người dịch : Phan Khôi
Lỗ Tấn có viết mười sáu tập tản văn. Ngoài tập Giã thảo là thơ tản văn ra, còn mười lăm tập, trong đó phần ít là nghị luận, phần nhiều là trào phúng hoặc đả kích mà ông gọi là tùy cảm hay tạp cảm. Mười lăm tập, mỗi tập có tên riêng ; chỉ ba tập, nên nó có mang hai chữ “tạp văn”. Tạp văn, theo Lỗ Tấn cắt nghĩa: Tác giả biên tập văn của mình có hai cách: một là phân loại, sắp theo từng văn thể ; một là biên niên, không phân biệt văn thể, cứ theo thứ tự ngày tháng viết ra nó mà biến thành tập. Tạp văn, cái tên ấy sinh ra bởi cách sau, vì những bài văn khác thể đặt chung một chỗ với nhau nên gọi là “tạp”.
Hai chữ “Tạp văn” trong tuyển tập này là dựa theo nó mà đặt tên.
Còn “Tuyển tập”, khi nói như thế là có ý nói chọn những bài hay. Nếu theo đúng nghĩa ấy thì ở đây không gọi là “tuyển” được. Nhưng nếu cũng được phép gọi là “tuyển”, thì lại tuyển theo một lối khác. Sự thực, khi dịch đây, tôi không chọn những bài hay theo theo chủ quan hay khách quan. Tôi chỉ chọn những bài nào tôi hiểu, nắm được cả nghĩa lẫn ý nguyên văn, và liệu những bài ấy có thể tiêu hóa được trong giới bạn đọc Việt Nam thì tôi mới dịch.
Theo cái nguyên tắc ấy, thành thử, cả tập Giã thảo, tôi không dịch một bài nào hết. Trong đó có những bài tôi hiểu nghĩa mà không hiểu ý, không hiểu ý tác giả muốn nói gì thì tôi không dám dịch. Nó là thơ. Mà tôi không phải một nhà thơ. Dịch tập Giã thảo, phải đợi có một nhà thơ Việt Nam nào kia.
Còn lại mười lăm tập, tôi đã đọc tất cả. Khi đọc mỗi tập, thấy có bài dịch được thì tôi ghi lấy, rồi lần lượt dịch từ hồi còn ở Việt Bắc cho đến khi trở về Thủ đô. Dịch trước sau cả thảy được ba mươi chín bài vừa ngắn vừa dài, mỗi bài ghi y theo ngày tháng của tác giả, in thành Tuyển tập nầy, vẫn là cách biên niên của tác giả.
Theo lối tuyển như trên đó, tôi chỉ dịch những bài ở trong mười ba tập, như có ghi cuối mỗi bài. Trong hai tập Hoa cái, Tam nhàn, tôi không dịch một bài nào.
Hết thảy những bài không dịch, hoặc thuộc về mấy cuộc tranh luận, nói qua nói lại dài dòng và vướng víu, hoặc thuộc về nghệ thuật chuyên môn, như vẽ, khắc gỗ là cái tôi dốt, hoặc có dính dấp với lịch sử đương thời mà chưa tra cứu được để chú thích, thì xin đợi ngày sau.
Trước đây tôi đã dịch và ấn hành Tuyển tập Tiểu thuyết Lỗ Tấn cũng làm bằng lối ấy. Thật là một việc làm tạm bợ, không xứng đáng. Tôi mong sau nầy phải dịch tiểu thuyết và tạp văn Lỗ Tấn cho đầy đủ, vì đó là một kho tàng quý báu chẳng những về văn học mà còn về chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật các thứ.
Muốn tiện lợi cho người đọc, sau khi dịch xong, tôi soát đi soát lại, thấy chỗ nào đáng chú thích thì chú thích. Những tài liệu dùng mà chú thích hoặc lấy ngay trong Toàn tập Lỗ Tấn, hoặc lấy ở các thứ từ thư Trung và Tây, hoặc lấy ở sự nhờ biết của tôi. Có một số bài dụng ý hơi sâu kín, thì tôi có giải sơ qua ở cuối phần chú thích.
Đọc sách phải biết cái người làm ra sách mà mình đọc đó. Phải biết cả đến thời đại và hoàn cảnh của người ấy. Vì vậy, tôi phụ lục bài nói chuyện về Lỗ Tấn của tôi ra đằng sau Tuyển tập nầy. Đọc bài đó sẽ giúp cho sự hiểu về Lỗ Tấn, như cũng thì công kích kẻ cầm quyền phản động, mà với Đoàn Kỳ Thụy thì xẳng xớm, với Tưởng Giới Thạch thì sâu cay nhưng kín đáo.
Mấy năm gần đây, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, có người nói rằng văn Lỗ Tấn chỉ là trào phúng và đả kích, đối với thời nay không còn có hiệu lực nữa, không đắc dụng nữa. Họ làm như thời nay là cái thời đã thập toàn rồi, tận thiện tận mỹ rồi. Tôi chẳng những không đồng ý mà còn căm với cái luận điệu ấy.
Hễ xã hội chưa đến tận thiện tận mỹ thì nhà văn có gân cốt còn có trào phúng hay đả kích. Lúc ngôn luận được tự do thì đả kích, lúc không được tự do thì trào phúng. Hai cái, tánh chất khác nhau nhưng công dụng chỉ là một: đánh vào cái xấu của xã hội. Ca dao xứ ta ở thời Minh Mạng có câu:
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?
là trào phúng. ở thời Tự Đức có câu:
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
gần như đả kích mà cũng chưa phải, chỉ là trào phúng, vì không dám kêu tên ra như Lỗ Tấn kêu tên Đoàn Kỳ Thụy. Có người đã nói: “Thời đại chuyên chế làm cho người ta hay trào phúng.” Quả đúng thế.
Đừng nói đả kích, chỉ nói trào phúng. Trào phúng, nó đánh cái xấu, chứ chính nó không phải là xấu. Theo Lỗ Tấn, trào phúng chẳng có gì khác hơn là nói ra một sự thực mà không có ai nói. Ví như ở Hà Nội hiện nay còn có người đàn ông bận âu phục, người đàn bà húi tóc quăn, mặc tân thời, đứng khấn vái trước đền Hàng Trống, đó là một sự thực nhưng không ai nói ra, nếu có người nói ra thì người ta cho là trào phúng. Thực ra, chỉ là nói một sự thực. Lỗ Tấn từng ví trào phúng với hoạt họa. Cả hai đều phải căn cứ ở sự thực. Nếu không căn cứ ở sự thực thì cái gọi bằng hoạt họa ấy chỉ là bôi nhọ, cái gọi bằng trào phúng ấy chỉ là nói xấu.
À ra trào phúng chỉ là nói sự thực! Nhưng có kẻ lại đã nói rằng: “Có những cái sự thực không nên nói.” Tôi không tin. Đó là ở dưới chế độ xã hội tư bản hay phong kiến kia, chứ ở dưới một chế độ xã hội khác tiến bộ hơn, tôi tưởng, không có cái sự thực nào là không nên nói. Đã lấy tự phê bình phê bình làm võ khí, tự nhiên mọi sự thực cần phải được nói.
Bây giờ nói đến văn trào phúng của Lỗ Tấn.
Trong truyện ngắn Nhật ký người điên viết năm 1918, Lỗ Tấn đã đề ra “giống người chân chính”. Giống người chân chính là cái mức tiến hóa tột bực của loài người. Cho nên văn trào phúng của ông tuy để đánh cái xấu hiện thời, mà cái hướng cuối cùng là đi đến cái mức tiến hóa tột bực ấy. Không đợi đọc cả mười sáu tập, chỉ đọc nội một Tuyển tập này, những bài số 16, 20, 21, 34, 37, nhất là bài số 1, mở sách ra thì thấy ngay, cũng đủ khiến người đọc sinh lòng kính phục đối với cái triển vọng cao xa ấy của tác giả.
Nói tóm, những xã hội tiến bộ hiện nay vẫn còn chưa được thập toàn, chưa được tận thiện tận mỹ. Giống người chân chính vẫn còn chưa xuất hiện. Đã thế thì văn trào phúng của Lỗ Tấn là thứ văn nói sự thực, nó vẫn còn có hiệu lực, vẫn còn đắc dụng như thường.
