy nhất của gia đình, anh lại xem bản thân mình là một vị thánh tử nạn. Anh ghét công việc mình đang làm. Việc thì vô cùng mệt mỏi, sở làm thì ngược đãi anh, và anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở mãi vị trí vô cùng thấp kém đó để nuôi nhị vị thân sinh và cô em gái. Và để làm mọi chuyện tồi tệ hơn, anh cảm thấy rằng thái độ của gia đình đối với việc anh bao nuôi họ thiếu đi sự yêu thương ấm áp cần có.

Và vì sao lại như vậy? Chúng ta chỉ cần nhìn vào tình trạng của họ để biết vì sao. Cha anh đã không làm việc trong vòng năm năm, và chính xác hơn là không còn khả năng làm việc vì mập lên và trở nên hậu đậu. Ông dường như chỉ mặc áo ngủ ngồi không hoặc nằm vạ vật trên giường, khó khăn lắm mới đứng lên được, và nếu có đi ra ngoài thì cũng chỉ có thể lạch bạch những bước chầm chậm. Mẹ anh cũng không hề khá hơn chút nào: phần lớn thời gian bà nằm trên sofa, khó thở vì bệnh hen suyễn. Em gái anh, Grete, cũng trở nên vô dụng: cô ngủ rất nhiều, chỉ ham mê chưng diện quần áo đẹp và chơi violin, và đến cả hai vị phụ huynh cũng nghĩ rằng cô là thứ con gái vô tích sự.

Cả ba thành viên trong nhà đều ăn không ngồi rồi và cuộc sống của họ hầu như trống rỗng. Nhưng có một chi tiết vô cùng vô lý về cuộc sống của gia đình này: căn hộ mà Gregor thuê cho cả nhà không chỉ đủ chỗ mà lại còn xa xỉ và rộng hơn diện tích cần trên thực tế. Làm sao điều này lại hợp lý với việc Gregor căm ghét việc phải làm việc vô cùng vất vả để nuôi gia đình? Anh hoàn toàn có thể làm việc ít lại và thuê cho họ một căn hộ nhỏ phù hợp với nhu cầu hơn.

Chúng ta bàn về câu hỏi thứ nhất thế là đủ rồi, giờ hãy tiến đến câu hỏi thứ hai: chuyện gì xảy ra với cả nhà khi Gregor biến thành côn trùng, không thể nuôi họ thêm ngày nào nữa, rồi cuối cùng chết đi và biến mất khỏi cuộc đời họ? Câu trả lời chính là trong truyện ẩn chứa một sự hoá thân thứ hai – sự hoá thân của gia đình này. Vài tháng sau khi biến thành côn trùng, Gregor nấp sau cửa nhìn lén và thấy mọi người trong nhà. Cha anh giờ đây ăn vận một bộ đồng phục màu xanh thanh lịch với những khuy bấm bằng vàng để đi làm công việc mà ông tự xin được. Đôi mắt ông đã tìm lại sức sống vốn có và tóc chải lại gọn gàng. Hoá ra ông vẫn có thể đi làm để nuôi thân và gia đình này. Hai người phụ nữ trong gia đình cũng trải qua những thay đổi tương tự. Mẹ của Gregor nhận may quần áo cho một hãng quần áo thời trang, còn Grete vừa bán hàng vừa học lớp tốc ký và tiếng Pháp buổi tối để có thể tìm việc tốt hơn. (Ta sẽ quay lại bàn luận về tham vọng của cô ở phần sau.) Cả ba người bọn họ đều tràn trề sức sống và năng suất.

Tuy nhiên, điều mà tất cả đều vô cùng mong muốn chính là dọn ra khỏi căn hộ quá khổ mà Gregor đã đẩy họ vào. Nhưng họ đã không thể làm gì khi Gregor còn sống. Cuối cùng họ cũng phải đối mặt với vị trí thật sự của anh: anh là một nỗi phiền toái không hơn không kém, một nỗi phiền toái họ hoàn toàn vui lòng tống khứ. Gregor sớm chết đi, nhưng không có gì là đau khổ trong phản ứng của họ cả. Ngược lại, cả ba cùng nhau rời khỏi căn hộ, “điều mà bao tháng nay họ không có dịp làm,”[3] và cùng nhau lên tàu điện đi về miền quê. Cách ăn mừng này đáng chú ý không phải vì nó hào hứng gay cấn mà bởi vì nó chỉ là một việc bình thường xoàng xĩnh. Họ đã lấy lại được cuộc sống thường nhật của mình – cuộc sống đã bị Gregor tước đoạt.

Giờ đây ta có thể quay lại câu hỏi luôn luôn được đặt ra đầu tiên về câu chuyện này: Gregor đã biến thành con vật gì? Thực trạng gia đình giúp ta giải đáp thắc mắc này. Từ một thành viên trẻ tuổi trong nhà, anh đã trở thành một con thú săn lợi dụng sự yếu đuối của họ mà kiểm soát ngấu nghiến và vắt kiệt sức sống. Từ mà Kafka dùng để miêu tả con vật này là “ungeziefer”, nghĩa sát nhất chính là vật ký sinh/vật gây hại. Nhưng đó không phải là từ dùng để miêu tả đặc điểm vật lý hay tên gọi một loài sinh vật nhất định; nó được dùng để ám chỉ giống vật nào đó vừa ghê tởm vừa ăn hại. Sự thay đổi về mặt hình thức của Gregor chỉ là biểu hiện bên ngoài về sự thoái hoá của anh trong mắt họ. Anh đã làm cả gia đình hoàn toàn lệ thuộc vào mình và đẩy họ vào tình thế vô cùng khổ sở, nhưng khi anh không còn có thể thống trị được nữa họ đã vượt qua và quay trở lại trạng thái con người bình thường.

Vậy đây có phải một kết cục có hậu? Có lẽ không. Câu chuyện có cái kết vô cùng thú vị: “Và như để khẳng định cho những mơ ước mới mẻ cùng những ý đồ tốt đẹp của bố mẹ, đến cuối cuộc hành trình người con gái đứng phắt dậy trước tiên và vươn thẳng tấm thân thanh xuân phơi phới.” Sau tất cả những gì xảy ra với Gregor, hành động vươn vai của Grete chẳng khác nào một điềm gở: liệu cô cũng đang cảm thấy sức mạnh của mình tăng dần? Như Gregor trước đây, cô cũng đang học tập để có thể kiếm được thêm nhiều tiền. Liệu cô cũng sẽ dùng nó để kiểm soát và bắt cha mẹ phụ thuộc vào mình? Cô đã hành động theo chiều hướng đó khi chiếm lấy Gregor và căn phòng của anh, khăng khăng với gia đình rằng đó là nơi chốn của riêng mình cô. Vấn đề không chỉ nằm ở một mình Gregor: đây là một phần của thân phận con người.

Sự đảo ngược những giá trị trong “Hoá thân” phần nào làm ta nhớ đến hiện tượng tương tự trong “Cái hang”. Trong truyện đó, tâm huyết con vật đổ vào lý trí trở nên vô lý và dần huỷ hoại nó, còn trong “Hoá thân” Gregor bề ngoài thì đang hết mình vì công cuộc đỡ đần và nuôi gia đình, nhưng thật ra lại nắm giữ quyền lực bạo chúa chi phối bọn họ. Nhưng cả hai đều đi ngược lại với giáo điều Triết học Khai sáng. Thế giới tốt đẹp hơn, dịu dàng hơn mà kỷ Khai sáng hình dung ra khi lý trí lên ngôi đã không trở thành hiện thực, bởi lẽ Gregor đã dùng chính những giá trị tốt đẹp và tử tế đó để thoả mãn những thôi thúc làm chủ và đàn áp đã tồn tại từ lâu. Lòng tốt là vũ khí của anh, và anh đang giết gia đình mình chết dần chết mòn bằng chính thứ lòng tốt này.

Cũng tại đây, Kafka hồ như đã hiểu được điều mà các nhà triết học Khai sáng không thể hiểu được: kể cả khi việc sử dụng lý trí có dẫn đến một sự thay đổi rõ ràng về mặt đạo đức thì bản chất con người cũng không thể thay đổi nhanh chóng đến vậy: nó sẽ chỉ tìm cách thể hiện ra bằng những cách mới hơn thôi. Trong “Hoá thân”, lòng tốt trở thành công cụ chuyên chế. Bản chất xúc cảm của ta bám rễ quá sâu để có thể thay đổi một sớm một chiều được. Những con người và con vật của Kafka đã phá vỡ những giá trị Khai sáng kể cả khi tuân thủ những giá trị sống đó.

Bách khoa Toàn thư Triết học Stanford định nghĩa các nhà triết học Khai sáng là những người có niềm tin lớn lao vào khả năng tri thức của nhân loại và “thường đi đôi với thái độ ngờ vực hoặc thù ghét những hình thức hoặc chủ thể quyền lực khác (như truyền thống, mê tín, định kiến, huyền thoại, và phép màu).” Mê tín và huyền thoại quả thật không phù hợp với con người hiện đại, những người không nên tin vào những sinh vật huyền bí không ai kiểm chứng. Những kẻ chưa được “khai sáng” có thể để những thứ huyễn hoặc này đóng một phần trong cuộc sống của mình, gán cho chúng những phẩm chất vốn không có, nhưng con người lý trí chỉ tin vào những gì thấy tận mắt nghe tận tai. Nhưng có thật như vậy không? Đó là vấn đề mà Das Schloss (Lâu Đài) phải vật lộn.

the castle
Bìa bản dịch tiếng Anh của Oxford University Press.

Trong Lâu Đài, một nhân viên đạc điền tên K. đến một ngôi làng nhỏ nằm dưới bóng một toà lâu đài thấp thoáng trên đồi cao. Thật khó nhìn thấy được toà lâu đài ẩn sau sương mờ và bóng đêm. Rõ ràng anh đã được Lâu Đài (thể chế, không phải toà nhà) thuê làm. Nhưng khi anh dừng chân ở một quán rượu trong làng, câu hỏi phát sinh rằng liệu có thật là anh đã được thuê làm cho Lâu Đài không, và chính xác là ai đã thuê anh. Gọi điện đến Lâu Đài thì nhận được câu trả lời rằng không, không hề thuê anh, nhưng rất nhanh sau đó lại có một cuộc gọi khác với câu trả lời khác. Đây phải chăng chỉ đơn giản là một lỗi lầm đã nhanh chóng được sửa sai? Không, bởi vì sau đó vấn đề anh có được thuê hay không vẫn tiếp tục được dấy lên. Rất nhanh sau đó, tất cả những sự hoang mang này bắt đầu dẫn đến một câu hỏi quan trọng: ai là người lên tiếng cho Lâu Đài? Chắc chắn đã có người thuê anh, nhưng liệu đó có đồng nghĩa với việc Lâu Đài thuê anh không? Và điều này lại dẫn đến một điều hệ trọng hơn: cái thứ gọi là Lâu Đài này là gì? Và ta có thể tìm thấy tiếng nói thẩm quyền của nó ở đâu?

