byNguyễn An Lý 21/06/2021 Leave a reply

Thời gian đọc: 9 phút
Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi Người hùng mang ngàn khuôn mặt ra đời (1949), và cuốn sách vẫn liên tục có những người đọc mới. Những người đọc ấy, hoặc sinh viên tìm đọc cuốn sách giáo khoa không ngớt được viện dẫn trong một chương trình văn học, triết học hay văn hóa học, hoặc những fan của văn học đại chúng muốn tìm hiểu sâu hơn về tư tưởng đã giúp cấu thành câu chuyện của một Ma trận hay một Chiến tranh giữa các vì sao, hầu hết đều trẻ, hầu hết đều giở sách trong lòng ngưỡng vọng, trong ấn tượng về Joseph Campbell như họ có thể đã thấy trong The Power of Myth (1988), series truyền hình đã khiến ông nổi tiếng toàn nước Mỹ một năm sau khi mất: một vị guru đẹp lão, đáng kính, không hề bớt đi sức sống và sự tinh anh ở tuổi 83, nói ra những lời thông thái đủ chỉ dẫn cho người ta sống hết một đời.
Lại có rất nhiều người dù chưa hề đọc sách đã biết đến người hùng của Campbell qua “Hành trình của người hùng” (the hero’s journey). Là “đơn vị hạt nhân trong thần thoại gốc (monomyth)” – khái niệm ông lập luận rằng có đủ sức bao quát mọi hệ thần thoại trên đời – hành trình của người hùng được đưa ra như là xương sống của mọi cốt truyện thần thoại hoặc phiêu lưu, một công thức tưởng như đơn giản nhưng chứa đựng vô vàn biến hóa khả thể: “Người hùng từ thế giới ngày thường dấn bước vào một vùng phép lạ siêu nhiên: chạm trán những lực lượng thần kỳ ở đó và giành được thắng lợi quyết định: người hùng từ chuyến phiêu lưu kỳ bí này quay về với quyền năng ban ân huệ cho đồng loại.” (tr. 46) Con đường từ cõi trần đến cõi thiêng (âm ty, hoặc thiên đường) rồi lại quay về bao gồm nhiều chặng: tiếng gọi phiêu lưu, gặp người phù trợ, bụng cá voi, gặp nữ thần, hòa giải với cha, đạt được ân huệ, quay về – êm thấm hoặc cần trốn chạy hay giải cứu, làm chủ hai thế giới… mà mỗi chặng lại ẩn dưới nhiều hình dạng khác nhau, ngắn dài hay tách nhập khác nhau trong mỗi nền thần thoại hay truyện kể khác nhau. Và trên con đường ấy là hai ngưỡng chứa đầy nguy hiểm: ngưỡng để bước vào thế giới siêu nhiên, và ngưỡng quay về; canh giữ ngưỡng là những rắn rồng đáng sợ mà người hùng sẽ chỉ tỏ rõ sự xứng đáng của mình nếu vượt qua được chúng.

Công thức thần thoại gốc này được Joseph Campbell đúc kết từ một khối lượng đáng kinh ngạc không chỉ những thần thoại thuộc mọi không gian và nền văn hóa khác nhau (chỉ cần liếc vào bảng tra cuối sách là đủ để ta kinh ngạc trước bề rộng hiểu biết của ông), mà cả thành quả nghiên cứu của nền phân tâm học, cùng chủ nghĩa hiện đại trong văn học lúc đó đã tựu hình đáng kể với những Yeats, Joyce, Mann. Hành trình của người hùng đã trở thành một khái niệm kinh điển trong nghiên cứu thần thoại học so sánh, ngang với hình thái học truyện cổ tích của V. Ya. Propp hay bảng mục lục motif của Stith Thompson. Hành trình của người hùng cũng đã vượt ra ngoài phạm vi của giới nghiên cứu mà trở thành một công thức dẫn đường đắc lực cho những người sáng tạo – tiểu thuyết gia, nhà làm phim, nhà sản xuất game, và tất cả những hình thức của nghệ thuật tự sự cần đến một cốt truyện thuyết phục. Ở vào thời đại thông tin này, nếu gõ vào trang tìm kiếm, sẽ thấy rất nhiều bài viết về hành trình của người hùng cùng những biến thể sau này của nó. Hành trình của người hùng đã trở nên có sức ảnh hưởng, thậm chí trở thành một quyền uy (nói như Campbell: đã được tri nhận như một bạo chúa) tới mức nhiều người sáng tạo thuộc thế hệ trẻ hơn đã cảm thấy cần thiết phải cưỡng lại, vượt ra ngoài nó. Công trình của Joseph Campbell đã trở thành một phần của thiết chế, thậm chí với cả những người có thể chỉ nhớ lờ mờ cái tên Joseph Campbell.
