Thơ Allen Ginsberg 3 (bản dịch của Hoàng Ngọc Biên )

Thơ  Allen Ginsberg
Hoàng Ngọc Biên dịch

 


ALLEN GINSBERG  (1926-1997)

 

 

SAU CUỘC DIỄU HÀNH VĨ ĐẠI

 

Hàng triệu người tung hô và vẫy cờ vui mừng ở Manhattan

Hôm qua họ đã trở về với công việc và với chứng thấp khớp

                                             của họ bây giờ là thứ Ba –

Điều gì làm họ ham muốn đến thế đó rốt cuộc là đam mê,

                                        niềm hân hoan chung thế đó

Có bao giờ họ sẽ lấy lại được những giờ phút ngây ngất

                                                        giấy rải hoa?

Họ có quên chăng những Hành lang Thần chết đã đem lại

                                                           chiến thắng kia?

200 ngàn hơn cái chết trên sa mạc khắp thế giới có sẽ là

                                                                nguyên nhân

cho cuộc liên hoan sắp tới?

 

6.11.91 – 2:30 p.m. 

 

—————————————

“After the big parade”, trong City Lights Review: War After War,
do Nancy J. Peters biên tập, City Lights Books xuất bản, San Francisco, 1992.

 

 

 

HÃY HIỂU RẰNG ĐÂY LÀ MỘT GIẤC MƠ

 

Thực như một giấc mơ

Ta sẽ làm gì với cơ hội tốt khi được bay?

Hành tinh này, mặt trăng này giải thích điều gì đây?

Nếu ta có thể mơ thấy ta mơ / và mơ bất cứ gì có thể mơ được / ta có thể mơ

Thấy mình đang thức / và tại sao phải làm như thế?

Trong giấc mơ khi ta mơ ta thức / dậy thế điều

gì xảy ra khi ta tìm cách cử động?

Ta mơ ta đang cử động

và sự cố gắng cứ thế cử động cử động

cho đến khi ta cử động / và cánh tay ta thấy đau

Thế rồi ta tỉnh dậy / mất cả tinh thần / ta đang mơ / ta đang thức

khi ta vẫn còn mơ / lúc này đây

và lần tới tìm cách nhớ trong khi mơ

rằng ta đang trong giấc mơ.

Và mơ bất cứ gì ta muốn lúc ta tỉnh dậy.

Khi tỉnh dậy ta thèm muốn gì đây?

Ta thèm thỏa mãn cái bụng xúc động của ta.

[Ta mơ ta

hói đầu / đang biến đi / khu học xá không còn nhận ra được / Ðại lộ Haledon

sẽ tràn ngập đèn neon / những nhà ngủ / những Siêu thị / sắt thép

những cổng vòm và những rừng cây thay đổi khi ta trở về / để gặp lại Ngài

Ngài sẽ là ông bố hói đầu / béo núc / ta có thể đuổi theo ngài tới nhà xe

Nếu vẫn còn cái nhà xe trên đồi / trên hành tinh / khi ta trở về. Từ châu Á.

Nếu như ta còn nhớ ra được ngay cả tên hay mặt cậu ấy / hay tìm ra cậu /

Khi ta lên mười / có lẽ cậu hiện hữu dưới một hình dạng nào đó.

Với một cái bụng và một dây thắt lưng và một chiếc xe

Tên họ cậu ấy là gì / ta không hề biết / trong niên giám điện thoại / trong hồ sơ Akashic.

Ta sẽ viết Cảm hứng mình để toàn Nhân loại nhớ.

Ý tưởng của ta, hang bí mật / trong phòng chứa quần áo / ngôi nhà kia có lẽ đã đổ /

Chẳng có gì phải trở lại / mọi thứ đã ra đi / chỉ ý tưởng ta

đang biến mất / ngay cả trong những giấc mơ / những khối bụi xám / sự hủy diệt

trong khoảnh khắc của Thế chiến II và tất cả những khẩu đại bác miệng ngời ánh thép

không rỉ

còn ít hơn ta và những chiếc hôn thời ta cắp sách đi học ngữ pháp / ta chẳng bao giờ

hôn kịp thời /

và tiếp tục hôn trong mơ và trên đường phố / như thể hôn cho muôn đời.