Tôi vẫn tin rằng văn học không có vĩnh cửu tánh. Thiên kinh địa nghĩa là Ngũ kinh Tứ thư của Khổng giáo cũng chỉ xài được có hai ngàn năm thôi. Văn Lỗ Tấn không có thể có hiệu lực đến ngày trái đất vỡ, nhưng từ nay cho đến ngày xuất hiện giống người chân chính, thì nó vẫn cứ tồn tại một cách vẻ vang vì mọi người thiên hạ đều cần có nó, đều hoan nghênh nó!
Tuổi của tôi đã sắp cho tôi xuống mồ rồi. ở trong mồ, tôi cũng còn lấy làm quái sao đã nhận phê bình là võ khí mà lại chối trào phúng.
(Viết tại Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1956)
TÙY CẢM LỤC
Tiếc thay có một hạng người, từ bé đến lớn, đã bình thường trải qua một cách không lấy gì làm lạ rồi, thế mà thường lớn đến già, lại có hơi cổ quái, từ già đến chết, còn cổ quái hơn nữa, họ muốn choán hết đường lối của tuổi trẻ, hút hết không khí của tuổi trẻ.
Tuổi trẻ ở lúc đó, chỉ có thể vàng úa trước đi, hẵng đợi đến về già, sau khi thần kinh và huyết quản đều đã biến chất hết rồi mới bắt đầu hoạt động. Cho nên cái trạng thái trong xã hội, trước là “cụ non[2]“, đợi đến lúc lưng còng gối lỏng, mới lại “hứng lên”, giống như từ đó về sau, mới bước lên con đường làm người.
Nhưng mà rốt cuộc cũng không thể quên cái già của mình, cho nên toan tìm cách làm thần tiên[3]. Đai khái nghĩ rằng người khác đều già được, chỉ có mình không thể già được, thứ nhân vật ấy, đâu cũng phải nhường các ông cụ Trung Quốc đứng số một.
Nếu quả thật làm được thần tiên, thôi thì nhờ các ông ấy chủ trì mãi mãi, không cần phải có lớp người sau, thế cũng là việc rất tốt. Tiếc cho các ông lại không làm được, cuối cùng ông nào cũng chết đi, chỉ để lại cái xã hội già khằng mà các ông đã tạo nên, khiến bọn tuổi trẻ cứ thồ[4] lấy mà chịu khổ.
Đó thật là cái hiện tượng kỳ quái của giới sinh vật!
Tôi nghĩ, sự kéo dài của nòi giống – tức là sự nối tiếp của sinh mạng – thật chỉ là một bộ phận lớn trong sự nghiệp giới sinh vật. Sao phải kéo dài ra? Không cần nói, đó là vì muốn tiến hóa. Có đều giữa con đường tiến hóa, thế nào cũng phải mới cũ thay thế nhau. Cho nên cái mới phải vui mừng hể hả bươn tới đằng trước, ấy là lớn lên, cái cũ cũng phải vui mừng hể hả bước tới đằng trước, ấy là chết đi ; mỗi mỗi bươn tới như thế, bèn là con đường tiến hóa đó.
Người già tránh ra hai bên đường, giục giã, khuyên lơn, để cho bọn trẻ bươn tới. Trên đường có vực sâu, thì lấy xác chết kia lấp bằng đi, để cho bọn trẻ bươn tới.
Người trẻ cảm ơn bọn già đã lấp vực sâu để cho mình bươn tới ; người già cũng cảm ơn bọn trẻ đã từ trên cái vực sâu mình đã lấp bằng rồi mà bươn tới. – Bươn tới xa lắm rồi, xa lắm rồi.
Rõ được điều ấy, thì từ bé đến lớn đến già đến chết, đều trải qua một cách vui mừng hể hả ; vả lại từng bước một, từng bước một, phần nhiều là thứ người mới trỗi vượt ông cha.
Đó là con đường đúng đắn rộng rãi của giới sinh vật! Tổ tiên của loài người đều đã làm như thế.
Chú thích cuối trang
- ▲ Động vật bậc cao là một danh từ về động vật học, đối với động vật bậc thấp, chỉ những động vật nào trong cơ thể có tổ chức phức tạp, có nhiều khí quan để chuyên giữ từng chức vụ. Như loài có vú là động vật bậc rất cao, trong đó có loài người.
- ▲ Hai chữ này theo nguyên văn là “thiếu niên lão thành”, nghĩa là người tuy trẻ tuổi mà tính cách đã đứng đắn như người già rồi, cho nên dịch là “cụ non”.
- ▲ Trước kia, nhiều người già ở Trung Quốc, mà ở xứ ta cũng vậy, hay tìm những thứ thuốc bổ uống cho sống lâu, có người kiếm cách này cách khác để được trường sinh bất tử. Đây nói “toan làm thần tiên”, là chỉ những sự ấy.
- ▲ Chở những vật gì trên lưng con ngựa, con là, con lạc đà, gọi là “thồ”. Đây có ý nói cái xã hội già khằng đè trên lưng những người tuổi trẻ, họ phải chở lấy.
Thế rồi những người có một ít tiền rất không vui. Các quan cũng bận rộn, phải đề phòng thợ thuyền, phải để ý người nước Nga; cả đến sở cảnh sát cũng phát công văn cho thuộc hạ mình bảo lục lạo xem “đảng quá khích có đặt cơ quan hay không”.
Bận rộn, không lấy gì làm lạ, lục lạo, cũng không lấy gì làm lạ. Có đều trước phải hỏi: thế nào là chủ nghĩa quá khích?
Cái đó họ không hề cắt nghĩa, tôi cũng không làm sao biết được. – Tôi tuy không biết, chứ cũng dám nói một câu rằng: “Chủ nghĩa quá khích” không thể đến, không cần sợ nó; chỉ có cái “đến rồi” là cái sẽ đến, là đáng sợ.
Người Trung Quốc chúng ta, quyết không thể bị chủ nghĩa nào của nước ngoài lôi kéo, chúng ta có đủ sức sổ toẹt nó, giập tắt nó. Chủ nghĩa quân quốc dân ư[2], chúng ta có từng đánh trận với ai đâu; chủ nghĩa vô để kháng ư[3], chúng ta là kẻ chủ chiến và tham chiến[4]; chủ nghĩa tự do ư, chúng ta cả đến sự phát biểu tư tưởng cũng đều phạm tội, nói mấy câu cũng thấy khó; chủ nghĩa nhân đạo ư, chính cái thân người chúng ta vẫn còn đeo làm vật mua bán được kia mà.
Cho nên không cứ cái chủ nghĩa nào, tất cả không làm rối loạn nổi Trung Quốc; những sự rối loạn từ xưa đến nay, cũng không thấy nói bởi chủ nghĩa nào. Thử đưa ra sự lệ trước mắt, tức như lời bố cáo của học giới Thiểm Tây, lời bố cáo của tai dân Hồ Nam; đáng khiếp là dường nào, đem so với cái tình hình hung ác của quân Đức mà Bỉ Lợi Thì tuyên bố, cái tình hình tàn bạo của chính phủ Lênin mà các đảng khác nước Nga tuyên bố, thì họ thật là thiên hạ thái bình[5]. Nước Đức vẫn nói là quân quốc chủ nghĩa, thì Lênin không cần nói vẫn là quá khích chủ nghĩa nhỉ![6]
Ấy đó tức là cái “đến rồi” đến rồi. Cái đến ấy nếu là chủ nghĩa, khi chủ nghĩa đạt được rồi thì thôi; nếu độc là cái “đến rồi”, nó bèn đến hoài, đến mãi, nó đến thế nào cũng không thể biết được.
Lúc Dân quốc thành lập, tôi ở trong một thành huyện nhỏ, vốn đã treo cờ trắng. Có một hôm, thình lình thấy bao nhiêu đàn ông đàn bà chạy trốn rối rít: kẻ ở trong thành chạy trốn xuống làng, kẻ ở trong làng chạy trốn vào thành. Hỏi họ việc gì thế, họ trả lời: “Người ta nói sắp đến rồi.”