Ta sẽ ngạc nhiên khi nhớ rằng tác phẩm giờ đã thành kinh điển ấy là công trình độc lập đầu tiên của Joseph Campbell, và ông bắt tay vào viết khi vừa qua tuổi 40, đang là giảng viên ở trường đại học dành cho nữ sinh Sarah Lawrence College. Trong những lần phỏng vấn, Campbell kể lại đầy màu sắc và hài hước lai lịch ra đời của Người hùng: ông cùng bạn vừa cho ra đời một cuốn sách chú giải Finnegans Wake sau một vụ lùm xùm đạo văn với nhà viết kịch nổi tiếng Thornton Wilder. Cuốn sách lọt mắt xanh nhà xuất bản Simon & Schuster; ông được đề nghị viết một cuốn sách kể chuyện thần thoại nhắm vào công chúng (như Chuyện Kinh Thánh của Pearl Buck hay Thần thoại Hy Lạp của Nguyễn Văn Khỏa), nhưng từ chối. Thay vào đó, ông đề xuất viết một cuốn sách dạy cách đọc thần thoại, dựa trên bài giảng chào mừng của ông ở Sarah Lawrence College. “Đọc thần thoại như thế nào” cứ dài mãi ra, và năm năm sau khi ông hoàn thành cuốn sách, biên tập viên cũ của ông đã nghỉ việc và bản thảo của ông nằm trong ngăn kéo vài tháng trước khi được lịch sự khước từ. “Người hùng mang ngàn gương mặt bị từ chối ở hai nhà xuất bản,” ông nhớ lại, “và người thứ hai đã hỏi tôi: ‘Ai lại đi đọc cái này?’ ” (Pathways to Bliss [Đường tới diễm phúc]).
Câu hỏi kháy này hẳn sẽ gặp phải sự phản đối của các nữ sinh Sarah Lawrence, nơi ông dạy văn học so sánh và thần thoại so sánh từ năm 1934 đến 1972. Các cô gái trẻ không chỉ mê ông thầy điển trai vì những giờ giảng say mê nhiệt huyết (và bất cứ ai chỉ cần xem qua một băng phỏng vấn, lắng nghe một bài giảng ghi âm của ông sẽ phải thừa nhận ông có tài kể chuyện và nói chuyện cuốn hút tuyệt vời), và Campbell cũng không chỉ gắn bó với nơi đây vì được vây quanh bởi những bóng hồng (dù một cô trong số đó đã trở thành người vợ thủy chung sống nửa thế kỷ bên ông, diễn viên múa và biên đạo, đạo diễn múa lừng danh Jean Erdman). Mấy năm trước đó, Campbell vừa đoạn tuyệt với con đường học thuật mà ông coi là từ chương, khước từ tiếp tục chương trình tiến sĩ ở ngôi trường cũ muốn gò ép chàng trai vừa trở về từ châu Âu còn đầy ắp những ấn tượng mới mẻ về nghệ thuật hiện đại và văn minh cổ Ấn Độ. Ngôi trường nữ sinh mới mở không đặt nặng yêu cầu đào tạo học thuật cho đám nữ nhi, nhưng lại mở rộng cửa cho họ thực hành và sáng tạo, sáng tạo như những bài múa thể nghiệm của Jean Erdman. Và Campbell thấy mình không chỉ được thoải mái truyền dạy những kiến thức tích lũy mà không phải nương theo một chương trình cụ thể, mà bản thân mình cũng học được từ những sinh viên trẻ trung mới bước vào đời. “Nhà trường chủ trương chúng tôi nên nghe theo những mối quan tâm của học viên. … Các sinh viên nữ đã buộc tôi phải nhìn nhận lại chất liệu nghiên cứu của tôi [thần thoại] từ điểm nhìn của người phụ nữ, nghĩa là: Những điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống? Có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi không cần biết vì sao motif thần thoại này lại có ở đây và ở kia nhưng không ở đó. Nó có ý nghĩa gì với tôi?” (The Hero’s Journey) Và đấy là hướng tiếp cận đã biến Người hùng mang ngàn gương mặt, cũng như mọi cuốn sách, bài viết, bài giảng ông để lại, trở thành một trải nghiệm đọc độc nhất vô nhị mà mọi tóm tắt hay quy giản, mọi công thức để bắt chước theo đều không thể nào sánh được.