Không chẳng bao giờ để sót! Cả cái muôn đời xưa nhất của ta cũng đã ra đi, ở

Bangkok, ở Benares,

bị quét sạch với những chữ và thân xác / tất cả đi vào sắc nâu sông Hằng /

đi qua những nền đất cháy và / đi vào quốc gia cảnh sát.

Đầu óc ta, đầu óc ta / ngươi có sáu thước Ðất để đào xới /

Sao ngươi không nhớ và không gieo hạt Luật và thu gom những chồi Gì?

những nụ hoa vàng nở ra ý tưởng nào? Nếu ta mơ ta đang mơ / giấc mơ nào

ta nên mơ sau đó? Xích lô máy / vạch đèn sáng / taxi nhỏ /những móng ngựa

trên phố Sài Gòn lúc nửa khuya. Ankor Wat phía trước và những gương mặt Hindu

xưa trong các phế tích

và có một giấc mơ về Vĩnh cửu. Ta phải mơ gì đây khi ta tỉnh dậy?

Có còn lại gì để mơ, thêm chút thịt kho Tàu? Thêm những câu Thần chú yêu thuật?

Thêm những tuổi trẻ để yêu trước khi ta đổi thay & biến mất?]**

Toàn thân ta tim ta trên đầu ngón tay run với năm ba thỏa mãn thời xưa.

Những trang thơ nhịp điệu thánh thần đốt cháy những chữ bốc lửa

không thiêu rụi nhưng biến mất

Những bản viết bí ẩn trên giấy da của chính ta và vũ trụ lời giải đáp.

Bụng kề bụng và gối kề gối

Tia nóng vọt ra từ thân thể ta tới bạn tới bạn

ôi chàng trai / ôi Ngài mơ mộng / ông Hoàng Paterson / giờ đây đã là vua của ta /

Haledon mất hút

giấc mơ đầu tiên làm ta kéo tuột cả quần

khẩn trương bày biện nào xe hơi / xe tải / lăn bánh xuống ngọn đồi đại lộ.

Lùi xa về quá khứ điều ta còn nhớ / nhưng mặt thủ lãnh đám băng kia

mầu vàng hoe / tay ấy yêu ta / một ngày nọ trên thềm nhà hắn cách mấy khu phố

suốt buổi chiều ta nói với hắn về câu Thần chú yêu thuật của ta

Ta không sao làm được bất cứ điều gì ta muốn / dinh thự / tiền triệu / dụng cụ hoá học /

lồng gà/ ngựa trắng

những chuồng ngựa và phòng tra tấn ở tầng hầm / Ta thanh tra các nạn nhân

trần truồng

bị trói lộn ngửa / đầu ngón tay ta run sự chấp thuận trên đùi họ

đôi má trơn tru trắng trẻo mà ta muốn hôn đâu cũng được

tùy ta. trên khung trăn tra tấn.

Ta đi qua với đám tùy tùng lực lưỡng / Chính ta cũng trần truồng

còng lưng xuống mông đưa ra

nhận những làn roi quất kết tội của chúng / ôi sức nóng của thèm muốn

như cứt trong lỗ đít ta. Đám băng nhóm lạ lùng

bên kia đường / qua cửa hàng tạp phẩm / trong đường rừng / giữa trời góc phố /

Bởi ta đã nói dối ông Nha sĩ về cái mái lồng gà / lợp ngói đen ta lấy cắp ở nhà xe ông

và thằng bé ta yêu sẽ trừng phạt ta nếu nó biết ra

ta yêu hắn tới đâu.