Đầu tiểu thuyết, K. nghĩ rằng anh sẽ nắm bắt được chuyện gì đang xảy ra nếu đi lên Toà-nhà-Lâu-Đài. Nghe thì khá là khả quan: nếu bạn muốn biết Lâu Đài đang giở trò gì, tại sao không chất vấn thẳng nó? (K. vẫn chưa hiểu ra rằng Lâu Đài không bao giờ có thể là cùng một thứ với toà lâu đài.) Nhìn từ xa toà lâu đài khá nguy nga sang trọng, nhưng khi đến K. mới phát hiện nó hoá ra là một cụm nhà nhỏ chồng chất lên nhau, đổ nát đến không còn sửa chữa nổi. Không hề có một toà lâu đài nào cả. Việc không có một công trình lớn bao quát mà chỉ có những vật nho nhỏ này có nghĩa gì? Và có nghĩa như thế nào với thể chế Lâu Đài?

Càng đọc sâu vào tiểu thuyết, điều này ngày càng đại diện cho ý tưởng mà K. sẽ phải vật lộn xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Các thể chế không tồn tại giống công trình xây dựng – nhìn thấy được và chạm vào được. Thể chế chỉ là những dàn xếp giữa con người với nhau, và nó chỉ tồn tại chừng nào những người liên quan còn tin vào sự tồn tại của nó, và điều này nghe chẳng khác gì một niềm mê tín.

Vậy thì Lâu Đài ở đâu? Kỳ thực, K. đã được cho biết về vị trí của nó. Khi mới đến, anh được bảo rằng ngôi làng thuộc về Lâu Đài, và vì thế tất cả người trong làng và cả những vị khách vãng lai đều nằm trong Lâu Đài. Nó vừa hữu hình vừa bất khả kiến, hệt như một sinh vật huyền bí.

Thứ mà K. tìm kiếm không bao giờ có thể tồn tại theo ý anh. Và dù không ai có thể nhìn thấy hay chạm vào, mọi người vẫn luôn hành xử như thể nó có ý chí và tính cách riêng. Lâu Đài khiến tất cả kinh khiếp và sự hiện diện của nó luôn bao trùm và thống trị ngôi làng. Khi K. nói với chủ quán rượu rằng anh thà sống tự do bằng cách tránh xa toà lâu đài, người chủ nói như báo trước rằng: “anh không biết Lâu Đài đâu.” Điều này khiến nó nghe như một con người với đầy đủ các tính cách tự thân. Câu chuyện mà Amalia (em gái của Barnabas người đưa thư của Lâu Đài) kể càng làm ta cảm thấy rằng Lâu Đài là một cá nhân có phẩm giá và vì thế có thể cảm thấy bị xúc phạm và âm mưu trả thù. Amalia nhận được một lá thư từ một quan chức Lâu Đài ra lệnh cho cô phải ngủ với hắn. Khi Amalia không tuân lệnh, cô bị trừng phạt không phải vì cô đã từ chối hắn mà vì cô đã xúc phạm đến Lâu Đài. Những gì xảy ra tiếp đó là sự trả thù của Lâu Đài, nhưng ai mới thật sự là người đang thực hiện hành vi trả thù? Như thế thì việc đi lên những ngôi nhà đổ nát túm tụm trên đồi cũng chẳng giải quyết được việc gì.

Phần lớn nội dung tiểu thuyết theo chân K. đi tìm tiếng nói thực có thẩm quyền của Lâu Đài. Nhưng liệu thứ đó có tồn tại không? Làm sao mà một thể chế gồm bao nhiêu con người khác nhau như vậy có thể có một tiếng nói chung được? K. luôn luôn tìm kiếm ai đó để làm mắt xích đầu tiên, làm đòn bẩy bật anh lên những thứ bậc của Lâu Đài để chạm đến tiếng nói thật sự của nó. Đầu tiểu thuyết, một chàng thanh niên tự giới thiệu mình là con của quan tổng quản lâu đài, và điều này tràn trề triển vọng. Nhưng những khởi đầu hứa hẹn nhiều thường chóng phai: quan tổng quản lâu đài có thể có quyền lực ngang ngửa một ông thống đốc hay thấp kém cỡ viên chức quèn, mặc dù điều này cũng chẳng còn ý nghĩa gì lắm vì K. sớm được cho hay rằng chàng trai chỉ đang khoa trương thôi; anh ta chỉ là con của phụ tá, và vấn đề với những người ở chức phụ tá chính là lúc nào cũng có hàng đống người như thế, và cứ bao nhiêu chức phụ tá thì có bấy nhiêu ý kiến khác nhau. Tiếng nói của Lâu Đài lại một lần nữa đột nhiên cách xa nghìn trùng.

Tiếp theo, K. đến gặp lý trưởng. Điều anh muốn từ ông ta là một câu trả lời xuất phát từ phía lãnh đạo: “có” hay “không” việc anh đã được thuê. Anh không nhận được câu trả lời mình cần (mặc dù lý trưởng cũng có ý kiến riêng – một ý kiến tiêu cực) nhưng thay vào đó đã biết được điều có ích hơn. Khi K. phản đối rằng quan điểm của lý trưởng trái ngược với lời của vị quan chức Lâu Đài đã thuê anh, ông đã chia sẻ một vài sự thật quan trọng về những thể chế kiểu như Lâu Đài:

Tôi có thể giải thích để ông hiểu. Trong một cơ quan chức trách lớn như của ngài bá tước vẫn có thể xảy ra việc ban ngày chỉ thị cái này, ban nọ chỉ thị điều kia, các ban không biết chỉ thị của nhau, việc kiểm tra của cấp trên tuy hết sức kỹ càng, nhưng do bản chất của nó nên việc kiểm tra xảy ra rất muộn, rốt cuộc dẫu sao cũng có thể xảy ra lộn xộn nho nhỏ.

Việc nhắc đến nhân vật Bá tước này tựa như đang chỉ ra một người thật có thể lên tiếng nói về Lâu Đài, nhưng hoá ra cũng chỉ là ảo tưởng: vị Bá tước này không bao giờ được tìm kiếm hay tìm thấy mà chỉ âm thầm biến mất khỏi thiên truyện. Về sau, Olga, một đồng minh, đã lần nữa khẳng định điều này mạnh mẽ hơn: “Trong ban ngành của mình thì ông ta có thể hiểu được hàng loạt điều chỉ từ một từ thôi, còn chuyện thuộc phòng ban khác thì dù được người ta giải thích hàng giờ liền, ông ta có lẽ sẽ lịch sự gật gù nhưng vẫn chẳng hiểu gì.” Nếu K. thật sự tâm niệm những lời này, anh sẽ phải kết luận rằng việc tìm kiếm tiếng nói thật của Lâu Đài khó như mò kim đáy bể.

Lý trưởng tiếp tục nói rằng việc tất cả các phòng ban bộ phận có phát biểu trái ngược nhau không phải hoàn toàn xấu. Ngược lại, từ sự hỗn loạn này thi thoảng nảy sinh ra những lời giải vô cùng xuất sắc và dứt khoát cho các vấn đề. Tất nhiên, ông nói, anh chắc chắn sẽ không tìm ra câu trả lời cho kịp lúc cần dùng đến. Nhưng kể cả nếu có tìm được cách giải quyết dứt khoát, làm sao anh biết được rằng sẽ không có lời giải theo sau phủ định lại nó? Anh không biết được đâu.

Và bất chấp tất cả những dấu hiệu cho thấy không bao giờ có thể tìm thấy tiếng nói có thẩm quyền của Lâu Đài, mọi người vẫn bị ám ảnh với những thái độ và tầm ảnh hưởng của nó, và vì thế tuyệt vọng cần tiếp cận được nó và những người có vẻ giữ vai trò quan trọng trong đó. Lạy Giời, Lâu Đài luôn che giấu kỹ hoạt động nội bộ. Olga nói với K. rằng: “Ở đây có câu thành ngữ: ‘Những quyết định hành chính rụt rè như gái tơ’.”

Suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết, một vài người xuất hiện và có vẻ có tiềm năng tiếp cận đến bộ não hay tiếng nói của lâu đài, và K. luôn nhiệt tình theo đuổi những người này. Anh đặc biệt muốn tìm đến những vị tai to mặt lớn của Lâu Đài. Ứng cử viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo Lâu Đài xuất hiện trong truyện là Herr Klamm.

Trong chương hai, người đưa thư Barnabas, anh trai của Olga, tìm đến K. với một lá thư từ Klamm gửi cho K. Có vẻ Klamm là trưởng ban X, một chức vụ mà vào lúc đấy chắc hẳn vô cùng ấn tượng và huyền bí – cho đến khi lý trưởng cho hay một số phòng ban làm chuyện này và một số khác làm chuyện kia. Lá thư của Klamm xác nhận rằng K. đã được thuê, và gã gửi K. đến chỗ lý trưởng để nhận chi tiết công việc. Nhưng khi gặp lý trưởng, K. (tất nhiên) lại một lần nữa bị nói rằng anh chưa bao giờ được thuê.

Klamm trở thành Chén Thánh muôn đời tìm kiếm của K., và anh dành rất nhiều thời gian cố gắng tìm gặp và trò chuyện với gã (mặc những lời cảnh báo của lý trưởng) bởi anh đinh ninh rằng Klamm có thể dẫn anh đi vào đúng con đường tìm kiếm tiếng nói thật sự của Lâu Đài. Nhưng khoảng cách gần nhất giữa anh và Klamm chỉ xảy ra khi Olga dẫn anh đến một quán rượu mà Frieda, cô phục vụ ở đó, nói với anh rằng mình là nhân tình của Klamm. Cô để anh nhìn lén Klamm qua một cái lỗ nhỏ trên tường phòng gã. K. đợi bên ngoài quán rượu, hy vọng sẽ gặp được Klamm khi gã bước ra ngoài, nhưng bao giờ Klamm cũng tìm được cách tránh mặt anh.

  1. càng cố gắng với tới cấp bậc cao hơn trong Lâu Đài bao nhiêu thì lại càng tụt lại bấy nhiêu – tụt xuống đến tận những viên chức thấp nhất trong Lâu Đài. Anh tràn trề hy vọng khi gặp Herr Momus, người tự giới thiệu là thư ký làng của Klamm. Nhưng đến đây rồi thì anh nên biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo: hoá ra Momus chỉ là một trong vô vàn thư ký của Klamm, và như thường lệ điều này lại làm giảm đi sự quan trọng của bất kì ai trong số đó.

