Phỏng vấn Gabriel Garcia Marquez: Hành trang trong cuộc truy lùng (kỳ 1)

*Người phỏng vấn: Peter H. Stone
*Chuyển ngữ:

Trích dịch từ Tạp chí The Paris Review số 69, Mùa Đông 1981

 

 

GGMarquez

 

Lời Giới Thiệu:

Gabriel José de la Concordia Garcia Marquez sinh ngày 6 tháng 3 năm 1927. Qua đời ngày 17 tháng 4 năm 2014.

Nhà báo và nhà văn người Colombia. Lãnh giải Nobel văn chương năm 1982. Được xem như là một trong vài tiểu thuyết gia độc đáo dẫn đầu trong thế kỷ 20. Ông là một thành viên quan trọng, cùng với Isabel Allende, Salman Rushdie, Alice Hoffman… đại diện nhánh văn học thế giới trong phong trào nghệ thuật Magic Realism.

Ít ai biết đến văn tài của ông, cho đến khi tác phẩm Trăm năm Cô Quạnh ra đời năm 1967. bán 8 ngàn bản trong tuần lể đầu tiên. Tác phẩm của ông được đóng thành phim và được giới phê bình tranh cãi khắp nơi trên toàn cầu.

Ông qua đời bởi di căn của bệnh ung thư. Có nhiều tin đồn khác nhau về tác phẩm sau cùng của ông. Có lẽ thời gian sẽ giải bày về những di cảo và những gì ông đã viết trong những năm cuối đời bệnh hoạn. Tác phẩm chính thức được xem là sau hết: Vivir Para Contaria, Living to tell the tale, Sống để kể truyện, năm 2002.

Bài phỏng vấn mùa đông năm 1981 của tạp chí văn chương thế giới Paris Review do Peter H. Stone thực hiện, cho người đọc cái nhìn tổng quát về sự tình văn chương trong đời sống của Marquez và những quan niệm, kinh nghiệm và tư duy của ông về văn học.

Tôi xin tuyển chọn những câu hỏi và câu trả lời liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp về văn học, tác giả và tác phẩm. Xin bỏ bớt những đoạn có tính cách quá cá nhân hoặc chứa đựng những chi tiết không cần thiết. Xin chia bài phỏng vấn ra ba phần:

Kỳ 1: Hành Trang Trong Cuộc Truy Lùng

Kỳ 2: Trăm Năm Cô Quạnh và Mùa Thu của Nhà Độc Tài. (1)

Kỳ 3: Câu Chuyện Chưa Kết Luận.

Phỏng vấn kỳ 1 cho người đọc những thông tin liên quan đến hành trình trở thành nhà văn của Marquez. Điểm chú ý là nghề làm báo đã đào tạo cho ông quan sát, thu thập dữ liệu và ý thức về thực tế và sự thật. Viết văn giúp ông phát huy trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng từ những gì có thật trong thực tế là hành trang của ông.

Phỏng vấn kỳ 2 cho người đọc tìm hiểu thêm về hai tác phẩm nổi tiếng của ông, nhất là Trăm Năm Cô Quạnh. Điểm chú ý là phương cách xây dựng truyện và văn phong đặc biệt phù hợp với những chuyện kỳ quái.

Phỏng vấn 3 cho người đọc thấy những quan niệm trong và ngoài tiểu thuyết như Kỷ luật viết, ma túy, giấc mơ, cảm hứng, dịch thuật, phê bình….. Điểm chú ý là Dịch thuật. Vì cho đến nay, những tranh cãi phê phán về dịch thuật của người Việt vẫn nằm trong ước mơ sao y bản chánh theo tự điển.

Realisco Mágico, Magic Realism, một phong trào về nghệ thuật phát huy mạnh mẽ từ giữa thế kỷ 20. Gabriel Garcia Marquez được xem là một nhà văn thuộc phái này. Ngươi Việt dịch ra nhiều cụm từ khác nhau: Hiện thực huyễn tưởng, Hiện thực thần kỳ, Hiện thực huyền ảo, Hiện thực phi thường….Văn học Hoa Kỳ còn dùng vài từ khác để chỉ phong trào này: Marvelous Realism, Fabulism.

Lời dẫn của Peter H. Stone:

Cuộc phỏng vấn Gabriel Garcia Marquez xảy ra tại văn phòng nằm sau lưng nhà của ông ở San Angel, trong một khu vực cũ và dễ thương.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện qua ba lần gặp mặt vào ba buổi chiều, mỗi lần vào khoảng hai giờ đồng hồ.

Marquez nói tiếng Anh khá giỏi nhưng ông trả lời phỏng vấn hầu như bằng tiếng Tây Ban Nha và hai con trai của ông thay nhau thông dịch.