Và giờ đây ta có trong tay cậu bé kia trở lại một hình dạng vàng hoe khác

Peter Orlovsky một thằng bé người Tàu ở Bangkok khoảng mười hai mươi tuổi

Joe Army trong khu đại học / phần thắt lưng trắng vàng / miệng ta có những cái hôn

đầy cu thằng bé / đít ta cháy bỏng / đầy cu thằng bé

mọi thứ ta thèm muốn. Khi mơ và khi tỉnh

cái thân xác đẹp trai kia đã thuộc ta / đã được đáp

mọi thứ ta thèm muốn / yêu đương thầm kín / đôi mắt mở / cuối cùng để lộ / quần áo

bừa bãi trên nền nhà

Đồ lót thứ đồ phô bày hơn cả bị lột tuột xuống quá rốn trên giường.

Thế là thế / ừ ừ / những con cu dẹp / vết châm đỏ lông mu mềm / một mình với ta

câu thần chú yêu thuật của ta. Quyền lực của ta / cái mà đơn độc ta thèm muốn /

là cái sau 30 năm /

Ta mãi mãi đã được / sau ba mươi năm / đã đủ thoả mãn với Peter / với mọi thứ

ta muốn /

với nhiều người đàn ông ta quen biết một thế hệ / tinh trùng chúng ta đi

vào miệng và bụng chúng ta / đẹp đẽ khi tình yêu / trao tặng.

Giờ đây giấc mơ già đi / ta già đi / tóc ta dài tới một tuổi / sinh nhật ba mươi tám của ta

gần kề.

Thêm những lời nói mơ? Ta không sao tiếp tục mãi. Bây giờ ta biết tất cả /

sẽ lụi tàn? Giờ đây khi ta biết mình đang mơ /

Tới đây ngươi sẽ ra sao Allen? Chạy xuống tới Dinh Tổng thống đầy Thuốc giảm đau /

Gà gáy inh ỏi / trên đường phố. / Những chiếc xe tải bình minh / Vấn đề là gì đây?

Giờ đây tôi có cần ngủ, khi ánh sáng rọi vào cửa sổ?

Ta sẽ đi ngủ. Chấm dứt hết cho đến / ý tưởng tới / chiếc xe van trống không dừng

trước cửa nhà ông Bác sĩ đầy những đồ đạc Trung hoa.

 

Sài Gòn, 31 tháng Năm – 01 tháng Sáu, 1963*** 

_________ 

* Dịch từ nguyên tác “Understand That This is a Dream”, trong tập thơ Airplane Dreams: Compositions from Journals, Allen Ginsberg, The House of Anansi – Toronto xuất bản, 1968. Tập thơ được Allen Ginsberg ghi chú (30 tháng Ba 1968) là “gồm những bài viết từ Nhật ký ghi trong hai thập niên 1948-1968”, không hẳn là thơ, mà là những ghi chép… “Hãy hiểu rằng đây là một giấc mơ” được dịch khoảng cuối 1968 / đầu 1969 ở Sài Gòn từ ấn bản đầu tiên, tất nhiên là từ “những ghi chép”. Về sau trong các tuyển tập thơ Allen Ginsberg, nhà thơ đã cho in lại bài thơ viết ở Sài Gòn này với khá nhiều thay đổi, về vị trí của nguyên một đoạn thơ dài**, thay một ít từ, chỉnh một ít từ (Ankor thành Angkor), mấy chỗ chấm phẩy, và bớt đi vài câu. Người dịch vì những lý do trước tiên là ngôn ngữ, và một phần là lịch sử, đã muốn giữ nguyên bản dịch cũ (vừa được tìm thấy lại ở Sài Gòn tháng Sáu, 2005 tại một căn nhà nhỏ nằm sâu trong Khu phố Văn hóa 1, hẻm 238 đường Hồng Thập Tự cũ, Nguyễn Thị Minh Khai mới) khi đem giới thiệu với những bạn đọc từng yêu mến chất nguyên thủy, hay “nguyên si” trong cái viết của Ginsberg.