Nỗ lực leo cấp của K. bắt đầu trượt dốc không phanh khi Olga kể cho anh nghe về những điều Barnabas nghi ngờ về Klamm: giờ đây anh không biết liệu người tự nhận là Klamm có đúng là Klamm không. Tin nhắn của Klamm gửi cho K. thông qua Barnabas là điều đầu tiên cho anh hy vọng về một phán xét rõ ràng và uy tín của Lâu Đài, lẽ vì vậy sự nghi ngờ này mới thật sự làm lung lay ý chí anh. Nhưng Olga cũng ngờ vực Barnabas không kém: anh ta đi ra đi vào nhiều văn phòng, cô nói, nhưng liệu những phòng ban đó có phải là Lâu Đài thật không? Những ngờ vực của riêng K. đối với vị trí của Barnabas trong Lâu Đài lại tiếp tục xâu chuỗi thành những suy tưởng vô cùng điên cuồng và quay cuồng trượt giảm, bởi với mỗi cơ hội đều kéo theo những phủ định của chính nó, và K. đành phải chấp nhận những điều nhỏ hơn:

[Barnabas] được phép vào trong các văn phòng hoặc vào một phòng ngoài, nếu cô thích gọi như thế; được rồi, vậy thì đó là một phòng ngoài, nhưng có các cửa dẫn đi tiếp… Barnabas nói chuyện với ai ở đó, tôi không biết, có thể tay thư thủ nọ là người đầy tớ cấp thấp nhất, nhưng dù là cấp thấp nhất gã cũng có thể đưa cậu ấy tới cấp cao hơn và nếu không thì ít ra gã cũng có thể nêu tên người đó và nếu không thể nêu tên, gã vẫn có thể chỉ cho cậu ấy người nào có thể nêu tên được. Người được gọi là ngài Klamm có lẽ chẳng mảy may giống ngài Klamm thật… hắn có thể là kẻ thấp nhất trong các viên chức, có khi còn chưa là viên chức nữa cơ, nhưng hắn vẫn có nhiệm vụ nào đó ở cái bàn đứng, hắn đọc gì đấy trong quyển sách to tướng của hắn, hắn thì thầm gì đấy với tay thư thủ… và ngay cả nếu tất cả những điều này không có thật và hắn cũng như hoạt động của hắn hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì, thì vẫn có ai đấy đã đặt hắn đứng ở đó và với ý định nào đấy.

Công cuộc tìm kiếm của K. giờ đã hoàn toàn bị đảo lộn. Khi không thể với tới cấp lãnh đạo trên cùng của Lâu Đài để tìm tiếng nói thật, anh chạy thục mạng tới những hàng ngũ thấp nhất, nơi mà cả những thành phần thấp kém nhất của Lâu Đài cũng phải ít nhiều có liên quan gì đến mục đích cao cả của nó, và vì thế chắc hẳn phải soi sáng cho anh đôi chút về mục đích đó.

Tất cả những điều này lại làm ta nhớ về những nỗ lực điên cuồng của con vật trong việc giải nghĩa cái hang của nó trong “Cái hang”. Như con thú, K. tự vắt kiệt sức mình bằng việc không ngừng phân tích một câu hỏi không có lời giải hợp lý. K. và con vật cứ càng cố tìm lời giải lý tính bao nhiêu thì càng phải gấp đôi nỗ lực bấy nhiêu để tìm ra đáp án.

Sẽ là một sai lầm nếu nhìn nhận Lâu Đài là một tác phẩm châm biếm về chủ nghĩa quan liêu. Chủ đề châm biếm đó đã được viết đi viết lại nhiều lần, nhưng những mối quan tâm của nó không hề giống với những vấn đề của Kafka. Trọng tâm của văn học châm biếm luôn là những chủ đề chống lại sự quan liêu bàn giấy quen thuộc: tính vô hiệu quả của nó, sự tầm thường, tự phụ, thiển cận, vô hồn và ngắc ngoải của nó, cùng với sự vô trách nhiệm của tâm lý làm việc theo giờ hành chính. Lâu Đài lại nói về một chủ đề hoàn toàn khác: mâu thuẫn giữa cách chúng ta công nhận thể chế là một phần bình thường trong cuộc sống của mình với hiện thực rằng chúng là những điều vô cùng kỳ quái bắt buộc ta phải hành xử khác với tính chất thật của chúng. Ta tin chúng dù không thể nhìn thấy, nghe thấy, hay chạm vào. Ta gán vào đó nào là động cơ, cá tính, khát khao, và cả bản ngã đạo đức. Ta lẫn lộn những công trình vật chất với bản thể của chúng: toà lâu đài khác với Lâu Đài. Nhưng kể cả câu hỏi đơn giản nhất cũng khiến ta gặp rắc rối: ai lên tiếng cho Lâu Đài? Thể chế là những tập hợp con người, nhưng sự tồn tại của chúng không cần đến riêng một cá nhân nào cả. Chúng ta bắt buộc phải đối xử với chúng theo cách ta đối xử với một con người thực thụ, nhưng điều đó là một sự hư cấu đã gây cho K. và tất cả chúng ta những phiền toái bất tận.

Lâu Đài của Kafka có thể giống một tác phẩm châm biếm thể chế, nhưng bất kỳ ai từng viết một lá thư giận dữ gửi đến một tổ chức lớn đều không sớm thì muộn nhận ra rằng mình không hề viết gửi cho một cá nhân cụ thể nào cả. Trong thế giới hiện đại, những lời hồi âm được lập trình sẵn trên máy tính càng minh chứng cho sự vô vọng này, nhưng cũng không thể làm gì để thay đổi cục diện. Gia đình của Amalia cố gắng cầu xin Lâu Đài tha cho nàng tội báng bổ, nhưng nếu nàng được tha lỗi thì đó cũng không phải là nhờ Lâu Đài mà là nhờ ơn ai đó ở đâu đó mà thôi.

Một thể chế khá giống một sinh vật huyền bí ta đồng tình tin tưởng vào. Các triết gia Khai sáng không đồng tình với việc tin vào huyền thoại, nhưng những sinh vật huyền bí không ai nghe thấy nhìn thấy mà các triết gia nghĩ đến đều không hề có sức ảnh hưởng thật đối với cuộc đời ta, trong khi Lâu Đài của Kafka lại là một thế lực vô tiền khoáng hậu.

“Auf der Galerie” (“Trên khán đài”) là một truyện vô cùng ngắn, chỉ gói gọn trong một trang, nhưng lại là tác phẩm phác hoạ chính xác nhất thái độ điển hình của Kafka đối với sự tương phản gắt gao giữa viễn cảnh về thế giới Khai sáng tốt đẹp và bản chất cảm xúc tiền-Khai sáng vẫn tiếp tục đeo đuổi mỗi cá nhân. Câu chuyện chỉ bao gồm hai tình huống giả định về cùng một sự việc xảy ra trong rạp xiếc: trên vũ đài, viên quản rạp chỉ đạo một nữ kỵ sỹ cưỡi ngựa biểu diễn trước vô vàn khán giả dõi theo. Trong giả định đầu, nàng kỵ sỹ mong manh yếu ớt, tên quản rạp thì tàn nhẫn và bạo lực, không ngừng quất ngựa bắt nàng cưỡi mãi vòng quanh sân khấu, còn khán giả cũng không bao giờ thấy thoả mãn hay mảy may động lòng thương xót trước cảnh tượng bất nhân này. Trong giả định thứ hai, nàng kỵ sỹ xinh đẹp ngời ngời, viên quản rạp dịu dàng che chở, và khán giả lại vô cùng mê mẩn nàng.

Nhưng tình huống đầu tiên được xây dựng trên nền tảng điều kiện: nếu mọi chuyện không đổi, ta được biết, thì một chàng thanh niên dưới hàng ghế khán giả sẽ chạy lên vũ đài và la lớn: Dừng lại ngay! Nhưng, ta lại được biết thêm, sự việc đã không xảy ra theo giả định ban đầu. Thay vào đó, thực tế lại chính là tình huống thứ hai và “bởi lẽ đây là sự thật, nên chàng trai dưới khán đài đành gục đầu lên lan can khán đài, và, như thể chìm dần vào một giấc mộng buồn khi màn biểu diễn đi đến hồi kết thúc, chàng vô thức bật khóc.”

Ngạc nhiên thay, tình huống thứ hai chứ không phải tình huống thứ nhất mới gây đau khổ khôn nguôi. Viễn cảnh thứ hai miêu tả thế giới hoàn hảo của kỷ Khai sáng nơi mà ai ai cũng đều tốt bụng và quan tâm lẫn nhau. Không có chỗ cho người hùng, bởi lẽ thế giới đó đâu cần gì đến anh hùng. Chính xác hơn, nó không có chỗ dung thứ cho những vất vả đời thường quen thuộc với ta. Đó là một thế giới ngập tràn ánh sáng và sắc đẹp, và Kafka càng nhấn mạnh điều này bằng cách miêu tả nó cầu kỳ và chi tiết hơn hẳn viễn cảnh thứ nhất: người quản xiếc nhẹ nhàng nâng nữ kỵ sỹ đặt lên yên ngựa trắng; gã chạy bên ngựa và dõi theo từng chuyển động của nàng; gã nào dám lấy roi quất ngựa; gã không thể tin vào mắt mình trước tài nghệ điêu luyện của nàng; và gã bắt dàn nhạc im tiếng khi nàng chuẩn bị cho cú nhảy nhào lộn.

Nhưng vấn đề ở đây là thế giới này không có chỗ cho bi kịch, hay những hành động dũng cảm lên tiếng khẳng định đúng-sai. Không ai được yêu cầu làm gì ngoài việc ngồi yên chiêm ngưỡng vẻ đẹp của màn trình diễn. Nhưng con người bằng xương bằng thịt sẽ chịu ngồi yên tới bao giờ? Đây chính là tóm tắt định hướng của Kafka. Con người được sinh ra cho viễn cảnh thứ nhất chứ không phải viễn cảnh thứ hai. Chính sự không hoàn hảo của con người khiến cuộc đời này trở thành hiện thực – và đáng quý. Vị khán giả trong rạp xiếc cố gắng tưởng tượng ra cho mình một vai trò có nghĩa đối với chuyện đang xảy ra, nhưng lại cảm thấy bị ruồng bỏ bởi cảnh tượng đẹp đẽ không tì vết trên vũ đài. Chúng ta không được trang bị để sống cuộc đời chỉ gồm những tình huống lý tưởng như thế.

Các tác phẩm của Kafka ta bàn luận trong phần đầu của nghiên cứu này có thể chia làm hai dạng chính. Dạng thứ nhất, bao gồm “Cái hang” và Lâu Đài, tập trung vào những phương diện của cuộc đời mà trong đó lý trí dù lợi hại đến mấy cũng chỉ là con dao hai lưỡi. Dạng thứ hai, “Hoá thân” và “Trên khán đài”, kể về việc thế giới trong mơ tốt đẹp và dịu dàng của các triết gia Khai sáng đã bị đảo lộn ra sao bằng sự tái thiết lập hệ giá trị xưa cũ. Câu chuyện nổi tiếng của Kafka mang tên “Das Urteil” (“Lời tuyên án”là một ví dụ điển hình cho dạng thứ hai, và ta sẽ tiếp tục bàn luận về nó trong phần sau.


[1] Các đoạn trích Lâu Đài lấy từ bản dịch của Lê Chu Cầu, Nhã Nam 2018.

[2] Các đoạn trích lấy theo bản dịch với tiêu đề “Hang ổ” của Nguyễn Văn Dân trong Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka, Đông Tây 2003.

[3] Các đoạn trích lấy theo bản Vụ án/Hóa thân của Phùng Văn Tửu-Đức Tài dịch, NXB Văn học 1989.

PHẦN II

[Phần thứ hai trong xê ri hai phần về nhà văn đã làm thay đổi quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa duy lý hiện đại.]

Trong phần I của tiểu luận này, tôi đã lập luận rằng đa số các tác phẩm của Kafka rơi vào hai địa hạt chính. Trong trường hợp đầu tiên, việc quá tin vào lý tính thường dẫn đến những tổn thất nặng nề khi lâm vào những hoàn cảnh trong đời sống mà lý tính không thể kiểm soát được. Trong trường hợp thứ hai, các nhân vật trong truyện đã lạm dụng và phá bỏ đi những dạng hành xử trên tinh thần triết học Khai sáng dù vẫn sống theo những nguyên tắc đó. Không có tác phẩm nào minh chứng rõ ràng cho trường hợp thứ hai hơn là truyện ngắn nổi tiếng “Das Urteil” ( “Lời tuyên án”) của Kafka, một câu chuyện kể về cái cách mà con người ta dùng lòng tốt theo kiểu văn minh và những cử chỉ trách nhiệm đầy mình để phục vụ cho sự xấu xa hiểm ác vẫn luôn đeo đẳng nhân tính.