Khi Marquez phát biểu, cơ thể ông thường lúc lắc qua lại. Hai tay thường cử động nhẹ nhưng dứt khoát trong cử chỉ nhấn mạnh những quan điểm, hoặc biểu lộ sự thay đổi chiều hướng suy nghĩ của ông. Ông thay đổi vị trí có khi chồm về hướng người nghe, có khi ngả ra phía sau, hai chân bắt chéo lúc nói với suy tưởng trầm ngâm.

 

Ký 1: Hành Trang Trong Cuộc Truy Lùng

[……]

Hỏi:

Ông có nghĩ rằng tiểu thuyết làm được một số việc mà báo chí không thể làm?

Marquez:

Không. Theo tôi, không có gì khác biệt. Các nguồn tin đều giống nhau, dữ liệu như nhau, kế sách và ngôn ngữ tương tựa. The Journal of the Year Plague của Daniel Defoe (2) là một cuốn tiểu thuyết lớn, trong khi Hiroshima là một công trình vĩ đại của báo chí.

Hỏi:

Có phải nhà báo và nhà văn có nhiệm vụ khác nhau trong việc cân bằng giữa sự thật và trí tưởng tượng?

Marquez:

Trong ngành báo chí chỉ cần một sự thật bị sai lầm sẽ làm thiệt hại cho toàn bộ bài viết. Ngược lại, trong tiểu thuyết, chỉ cần một sự thật đúng đắn sẽ làm cho toàn thể câu truyện trở thành đáng tin. Đó là sự khác biệt duy nhất, và xem như là điều tự cam kết của người viết. Nhà văn có thể viết bất kỳ điều gì miễn là thuyết phục được lòng tin của người đọc.

[…]

Hỏi:

Trong những phỏng vấn vài năm trước đây, dường như ông nhìn lại việc làm báo và hoảng hồn vì sức viết quá nhanh lúc đó.

Marquez:

Tôi nhận thấy bây giờ viết lách khó khăn hơn xưa, kể cả tiểu thuyết và bài báo. Tôi đã không ý thức được mỗi chữ tôi viết khi còn làm việc trong tòa soạn, bây giờ thì ngược lại.

Khi còn làm việc ở El Espectador tại Bogota, tôi thường viết ba truyện ngắn trong mỗi tuần, hai hoặc ba biên tập mỗi ngày, rồi viết định giá phim ảnh. Ban đêm, khi mọi người ra về, tôi ở lại viết tiểu thuyết. Tôi thích tiếng kêu của máy Lino, nghe như mưa rơi. Nếu nó ngừng, tôi cũng khựng lại, không viết được. Bây giờ, kết quả viết tương đối rất ít, một ngày làm việc siêng năng, từ chín giờ sáng đến hai, ba giờ chiều, nhiều nhất là tôi viết một đoạn văn ngắn khoảng bốn năm hàng, rồi thông thường lại xóa bỏ vào ngày hôm sau.

Hỏi:

Sự thay đổi này vì công trình của ông được đánh giá cao hoặc vì những thỏa thuận mang tính chính trị?

Marquez:

Cả hai. Theo tôi, quan niệm viết cho nhiều người cao hơn là tôi đã từng tưởng tượng, tạo ra một nhiệm vụ chung nhất định như văn học và chính trị. Kể cả lòng tự hào không muốn bỏ rơi những gì đã làm trước đây.

Hỏi:

Ông bắt đầu viết như thế nào?

Marquez:

Bằng vẽ. Vẽ hí họa. Trước khi biết đọc biết viết, tôi thường vẽ hí họa trong trường và ở nhà. Thật là tức cười khi nhớ lại thời trung học, tôi được xem như một nhà văn dù chưa bao giờ viết điều gì. Nếu phải thực hiện một cuốn sách nhỏ về thời sự hoặc viết lá thư thỉnh nguyện, tôi là người làm việc này.

Khi vào đại học, tình cờ tôi có được căn bản văn chương nói chung là khắm khá, trên mức trung bình so với các bạn đồng lứa. Tại đại học Bogota, tôi bắt đầu quen biết bạn mới, có người đã giới thiệu tôi đọc những nhà văn đương đại. Một đêm, một người bạn cho tôi mượn cuốn truyện ngắn của Franz Kafka. Trở về nhà trọ, tôi bắt đầu đọc The Metamorphosis (sự biến thái). Câu viết đầu tiên gần như hất tôi văng ra khỏi giường. Hết sức kinh ngạc. ” … Gregor Samsa thức dậy sáng hôm đó, sau những giấc mơ bứt rứt, anh ta thấy mình biến thành một con sâu khổng lồ nằm trên giường…” Khi đọc hàng chữ này, tôi tự nghĩ, không biết có ai được phép viết những điều như vậy. Nếu biết, tôi đã bắt đầu viết truyện từ lâu rồi.