** Những câu thơ trong ngoặc […] đã được tác giả chuyển từ giữa phần đầu bài thơ (như đã thấy trong bản dịch này) xuống giữa gần cuối bài thơ trong bản in Collected Poems 1947-1980, Allen Ginsberg, Harper & Row, Publishers, 1984.

*** Allen Ginsberg rất có thể đã “ghi chép” bài thơ ngay trên chuyến bay Bangkok – Sài Gòn, có nghĩa vài giờ trước ngày 1.6.1963 là ngày ông đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ginsberg ở Sài Gòn 5 ngày 4 đêm, và như chúng tôi được biết, tuy có nói chuyện với vài nhà sư tranh đấu, ít sĩ quan trong quân đội (theo Dharma Lion – A [Critical] Biography of Allen Ginsberg, Michael Schumacher, St. Martin Press, 1992), phần lớn thì giờ ông ngồi chuyện trò tại văn phòng United Press của Neil Sheehan (theo Ginsberg – A Biography, Barry Miles, Simon and Schuster, 1989). Như thế, ngoài phóng viên các báo Mỹ: Time, Newsweek, New York Times… gặp tại văn phòng hãng thông tấn UP, ông có thể đã chỉ tiếp xúc ngắn với cánh duy nhất là tạp chí Sáng Tạo – hình như chính xác là ông Lê Huy Oanh? Những phản ánh về cuộc tiếp xúc này trên báo Sáng Tạo thời ấy hẳn nói lên những người làm thơ ở Sài Gòn chúng ta thời ấy đã tiếp xúc với thơ Ginsberg như thế nào.

 

 


Portland Coliseum[1]

 

Một chiếc piano          màu hạt dẻ trong ánh đèn

chiếu trắng kim cương

Phòng nghe nhạc thủy quái

thanh sắt chống tường bọc lưới

organ điện lơ lửng, tiếng hát

dàn trống đen

Tiếng động duy nhất những tiếng huýt

phát ra từ thanh quản mười

ngàn trẻ em cùng hát

xuyên thủng tai

và chảy trào lên bụng

lúc hạnh phúc tuôn tràn

 

Xuất hiện, bốn chàng trai nước Anh

áo jacket màu hạt dẻ tóc kiểu chúa

Ringo chàng Điên đập vào những chiếc trống

sáng trắng ngời

George im lặng tóc tỉa kiên nhẫn

Tâm hồn ngựa

Chàng Paul nhỏ con cái sọ đen

cây guitar mỏng manh dí dỏm

Lennon Đội trưởng, miệng treo

một nụ cười mỉm tam giác

cả bọn cùng tung nhảy để Chấm dứt

một bài hát tưởng niệm khóc thương

xưa đã tới hai năm.

 

Hàng triệu trẻ em

hàng ngàn con người

nhảy dựng trên chỗ ngồi của mình, hích

vào sườn nhau, chân

chen lấn kích động

Hét thêm nữa & tay vỗ vào nhau

trở thành một Con Thú duy nhất

trong Phòng nghe nhạc Tân Thế giói

– những bàn tay vẫy như vô vàn

những con rắn tư tưởng

hét to hơn cả tai nghe

 

trong khi một hàng cảnh sát

tay khoanh tròn

Dàn lính gác cản cơn say ngất

đỏ màu áo len

dâng cao đến tận

mái lưới sắt.