Thế giới trong truyện “Lời tuyên án” gồm có ba nhân vật – Georg, cha anh, và một người bạn sinh sống ở Nga – nhưng người đọc chỉ quan sát mọi chuyện từ góc độ suy nghĩ của Georg. Câu chuyện được kể dưới hình thức những biện luận lý tính ám ảnh quen thuộc của Kafka, và trong đó, Georg liên tục tập dợt những lời biện minh cho hành động của mình. Anh mở đầu câu chuyện bằng một màn độc thoại dài lê thê về người bạn của mình. Georg hết sức lo lắng cho bạn: người bạn tội nghiệp ấy có vẻ là một trường hợp thất bại thảm hại trong cả công việc kinh doanh lẫn trong đời sống tình cảm. Thoạt tiên ta hoàn toàn có thể thấy những suy nghĩ này là những băn khoăn trăn trở của một người mong muốn tìm cách giúp đỡ bạn mình, nhưng chẳng mấy chốc ta phát hiện ra những biểu hiện vô cùng đáng quan ngại cho thấy một điều gì đó hoàn toàn khác đang xảy ra.

Georg dường như không chỉ suy nghĩ và buồn bã thay cho số phận bạn mình ở Nga – anh vui sướng đắm mình trong đó. Anh suy nghĩ nên viết thư cho bạn thế nào:

Anh có thể viết gì cho một con người rõ ràng là đang thất bại trong cuộc sống ấy, người mà anh chỉ có thể bày tỏ lòng thương cảm mà không giúp được gì? Chẳng lẽ anh khuyên anh ta quay về nhà, về đây để nối lại các quan hệ tình bạn cũ – điều mà không có gì gây cản trở cả – và mọi thứ hãy giao phó cho sự giúp đỡ của bạn bè? Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là ngụ ý nói cho anh ta biết – mà càng nói bóng gió thì càng làm nhục anh ta – rằng mọi nỗ lực của anh ta cho đến nay đã không đem lại kết quả.[1]

Ngay từ đây ta đã thấy Georg rất lấy làm vui sướng trên sự bất hạnh của bạn mình, và cảm tưởng này chỉ ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Georg mường tượng ra cảnh bạn mình trở về nhà và phản ứng của mọi người trước sự trở về của anh: Georg nghĩ, người bạn ấy sẽ phải chuẩn bị tinh thần bị mọi người soi mói, và anh sẽ phải chấp nhận sự thật rằng so với tất cả những người bạn thành công và thực tế hơn, mình không là gì ngoài một đứa trẻ non dại. Từ chỗ cam đoan rằng chẳng có gì ngăn cản bạn mình trở về nhà, ngay trong câu kế tiếp, Georg đã nói thẳng ra những điều sẽ xảy ra một khi người ấy trở về: bị bạn bè coi thường và thương hại. Thứ ban đầu là một màn kịch thương cảm thật lòng cho một người bạn lầm lạc đã trở thành một cuộc trác táng của những cảm xúc tự mãn và hân hoan hiểm ác. Georg đã biến đồng cảm thành vũ khí: anh dùng ngôn ngữ của lòng tốt để thực hiện mưu đồ huỷ diệt.

Tại sao anh lại làm như thế? Tương tự như việc một phần thông điệp của truyện “Cái hang” nằm ở sự tương phản ngầm của nó với câu chuyện dân gian “Ba chú lợn con”, “Lời tuyên án” cũng có liên quan mật thiết với một câu chuyện khác mang sự tương phản nhiều ý nghĩa: dụ ngôn đứa con hoang đàng. Việc Georg cứ nhai đi nhai lại về màn tiếp đón mà người bạn sẽ nhận được nếu trở về nhà làm ta không khỏi nghĩ đến lòng căm hận tức tối của người con trai ở nhà đối với sự tiếp đón nồng hậu dành cho người con trai đã dám rời bỏ tổ ấm an toàn. Georg là người con trai thiếu dũng khí tự mình bứt phá, và rõ ràng anh sợ những đánh giá bất lợi cho bản thân khi hai người bị đem ra so sánh. Và lẽ vì vậy anh không ngừng tự huyễn rằng mọi chuyện đã trở nên tồi tệ ra sao với bạn mình, và sự trở về của người ấy sẽ bẽ bàng đến mức nào.

Georg tiếp tục đóng vai đạo đức giả khi kể với vị hôn thê của mình rằng anh phải cố tình giấu tin họ đính ước và hạnh phúc bên nhau nhằm tránh làm tổn thương cảm xúc của người bạn. Tuy nhiên, sự khó chịu của cô gái trước quyết định này lại dễ dàng thuyết phục anh kể tất tần tật ra. Giờ đây Georg có thể làm mọi thứ mình muốn dưới cái lốt quan tâm đến người yêu, và anh liền viết một lá thư gửi đến bạn để xát càng nhiều muối vào những vết thương tưởng tượng của bạn càng tốt. Trong thư, anh không quên đề cập đến việc cô vợ sắp cưới của mình xuất thân từ một gia đình hết sức giàu có và rằng người bạn có thể trở thành bạn tốt với cô nàng, “điều này hoàn toàn không phải là không quan trọng đối với một chàng trai chưa vợ.” Ở đây anh ngầm nói rằng bạn mình chắc chắn là một kẻ không thể hoà nhập được với xã hội và vì thế không thể tự mình có những mối quan hệ có ý nghĩa. Lá thư của Georg ngập tràn giọng điệu thù hằn, hạ cố, và ganh đua dưới vỏ bọc lòng tốt. Mặt tối trong bản chất con người không bị khuất phục – nó chỉ đơn thuần được trao cho thêm nhiều cách mới hơn để bộc lộ ra bên ngoài. Nếu anh muốn hạ gục đối thủ, giờ đây anh phải hành xử thật cao thượng. Và nếu có chứng cứ ngoại phạm thì càng tốt: khi Georg muốn mở lời kể về việc anh đã đính hôn với một tiểu thư nhà giàu, anh chỉ cần nhắc đến việc hôn ước của một người khác liên tục cho đến khi người bạn cắn câu đề tài hôn ước, rồi bước tiếp theo trở nên vô cùng đơn giản. Nhưng tất cả những chuyện này chỉ khẳng định một thực tế ngầm rằng những lựa chọn sống táo bạo và mạo hiểm hơn của người bạn đã khiến Georg cảm thấy yếu kém và ghen ăn tức ở, và vì thế Georg muốn tiêu diệt người bạn này.

Nhưng giờ một nhân vật khác lại xuất hiện trong truyện: cha của Georg. Georg đến gặp cha mình và bắt đầu dợt đi dợt lại lần nữa những giả thuyết đậm mùi ám ảnh của mình về người bạn. Cha anh đáp lại chỉ bằng một lời vặn đơn giản: “Có phải quả thật con có bạn [như vậy] ở Petersburg không?” Sự đơn giản của câu hỏi này làm mọi thứ thật mập mờ: cha anh hoặc là đang đặt nghi vấn về sự tồn tại của người bạn này, hoặc đang hỏi xem liệu người này có thật sự là bạn của Georg hay không. Nhưng Georg đã kịp nắm bắt được một hàm ý còn quan trọng hơn: cha anh đang đặt một dấu hỏi to lớn đối với toàn bộ những gì anh đã dựng lên về tình trạng của người bạn. Cha anh đã biến thành một mối đe doạ đối với thế giới nội tâm công phu mà Georg đã dày công dàn dựng để chống chọi lại với cảm giác yếu kém của bản thân.

Hệ quả là một cuộc đấu khẩu xảy ra giữa hai người họ. Phía Georg tấn công bằng cách tỏ vẻ quan tâm và lo lắng cho cha, nhưng đến giờ ta đã có thể dễ dàng nhận ra những việc đó chỉ nhằm mục đích tước vũ khí đối thủ bằng thái độ bề trên. Mặt khác, cha anh chỉ dùng những lời khẳng định sự thật vô cùng đơn giản, trực tiếp và trúng đích. Không bên nào tỏ vẻ thật hung hăng, nhưng cuộc đấu khẩu lại dẫn đến một kết thúc bi thảm.

Đòn phản công của Georg khá giống cách anh đương đầu với hiểm nguy anh nhìn thấy ở người bạn: “Thôi đừng nói đến bạn bè của con nữa. Một nghìn người bạn không bằng bố con. Bố có biết con nghĩ gì không? Rằng [bố không tự chăm sóc bản thân mình đủ]. Thế nhưng tuổi bố đáng được hưởng sự an nhàn. Bố biết rõ là bố rất cần cho con ở cửa hàng, nhưng nếu cửa hàng đe dọa sức khỏe của bố thì con có thể đóng cửa nó vĩnh viễn ngay từ ngày mai. Như thế này thì không thể được. Bố cần có một lối sống khác, phải thay đổi hoàn toàn… còn bây giờ bố hãy lên giường một chút, dứt khoát bố cần phải nghỉ ngơi.”

Những lời này thốt ra như thể nỗi lòng người con hết mình vì cha, nhưng mục đích chính lại là để khống chế hiểm hoạ đến từ việc cha anh nhìn thấu sự ganh đua đến mức tự hoại của anh. Để đấu lại những phát biểu dài dòng ám ảnh của Georg, cha anh một lần nữa phủ đầu George, đánh vào chính nền tảng cõi thực tế ảo kia bằng những lời hết sức ngắn gọn nhưng có sức công phá vô cùng lớn: “Con không có bạn nào ở Petersburg cả.”

Cú phản đòn chớp nhoáng này khiến Georg một lần nữa cố gắng vớt vát lại hiện thực giả mạo mà anh đã tạo nên bằng cách kể lể chi tiết mối quan hệ trước đây của cha anh với người bạn ở Petersburg này. Anh kể, cha anh chưa bao giờ thích người bạn đó; Georg đã tự hào biết bao khi cha anh vẫn cố gắng hành xử hoà nhã với bạn mình. Trong lúc nói, Georg liền tay cởi quần áo cho cha để chuẩn bị lên giường ngủ. Georg đã khống chế mối đe doạ đến từ người bạn dám nghĩ dám làm bằng cách mường tượng ra người ấy trong vai trò kẻ thua cuộc, và giờ đây anh khống chế thêm mối hiểm nguy đến từ cha mình bằng cách biến ông thành một đứa trẻ.

Cuộc đấu trí vẫn tiếp diễn. Cha anh hỏi hai lần: “Ta đắp chăn đã kín chưa?” Georg trả lời, “Bố cứ yên tâm, kín cả rồi.” Ta cũng không thể hiểu cuộc trò chuyện này theo nghĩa bề mặt. Khi dịch từ cách nói của một “người con hiếu thảo” sang ngôn ngữ của cuộc đấu khẩu sát sao đang diễn ra, ý nghĩa của nó hoàn toàn thay đổi. Cha anh trêu ngươi: “Vậy anh nghĩ anh trùm kín được ta hả?” và câu trả lời của Georg như một niềm ao ước thầm kín: “Bố cứ yên tâm, trùm kín cả rồi.” Lẽ vì vậy, khi cha anh đột nhiên la lên “Không,” rồi giở tung chăn đứng thẳng dậy, đó là cách ông phản kháng lại hàm ý của cuộc đối thoại.