Một cách tóm tắt vụng về và nông cạn để làm bước đầu tìm hiểu có thể là như thế này. Trong cách nhìn của Campbell: hành trình của người hùng không chỉ là mô thức phổ quát mà ông đã khái quát ra từ mọi hệ thần thoại trên thế giới. Đó xét đến cùng là hành trình của mỗi người đang đọc (hoặc cả những người không đọc) cuốn sách này. Đó là hành trình mọi con người đều đi qua trong chặng đường sống của mình, chỉ cần họ ý thức ra điều đó. Trình bày phát hiện của mình về mối tương đồng giữa thần thoại và giấc mơ, giữa thần thoại học và phân tâm học, Campbell không chỉ muốn cung cấp cho con người thêm một chìa khóa để giải mã những động lực và chướng ngại, những bối cảnh tâm lý để họ nhận chân và hiện thực hóa ước vọng của mình; ông tìm cách trả lại chiều kích thần thoại cho cuộc sống của con người, và trả lại cho con người cảm thức về sự đồng nhất giữa bản thân mình và vũ trụ. Người hùng ở trong chính chúng ta, cũng giống như vũ trụ, hoặc Phật pháp, hoặc lực sống, hoặc thần tính ở bên trong chúng ta, và cũng như trong vạn vật; chúng ta trong một khoảnh khắc thời gian này là một biểu hiện của nhân vật phổ quát kia, đến lượt mình lại là hình tướng của vũ trụ vĩnh cửu.
Ai sẽ cần đọc thần thoại? Theo Campbell: là tất cả mọi người. Con người hiện đại đã thiệt thòi hơn con người nguyên thủy bởi mất đi sự nương tựa vào thần thoại, là chất keo để kết dính và trụ cột để nâng đỡ cộng đồng, cũng là mẫu hình để người ta bước đi trong đời mà tin tưởng rằng mình đang đi đúng hướng. Con người hiện đại, bất chấp những tiến bộ về khoa học và công nghệ, về tâm lý học và nền dân chủ, thu mình về trong từng cá nhân rời rạc, khi mà cộng đồng đã mở rộng ra cả hành tinh mà những hệ thần thoại lỗi thời của tôn giáo, quốc gia, sắc tộc chỉ có thể gây thêm chia rẽ chứ không thể nào thống nhất. (Cuốn sách khởi thảo vào những năm cuối của Thế chiến thứ hai ấy lại cổ xúy cho bình đẳng văn hóa và đại đồng thế giới đến mức đáng ngạc nhiên.) Cần phải trả lại cho con người ý thức về “phép lạ chính tâm”, cái trung tâm của tồn tại ta và cũng chính là trung tâm của vũ trụ, cái cửa mặt trời mà qua đó con người giao hòa với thần tính; nhưng để làm được thế, cần phải tìm được một thần thoại mới với những biểu tượng mới đủ sức cộng hưởng với tâm hồn của con người hiện đại. Campbell đề xuất ngành vật lý vũ trụ như một trong những nguồn khả thể của thần thoại hiện đại ấy, nhưng cũng cổ động sự sáng tạo của các nghệ sĩ lớn của thời đại, giống như ông đã đọc thấy trong Finnegans Wake của James Joyce (mà thuật ngữ “monomyth” chính là từ đây mà ra).
Điều Campbell không nhắc tới là, bản thân cuốn sách của ông cũng trở thành giống như một thần thoại của thời đại mới. Campbell tự nhận mình “tìm ra” công thức hành trình của người hùng khi học hỏi những người đi trước; có lẽ cũng không sai nếu nói ông đã “xây dựng nên” hành trình của người hùng, một bản sơ đồ để cho các thế hệ sau noi theo giống như Ulysses của Joyce đã đi theo thần thoại về Odysseus. George Lucas tuyên bố Người hùng đã “cầm lấy xấp khi ấy là chừng 500 trang [kịch bản nháp cho Chiến tranh giữa các vì sao] mà bảo tôi: câu chuyện là ở đây” và ca ngợi Campbell “đã trở thành Yoda của tôi”. Christopher Vogler, thuộc vào dự án Vua sư tử của Disney, đã viết hẳn một bản tóm tắt và sau đó phát triển thành The Writer’s Journey [Hành trình của người viết, 1992, 2007] để định hướng cho các nhà biên kịch Hollywood, một cuốn sách tự nó cũng đã trở thành kinh điển của ngành. Richard Adams cũng nhận vị anh hùng thỏ trong Đồi thỏ, và Dan Brown nhận giáo sư Robert Langdon, là những hóa thân của người hùng của Campbell. Và công thức hành trình của người hùng, như đã nói, đã trở thành một phần của thiết chế. Ngàn gương mặt của người hùng sau gần ba phần tư thế kỷ vẫn nhân bội mãi thêm, len lỏi vào những ngóc ngách mà tác giả của nó khi viết ra hẳn cũng không ngờ tới.