 

                        27 tháng Tám, 1965

 

Tiệc đầu ở nhà Ken Kesey[2] với các Thiên thần Địa ngục[3]

 

Đêm đen lạnh giữa những cây tùng bách

xe đậu trong bóng tối bên ngoài

sau cổng chính, những ngôi sao tối mù trên

khe núi, một ngọn lửa cháy cạnh

hàng hiên và dăm ba con người mệt mỏi lom khom

trong chiếc jacket da màu đen, một chùm đèn vàng

vào 3 giờ sáng những chiếc loa khuếch đại nổ bùng

âm thanh hi-fi Rolling Stones Ray Charles Beatles

Jumping Joe Jackson[4] và hai mươi thanh niên

nhảy nhót theo nhịp rung của sàn nhà,

chút thuốc lá trong phòng tắm, những cô gái quần bó

màu đỏ, trên anh chàng lực lưỡng da mướt

đẫm mồ hôi nhảy múa suốt hàng giờ, những hộp bia

bóp nát ngổn ngang ngoài sân nhà, một tượng treo

đàn ông đong đưa trên một cành cây gần vũng lạch,

đám trẻ con êm ái ngủ trong phòng,

Và 4 xe cảnh sát đậu bên ngoài sau cánh cửa

sơn, ánh đèn xe quay cuồng trong lá.

 

                        Tháng 12, 1965

 

——————-

* Dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Portland Coliseum” và “First Party at Ken Kesey’s With Hell’s Angels” trong tập Planet News: 1961-1967 của Allen Ginsberg (City Lights Pocket Poets Series, 1971). Bản Việt ngữ bài “Portland Coliseum” được in lần đầu trên tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt nam, số 2, Bộ mới, 8.1990, Hà Nội.

[1]Portland Coliseum: tên một nhà hát lớn ở Portland, Oregon, Mỹ, nơi người ta tổ chức nhiều buổi trình diễn ca nhạc có tầm cỡ.

[2]Ken Kesey: Nhà văn, bạn của nhiều nhà thơ nhà văn beat ở Mỹ, tác giả cuốn One Flew Over The Cuckoo’s Nest, và là một trong những khuôn mặt “sóng gió” trong làng văn nước Mỹ.

[3]Hell’s Angels.

[4]Chúng tôi để nguyên biệt danh của ca sĩ Joe Jackson. 

 

 

Nanao [1]

 

Tẩy não bằng hằng hà những suối hồ trên núi

Đôi chân gột rửa khi đã đi qua bốn lục địa

Mắt không một vẩn mây như bầu trời Kagoshima

Trái tim tươi mát hun nấu cách lạ lùng

Lưỡi sống động như con cá hồi mùa Xuân

Đôi bàn tay Nanao trầm tĩnh, bút & rìu đều

bén nhọn như sao trên trời.

 

                                               Với Peter Orlovsky

                                               tháng Sáu 1987 

 

Ai xơi ai?

 

Một con quạ ngồi trên bệ cầu nguyện cột cờ,

con bạn đực cánh đen bước trên bãi cỏ xanh ướt, tìm sâu?

Hôm qua đám mòng biển lướt qua những ngọn sóng nhấp nhô,

chân chạm tới những đợt vỗ bờ sủi bọt

kiếm những con cá hồi? bơn lưỡi ngựa? bơn lá mít?

Vi khuẩn ăn trùng đế giày hay ngược lại,

vi rút xâm nhập tế bào, bạch cầu hạ thấp –

Nanh & vuốt trên TV, sư tử hạ thủ linh dương –

Cá voi rây lọc đám tôm cua sò trong tấm lược đầy lông.

Mỗi ổ ăn thịt đều đã chứa đầy, đám săn đầu người

Amazon xơi tái những hòn dái –

Sức mạnh & tiềm năng kẻ thù lại là cái của ta!