Đến nước này rồi thì Georg đành lập tức rũ bỏ hết lớp kén bảo vệ bằng lời mà anh đã dựng lên để che thân và bắt đầu nói ngắn gọn lại và thực tế hơn. Anh hiểu ra rằng nỗ lực đối đầu với sự đe doạ đến từ cha mình bằng cách đối xử với ông như thể một lão già bất lực đã thất bại, và anh bắt đầu thừa nhận với mình những chuyện thực sự xảy ra: “Cách đây ít lâu anh đã bắt đầu quyết định là sẽ cố gắng chú ý quan sát tất cả mọi việc để không bị bất ngờ.” Anh biết rất rõ ngôi nhà xây bằng những lá bài mà anh dựng lên từ đầu đã vô cùng mong manh yếu ớt, và rằng cha anh rồi sẽ trở thành mối hiểm nguy đe dọa nó. Nhưng anh có một ảo tưởng cuối cùng: rằng cha anh sẽ giải quyết vấn đề khó khăn của anh bằng cách tự mình giải thể: “Bây giờ ông ấy sẽ đổ nghiêng… cầu cho ông ấy ngã tan xương ra!”

Cha anh bắt đầu đưa ra lời phán quyết: “Mi đã phải do dự biết bao nhiêu trước khi trở thành con người chín chắn! Mẹ mi đã phải chết mà không được hưởng ngày vui.” Lời hồi đáp của Georg không còn né tránh và chứa đựng sự hung hăng ngầm, mà thay vào đó vô cùng đơn giản và trực tiếp: “Như vậy là bố đã theo dõi con.” Giờ đây anh đã hiểu, cha anh luôn biết rõ anh làm gì.

Lời phán quyết tiếp tục:

Như vậy giờ đây mi biết là ngoài mi ra còn có cái gì, cho đến giờ mi chỉ biết có một mình mi! Sự thực mi chỉ là một thằng bé con vô tội, nhưng một sự thực lớn hơn nữa là mi là một kẻ độc ác! Cho nên mi hãy nghe đây: bây giờ ta kết án mi tội chết đuối!

Georg đành lòng chấp nhận sự công chính của lời phán quyết và lao đi thực hiện nó bằng cách nhảy cầu. Việc anh cảm thấy bắt buộc phải hoàn thành lời phán quyết có ý nghĩa gì? Việc này liên quan đến một thứ còn cao hơn cả lý tính. Sự kết tội của người cha có sức mạnh vô biên – đó là một án tử về mặt xúc cảm. Khi anh nhảy xuống, câu chuyện kết thúc như sau: “đúng lúc đó trên cầu quang cảnh đi lại thật là nhộn nhịp.”

Câu kết này có ý nghĩa gì với toàn bộ câu chuyện? Một thế giới tràn ngập sự kiện vẫn đang diễn ra bên ngoài phạm vi ý thức của Georg, một thế giới trong đó con người và sự vật đã hoàn toàn bị chia cắt với Georg bởi anh mãi chui rúc trong thế giới nội tâm với những suy tưởng ám ảnh và tự phụ của chính mình.

Bìa bản dịch tiếng Anh của Oxford University Press.

“Ein Hungerkünstler” (“Nghệ sĩ tuyệt thực”) cũng lại là một câu chuyện kể về sự thất bại của lý tính. Truyện kể về một người đàn ông biến việc tuyệt thực trở thành một hình thức nghệ thuật. Anh giam mình trong một chiếc chuồng nhỏ có chấn song, ban ngày đem ra trưng cho công chúng cùng thấy, tối đến thì có người canh gác chuyên nghiệp trông coi. Đây là cách mà người nghệ sĩ tuyệt thực hy vọng có thể tạo ra mục tiêu và ý nghĩa cho cuộc đời mình, để mang lại cho nó phẩm cách và chân giá trị. Mỗi người có một cách tạo ra trọng tâm và ý nghĩa sống khác nhau, nhưng chung quy lại mục tiêu ai cũng như ai. Hoạ sĩ và các nhà nghiên cứu ung thư tìm cách biến cuộc đời mình trở nên ý nghĩa bằng những thành quả họ để lại cho hậu thế. Có lẽ cách phổ biến nhất để đạt được cảm giác mình đã dùng cuộc đời này làm điều gì đó đúng đắn để lại cho mai sau chính là nuôi dạy con cái. Nhưng trong câu chuyện này, Kafka đã chọn một cách để tạo ra ý nghĩa sống mà hiếm ai từng nhìn nhận như vậy: tuyệt thực. Ông đã chọn một phiên bản khá là vô nghĩa của ý tưởng này bởi vì ông có những suy tưởng riêng đối với bản thân ý tưởng đó.

Lẽ dĩ nhiên, tuyệt thực đôi khi được sử dụng nhằm phục vụ mục đích chính trị và tôn giáo, nhưng nghệ sĩ tuyệt thực của Kafka sẽ xem đó là sự sỉ nhục đối với nghệ thuật của mình. Anh tuyệt thực vị tuyệt thực. Kafka đã gán cho nhân vật của mình cách nói năng và suy nghĩ mà ta thường thấy ở những người đắm đuối với việc đạt mục tiêu cao cả trong đời thực: các nhà leo núi, vận động viên bơi vượt eo biển Manche, nghệ sĩ, vận động viên chạy đường dài, vân vân. Anh nói bằng ngôn ngữ của tất cả những người đấy: anh trở tức giận nếu có ai thách thức sự chân chính trong hành động của mình, và anh khinh khỉnh chối bỏ những ý muốn thương mại hóa bộ môn nghệ thuật này cũng như mọi ý kiến cho rằng nó chỉ là một trào lưu nhất thời. Anh nói năng trong ánh sáng của mục tiêu cao cả soi rọi từ bên trong, và tin rằng mình có thể tạo ra một kỷ lục thế giới về tuyệt thực khiến ai ai cũng phải trầm trồ.

Điều quan trọng nhất đối với anh chính là tính liêm chính nghệ sĩ của mình, và vì thế anh tức giận khi những người canh gác chuyên nghiệp có nhiệm vụ canh không cho anh giả vờ tuyệt thực bằng cách lén ăn đã không làm việc nghiêm túc. Đôi khi họ mải chơi bài mà xao nhãng đi nhiệm vụ đảm bảo rằng anh đã thật sự tuyệt thực.

Thoạt nhìn có vẻ như Kafka đang chế giễu người nghệ sĩ tuyệt thực bằng cách khoác lên anh tất cả những màu mè trang trí của những người đạt thành tích trong đời thật. Nhưng điều đấy lại hoàn toàn đối nghịch với chủ định của Kafka: ông dùng hình mẫu người nghệ sĩ tuyệt thực để phóng chiếu và soi xét tất cả những hành vi tìm kiếm mục tiêu và ý nghĩa sống đã trở thành ám ảnh. Chúng ta đều quá quen thuộc với câu trả lời ngõ cụt của các nhà leo núi khi được hỏi về động lực: “bởi vì có núi thì ta leo thôi.” Trong trường hợp này các nhà leo núi thực ra lại thành thật đến lạ. Nhưng câu chuyện của Kafka đã trình bày vấn đề một cách khái quát hơn: “Cứ thử cố giải thích cái nghệ thuật tuyệt thực với ai đó xem,” người kể chuyện của Kafka nói, “nếu ai đó không cảm được nó thì anh cũng không làm cho họ hiểu được đâu.”[2] Đây thực ra lại là một câu trả lời hay hơn câu “bởi vì có núi” của các nhà leo núi, bởi nó có thể áp dụng được cho mọi tham vọng ám ảnh của nhân loại.

Nhưng liệu chăng nghệ sĩ tuyệt thực chỉ là một hình ảnh châm biếm cho tham vọng trở nên xuất chúng? Nếu thế, ta phải dễ dàng chỉ ra những điều khiến anh khác với những kẻ cuồng thành tích khác. Mà điều ấy lại thật khó. Có phải đấy là do tất cả những gì anh làm đều vô nghĩa không? Có lẽ cũng chẳng vô nghĩa hơn cái người gần đây đã leo bề mặt dốc đứng của núi El Capitan ở Thung lũng Yosemite mà không dùng dụng cụ leo núi. Có phải vì anh ta chỉ là một kẻ ái kỷ chăm chăm thu hút sự chú ý? Nhưng điều đấy cũng thật phổ biến. Có phải vì anh mạo hiểm chính sức khoẻ của mình không cần thiết? Năm 1967 Donald Campbell đã thiệt mạng khi cố gắng phá vỡ kỷ lục tốc độ chạy trên mặt nước: đó là một hành động lao vào nguy hiểm không cần thiết – chỉ quan trọng đối với những người quan tâm đến kỷ lục tốc độ chạy trên mặt nước.

Triết học Khai sáng muốn mọi thứ trong đời người đều phải được lý tính soi rọi kĩ càng. Nhưng điều câu chuyện của Kafka nói lên là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đời người – nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống – lại không thể áp dụng lý tính được. Người ta đi vào đó với niềm tin và tâm huyết, kể cả ám ảnh, nhưng hoàn toàn không có lý trí. Giúp đỡ người khác hẳn là một lựa chọn lý tính, và chắc chắn mang lại thoả mãn xúc cảm lớn lao, nhưng nó chỉ chuyển trọng tâm câu hỏi về ý nghĩa nhân sinh từ người này sang người khác: cuộc đời những người được giúp đỡ nhất định cũng phải có ý nghĩa gì đó. Và nếu không, vậy thì người thực hiện hành vi giúp đỡ đã đạt được điều gì?

Ở cuối truyện, người nghệ sĩ tuyệt thực đã làm tăng thêm một tầng ý nghĩa nữa cho nỗi hoài nghi trong câu chuyện đối với nỗi ám ảnh và những thành tích lớn. Anh tự thú nhận rằng anh chẳng thích ăn gì cả. Anh sống mòn mỏi rồi chết đi, nhưng ngay cả trước khi chết anh cũng đã bị người đời quên lãng. Anh không để lại gì cho hậu thế cả. Cuối truyện, người ta dọn sạch chuồng anh và đem anh đi chôn. Thế chỗ anh là một con báo trẻ trung đẹp đẽ, biểu trưng cho sức sống sung mãn. Con vật mang sự tự do ngay trong mình nó và niềm vui sống phả ra từ quai hàm. Vì sao lại kết thúc câu chuyện bằng hình ảnh này? Ý nghĩa ở đây chắc hẳn là chỉ có con người mới xoắn xuýt lên cố gắng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình; con báo là một con vật tuyệt mĩ huy hoàng sung sức bởi nó không phải lo những điều đó. Và tất nhiên, nó khác một trời một vực với nghệ sĩ tuyệt thực, bởi nó mượt mà và được nuôi dưỡng đầy đủ. Tham vọng ám ảnh đã vắt kiệt sức sống của kẻ nhịn ăn, nhưng sinh vật miễn nhiễm với cái lo âu cụ thể này của con người thì lại tràn trề sinh lực và đẹp đẽ.