Sau đó, tôi khởi sự viết truyện ngắn, loại truyện trí tuệ, dựa trên căn bản kinh nghiệm văn học của tôi, lúc này chưa tìm được sự nối kết giữa văn chương và đời sống. Những truyện ngắn này được đăng tải trong trang văn nghệ của tờ nhật trình El Espectador tại Bogota và đạt được sự thành công giới hạn vào thời điểm đó. Có lẽ vì không có ai ở Colombia viết loại truyện ngắn trong dạng trí tuệ. Những truyện được viết hầu hết chủ yếu về đời sống nông thôn và đời sống xã hội. Khi tôi viết truyện đầu tiên, tôi nghe nói, truyện bị ảnh hưởng bởi nhóm Joyce. (3)

[…]

Hỏi:

Ông có thể kể lại một số những gì đã ảnh hưởng lúc ông còn trẻ?

Marquez:

Những người thật sự đã giúp tôi thoát ra khỏi thái độ trí thức ốc đảo về chuyện ngắn là những nhà văn Hoa Kỳ trong nhóm Thế Hệ Thất Lạc ( Lost Generation) (4). Tôi nhận ra văn chương của họ có liên quan đến đời sống, còn truyện ngắn của tôi thì không. Tiếp đến, một sự kiện rất quan trọng xảy ra, liên hệ đến quan điểm này. Đó là Bogotazo (5), trong ngày 9 tháng 4 năm 1948, khi nhà lãnh đạo, chính trị gia, Gaitan bị bắn chết, dân chúng Bogotá nổi loạn xuống đường. Nghe được tin này trong lúc chuẩn bị ăn trưa trong nhà trọ. Tôi chạy đến nhưng người ta đã đưa Gaitan lên taxi chở đến bệnh viện. Trên đường trở về, tôi thấy dân chúng bắt đầu tràn ra đường biểu tình, cướp phá các cửa hàng và đốt cháy các tòa lầu. Tôi tham gia với họ. Buổi chiều và đêm hôm đó, tôi đã nhận thức được bản tính của đất nước tôi đang sống, và những truyện ngắn của tôi không mấy liên quan đến bất kỳ những chuyện gì đã xảy ra như vậy. Về sau, khi tôi buộc phải quay lại Barranquilla (6) ở Caribbean, nơi tôi đã trải qua thời thơ ấu, tôi chợt hiểu được mẫu đời mà tôi đã sống, đã biết, và quyết định viết về những điều này.

Khoảng năm 1950-51, một sự kiện khác xảy ra đã ảnh hưởng đến chiều hướng văn chương của tôi. Số là mẹ tôi muốn tôi cùng đi với bà về Aracataca (7), nơi tôi sinh ra. Bà muốn bán căn nhà mà tôi đã sống năm đầu đời. Khi đến, thoạt tiên, tâm tư bị kích động vì năm đó tôi hai mươi hai tuổi và đã không trở về nơi đây từ năm lên tám. Không có gì thật sự thay đổi. Tôi cảm giác, không cố tâm nhìn vào làng nhưng có thể kinh qua như đang đọc nó. Giống như những gì tôi đang thấy đã được viết xuống, tôi chỉ việc ngồi và chép lại những gì đã sẵn có và những gì tôi vừa đọc.

Kết quả trong thực tế, tất cả những gì phát triển trong văn chương của tôi là những ngôi nhà, người dân và ký ức. Tôi không chắc, liệu mình đã đọc Faulkner hay chưa, nhưng tôi biết, lúc đó, chỉ có mỗi kỹ thuật như Faulkner mới có thể giúp tôi viết lại những gì nhìn thấy. Bầu không khí, cảnh điêu tàn, sức nóng trong ngôi làng gần giống những gì tôi cảm nhận ở Faulkner. Đó là khu vực trồng chuối nơi sinh sống của nhiều người Hoa Kỳ làm việc cho công ty trái cây, đã cho cùng một loại không khí như đã tìm thấy trong các nhà văn của Deep South. Những nhà phê bình đã nhắc đến việc bị ảnh hưởng văn cách của Faulkner, nhưng theo tôi, chỉ là sự trùng hợp. Đơn giản là tôi tìm thấy chất liệu dùng để xử lý, cùng một đường lối mà Faulkner đã giải quyết với chất liệu tương tựa.

Sau chuyến về làng, tôi trở lại, viết cuốn truyện đầu tay, Leaf Storm (8). Chuyện thật sự đã xảy ra cho tôi trong chuyến về Aracataca, là tôi đã hiểu rõ tất cả những gì diễn biến trong thời thơ ấu đều có giá trị văn chương, mà bây giờ tôi mới cảm kích. Từ lúc viết Leaf Storm, tôi nhận ra mình muốn trở thành nhà văn và không còn ai có thể ngăn cản tôi; chỉ còn có một điều phải làm, là cố gắng trở thành nhà văn hay nhất thế giới. Lúc đó, năm 1953, nhưng phải đợi đến 1967, tôi mới nhận được tiền nhuận bút đầu tiên, sau khi đã sáng tác năm trong tám tác phẩm.