 

                                              13 tháng Tám, 1992
                                                             Gampo Abbey, Nova Scotia

 

_______________ 

[1] Nanao Sakaki (sinh 1923, miền nam Nhật Bản), nhà thơ beat hàng đầu của Nhật, với thú ngao du sơn thủy và đọc thơ (nên thường được gọi là thi sĩ hippy!), từ những năm 60 đã gặp và kết thân với Gary Snyder, Allen Ginsberg và nhiều nhà thơ Bắc Mỹ, nổi tiếng trong những họat động bảo vệ môi trường. Trả lời nhiều danh hiệu được gán cho mình, Nanao Sakaki nói: “… Không. Tôi không phải là một Phật tử Thiền. Tôi không là hippy. Cũng không là beatnik. Tôi không phải là một nhà thơ lang thang đây đó… Chúng ta sinh ra đời để làm gì? Trên hành tinh này cuộc đời chỉ là một khoảnh khắc. Thế thì hãy tận hưởng nó…” Thơ, với Nanao Sakaki, la trầm tư, là thiền định, là “trò chuyện với thiên nhiên”. Những tập thơ mới nhất bằng tiếng Anh của Sakaki do Blackberry Books xuất bản: Let’s Eat Stars và Break The Mirror. 

Dịch từ nguyên tác “Nanao” và “Who Eats Who”

trong tập Cosmopolitan Greetings: Poems 1986-1992 của Allen Ginsberg

(HarperCollins, 1994).

 

 

Có kẻ đánh cắp bài thơ này

Ngày nay người ta ăn cắp mọi thứ

Người ta ăn cắp bóp ví của bạn, đồng hồ của bạn

Đập bể cửa xe bạn ăn cắp hộp đài radio xe

Đập bể cửa nhà bạn, cuỗm cái Sony Hi 8 cái CD VCR Olympus XA

Người ta ăn cắp cuộc đời bạn, tóm bạn ngoài đường & cướp mất cái đầu bạn

Ăn cắp đôi giày bố của bạn trong nhà vệ sinh

Cướp người yêu, trấn lột bạn trai, hiếp dâm bà nội bạn trên xe điện hầm

Bọn nghiện cướp tim bạn để mua thuốc chữa, trên đài radio chúng cướp cả kẽ hở chút tin cậy bạn có

Bọn ghiền & bọn đen cướp sự an nhàn, yên ổn tinh thần của bạn khi bạn vác gói áo quần đi tới tiệm giặt trên đường A

chúng ăn cắp cả hồn bạn, bạn phải coi chừng

Mấy thằng Porto Rico ăn cắp màu da trắng trên mặt bạn

Bọn anglôxắcxông trắng thì cướp hành tinh của bạn cho những cam kết giẻ rách, bọn Do thái cướp anh Bố bựa của bạn và bỏ lại lão Thượng đế dơ bẩn trên giường bạn

Bọn Ả rập cướp củ dương của bạn & bạn thì cướp dầu lửa của chúng

Ai nấy người này cướp người kia, thì giờ sex đồng hồ đeo tay tiền bạc

Chúng cướp giấc ngủ 6 giờ sáng của bạn. Nào xe rác nào máy nghe nhạc ầm ĩ nào còi báo động nào bom H thi nhau rống inh ỏi cướp trọn vũ trụ của bạn.

                                                                         19 tháng 12, 1991, 8:15 sáng.

 

 

 

John

 

I

Không ai thích đầu tóc của tôi

Mẹ nắm tóc lôi tôi đi xem phim

Cha cốc trên đầu tôi

Bọn băng đảng châm lửa đốt

Mớ tóc khô của tôi, tóc

ngắn của tôi, tóc đen của tôi, tóc lãng xẹt

tóc vứt đi của tôi – mớ tóc xoắn tít!