Thế đủ biết mọi người đều chỉ sợ cái “đến rồi” cũng như tôi vậy. Đến lúc đó vẫn chỉ có “chủ nghĩa đa số” mà thôi, không có “chủ nghĩa quá khích” nhỉ[7].
(Dịch ở Nhiệt Phong)
Chú thích cuối trang
- ▲ Đúng nghĩa chữ bolchevisme là “chủ nghĩa đa số”. Nguyên hồi năm 1903, Đảng xã hội dân chủ nước Nga khai hội tại Luân Đôn, nhân vì thảo luận các vấn đề trong đảng, ý kiến không đồng nhau, chia làm hai phái: một phái do Lênin cầm đầu, số người nhiều hơn, gọi là Bolchevik; một phái số người ít hơn, gọi là Menchevik. Phái trước chủ trương vô sản chuyên chính; phái sau chủ trương thỏa hiệp với giai cấp tư sản để chống lại thế lực phong kiến. Đến sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, phái Bolchevik trở nên chính đảng thống trị cả nước Liên Xô, mới đổi tên là Đảng cộng sản. Do chữ Bolchevik đó thành ra có chữ bilchevisme, đáng lẽ dịch là “chủ nghĩa đa số”, nhưng trước kia, các báo Trung Quốc đều gọi là “chủ nghĩa quá khích”, và lúc bấy giờ, báo chí ở nước ta, như Trung Bắc tân văn, Nam Phong, đều gọi như vậy. “Quá khích”, chẳng những có nghĩa là “cực đoan”, mà còn có ý xấu hơn.
- ▲ Chủ nghĩa quân quốc dân (mililarisme) cũng gọi là chủ nghĩa quân quốc. Cái chủ nghĩa lấy quân đội làm trên hết, dùng võ lực để đàn áp trong nước và xâm lược nước ngoài.
- ▲ Chủ nghĩa vô để kháng do Tolstoi người nước Nga xướng ra, tiếng tây là principle de non résistance. Ý Tolstoi muốn thực hiện cái xã hội loài người yêu nhau, nên căn cứ ở cái ý “đừng chống cự kẻ dữ” trong Kinh thánh Tân Ước mà xướng ra chủ nghĩa này, nhưng đó chỉ là không tưởng, không thể thực hiện được.
- ▲ Đây chỉ là việc chính phủ Đoàn Kỳ Thụy gia nhập đồng minh đánh Đức.
- ▲ Trong đoạn này, có bốn cái thực sự lịch sử, nhưng ba cái, chưa tra tìm được, không hiểu là thế nào. Chỉ có về chuyện Bỉ Lợi Thì tuyên bố, thấy ở một bài khác của Lỗ Tấn, nói như thế này: “Không cho tù đồ ăn uống, đánh mắng thôn trưởng, bắt bình dân đưa ra mặt trận”, theo Lỗ Tấn thì sự người Đức đối với người Bỉ trong lúc chiến tranh như vậy, cũng không lấy gì làm quá lắm, những điều đó ở Trung Quốc là sự thường. Tuy không biết rõ từng thực sự, chứ xem cả đoạn thì đủ hiếu ý tác giả muốn nói ở Trung Quốc còn có nhiều sự hung ác tàn bạo hơn ở ngoại quốc nữa. Cái ý ấy thòng xuống hạ văn, tức là do sự hung ác tàn bạo thái quá ấy sẽ sinh ra rối loạn, cách mạng lần nữa.
- ▲ Nước Đức dưới quyền thống trị của vua Uy Liêm II (1888 – 1918), vốn thực hành chủ nghĩa quân quốc, toan làm bá chủ Âu châu, nên đã gây ra Đại chiến thứ nhất. – Cả câu này có ý nói: theo sự hung ác tàn bạo của tình hình hiện tại Trung Quốc như đã hiểu ngầm ở trên (mà lại tự cho mình là tốt), đối với nước Đức vẫn gọi là nước quân quốc chủ nghĩa, thì đối với Lênin, cứ gọi là quá khích chủ nghĩa cũng không lạ gì.
- ▲ Đại ý bài này nói chính ở Trung Quốc đương thời đó, bị bọn quân phiệt đảo loạn (khi Lỗ Tấn viết đây, Trung Quốc đang ở dưới quyền thống trị Đoàn Kỳ Thụy), nhân dân khốn khổ chịu không nổi, thế nào cũng sẽ sinh ra cách mạng lần nữa, chứ không đợi phải có chủ nghĩa nào ở ngoài vào làm phiến động lòng dân. “Cái đến rồi”, ba chữ ấy, ám chỉ cuộc cách mạng vị lai. Chữ “đa số” trong cái danh từ “chủ nghĩa đa số” dùng ở đây là chỉ quảng đại quần chúng nhân dân, chứ không theo nguyên nghĩa của chữ bolchevisme như đã giải ở trên.
Tôi tưởng, Trung Quốc chúng ta vốn không phải là chỗ phát sinh ra chủ nghĩa mới, mà cũng không có chỗ dung nạp chủ nghĩa mới, ví thử tình cờ có tư tưởng từ ngoài đến, cũng tức khắc đổi màu sắc đi, vả lại có nhiều luận giả trở lấy điều đó tự hào. Chúng ta chỉ để ý xem những bài tựa bài bạt trên các bổn sách dịch, cho đến các thứ phê bình nghị luận đối với sự tình ngoại quốc, thì có thể thấy ra ở quãng giữa tư tưởng của chúng ta và người khác, quả thật còn có mấy lớp vách sắt cách nhau. Họ nói về vấn đề gia đình, chúng ta lại cho là họ cổ động chiến tranh ; họ vạch ra khuyết điểm của xã hội, chúng ta lại nói họ pha trò ; cái họ nói là tốt, chúng ta lại nói là xấu. Nếu lại để ý xem xét tánh cách quốc dân, văn học quốc dân của nước khác, lại đọc một cuốn bình truyện của nhà văn họ, thì càng thấy rõ tánh tình tả trong tác phẩm ngoại quốc và tư tưởng của tác giả, hầu như toàn là cái Trung Quốc không hề có. Cho nên không thể hiểu nhau, không thể đồng tình, không thể cảm thông, thậm chí những điều phải chăng yêu ghét giữa họ và ta cũng không khỏi đưa đến cái kết quả trái nhau.
Người tuyên truyền chủ nghĩa mới là người phóng hỏa ư, cũng cần phải người khác có vật dẫn hỏa bằng tinh thần thì mới bắt cháy được ; là người gảy đàn ư, cũng cần phải người khác có dây đàn ở trong lòng thì mới nẩy tiếng được ; là đồ phát thanh tư, người khác cũng phải là đồ phát thanh, thì mới đồng thanh tương ứng được. Người Trung Quốc đều không giống thế, cho nên không thể can liên với nhau.
Có lẽ có mấy vị độc giả nổi đóa, nói: “Trung Quốc thường khi có người đem tính mệnh hy sinh cho chủ nghĩa của mình, từ có Trung Hoa Dân quốc đến nay, có bao nhiêu liệt sĩ chết vì chủ nghĩa, hừ! Sao anh lại mạt sát tất cả?” Lời ấy đúng lắm. Nói về tư tưởng từ ngoài đến thuở xưa, đời Lục triều quả có nhiều vị hòa thượng lên giàn hỏa, đời Đường cũng có vị hòa thượng sả cánh tay bố thí cho kẻ bơ vơ ; nói về cái mới gần nay, cố nhiên cũng đã có mấy người. Nhưng mà, với lịch sử Trung Quốc vẫn không can liên gì. Bởi vì sự đổ sổ của lịch sử không thể tinh mật như số học, bao nhiêu những con số nhỏ viết ra, chỉ có thể bắt chước lối tính bỏ đầu bỏ đuôi của người quê vụng, chỉ ghi lấy một số đại đổng.
Trong số đại đổng của lịch sử Trung Quốc, thực ra không hề có tư tưởng chủ nghĩa nào ở trong đó. Số đại đổng ấy chỉ là hai thứ vật chất, – là dao và lửa, “đến rồ” là cái tên chung của nó.