Khi nghe phát biểu của Lucas, Adams và những người khác trong lễ trao Huân chương Danh dự của Câu lạc bộ nghệ thuật quốc gia năm 1985 dành cho những đóng góp của ông đối với văn học, Campbell đã vô cùng cảm động. “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, bởi đấy chính là điều tôi hy vọng khi bắt tay vào viết, rằng tôi đang trao cho mọi người chiếc chìa khóa mở vào vương quốc của thi hứng, là nơi trú ngụ của thần thoại.” (The Hero’s Journey) Các nhà nghiên cứu văn học dân gian thuần thành, cũng như những nhà phân tâm học chuyên môn, vẫn ưa chỉ trích Campbell vì cách mà họ cho là ông đọc hời hợt và thiên lệch về truyện dân gian hay phân tâm học trong Người hùng; điều họ không nhìn thấy là thần thoại học so sánh như ông phát triển trong cuốn sách thuộc về địa hạt của văn chương hơn là học thuật (và kể cả những bộ sách lớn mà ông biên khảo như The Masks of God [Những mặt nạ của Thượng đế] cũng vẫn mang đậm dấu ấn của Campbell-thầy giáo, Campbell-người kể chuyện hấp dẫn với một lối văn giàu chất thơ). Người hùng nằm giữa văn chương và nghiên cứu, nhưng trước hết nó là một cuốn sách gợi cảm hứng – để người đọc thờ ơ với thần thoại đến đâu cũng sẽ gấp sách lại mà muốn đọc thêm nữa, tìm hiểu thêm nhiều nữa, để người viết sẽ nhiều lần giữa chừng muốn bỏ luôn cuốn sách để bắt tay vào dệt nên thần thoại của riêng mình.
Và đây cũng là một cuốn sách thấm đẫm một tinh thần triết học nhân văn và vị tha, một triết học không chỉ về bản chất của vũ trụ và sự sống, mà là của cách làm người. Nhớ lại khi Campbell đề nghị với Simon & Schuster viết một cuốn sách về cách đọc thần thoại, đáp lại ông là câu cười khẩy: “Một cuốn kiểu self-help ấy à?” Sau khi Người hùng đã trở thành tình yêu và cảm hứng của vô số người, cũng có những người cười nhạo họ đọc cuốn sách “như một thứ tôn giáo”. Đó tuy nhiên lại là sự thật. George Lucas có thể cám ơn Campbell đã gỡ bí cho mình để Darth Vader nói câu nổi tiếng “Ta là cha con”; nhưng một độc giả điểm sách trên Goodreads lại cám ơn Campbell đã khiến mình chùn tay khỏi hành hung người cha dượng ác nhân vì không muốn chính mình biến thành bạo chúa Chấp Thủ. Người hùng có thể tới nâng đỡ người ta vào những giây phút không ngờ như thế: với một người trẻ băn khoăn chưa muốn bước vào đời, với một vận động viên đang gặp khó khăn trong sự nghiệp, với một người đang chịu cảnh sinh ly hay tử biệt, và có lẽ, biết đâu đấy, với người đang dọn mình chuẩn bị hòa vào làm một với vô biên. Đây không phải là một cuốn sách đọc một lần để biết rồi để đó, mà là một cuốn sách người ta có thể đọc nhiều lần, vào những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời, và mỗi lần tìm thấy những điều khác nhau dành cho mình.
Xuất bản năm 1949, Người hùng mang ngàn khuôn mặt đã mở đầu cho một loạt công trình cả đồ sộ và xinh xắn – khảo cứu, biên tập, biên soạn, tiểu luận, du ký, bài giảng và cả sáng tác văn chương, một phần lớn xuất bản sau khi ông đã qua đời và vẫn còn một lượng di cảo lớn đang chờ biên tập bởi tay những bạn bè, học trò, nhà nghiên cứu tại Quỹ Joseph Campbell – chứng nhận cho một đời làm việc không mệt mỏi. Theo thông tin của Quỹ, cho tới nay cuốn sách đã bán được hơn một triệu bản và xuất bản trong hơn hai mươi thứ tiếng – dĩ nhiên không thể sánh được với Nhà giả kim hay Đắc nhân tâm, nhưng là một con số ấn tượng cho một cuốn sách thoạt nhìn sẽ bị xếp vào loại sách nghiên cứu khô khan nhàm chán – và có mặt trong danh sách 100 cuốn sách phi hư cấu tiếng Anh có sức ảnh hưởng nhất kể từ 1923 do tạp chí Time bầu chọn, bên cạnh những Đắc nhân tâm, Súng, vi trùng và thép, Những giấc mơ từ cha tôi (Obama)… Ở tuổi cổ lai hy, Người hùng của Joseph Campbell vẫn không hề mất đi sức quyến rũ, vẫn tiếp tục xuất hiện qua bản dịch ở những vùng đất mới.
Nguyễn An Lý
(Có thể đọc một đoạn trích trong sách ở đây.)
Ảnh: Nhã Nam.