Hỏi:

Ông có nghĩ rằng điều này rất phổ biến trong giới nhà văn trẻ, họ phủ nhận giá trị của thời thơ ấu với kinh nghiệm riêng tư để họ tư duy nặng nề kiến thức như ông đã làm lúc ban đầu?

Marquez:

Không, chuyện này có thể diễn tiến ngược lại nữa là khác. Nếu tôi phải gửi đến nhà văn trẻ đôi lời khuyên, tôi sẽ nói, hãy viết những gì đã xảy ra trong đời họ. Rất dễ phân biệt, một nhà văn đang viết về những sự việc đã xảy ra cho bản thân hay viết về những chuyện đã đọc hoặc nghe kể lại. Pablo Neruda đã từng viết câu thơ: ” Thượng Đế giúp tôi bằng sáng tác khi tôi ca hát. ” Tôi luôn luôn ngạc nhiên lấy làm thích thú vì những lời ngợi khen lớn nhất dành cho những truyện viết từ tưởng tượng, trong khi sự thật là không có một câu nào trong truyện của tôi mà thiếu cơ sở thực tế. Vấn đề là thực tế ở Caribean giống với trí tưởng tượng hoang tưởng nhất.

Hỏi:

Lúc này, ông viết cho giới nào? Độc giả của ông là ai?

Marquez:

Truyện Leaf Storm viết cho những người bạn đã từng giúp đỡ, cho mượn sách và rất nhiệt tình về sáng tác của tôi. Nói chung chung, theo tôi, khi viết thông thường là viết cho người nào đó. Khi viết, tôi luôn luôn nghĩ đến một người bạn sẽ ưa thích điều này, người bạn khác sẽ thích đoạn kia hoặc chương nọ. Luôn luôn nghĩ đến một người cụ thể. Cuối cùng, tất cả sách đều viết cho bằng hữu. Vấn đề là sau khi viết Trăm Năm Cô Quạnh (Cien años de soledad / One Hundred Years of Solitude), tôi không còn biết người nào trong hàng triệu độc giả mà tôi nghĩ đến khi viết. Điều đó làm tôi khó chịu và ấm ức. Giống như có một triệu con mắt đang nhìn mình rồi thật ra mình không biết họ đang nghĩ gì.

Hỏi:

Còn sự ảnh hưởng của báo chí trên tiểu thuyết thì sao?

Marquez:

Tôi nghĩ, đây là ảnh hưởng hổ tương. Tiểu thuyết giúp cho nghề báo của tôi thêm giá trị văn chương. Nghề báo giúp cho tiểu thuyết liên hệ gần gũi với thực tế.

( Còn tiếp Kỳ 2: Trăm Năm Cô Quạnh Và Mùa Thu Của Nhà Độc Tài.)

===============================================================

GHI:

(1) El otoño del patriarca, The Autumn of the Patrarch, Muà Thu của Tộc Trưởng. Theo nội dung của câu truyện, nhân vật đại tướng biểu tương cho nhà độc tài. Marquez đã ghép lại vài nhân vật độc tài nổi tiếng trong lịch sử: Gustavo Rojas Pinnilla (Colombia), Francisco Franco (Spain), Juan Vicente Gomez (Venezuela)…

(2) Lẽ ra phải viết: A Journal of the Plague Year, (1722). Peter H. Stone giữ nguyên văn của Marquez: The Journal of the year Plague.

(3) James Joyce (1882-1941), tiểu thuyết gia và thi sĩ người Ái Nhĩ Lan. Gây ảnh hưởng phong trào văn học tiền phong đầu thế kỷ 20.

(4) Lost Generation (Thế Hệ Thất Lạc) là thế hệ trẻ lớn lên trong thời Thế Chiến Thứ Nhất. Danh từ này do nhà văn Ernest Hemingway sử dụng trong tác phẩm ” The Sun Also Rises.”, từ đó trở thành thông dụng.

(5) El Bogotazo: Cuộc bạo loạn lớn xảy ra sau vụ ám sát ở Bogotá, Colombia. Các nhá lãnh đạo Đảng Tự Do và ứng viên tổng thống Jorge Eliécer Gaitán bị giết chết vào ngày 9 tháng 4 năm 1948, trong phủ tổng thống Mariano Ospina Pérez.

(6) Thủ phủ của Colombia.

(7) Aracataca, đô thị tự trị trong Colombia.

(8) Leaf Storm: Bản dịch của truyện La Hojarasca, 1955 của Gabriel Garcia Marquez.

nguồn: damau.org