Lửa từ phía bắc đến thì trốn về phía nam, dao từ đằng trước đến thì lùi lại đằng sau, một đống lớn sổ lưu thủy chỉ có một mô hình ấy. Nếu hiềm cái tên “đến rồi” không trang nghiêm mấy, “dao và lửa” cũng chọc vào mắt, thì chúng ta có thể nghĩ ra kiểu khác, kính dâng một cái hàm ơn, gọi là “thánh võ”[1], thì dễ coi ngay.
Đời xưa, vua Tần Thủy Hoàng rất sang trọng, Lưu Bang và Hạng Võ đều xem thấy, Bang nói rằng: “Hỡi ôi! Đại trượng phu phải làm nên dường ấy vậy!” Võ nói rằng: “Hắn, có thể lấy mà thay thế vậy!”[2] Võ muốn “lấy” cái gì? Bên là cái “dường ấy” mà Bang nói. Cái trình độ của “dường ấy” tuy không giống nhau, nhưng mà ai cũng muốn lấy, kẻ bị lấy là “hắn”, kẻ lấy là “trượng phu”. Trong lòng của hết thảy “hắn” và “trượng phu” đều là chỗ sản sinh, chỗ dung nạp của cái “thánh võ” ấy.
Thế nào gọi là “dường ấy”? Nói ra, câu chuyện hơi dài, ở đây chỉ tóm tắt rằng, đó chỉ là sự thỏa thuê cái dục vọng – uy phúc, tử nữ, ngọc bạch[3] – về phương diện thú tánh thuần túy trong loài người mà thôi. Nhưng mà ở hết thảy trượng phu lớn hay nhỏ, lại đều kể là cái lý tưởng (?) tối cao rồi đấy. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.
Sau khi đại trượng phu đã “dường ấy” rồi, dục vọng chưa giảm kém, nhưng thân thể đã mòn mỏi, vả lại thấy trong tối có cái bóng đen – cái chết – đã đến bên mình rồi. Thế rồi không có cách nào khác, chỉ việc đi cầu thần tiên[4]. Điều đó ở Trung Quốc, cũng phải kể là lý tưởng tối cao. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.
Cầu thần tiên một dạo, rốt cuộc không thấy gì, đâm ra nghi ngờ. Thế rồi phải xây mồ để bảo tồn cái xác chết, toan dùng cái thây xác của mình choán mãi mãi một miếng đất[5]. Điều ấy ở Trung Quốc cũng phải kể là một thứ lý tưởng tối cao khi đã hết cách xoay. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.
Hiện nay những tư tưởng từ ngoài đến, không luận thế nào, nó cũng còn có cái hơi thở của tự do bình đẳng, cái hơi thở của hỗ trợ cọng tồn, mà ở chúng ta thì độc có cái “ta”, độc nghĩ việc “lấy hắn”, trên miếng đất tư tưởng độc một người toan uống cạn hết thảy rượu của không gian thời gian ấy, thật không còn có chỗ nào trống cho tư tưởng khác chen chân vào.
Vì đó, chỉ phải ngăn ngừa cái “đến rồi” kia là đủ rồi. Hãy xem nước khác, kẻ chống cự cái “đến rồi” ấy bèn là nhân dân có chủ nghĩa. Họ vì cái chủ nghĩa mình đã tin mà hy sinh hết thảy những cái khác, lấy xương thịt đè nhụt gươm dao, lấy máu me tưới tắt khói lửa. Trong ánh sáng phai nhạt của dao và lửa thấy được màu trời hừng chói, ấy là màu rạng đông của thế kỷ mới[6].
Ánh sáng rạng đông ở trên đầu, chẳng ngước đầu lên, thì mãi mãi chỉ có thể nhìn thấy cái nhoáng sáng của vật chất.
Chú thích cuối trang
- ▲ Hai chữ “thánh võ” bắt đầu thấy trong Kinh Thư, về sau nhà nho, nhất là nhà viết sử, thường dùng để xưng tụng những ông vua sáng nghiệp như Hán Cao Tổ (Lưu Bang), Đường Thái Tông (Lý Thế Dân). Ý họ nói, có là “thánh” mới thay trời trị dân được, có là “võ” mới dẹp loạn an thiên hạ được. Nhưng thực ra, không phải “thánh võ” gì hết, chỉ là làm cho thỏa mãn cái tư dục của một người mà thôi, như sẽ nói dưới đây.
- ▲ Chuyện này có chép trong sách Sử ký. Nguyên văn câu Lưu Bang nói là: “Ta hồ! Đại trượng phu đương như thị dã” ; câu của Hạng Võ nói là: “Bỉ, khả thủ nhi đại dã”.
- ▲ Uy phúc: uy là ra uy, trừng trị ai, phúc là làm phúc, ban ơn cho ai. Nghĩa là nắm cái quyền ra uy làm phúc trong tay mình, muốn làm gì thì làm. Tử nữ là con trai con gái, đàn ông đàn bà, hết thảy người trong nước đều làm thần dân mình. Ngọc là đá quý, bạch là lụa, tức là hết thảy châu báu của cải trong nước đều là của mình.
- ▲ Tức như Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế, lúc thấy mình đã thành công, sang trọng tột bậc rồi, mong sống lâu mãi mãi để mà hưởng, bèn đi cầu thần tiên, kiếm thuốc trường sinh bất tử.
- ▲ Không thể sống mãi mãi được, thế nào cũng phải chết, bèn lo việc xây lăng tẩm. (Lăng là chỗ chôn xác, tẩm là chỗ thờ). Ở nước ta còn có câu tục ngữ: “Tức vị, trị quan”. Nghĩa là ông vua lên ngôi một cái là lo việc sắm sửa áo quan ngay. Và, như vua Tự Đức, sau khi lên ngôi ít lâu, xây dựng sở Vạn Niên, về sau gọi là Khiêm Lăng. Bấy giờ có câu ca dao: “Vạn Niên là vạn niên nào, thành xây xương lính, hào đào máu dân”.
- ▲ Trong đoạn nầy, chữ “nước khác” là chỉ nước Nga Xô Viết ; chữ “chủ nghĩa” là chỉ chủ nghĩa cộng sản. Sau Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa cộng sản đã làm rung động Trung Quốc, nhưng bị bọn quân phiệt ngăn cấm, cho nên Lỗ Tấn chỉ nói bằng cách kín đáo như thế.
NÓI VỀ HÀM RÂU
Mùa hè năm nay đi chơi Trường An một chuyến, sau hơn một tháng, ngây ngô ngốc ngác mà trở về. Những người bạn biết chuyện bèn hỏi tôi: “Anh thấy trên đó như thế nào?” Thế rồi mới dật mình nghĩ lại Trường An, nhớ đã thấy cây bạch dương rất nhiều, cây lựu rất lớn, dọc đường đã uống nước sông Hoàng Hà không ít. Nhưng mà những cai đó có gì đáng nói ư? Tôi bèn trả lời: “Chẳng có thế nào gì cả.” Vậy rồi người bạn tiu nghỉu mà đi, tôi vẫn cứ tiu nghỉu mà ở, tự thấy thẹn vì một không lấy gì đáp lại những người bạn “chẳng hổ hỏi kẻ dưới”[1].
Hôm nay sau khi uống trà, thì xem sách, trên sách rây một giọt nước, tôi biết râu hàm trên của mình đã lại dài ra rồi. Giá như mở Khang Hy tự điển ra, các thứ râu của môi trên, môi dưới, bên mép, dưới cằm, đại khái mỗi thứ đều có tên riêng đấy, nhưng tôi không rỗi đâu mà có hứng thú làm như thế. Tóm lại là râu ấy đã lại dài ra rồi, tôi lại phải chiếu lệ cắt ngắn nó đi, trước là cho khỏi nhúng canh quện nước. Thế rồi tìm cái gương, cái kéo, bắt tay cắt nó, cốt làm cho nó bằng với mé trên, thành một chữ “nhất” viết lối lệ[2].