Bìa bản dịch tiếng Anh của Oxford University Press.

Tiểu thuyết Der Prozess (Ván) kể câu chuyện của một người mang tên Josef K. bị triệu tập đến toà án nhưng không bao giờ biết được mình bị cáo buộc tội danh gì. Đây là tác phẩm đặc trưng nhất của tính từ “Kafkaesque”, có lẽ bởi cảm giác hỗn loạn trong một quy trình không bao giờ hiểu rõ được. Một lần nữa, những hạn chế của lý tính lại đóng một vai trò quan trọng: ta kỳ vọng rằng luật pháp là một cấu trúc mang lý tính cao, nhưng trong Vụ án, luật pháp lại không hề như thế. Thứ đáng lẽ phải là một cấu trúc vô cùng lý tính lại liên tục bị xói mòn bởi những hành động can thiệp hời hợt do bản tính bừa bộn của con người.

Đa số người đọc thường rút ra kết luận rằng Vụ án kể về một âm mưu đen tối nhằm chống lại K.: một cá nhân đen đủi bị những thế lực anh không tài nào hiểu nổi hành lên vật xuống. Nhưng nếu soi thật kĩ những gì xảy ra trong tác phẩm, ta sẽ nhận ra đó không phải là trọng tâm của câu chuyện. Hai người đến áp giải anh đi không hề biết vì sao mình lại làm công việc đó, và họ chỉ chăm chăm vào bữa sáng của K. và ăn lấy ăn để. K. hành xử như mọi người bình thường biết điều: “Đây là giấy chứng minh của tôi,” anh nói, “bây giờ xin được xem giấy tờ của các ông, nhất là lệnh bắt tôi.”[3] Hai người đó gạt phăng cách tiếp cận vấn đề nghiêm túc của anh: “Chúng liên quan gì đến bọn tôi chứ? . . . Ông định làm cho vụ án trọng đại khốn kiếp của ông kết thúc sớm bằng cách tranh luận với chúng tôi, những kẻ canh giữ ông, về giấy tờ và lệnh bắt ư? Chúng tôi là những nhân viên tầm thường, hầu như không tỏ tường gì về giấy tờ tùy thân và trong vụ của ông chẳng làm gì khác hơn là canh giữ ông mỗi người mười tiếng rồi được trả công.”

Không hề có một dấu hiệu nào cho thấy có bàn tay của một thế lực thống nhất và thù địch nào ở đây, dù một vấn đề hết sức thực tế đã nảy sinh: K. sẽ vô cùng vất vả mới vượt qua được những đội hình dày đặc bao gồm những con người bình thường, thiếu thông tin và thờ ơ ngăn giữa anh và hệ thống pháp luật bề ngoài tưởng chừng lý tính. Luật pháp hoạt động dựa trên một chuỗi những khái niệm trừu tượng và quy trình hoành tráng: trát toà, quyết định toà án, chứng cứ, và cuối cùng là công lý. Nhưng chắn giữa K. và luật pháp có quá nhiều cá nhân chỉ chăm chăm lo những vấn đề thường nhật trước mắt, như ăn sáng hay kiếm sống. Sự tráng lệ của luật pháp dường như không thể làm bọn họ ấn tượng nổi, nhưng chính họ lại đóng một vai trò lớn trong việc thực thi pháp luật. Họ có thể lơ là, đói bụng, mệt mỏi, hoặc chán chường, nhưng không bao giờ có thể trở thành hiện thân của những khái niệm nhân tạo trong luật pháp.

K. để ý thấy một, rồi hai, và cuối cùng là ba người sống ở căn nhà đối diện nhà anh đang ngó từ cửa sổ của họ sang để hóng hớt chuyện gì xảy ra. Họ đánh lạc hướng K., cũng như chính bản thân họ đang bị đánh lạc hướng bởi sự có mặt của hai chấp hành viên. Họ có tạo thêm giá trị gì cho câu chuyện của Kafka không? Họ chỉ đơn thuần là những người tò mò về những sự việc khác lạ. Họ không màng đến việc đang xảy ra là công lý hay bất công; thực tế là họ chẳng giữ thái độ gì trước việc đó cả. Khi nhắc đến các quy trình pháp luật, người đọc kỳ vọng sẽ được đọc về những phân biệt rạch ròi cẩn thận và những lời giải thích chính xác. Thay vào đó, ta chỉ nhận lại một đống bùi nhùi tầm thường: những kẻ hóng hớt chán chường với cuộc sống của chính mình và những chấp hành viên chỉ làm cho xong chuyện. Tất cả bọn họ đều không biết chuyện gì đang xảy ra hay vì sao lại như thế, và điều này khởi đầu cho một khuôn mẫu lặp đi lặp lại suốt truyện.

K. nhận được tin triệu tập ở toà án vào ngày Chủ Nhật tiếp theo đó, nhưng lại không được cho biết thời giờ. Anh được người ta đưa cho địa chỉ, nhưng lại không được nói cho biết là phòng nào trong toà nhà đó. Toà án thường toạ lạc trong những công trình chỉ phục vụ riêng mục đích xét xử, và thường trông vô cùng bề thế và hoành tráng. Chúng được thiết kế để tạo nên sự tôn trọng và tôn vinh sự huy hoàng của luật pháp. Nhưng nơi mà K. được chỉ đến lại là một khu chung cư và không hề có một dấu chỉ nào cho biết vị trí của toà án bên trong khu nhà này cả. Anh gõ cửa từng căn hộ một để tìm toà án, và cuối cùng khi anh gõ cửa một nhà trên tầng năm, một người phụ nữ trẻ mở cửa và chỉ sang một cánh cửa ngay cạnh đã mở sẵn. Thay vì được phân cách với đời sống hằng ngày bởi một công trình nguy nga nhấn mạnh vào sự độc nhất vô nhị của nó, toà án lại nằm lẩn khuất trong những căn nhà thường dân. Căn phòng xét xử còn chẳng hề trông giống phòng xử án chút nào. Một nhóm người lộn xộn đủ mọi thành phần xã hội hợp lại thành phông nền cho phiên xử K., và điều ấy hoàn toàn làm giảm mất tính nghiêm túc của luật pháp. Trong một góc phòng, một vụ quan hệ tình dục đột nhiên diễn ra thu hút đám đông hiếu kỳ. Công lý được đặt trong bối cảnh thường nhật, và cũng xô bồ lộn xộn hệt như thế.

Một thương nhân mà K. gặp trong công cuộc tìm kiếm của mình đã nói với anh những lời thẳng thắn tới mức tàn bạo về những chuyện sẽ xảy ra khi anh đi tìm công lý: “Ông nên nhớ rằng trong những chuyện kiện tụng này không ngừng có nhiều điều được đề cập mà lý trí không hiểu nổi; người ta quá mệt mỏi và đãng trí vì nhiều lý do, thế là người ta trốn chạy vào sự mê tín.” Điều tồi tệ hơn nữa là chính những người làm việc trong toà án đó dường như cũng bị điều này làm tổn hại; họ đã quá quen với không khí ẩm thấp mốc meo trong văn phòng đến nỗi không khí trong lành thổi vào từ phía cầu thang làm họ khó ở.

Tựa đề tiếng Đức của tiểu thuyết của Kafka, Der Prozess, thường được dịch sang tiếng Anh là The Trial (vụ án, vụ xét xử), nhưng nó cũng có nghĩa rộng hơn là “quy trình”, và đó hẳn là một cách ta nên áp dụng để hiểu về thêm về tác phẩm. Quyển sách cho ta biết về một quy trình vô cùng dài dòng, nhưng không bao giờ có một cuộc phán xử đích thực. Trong suốt quy trình này, ta nhận diện được chủ đề quen thuộc của Kafka về một hệ thống lý tính cao bị ăn mòn và biến dạng hoàn toàn dưới bàn tay vận hành của những kẻ hết sức dễ dàng bị xao nhãng và có xu hướng bỏ quên vấn đề chính.

Kafka dường như không phải xuất sắc nhất hay đặc trưng nhất trong Vụ án. Đó là bởi vì cách tiếp cận vấn đề lý tính và cẩn trọng của ông trong “Cái hang”, cũng như cách ông bàn luận về lý tưởng nhân sinh trong “Nghệ sĩ tuyệt thực” quá chấn động và độc đáo, nhưng trong Vụ án, những suy tưởng của ông lại tương đối quen thuộc. Sự can thiệp của các yếu tố con người vào những khái niệm trừu tượng của luật pháp đã là một ý tưởng hết sức bình thường – và càng quen thuộc hơn với những người nghiên cứu cách bồi thẩm đoàn quyết định từng trường hợp cáo buộc chẳng hạn. Nhưng có lẽ vấn đề trọng tâm của quyển sách chính là việc K. không bao giờ biết được mình bị cáo buộc tội gì, và “vì không được biết rõ cáo trạng và thậm chí có thể còn những cáo buộc khác nữa, ta phải nhớ lại toàn bộ cuộc đời, tới những hành động và sự việc nhỏ nhặt nhất, trình bày rõ ràng và phải được thẩm tra từ mọi khía cạnh.” Những gì Kafka nói ở đây hết sức chính xác và đau đớn. Trở thành đối tượng của một quy trình mà không có một cáo buộc rõ ràng là một điều vô cùng đáng sợ. Nhưng chuyện này lại hết sức quen thuộc với bất kì ai am hiểu về lịch sử luật pháp của thế giới Anh ngữ. Bởi đây chính là modus operandi – phương thức hành động của tòa hình án “Star Chamber” tai tiếng hồi thế kỷ 17 ở Anh Quốc, và các nhà phê bình của nó cũng có chung quan điểm với Kafka khi lý giải nguyên nhân biến nó trở nên độc ác vô chừng.

Bìa bản dịch tiếng Anh cuốn Nước Mỹ của Oxford University Press

“In der Strafkolonie” (“Khu trừng giới”) là một câu chuyện mà những giá trị của phong trào Khai sáng dường như lại bị lật ngược, nhưng việc này xảy ra có phần khác với những gì mà chúng ta đã thấy cho tới thời điểm này. Ở đây những giá trị kia cứ liên tục bị lẫn với những giá trị đối ngược, hậu quả là chúng thường có vẻ như cùng một lúc chỉ về các hướng khác nhau. Đây là bởi vì chúng chứa đựng một sự mơ hồ cốt yếu mà rốt cục thực sự tạo nên mâu thuẫn.

Truyện này kể về một cỗ máy hành hình các tù nhân theo kiểu tương xứng với tội ác của họ. Cỗ máy có nền tảng lý tính, nhưng cũng gây đau đớn và ác độc hơn, chẳng hạn như, một tiểu đội xử bắn. Ấy vậy mà cái ý tưởng lý tính ấy lại khiến cho cỗ máy trở thành niềm vui và niềm tự hào của một sĩ quan ở khu trừng giới. Nó được tạo ra bởi, và vì thế là di sản của, một cựu chỉ huy của trại, và vì thế có vẻ như chỉ về một quá khứ chưa được khai sáng. Chỉ huy mới có vẻ nghi ngờ cỗ máy, vì thế khiến cho viên sĩ quan sợ rằng nó sẽ sớm bị vứt bỏ.