Tôi, một mặt cắt, một mặt bỗng lại nhớ đến Trường An, nhớ đến thời đại thanh niên của tôi, nẩy ra bao nhiêu điều cảm khái dây dưa chẳng dứt. Việc Trường An, nhớ không rành mạch lắm, chằng là khi vào chơi Khổng miếu, trong có một gian phòng, treo nhiều bức họa in, có tượng Lý Nhị Khúc[3], có tượng đế vương các đời, trong có một bức là Tống Thái Tổ hay tông nào đó, tôi cũng không nhớ rành mạch nữa, tóm lại là mặc một áo bào dài mà râu vểnh lên. Thế rồi một vị danh sĩ quả quyết nói rằng: “Cái nầy đều la Nhật Bổn giả tạo ra, anh xem râu nầy là kiểu râu Nhật Bổn đây.”
Thật vậy, râu của người Nhật Bổn đúng là vểnh lên như thế, họ cũng chưa chắc không giả tạo họa tượng của Tống Thái Tổ hay tông nào đó, có đều giả tạo tượng hoàng đế Trung Quốc mà lại phải soi gương, lấy râu của mình làm mẫu, thì thủ đoạn và tư tưởng cũng lạ lùng lắm, thật không ai ngờ đến. Trong đời Kiền Long nhà thanh, Hoàng Dị đào được những họa tượng khắc đá của nhà thờ Hán Vũ Lương[4], râu của đàn ông phần nhiều đều vểnh lên ; lại những tượng tín sĩ trong các pho tượng Phật giáo từ Bắc Ngụy đến Đường mà chúng ta thấy, hễ là người có râu, phần nhiều đều vểnh lên, chỉ đến họa tượng đời Nguyên đời Minh, thì râu, đại khái chịu tác dụng của sức hút lòng trái đất mà dủ xuống cả. Người Nhật Bổn sao mà không sợ mất công, cặm cụi tạo ra bao nhiêu đồ xưa giả từ Hán đến Đường, đem đi chôn ở nơi núi sâu hang thẳm cồn trụi đất hoang khắp Tề, Lỗ, Yên, Tấn, Tần, Lủng, Thục của Trung Quốc làm gì ư?
Tôi cho rằng râu dủ xuống là kiểu Mông Cổ, kiểu người Mông Cổ đem vào, nhưng mà bọn danh sĩ thông minh của chúng ta lại coi nó là quốc túy. Những học sinh lưu học ở Nhật Bổn vì giận Nhật Bổn, bèn ngậm ngùi nhớ đến Đại Nguyên, nói rằng ; “Lúc đó nếu không có trời phù hộ thì cái đảo quốc nầy đã bị chúng ta diệt quách rồi![5]” Thế thì nhận thứ râu dủ xuống làm quốc túy cũng chẳng có gì là không được. Nhưng mà đã thế thì sao còn là con cháu của Hoàng đế? Sao còn nói người Đài Loan ở Phúc Kiến đánh người Trung Quốc là căn tánh nô lệ nhỉ?
Lúc đó tôi muốn tranh biện, nhưng rồi tôi liền nghĩ lại, không tranh biện. Người yêu nước lưu học ở Đức là ông X – vì tôi không nhớ tên, hẵng thay bằng X – chẳng đã nói tôi chê bai Trung Quốc là vì tôi đã lấy vợ Nhật Bổn cho nên vì họ nói xấu bổn quốc đó ư?[6] Tôi trước kia chẳng qua chỉ ra một vài khuyết điểm của Trung Quốc, còn phải làm lụy đến “nhà tôi” đổi quốc tịch đi thay, huống chi bây giờ là vấn đề có dính dấp đến Nhật Bổn? Thôi thì dù cho hàm râu của Tống Thái Tổ hoặc tông nào đó có bị oan chăng nữa, cũng chẳng đến nỗi có hồng thủy, có động đất, có gì tai hại lớn. Khi ấy tôi bèn gật đầu lia lịa nói: “ờ, ờ, đúng đấy.” Bởi vì thực ra tôi so với trước kia hình như đã tròn lắm rồi, – tốt rồi.
Tôi cắt cái đầu nhọn râu bên trái của mình xong rồi, nghĩ, người Thiểm Tây đã mệt lòng nhọc sức, tốn cơm phí tiền, dùng xe hỏa đưa đi, dùng thuyền chở, dùng xe ngựa kéo, dùng xe hơi đón, mời đến Trường An giảng diễn, chắc họ không ngờ đâu tôi là một kẻ tuy đối với cái việc nhỏ xíu quyết không đến có cái họa giết mình mà cũng không chịu thẳng thắn tỏ bày ý kiến, chỉ “ờ, ờ, đúng đấy” mà thôi. Họ gỏn gọn là bị lừa.
Tôi lại soi mặt mình trong gương, nhằm chỗ khóe miệng bên phải, cắt cái đầu nhọn râu bên phải, thả rơi xuống đất, nhớ đến thời đại thanh niên của tôi…
Đó đã là chuyện cũ, ước chừng có đến mười sáu, mười bảy năm nay rồi.
Bấy giờ tôi từ Nhật Bổn trở về nước, trên mép để thứ râu vểnh lên giống như của Tống Thái Tổ hay tông nào đó, ngồi trong chiếc thuyền con, nói chuyện gẫu với anh lái thuyền.
“Thưa ông, ông nói tiếng Trung Quốc sõi lắm.” Sau lại, anh lái thuyền nói với tôi như thế.
“Tôi là người Trung Quốc, vả lại là đồng hương với anh, thế nào lại…”
“Ha ha, ông, cái ông này còn biết pha trò nữa kia.”
Nhớ lại tôi hồi đó không biết nghĩ thế nào, thật còn mười phần lúng tung shơn khi thấy bài thông tin của ông X. Tôi hồi đó không mang gia phả theo, thật không thể nào chứng minh mình là người Trung Quốc được. Dù cho có mang theo gia phả, mà trong đó chỉ có họ tên, không có ảnh tượng, cũng không thể chứng minh kẻ có họ tên ấy chính là tôi. Lại dù cho có ảnh tượng, người Nhật Bổn đã giả tạo được những tấm đá khắc từ Hán đến Đường, những tượng vẽ Tống Thái Tổ hay tông nào đó, có lẽ nào lại không giả tạo được một bộ gia phả bằng bản gỗ?
Tất cả sự đối phó với kẻ lấy câu chuyện thật làm câu chuyện pha trò, với kẻ lấy câu chuyên pha trò làm câu chuyện thạt, với kẻ lấy câu chuyện pha trò làm câu chuyện pha trò chỉ có một cách là: không nói chi hết.
Thế rồi từ đó tôi không nói chi hết.
Nhưng mà, giá như ở bây giờ thì ướ chừng tôi còn nói: “Hôm nay tốt trời lắm đấy nhỉ?… Cái làng bên kia gọi là làng gì nhỉ?…” Bởi vì thực ra tôi so với trước kia hình như đã tròn lắm rồi, – tốt rồi.
Bây giờ tôi nghĩ, sự người lái thuyền đổi quốc tịch tôi, đại khái không giống với cao kiến của ông X. Nguyên nhân nó chỉ ở nơi hàm râu thôi, bởi vì từ đó tôi thường thường chịu khổ vì hàm râu.
Quốc độ có thể mât, nhà quốc túy không có thể ít đi được, mà hễ nhà quốc túy không ít thì cái quốc độ ấy không coi là mất. Nhà quốc túy là người bảo tồn quốc túy ; mà quốc túy là hàm râu của tôi. Đó tuy không biết là theo phép “lô gíc” nào, nhưng cái thực tình bấy giờ đúng là như thế.
“Sao anh lại bắt chước dáng bộ của người Nhật Bổn, khổ người đã thấp bé, râu lại thế kia…” Một nhà quốc túy gồm ái quốc sau khi phát ra một tràng nghị luận đênh thép rồi, bèn đi đến cái kết luận ấy.
Đáng tiếc lúc bấy giờ tôi còn là một thiếu niên chưa trải sự đời, cho nên hằm hằm cãi lại. Một là, khổ người tôi vốn chỉ cao có bằng ấy, chứ không phải tôi cố ý kiếm cách ép bằng máy móc nào của ngoại quốc cho lùn bé lại, toan mạo làm người họ. Hai là, râu của tôi thật có giống người Nhật Bổn, nhưng mà, tuy tôi chưa từng nghiên cứu lịch sử kiểu râu của họ thay đổi như thế nào, chứ đã có thấy mấy bức tượng vẽ người đời xưa của họ, râu đều không vểnh lên, chỉ chĩa ra hay dủ xuống, không khác với quốc túy của ta bao nhiêu đâu. Chỉ sau khi Duy Tân, râu mới vểnh lên, đại khái là họ bắt chước kiểu râu nước Đức. Hãy xem hàm râu hoàng đế Uy Liêm, chẳng phải chỉ thẳng lên khóe mắt, đứng song song với sống mũi là gì? Mặc dầu về sau vì hút thuốc cháy đi một bên, rồi phải xén bằng hai bên cả, chứ thuở Minh trị Duy Tân ở Nhật Bổn, cái mép bên kia của ông còn chư abị hỏa tai…
Cuộc biện giải đó mất chừng hai phút đồng hồ, song le thế nào cũng không làm nguôi giận nhà quốc túy, bởi vì nước Đức cũng là ngoại quốc, huống chi khổ người tôi lại thấp bé. Lại huống chi nhà quốc túy rất chẳng ít mà ý kiến họ lại rập nhau, thành thử tôi biện giải bao nhiêu lần cũng không ăn thua, một lần, hai lần, cho đến mười lần, mười mấy lần, cả đến chính mình tôi cũng thấy là vô vị mà lại đâm bực mình nữa. Thôi được, vả lại thứ dầu keo dùng để uốn râu ở Trung Quốc cũng khó kiếm, từ đó tôi để mặc kệ nó.
Sau khi để mặc kệ, hai đầu râu mép trình ra cái hiện tượng hướng về lòng trái đất, đối với mặt đất thành ra góc thẳng chín mươi độ. Quả nhiên nhà quốc túy không nói gì nữa, hay là Trung Quốc đã được cứu rồi chăng.
Nhưng mà tiếp đó lại chác lấy phản cảm của nhà cải cách, ấy cũng là đáng lắm. Khi ấy tôi lại vuốt rẽ ra, một lần, hai lần, cho đến nhiều lần, cả đến chính mình tôi cũng thấy là vô vị mà lại đâm bực mình nữa.
Ước chừng trước đây bốn năm năm hoặc bảy tám năm, tôi ngồi một mình trong hội quán, riêng buồn về cái cảnh ngộ không may của hàm râu tôi, tìm cái cớ tại sao mà nó bị tai tiếng, bỗng sực tỉnh ra, biết cái mầm họa toàn ở cái đầu nhọn hai bên của nó. Thế rồi lấy gương, kéo, lập tức xén bằng nó đi, khiến nó không vểnh lên, cũng không dủ xuống, như một chữ “nhất” viết lối lệ.
“A, râu của anh lại thế nầy rồi?” Lúc đầu từng có người hỏi như thế.
“Ờ, ờ, râu của tôi thế ấy rồi đó.”
Nhưng hắn không nói chi. Tôi không biết có phải là vì tìm không thấy hai đầu nhọn, nên không nói vào đâu được, hay là sau khi râu tôi đã “thế ấy” rồi, thì không còn gánh lấy cái trách nhiệm về Trung Quốc còn hay mất nữa. Tóm lại, tôi từ đó được thái bình vô sự thẳng đến bây giờ, cái điều bực mình là chỉ phải thường thường cắt xén mà thôi
_______
- ▲ Đây là một câu sẵn có trong sách Luận ngữ, nguyên văn là: “Bất sỉ hạ vấn”.
- ▲ Chữ “nhất” viết lối lệ cũng giống như chữ “nhất” viết lối chân, chỉ khác là cái lưng hơi ển lên.
- ▲ Lý Nhị Khúc tức Lý Ngung, một đại nho đầu đời Mãn Thanh, được gọi là Nhị Khúc tiên sinh.
- ▲ Nhà thờ Vũ Lương thuộc về đời Hán ở tỉnh Sơn Đông ; đây nói “đào được” vì nó đã bị lấp dưới đất.
- ▲ Đời Nguyên (Mông Cổ) Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) có cử đại binh đi đánh Nhật Bổn, giữa biển gặp bão, thuyền đắm, tướng sĩ chết hết, chỉ trở về được có mấy chục người. Câu nói đó có ý chỉ vào việc ấy. Nhưng đó là việc của người Mông Cổ, sao lại nói “chúng ta”? Sở dĩ dẫn câu nầy, ý Lỗ Tấn băm vào hai chữ “chúng ta”.
- ▲ Em ruột của Lỗ Tấn là Chu Tác Nhân lấy vợ Nhật Bổn, do đó có người tưởng lầm là Lỗ Tấn.
- ▲ Đại ý bài nầy đả kích người đương thời về mấy điểm nầy ; căm hờn đế quốc (như Nhật Bổn) mà chỉ căm hờn ở những điều vụn vặt có khi không đáng căm hờn (như kiểu râu vểnh lên) ; bảo tồn quốc túy mà lại nhận lầm những cái không phải là quốc túy (như kiểu râu dủ xuống) ; nhân đó đến nỗi nhận kẻ thù làm đồng tộc với mình (như nhận nhà Nguyên Mông Cổ là chúng ta) và vu oan cho người lương thiện (như nói Lỗ Tấn làm việc cho Nhật Bổn). Trong một chuyện nhỏ là chuyện cái râu, tỏ ra cái ý thức của Quốc dân là chếch lệch, nên uốn nắn lại.
Theo thể thức văn văn ngôn, thì bài văn nầy là bài không trang nhã. Bởi vậy khi nó đăng báo xong, có người chế rằng: “Lỗ Tấn lần nầy nói hàm râu, có lẽ lần sau nói thẳng tới cái đít như nhà văn mất dạy nọ ở Thượng Hải.” Vì trước đó ở Thượng Hải đã có người làm bài phú “Phơi cái đít dưới mặt trời” (Thái dương sái bí cổ phú).
Trong bài có câu “lấy câu chuyện pha trò làm câu chuyện pha trò”, có lẽ Lỗ Tấn đã nói tiên tri về người ấy. Một câu chuyện tuy như là pha trò mà thực thì có ý nghĩa sâu sắc, thì phải cố mà hiểu, không được coi nó là câu chuyện pha trò.
Cũng vì lời chế nhạo đó, Lỗ Tấn viết tiếp bài Từ hàm râu nói đến cái răng, và bài Luận về đéo mẹ nó, cũng có ý nghĩa sâu sắc lắm, nhưng ở đây chưa dịch.
Một cái hình tròn, đường kính không quá hai tấc, rất dày và nặng, ở lưng chạm đầy cành nho và có mấy con sóc nhảy[2], xung quanh rìa là một vòng chim bay. Nhà bán đồ xưa gọi nó là “gương hải mã bồ đào”[3]. Nhưng cái của tôi không có hải mã, cái thực không xứng với cái danh. Nhớ ra tôi cũng từng thấy một cái khác thật có hải mã, nhưng giá đắt quá, không mua được. Đó đều là những cái gương của đời Hán ; về sau cũng có kẻ chế theo kiểu hoặc mài lại, nhưng hình chạm thô vụng lắm. Võ Đế đời Hán mở đường lên đến Đại Uyên, An Tức, lấy thiên mã bồ đào đem về[4], chừng như thời đó coi là việc rột rạt lắm, cho nên lấy nó làm trang sức cho đồ dùng. Thuở xưa, tên những vật phẩm từ ngoài đến thường thêm chữ “hải”, như hải lựu, hải hồng hoa, hải đường các thứ. Hải, tức hiện nay gọi là “dương”, hải mã, nói theo đời nay, là dương mã[5]. Cái núm gương là một con cóc, thì là vì mặt gương tròn như trăng rằm, và trong trăng có con thiềm thừ[6], chứ không can liên gì với việc đời Hán.