Truyện bắt đầu với một du khách (nhà thám hiểm) tới thăm khu trừng giới và được đưa đi thăm một vòng, được đặc biệt hướng sự chú ý tới cỗ máy kia. Viên sĩ quan sợ rằng đây là một sự sắp đặt: y đoán rằng điều tay chỉ huy mới thực sự muốn là cho nhà thám hiểm kia biểu lộ sự kinh tởm trước cỗ máy và thế là tạo cơ hội để phá hủy nó. Hệ giá trị cố hữu trong tất cả những thứ này có vẻ đủ sáng rõ: quá khứ mông muội và tàn ác của cỗ máy cùng với viên sĩ quan tung hô nó hẳn sẽ bị gạt sang một bên dưới tay tương lai khai sáng hơn do cả chỉ huy mới lẫn nhà thám hiểm làm đại diện.

Tuy nhiên mọi việc lại không diễn ra như thế, bởi vì cả hai hệ giá trị đối lập này cứ liên tục lẫn vào nhau. Rắc rối đầu tiên là ngôn ngữ của chủ nghĩa lý tưởng lại bị cái bên không phù hợp độc chiếm – viên sĩ quan. Y xem cỗ máy là một thứ kỳ diệu. Nó viết tội ác của kẻ bị kết án lên lưng kẻ ấy, và viên sĩ quan tin rằng trong hành động ấy có cả cái đẹp lẫn công lý mà thậm chí đến kẻ bị kết án kia cũng hiểu. Nhưng cái hành động viết này được thực thi không phải bằng mực mà bằng kim: nó đâm vào thân thể của người bị kết án.

Viên sĩ quan cũng mê tít độ hoàn hảo về kỹ thuật của cỗ máy. (Lại một lần nữa, chủ đề từ truyện ngắn “Cái hang”, và một dấu hiệu cho thấy lý tính đang đi lạc sang hướng phi lý tính.) Độc giả nhìn thấy sự tàn ác, nhưng cách miêu tả cỗ máy của viên sĩ quan thì lại luôn ngăn trở một chủ đề cốt yếu của chủ nghĩa Khai sáng: rằng lý tính và tri thức giúp chúng ta trở thành người tốt hơn, vì thế có khả năng hiểu được những vấn đề đạo đức hệ trọng và hành xử tử tế và cảm thông. Ở đây mọi thứ lại như ngược lại, bởi vì viên sĩ quan có quá nhiều đức hạnh. Y trung thành (với vị chủ huy cũ), tôn sùng chính nghĩa, thể hiện sự liêm chính trong sự tôn sùng đó, đề cao công nghệ, cho thấy sự kiên nhẫn và thấu hiểu khi y giải thích hết sức cẩn trọng cách cỗ máy hoạt động, và trọng danh dự theo kiểu mà không ai khác bộc lộ – dĩ nhiên nhà thám hiểm thì không rồi, như tất cả chúng ta sẽ thấy. Y tôn sùng cái chính nghĩa của cỗ máy với một tình cảm gần như tôn giáo, và trong hành động tôn sùng cuối cùng y thậm chí sẵn lòng hy sinh bản thân mình cho nó.

Tất cả những chuyện này dường như để ngăn cản cho viên sĩ quan đứng khít vào vai trò của kẻ mông muội chưa được khai sáng mà cốt truyện đại cương rõ ràng là muốn phân cho y. Tồi tệ hơn, nhà thám hiểm lại không khít vào cái vai được phân cho mình khi không phải là kẻ đem lại cách sống khai sáng hơn. Thay vì kinh hãi trước sự tàn ác của cỗ máy như chúng ta tưởng vì cái vị trí được cho là của ông ta trong cốt truyện, nhà thám hiểm lại có vẻ chán chường với toàn bộ việc này: “Nhà thám hiểm không quan tâm mấy đến cỗ máy và ông đi đi lại lại phía sau lưng phạm nhân với một vẻ hoàn toàn vô tâm.”[4] Ông ta quan tâm hơn tới việc đồng phục của tay sĩ quan và cánh lính mặc có vẻ quá nặng nề ở vùng nhiệt đới.

Quả đúng là khi nhà thám hiểm bắt đầu hiểu cỗ máy, ông ta chống lại nó. Nhưng phản ứng của ông ta yếu ớt thấy rõ: giải thích của viên sĩ quan không làm ông ta thỏa mãn, ông ta nghĩ, nhưng “dù sao ông cũng buộc phải công nhận rằng đây là một trại lao cải, nơi đây cần phải có những biện pháp đặc biệt, và nói cho cùng thì cần phải được tiến hành theo kiểu quân sự.” Ông ta đang cố tìm ra một lý do để khỏi phải can thiệp.

Nhà thám hiểm tìm thấy lý do để không phải hành động: đó là sự tôn trọng các nền văn hóa khác, một trong những đặc điểm của chủ nghĩa Khai sáng – và cũng là một trong những cạm bẫy: “nhà thám hiểm suy nghĩ: nếu như ta can thiệp vào quyết định của người ngoài thì sẽ chẳng bao giờ đem lại ấn tượng tốt đẹp. Ông không phải là công dân của trại lao cải, cũng không phải là công dân của quốc gia có trại lao cải này. Nếu ông thử phản đối hoặc thậm chí thử ngăn cản cuộc hành hình thì người ta có thể sẽ bảo ông: ông là người ngoài, xin ông đừng có rối lên như thế.”

Nhà thám hiểm rõ ràng là vị quan tòa phân xử về mặt đạo đức, nhưng việc này chỉ có thể thành công nếu ông ta là tiếng nói của một nhân loại chung vượt thoát khỏi một địa phương nhất định. Ông ta nghe có vẻ bao dung, nhưng lòng bao dung của ông ta thực sự lại là của một kẻ không muốn bộc lộ quan điểm riêng của mình vì có thể khiến cuộc sống của mình trở nên khó khăn phức tạp. Ông ta không hề nghi ngờ gì chuyện cỗ máy phi nhân tàn bạo và quy trình xét xử không công bằng, nhưng khi được yêu cầu phải nêu rõ quan điểm thì ông ta lúc nào cũng lập lờ quanh co.

Tay sĩ quan cố nhấn vào vấn đề đạo đức bằng cách kêu gọi nhà thám hiểm ủng hộ, nhưng nhà thám hiểm thì không đáp lại. Khi tay sĩ quan cố lần nữa, vẫn chỉ có im lặng. Giờ thì tay sĩ quan cho chúng ta thấy rằng y hiểu sự mơ hồ trong hệ giá trị của nhà thám hiểm người Âu châu: “ngài đang bị kiềm chế bởi những quan niệm của châu Âu; thậm chí có thể theo nguyên tắc ngài là một đối thủ của hình phạt tử hình nói chung và của cách hành hình cơ học như thế này nói riêng… chắc chắn là ngài đã được thấy nhiều điều kỳ quặc của nhiều dân tộc và ngài đã học được cách tôn trọng họ, do đó có lẽ ngài sẽ không can thiệp quyết liệt chống lại phương pháp này như ngài có thể làm ở nước ngài.” Điều viên sĩ quan hiểu ra là châu Âu được khai sáng kia đi theo cả hai mô hình đối nghịch nhau: một mặt, sự bao dung văn hóa của nó dạy rằng tất cả các nền văn hóa đều xứng đáng được tôn trọng, nhưng mặt khác nó cũng tin tưởng vững chắc rằng đạo đức của nó là cái duy nhất đúng đắn. (Sự phải đạo chính trị thời hiện đại không phải là thứ phát minh ra sự mâu thuẫn này, như nhiều người dường như vẫn tưởng.)

Nhà thám hiểm tiếp tục bịa ra lý do cho việc ông ta không sẵn lòng phải đưa ra quan điểm cụ thể của mình. Ông ta chả gây ảnh hưởng gì được mấy với vị sĩ quan chỉ huy, ông ta bảo, vì thế không thể giúp cũng chả gây hại gì cho vị sĩ quan. Chỉ khi vị sĩ quan bắt đầu nhẩm đi nhẩm lại thật to cái chiến thắng tưởng tượng nếu có bao giờ nhà thám hiểm đứng về phía anh ta một cách công khai thì cuối cùng nhà thám hiểm mới nói: “Tôi là kẻ thù của thủ tục xét xử này.” Nhưng ngay cả sau đó ông ta cũng cuống cuồng quay trở lại một vị trí trung tính hơn bằng cách bảo với viên sĩ quan rằng ông ta bị ấn tượng bởi niềm tin chân thành của viên sĩ quan, và rằng vì thế ông ta sẽ không công khai tuyên bố quan điểm của mình, mà chỉ nói riêng với viên chỉ huy ông ta nghĩ gì mà thôi.

Chuyện xảy ra tiếp theo gần như là một cử chỉ biến chính mình thành phi lý của hai nhân vật này. Viên sĩ quan chuẩn bị cho cỗ máy hành động oanh liệt một lần cuối cùng bằng cách tự hiến tế chính mình, trong khi nhà thám hiểm thì tự nhủ rằng, “ông không hề có quyền ngăn cản viên sĩ quan thực hiện ý định của y. Nếu như cái thủ tục xét xử mà viên sĩ quan thiết tha ủng hộ sắp sửa bị bãi bỏ… thì giờ đây y sẽ phải hành động theo đúng logic của vấn đề; ở vào địa vị của y, ngay cả nhà thám hiểm cũng sẽ phải phản ứng như vậy.”

Trong “Trại lao cải” của Kafka, ban đầu cốt truyện tưởng như định phân vai cho hai nhân vật chính, định hướng thái độ mà độc giả nên dành cho họ. Đầu tiên là kẻ tra tấn trông lạc hậu, ác độc, tàn bạo, và thứ hai, tiếng nói của những thời đại tương lai nhân văn và được khai sáng hơn. Rắc rối là ở chỗ Kafka phân đặc điểm đúng mà sai người. Viên sĩ quan thì chu đáo, lý trí, lý tưởng, và nguyên tắc, trong khi nhà thám hiểm thì vô luân, ích kỷ, lơ là nhiệm vụ mà ông ta biết là nhiệm vụ của mình. Lúc kết thúc truyện nhà thám hiểm chuẩn bị lên tàu đưa ông ta đi xa khỏi cái khu trừng giới kỳ quặc này thì một cậu lính quèn từng hộ tống viên sĩ quan và một người đã bị kết án tử hình trên cỗ máy chạy vội xuống cầu tàu để theo ông ta trốn thoát khỏi đây. Hai người này bị cản lại quyết liệt: “Họ vẫn còn có thể kịp nhảy xuống thuyền, nhưng nhà thám hiểm đã nhặt dưới đáy thuyền lên một sợi dây cáp to với những nốt buộc sần sùi để đe dọa hai anh chàng kia, ngăn không cho họ nhảy xuống.” Vậy là sau khi cuộc giằng co giữa hai hệ đạo đức kết thúc, cái cuối cùng chiến thắng là một động cơ còn lâu đời hơn cả hai: bản năng tự bảo tồn.

Các nguyên lý của tinh thần Khai sáng bị đảo ngược, trong truyện này người tuân thủ nhất lý tính và nguyên tắc lại chính là người gây ra khổ đau nhất, và người lẽ ra nên là quan tòa đưa lại một thế giới nhân văn và công chính hơn thì lại bị tha hóa bởi động cơ rất con người mạnh mẽ nhất và cổ xưa nhất hạng. Và tồi tệ hơn, chính giá trị bao dung của tinh thần Khai sáng đã đem lại cho cái lực lượng cổ xưa này vỏ bọc mới. Tinh thần Khai sáng có thể cố hết sức đòi chúng ta phải có những tiêu chuẩn ứng xử cao hơn và tốt hơn, nhưng nó không thể thay đổi được bản chất con người chúng ta.