Nghĩ thấy người đời Hán phóng khoáng bao nhiêu, những động thực vật mời từ ngoài đến, không kiêng kỵ gì hết, liền lấy làm hình chạm trang sức. Người đời Đường cũng không kém, lệ như những con thú bằng đá trước mồ người đời hán, phần nhiều là dê, cọp, thiên lộc, tịch tà[7], mà trước Chiêu lăng[8] ở Tường An lại trổ con tuấn mã đeo cái tên, lại có một con chim đà, thật là bất chấp người xưa. ở mồ mả đời nay không cần nói, dù đến bức vẽ bình thường, có ai dám vẽ một đóa hoa, một con chim ngoại quốc, dù đến con dấu của tư nhân, có ai dám khắc một chữ viết tháu một chữ viết rẻ không? Có nhiều người phong nhã, cả đến ghi năm tháng cũng theo Giáp Tý, ngại dùng kỷ nguyên Dân quốc nữa[9]. Không biết là vốn không có nhà nghệ thuật to gan như vậy, hay là có mà bị dân chúng bách hại rồi họ mòn héo đi, chết mất đi?
Văn nghệ đời Tống sặc mùi quốc túy như hiện nay. Nhưng rồi Liêu, Kim, Nguyên lần lượt tiến vào, cái chỗ cơ mầu đó rất nên nghiền ngẫm. Hán, Đường tuy cũng có ngoại xâm, nhưng phách lực của nhân dân vẫn hùng đại, sẵn có lòng tự tin mình không đến nỗi làm nô lệ của dân tộc khác, hay là chưa hề nghĩ đến điều ấy nữa, khi lấy và dùng sự vật từ ngoài đến, coi như là bắt nó làm phu tù, tự do sử dụng, không hề e ngại. Một khi đã đến đồi bại đốn mạt rồi, thì thần kinh suy nhược nhạy quá, mỗi lúc thấy cái gì của ngoại quốc, tưởng như là nó đến bắt mình làm phu tù, chống cự, sợ sệt, rụt rè, trốn lánh, cù rũ lại một đống, lại ần phải nghĩ ra một tràng lời lẽ để mà lấy thể diện, thế rồi cái quốc túy bèn thành ra bảo bối của bọn vua hèn và đầy tớ hèn.
Chỉ phải là cái ăn được, không cứ từ đâu đến, người lành mạnh đại khái không cần suy nghĩ gì, nhận ngay là đồ ăn. Duy có người đau yếu mới hay sợ hại dạ dày, hại sức khỏe, riêng có nhiều điều kiêng khem cấm kỵ ; còn có một mớ lý do so hơn tính thiệt mà rốt cuộc không đâu vào đâu, loại như nói rằng ăn vẫn không làm sao, nhưng không ăn ổn hơn, ăn hoặc cũng có ích đấy, nhưng chi bằng không ăn là thóc chắc. Có đều những người như thế bề nào cũng càng ngày càng suy yếu, vì họ suốt ngày lo sợ, chính mình đã mất tinh thần trước đi rồi.
Không biết đời Nam Tống sánh với hiện nay ra sao, chỉ biết đối với kẻ địch bên ngoài thì rõ ràng họ đã xưng thần[10], duy ở trong nước lại có nhiều những lệ văn rườm rậm với những nghị luận tủn mủn lai nhai. Thật giống như những người đảo vận, kiêng khem lắm thứ, không còn có cái phong thể hoát đại phóng khoáng nữa. Thẳng đến về sau, cũng không có sự biến hóa gì lớn. Trên một bức họa bày ở Cổ Vật Trần Liệt Sở, tôi từng thấy một con dấu in lên đó, khắc bằng mấy chữ cái La Mã. Nhưng đó là con dấu của người được gọi là “Thánh tổ Nhân hoàng đế chúng ta”[11], là vị chủ nhân đã chinh phục giống Hán, cho nên mới dám như thế ; còn những đầy tớ giống Hán thì không dám đâu. Dù cho hiện ngày nay, dù cho nhà nghệ thuật, có ai dám dùng con dấu bằng chữ Tây?
Trong khoảng Thuận Trị triều Thanh[12], trên quyển lịch có in năm chữ “theo phép mới Tây Dương”, cái kẻ khóc lóc mếu máo dâng sớ hạch người Tây Thang Nhược Vọng[13] lại là Dương Quang Tiên, người giống Hán. Đến đầu năm Khang Hy, Dương Quang Tiên đắc thắng, được bổ làm quan chánh Khâm thiên giám, thì lại xin từ, lấy cớ rằng mình chỉ biết cái lý suy bộ chứ không biết cái số suy bộ. Không cho từ, thì lại khóc lóc mếu máo viết cái bài Bất đắc dĩ, nói rằng “thà chịu Trung Quốc không có phép lịch dùng, chứ không thà để Trung Quốc có người Tây Dương”. Nhưng mà rốt lại, cả đến tháng nhuần cũng tính sai, chừng như Dương Quang Tiên cho rằng phép lịch đúng là của riêng người Tây Dương, chính mình người Trung Quốc không học được, có học cũng không lành nghề. Cuối cùng Dương Quang Tiên bị khép án tử hình, nhưng rồi không giết, tha cho về, chết dọc đường. Thang Nhược Vọng vào Trung Quốc khoảng đầu Sùng Trinh triều Minh[14], phép lịch của hắn chưa hề được dùng ; về sau Nguyễn Nguyên[15] luận về việc ấy có nói rằng: “Vua tôi cuối đời Minh thấy rằng lịch Đại Thống dần dần sai, đặt quan tu sửa, đã biết phép lịch tây nhặt nhiệm mà lại không dùng. Thánh triều địch vạc, lấy phép ấy làm ra lịch Thời hiến, ban hành khắp thiên hạ. Cái công khó bọn chúng biện luận phiên dịch hơn mười năm, như là sắm sẵn để cho triều ta sử dụng, điều ấy cũng lạ thật!… Quốc gia ta thánh thánh nối nhau, mọi việc dụng nhân hành chính chỉ cần đúng lẽ phải, chứ không hề đóng khung từ trước. Nội một điều đó, cũng đã đủ ngước thấy cái độ lượng như trời rồi vậy!” (Trù nhân truyện 45)[16].
Những cái gương đời xưa còn truyền lại đến bây giờ, phần nhiều ra từ trong mồ mả, nguyên là đồ chôn theo người chết. Nhưng tôi cũng có một cái gương soi thường, mỏng mà lớn, chế theo kiểu đời Hán, có lẽ là đồ đời Đường. Chứng cứ là: 1) cái núm gương đã mòn nhiều ; 2) những chỗ mài phủng ở mặt gương đều vá bằng thứ đồng khác. Thuở nọ ở chốn đài trang, nó từng soi cái trán vàng cái mày lục[17] của người đời Đường, bây giờ lại bị giam cầm trong rương áo của tôi, hoặc giả nó cũng có ý cám cảnh xưa và nay lắm vậy.
Nhưng sự dùng gương bằng đồng, chừng như ở vào thời Đạo Quang, Hàm Phong[18] cũng còn đi đôi với gương pha lê, còn những nơi thôn quê hẻo lánh, có lẽ dến nay vẫn dùng nó. Miền chúng tôi ở, toàn dùng gương pha lê cả, chỉ có đám cưới đám ma theo nghi lễ, mới dùng gương đồng. Nhưng mà hơi hướng của nó vẫn còn rớt lại, đi đường phố có khi gặp một ông già, vác cái giống như cái ghế dài, ở trên buộc một hòn đá màu gan lợn và một hòn đá màu xanh, thử đứng nghe ông rao, thì là “Ai mài gương mài kéo không!”
Gương đời Tống tôi chưa thấy cái nào đẹp chín phần mười là không có chạm trổ, chỉ có tên nhà chế tạo và những lời minh vu vơ như là “chính kỳ y quan”, thật là “thói đời mỗi ngày một xuống”[19]. Song le, muốn tiến bộ hay là không thoái bộ, thế nào cũng phải luôn luôn tự mình tìm ra kiểu mới, ít nữa là lấy kiểu nước ngoài, nếu cứ kiêng kỵ đủ thứ, câu cẩn đủ thứ, nói lai nhai đủ thứ, làm thế nọ là không theo ông bà, làm thế kia là bắt chước mọi rợ, trọn đời nơm nớp như ở trên giá mỏng, phát run còn chẳng kịp thay, nữa là làm được cái gì cho ra hồn. Cho nên, trên sự thực thấy quả “đời này chẳng bằng đời xưa”, nguyên do là tại có nhiều ông cứ than thở rằng “đời nay chẳng bằng đời xưa”. Bây giờ đây, cái tình hình cũng vẫn còn như thế. Nếu lại không chịu mở lòng mở dạ, bạo gan, không sợ, hút thu trụm cả văn hóa mới, thì cái ngày có kẻ giống như Dương Quang Tiên hướng lên ông chủ nhân Tây Dương cạn bày cái văn minh tinh thần Trung Quốc đại khái cũng không phải đợi đến lâu lắm đâu.
Nhưng từ hồi nào đến giờ tôi chưa từng thấy một người nào phản đối gương pha lê. Chỉ biết trong quãng Hàm Phong, ông Uông Viết Trinh ở trong sách Hồ nhã của mình có công kích nó. Sau khi ông nghiên cứu so sánh rồi quyết định rằng gương đồng vẫn tốt hơn. Một điều không thể hiểu là: ông nói, soi gương pha lê, thấy mặt mình không đúng bằng soi gương đồng. Không biết là vì gương pha lê lúc bấy giờ thật xấu đến như thế, hay là bởi ông cụ ấy đeo cái kính quốc túy? Tôi chưa được thấy thứ gương pha lê đời xưa, cho nên về điểm đó đoán không ra[20].
Chú thích cuối trang
- ▲ “Tình theo việc đổi” là một câu văn xưa, trong bài Lan đình tự của Vương Hy Chi, nguyên văn: “Tình tùy sự thiên”, nghĩa là: tình cảm người ta tùy theo việc đời mà dời đổi, mỗi khi một khác. Vì vậy bốn chữ đó để trong dấu ngoặc kép, để tỏ rằng đó không phải là một ngữ vị bạch thoại.
- ▲ Đây là một lối đồ án hội họa hay điêu khắc. Những mẫu chạm của ta có một lối gọi là “nho sóc”, chạm dây nho và con sóc, là bắt chước đồ án này của Trung Quốc đời xưa. Chẳng những thế, mà cả đến những mẫu vẽ hay chạm “tùng lộc” (cây tùng và con hươu), “tiêu tượng” (cây chuối và con voi), “liễu mã” (cây liễu và con ngựa), “mai điểu” (cây mai và con chim), “trúc tước” (cây trúc và chim sẻ), “cúc giải” (hoa cúc và con cua), “liên áp” (cây sen và con vịt), “anh hùng” (chim anh võ và con thỏ), lại cả đến “hồi văn chữ công”, “hồi văn chữ vạn”, đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là một sự thực tỏ ra rằng nghệ thuật của nước ta từ xưa ít có độc lập tính mà một phần lớn là chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương bắc.
- ▲ “Bồ đào” tức là cây nho. Theo tự điển thì thứ thực vật này lấy giống ở Tây vực về, chứ Trung Quốc vốn không có. Vậy “bồ đào” là một danh từ dịch âm.
- ▲ Đại Uyên, tên một nước ở trong miền về phía tây Trung Quốc mà hồi đời Hán gọi là Tây vực. Ở đó xuất sản nhiều ngựa hay. Hán Võ Đế từng cử binh đến đánh, bắt ba ngàn con ngựa đem về. Nước Đại Uyên ấy, nay là một huyện của một nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết, An Tức là tên nước Ba Tư đời xưa. Thiên mã tức là giống ngựa hay nói trên. Để chữ “thiên” là trời trên chữ “mã” là để tỏ ra giống ngựa lạ và quý.
- ▲ Hải là biển, dương là biển cả, biển lớn ; vật phẩm nào có để chữ “hải” hay chữ “dương” lên trên, đều chỉ nghĩa rằng vật ấy không phải xuất sản từ trong nước, mà đều là từ “bên kia biển” tức là nước ngoài mang về.
- ▲ Trong trăng có con thiềm thừ (con cóc), ấy là theo một truyền thuyết, cũng như ở xứ ta, theo truyền thuyết, nói trong trăng có “thằng Cuội”.
- ▲ Thiên lộc và tịch tà là tên hai con thú. Theo sách Hán thư nói ở Tây vực có giống thú hình giống con hươu mà dài đuôi, con có một sừng gọi là thiên lộc, con có hai sừng gọi là tịch tà.
- ▲ Chiêu lăng là lăng của Đường Thái Tông.
- ▲ Sau Cách mạng Tân Hợi, tức là tháng mười năm 1911, bắt đầu từ năm 1912, nước Trung Hoa kỷ nguyên là Dân quốc nguyên niên. Nhưng mà có nhiều người, nhất là những người xưng mình là di thần triều Mãn Thanh, không chịu theo lối kỷ nguyên ấy mà lại ghi năm theo Giáp Tý. Nghĩa là ghi năm theo một chữ của thập can và một chữ của thập nhị chi, như Tân Hợi niên, Nhâm Tý niên, Quý Sửu niên, v.v…
- ▲ Các vị hoàng đế đời Nam Tống từng xưng thần, nghĩa là chịu hạ mình làm bầy tôi, đối với nhà Nguyên, Mông Cổ, một chủng tộc ở phương bắc mà người Trung Quốc vốn coi là đi địch. (Xem thêm lời chua số 1 ở bài “Bài văn đăng lộn” đằng sau tập này).
- ▲ Thánh Tổ Nhân hoàng đế tức là ông vua thứ hai triều Mãn Thanh, niên hiệu là Khang Hy. Dưới triều Mãn Thanh, những người giống Hán làm bầy tôi, khi nói đến ông vua ấy phải xưng là “Ngã Thánh Tổ Nhân hoàng đế”. Hai chữ “chúng ta” là dịch chữ “ngã” ấy. Lỗ Tấn đay lại lời xưng hô ấy, có ý nhắc lại sự sỉ nhục của người giống Hán.
- ▲ Thuận Trị là niên hiệu của ông vua thứ nhất triều Mãn Thanh khi đã từ Mãn Châu vào làm chủ Trung Quốc.
- ▲ Thang Nhược Vọng, nguyên tên là Joaennes Adam Schall von Bell, người Đức, giáo đồ đạo Thiên Chúa, tinh thông phép lịch toán. Cuối triều Minh, sang Trung Quốc, được vào làm quan Viện Hàn lâm. Qua triều Thanh, được làm quan giám chánh khâm thiên giám, cải cách phép lịch theo phép mới bên Tây.
- ▲ Sùng Trinh là niên hiệu ông vua cuối cùng triều Minh.
- ▲ Nguyễn Nguyên là nhà văn học có tiếng đời Mãn Thanh, làm quan lớn ở hai triều Gia Khánh và Đạo Quang.
- ▲ Một đoạn dẫn lời Nguyễn Nguyên đây, cho người ta thấy một sự mỉa mai cay độc. Nhà Minh vì “bảo tồn quốc túy”, không chịu dùng phép lịch Tây Dương, để đến nhà Thanh dùng phép lịch ấy thành công, rồi một người giống Hán là Nguyễn Nguyên buông lời mạt sát vua tôi nhà Minh và ca tụng “thánh thánh” của “quốc gia ta” là quân dị tộc… Tác giả chẳng thêm vào một lời nghị luận nào hết, mà cái ý trách móc những người thủ cựu, khinh miệt những người vô sỉ tự phơi ra lồ lộ.
- ▲ Bôi màu vàng ở trán, màu lục ở lông mày, là lối trang sức của phụ nữ thời đại Lục triều, đến đời Đường vẫn còn có. Nguyên văn là “ngạch hoàng mi lục”.
- ▲ Đạo Quang và Hàm Phong là niên hiệu hai ông vua triều Mãn Thanh nối nhau vào khoảng giữa thế kỷ XIX.
- ▲ Nguyên văn là “thế phong nhật hạ”, một thành ngữ mà văn ngôn thường dùng.
- ▲ Đại ý bài này cũng lại công kích bảo tồn quốc túy. Bảo tồn quốc túy là câu bịa ra mà nói để nghe cho có lý và cho đẹp, chứ kỳ thực chỉ là thủ cựu. Mà hễ thủ cựu thì phải đến suy yếu và mất nước cho dị tộc, coi như nhà Nam Tống, nhà Minh thì đủ biết.