“Ein Landarzt” ( “Một thầy thuốc nông thôn”), giống như truyện “Trên khán đài”, là một văn bản ngắn thành công nhờ đặt thế giới được khai sáng bên cạnh thứ nó cố gắng thuần phục và chế ngự mà không thành công. Truyện mở ra với một thầy thuốc nông thôn rơi vào một tình thế khó xử: anh ta cố đến khám cho một bệnh nhân đau ốm, nhưng không có ngựa để thắng vào xe bởi vì ngựa của anh ta đã chết. Trong lúc quẫn bách anh ta đá vào cửa chuồng lợn bỏ không thì cánh cửa mở ra. Bên trong có hai con ngựa khổng lồ, cơ thể bốc hơi ngùn ngụt. Cùng xuất hiện với chúng là một gã đang ngồi xổm dưới đất.

Ngay từ đây chúng ta đã thấy cặp đối lập quen thuộc: một bên, vị thầy thuốc, con người văn minh của tri thức, lý tính, và lòng trắc ẩn, người hết lòng giúp đỡ kẻ khác. Còn một bên, thế lực mà anh ta cần viện tới để vận chuyển mình là cực trái ngược với mình: nó hiện ra từ trong chỗ tối đen sâu thẳm của một nơi bẩn thỉu, một cái chuồng lợn. Một thứ súc vật đầy đe dọa. Vị thầy thuốc có thể là con người của lý tính, nhưng cỗ xe của anh ta sẽ được kéo bởi một lực thú vật xuất hiện từ một nơi kinh tởm và tối tăm – một thế lực không có lương tâm. Nền văn minh cố thuần phục cái lực đó, nhưng không bao giờ thủ tiêu được nó.

Cái gã đi cùng hai con ngựa bò tứ chi ra khỏi cái chuồng lợn. Quyết định chấp nhận sự giúp đỡ và ngựa của gã của vị thầy thuốc chẳng mấy chốc đã mang dáng dấp một hiệp ước với quỷ dữ. Gã coi ngựa kéo cô hầu gái của vị thầy thuốc lại sát mình rồi cắn má cô. Thoạt tiên vị thầy thuốc tức giận, gọi gã coi ngựa là đồ súc vật, và dọa sẽ quất gã, nhưng rồi lại rơi lại vào thái độ vô tư công bằng và thiếu vắng phê phán mà suy nghĩ lý tính bình tĩnh luôn có khuynh hướng rơi vào, khi anh ta nghĩ: gã là một kẻ xa lạ; mình không biết gã từ đâu tới; và gã sẵn sàng giúp đỡ mình khi chả có ai chịu giúp cả. Con người lý tính và thiện ý cố tin rằng thế giới và tất cả những gì thuộc về nó đều giống như mình.

Vị thầy thuốc nhanh chóng trả giá cho việc suy nghĩ bình tĩnh đầy lý trí khi đối mặt với thế lực thú vật đơn thuần kia. Cô hầu gái chạy thoát khỏi kẻ tấn công vào nhà khóa cửa, nhưng tên kia đập tay vào nhau khiến hai con ngựa lồng lên chạy đi, mang theo vị thầy thuốc. Khi hai con ngựa phi đi, anh ta nghe thấy tiếng cửa nhà bị phá sập: cô gái sẽ không chống cự gì được, số phận cô do tên này định đoạt. Cuộc đời vị thầy thuốc giờ đây mất kiểm soát, và trong một giây cỗ xe của anh đã đến đứng trước cửa nhà bệnh nhân. Một người văn minh giờ đây bị khuất phục bởi những thế lực dã man mà anh ta đã giải phóng vì không chịu hiểu đặc tính của chúng.

Khi vị thầy thuốc vào phòng bệnh nhân, hai con ngựa đen đẩy cửa sổ mở ra thò đầu vào trong: chúng thống trị cảnh ấy. Bệnh nhân là một cậu bé, và gia đình cậu ta đứng nhìn vị thầy thuốc khám cho cậu. Thoạt tiên vị thầy thuốc nghĩ cậu ta hoàn toàn khỏe mạnh và tất cả đều bình thường. Phải nhìn lại lần nữa anh ta mới thấy sau rốt mọi thứ không bình thường: cậu trai kia bị một vết thương lớn ở bên sườn. Và giờ toàn bộ cảnh tượng này lao dốc xuống thành nghi lễ nguyên thủy khi gia đình bệnh nhân lột hết quần áo vị bác sĩ và đặt anh ta nằm lên giường cạnh cậu bé. Mê tín và những tập tục dân gian cổ xưa đột nhiên gạt sang bên tri thức y học hiện đại. Vị thầy thuốc vội chạy ra ngoài để tẩu thoát, vẫn trần truồng, tưởng rằng ngựa sẽ đưa mình về nhà ngay tắp lự, như khi chúng đưa anh ta đến. Thay vào đó, lũ ngựa lại đi với tốc độ sên bò, và giờ đây vị thầy thuốc hiểu ra hoàn cảnh tuyệt vọng của mình:

Thế này thì tôi sẽ chẳng bao giờ về được đến nhà; phòng khám đang ăn nên làm ra thế là đi tong; thằng kế nhiệm sẽ chiếm mất, nhưng chẳng ích gì đâu vì hắn sẽ không thay thế được tôi; cái thằng coi ngựa kinh tởm kia thì quần thảo phá nát nhà tôi; Rosa trở thành nạn nhân của hắn; tôi không thể nghĩ đến chuyện này. Trần truồng, phơi ra sương giá vào cái lúc khốn khổ nhất hạng trong mọi lúc, với cái xe trần tục còn ngựa thì phi lý, tôi là một lão già đi loạng choạng… Bị lừa! Bị lừa! Lỡ một lần đi theo tiếng chuông lừa mị của cái chuông đêm ấy thì thôi hết đường sửa chữa.

“Một thầy thuốc nông thôn” là một câu chuyện có tác động lớn về những luồng sóng ngược liên tục của những thế lực trong đời sống con người mà lý tính không thuần phục hoàn toàn được, và luôn dọa sẽ chiếm quyền kiểm soát. Lý tính của vị thầy thuốc đã làm cho anh ta mù lòa trước lớp sóng dội này, và vì thế anh ta hành động khinh suất, không hiểu ra được tình thế thực sự nguy hiểm đến thế nào.

Đối diện với thứ có vẻ là những câu chuyện gây hoang mang bối rối, độc giả và nhà phê bình thường trốn vào cái ý tưởng rằng những chuyện này không thể hiểu như những chuyện khác được, hoặc là có thể hiểu được theo nhiều cách khác nhau, hay thậm chí chúng giống như những giấc mơ. Câu trả lời đơn giản cho thái độ từ bỏ việc đọc để hiểu này là: nếu thứ gì đó có thể có nghĩa là bất cứ gì thì nó chẳng có nghĩa gì cả. Hậu quả không thể tránh khỏi của cái ý niệm rằng Kafka có thể có nghĩa là bất cứ gì là một lối suy đoán siêu hình cực kỳ lộn xộn không có chút căn cứ gì trong những thứ mà ông đã thực sự viết ra. Nhưng thay vì mơ hồ và vô định, các câu chuyện của Kafka thật ra là những nghiên cứu chủ đề tập trung cực kỳ chặt chẽ.

Một cách tẩu thoát khác để khỏi phải hiểu Kafka viết về cái gì là cái ý tưởng hủy diệt rằng tác phẩm của ông chỉ ghi chép lại nỗi tuyệt vọng của ông với đời sống hiện đại; việc này, có vẻ như, giải thích cho sự u ám và nghịch dị tràn ngập khắp tác phẩm. Nhưng, ngược lại, rất nhiều người đã tường thuật lại rằng Kafka thường cười phá lên khi đọc tác phẩm của mình: ông không hề thấy nó u ám, và không có lý do gì chúng ta nên thấy như vậy cả. Có những yếu tố nghịch dị nhất định ở Kafka thật đấy, nhưng đây là sự nghịch dị của người vẽ tranh biếm họa. Biếm họa bóp méo hiện thực của một khuôn mặt, chẳng hạn, để nó có thể tô đậm thêm những đường nét nổi bật và thú vị nhất. Tương tự như thế, cái con vật mà Gregor trở thành trong “Hóa thân” là bức biếm họa về mối quan hệ của anh với gia đình mình, và còn có rất nhiều những trường hợp khác trong tác phẩm của ông.

Thay vì bị thống trị bởi sự u ám ủy mị, tác phẩm của Kafka là lời bình luận đầy tính trí tuệ và dí dỏm về những khía cạnh cá biệt của đời sống con người – chủ yếu là sự điên rồ của con người. Nếu thế giới của Kafka có vẻ quái đản, thì đó là bởi vì các nhân vật của ông thường hoang mang trong một thế giới hậu Khai sáng. Cứ như thể họ vẫn chưa học được cách phải làm gì với lý tính. Con vật trong “Cái hang” khăng khăng rằng quyền lực của lý tính phải thắng thế, nhưng lại không thể ngăn được chính mình cứ liên tục dệt nên những mạng lưới biện luận mới mà chỉ càng làm cho nó bối rối và mất định hướng. Viên đạc điền trong Lâu Đài làm cho mình kiệt quệ khi cố hiểu cái tổ chức không thể nào hiểu được theo cách mà anh ta muốn hiểu nó. Georg trong “Lời tuyên án” bày ra hàng loạt những biện luận phức tạp mà anh ta dùng không phải để hiểu thế giới, mà để làm vũ khí phòng bị và tấn công, thứ vũ khí chừa lại cho những người không còn có thể dùng cây chùy để dàn xếp mọi việc.

Trong lịch sử ý tưởng và đạo đức, phong trào Khai sáng là một bước ngoặt, một sáng kiến rõ ràng nhằm làm cho đời sống con người trở nên tương đối khác biệt với trước đây, và còn tương đối tốt đẹp hơn. Nhưng trong tiến trình tiến hóa của loài người, không có điểm ngoặt nào tương tự cả, không có thời điểm nào mà chúng ta đột nhiên trở nên khác đi. Chính cái sự không nhất quán đó là thứ mà phần lớn bình luận dí dỏm của Kafka tập trung vào – và có lẽ chính là thứ mà ông đưa ra cười nhạo.

Alicia Oanh Le, Zét Nguyễn dịch

Bản gốc tại: https://www.newcriterion.com/issues/2018/11/how-to-read-kafka-part-ii

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)


[1] Các đoạn trích lấy theo bản dịch của Nguyễn Văn Dân trong Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka, Đông Tây, 2003.

[2] Các đoạn trích lấy theo bản dịch với tiêu đề “Vô địch nhịn ăn” của Nguyễn Văn Dân trong Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka, Đông Tây 2003.

[3] Các đoạn trích lấy theo bản dịch Vụ án của Lê Chu Cầu, Nhã Nam, 2018.

[4] Các đoạn trích lấy theo bản dịch với tiêu đề “Trại lao cải” của Nguyễn Văn Dân trong Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka, Đông Tây 2003.