Cho đến khi tôi gặp John,

John thích tóc tôi

Hắn lấy mấy ngón tay cuộn tròn những lọn mềm

Bảo tôi hãy cứ để nó mọc ra

John vùi mặt hắn trong tóc tôi

hôn tóc tôi

Thì thầm những lời âu yếm “Ôi ôi ôi” trên đỉnh đầu tôi

Tay vỗ nhẹ lên đầu tôi

Vuốt ve tôi từ đầu xuống đến gáy –

Ngồi đối diện tôi trên xe điện hầm và tình tứ nhìn tôi –

 

II

 

Bọn chúng xì xào, cùi chỏ tựa trên cái lan can đá hoa trắng

ở ban công Nhà hát Majestic –

nói về Jerusalem, Moscow, các Chuẩn tinh, các Lãi suất –

John từ ghế đứng dậy, dừng chân đầu cầu thang –

ngồi xuống, tay bít tai tuyệt vọng – “Chân tôi không cựa quậy được!”

“Sao,” chúng hỏi, “chân anh không cựa quậy? Là nghĩa làm sao?”

John lắc đầu, mắt nhắm, hai tay vẫn ôm tai như trước,

“Tôi không cựa quậy được,” hắn lặp lại giọng thảm thiết.

 

III

 

John bị nhiễm SIDA.

Thoạt đầu, hắn bắt đầu nói một mình.

Bác sĩ thần kinh bảo:

“Anh sẽ phải nói chuyện một mình,

hãy nói dưới hình thức thơ.”

                                             7 tháng Mười một 1991, 8:30 sáng.

 

 

———-

Dịch từ nguyên tác “A Thief Stole This Poem” và “John” trong tập Cosmopolitan Greetings: Poems 1986-1992 của Allen Ginsberg (HarperCollins, 1994).

 

 

Bây giờ và mãi mãi

 

Ta sẽ lo ổn định với sự Bất tử –

Không phải qua thân xác

      Chẳng phải qua đôi mắt

            Những ngọn núi cao lấp lánh sao

                     trăng tàn trên những đỉnh Aspen

Mà là qua những chữ viết, qua hơi thở

             của những câu dài

những mối tình ta có, trái tim mãi mãi

             còn đập,

hứng khởi liên tục, thở ra

            những nhịp điệu mến yêu

Kiểu bất tử ấy còn sống sót ở Mỹ,

                     sống sau khi các Tiểu bang sụp đổ

            Ngày Thượng lộ của thân xác ta,

                     bụi câm miệng

Những câu thơ này gieo truyền đam mê

                     Đam mê hoàn thành

Bây giờ và mãi mãi những cậu bé có thể đọc

                     các cô có thể mơ, lão ông được khóc

Lão bà có thể thở dài

                     tuổi trẻ vẫn sẽ đến.

 

                                             19 tháng Bảy 1992

                                             Aspen

 

 

 

Đệ ngũ Quốc tế

 

                                 Tặng Billy MacKeever

 

Vùng lên hỡi những kẻ bị giam cầm trong tâm thức

Vùng lên hỡi những kẻ loạn thần kinh trên Trái đất

Sự Tỉnh thức vang ầm Giải phóng

Một thế giới thiêng liêng ra đời

 

Sẽ không còn Gông cùm trói buộc chúng ta

Bọn Xâm lược Tinh thần không còn cai trị

Thế giới sẽ đứng lên trên những nền tảng mới

Bọn chúng ta từ ngốc sẽ trở thành Điên

 

Trên Đường đi cái gì cũng Thu gom

Ai nấy mỗi người hãy lo tìm chỗ cho mình

Trường học Loạn Khôn[*] Quốc tế

Có thể cứu Nhân Loại

 

                                    7.1986

                                    Naropa

 

 

———————-

Dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Now and Forever” và “Fifth Internationale” trong tập thơ Cosmopolitan Greetings: Poems 1986-1992 của Allen Ginsberg (HarperCollins, 1994). Allen Ginsberg từng phổ nhạc bài Đệ ngũ Quốc tế này.

[*] Theo trường phái Tây tạng (Trường Kagyü). Chögyam Trungpa (1939-1987), nhà truyền đạo người Tây tạng mà Ginsberg và Orlovsky từng gặp ở Ấn độ. Về sau, Chögyam Trungpa xuất thế, trở thành vừa là thầy vừa là đồng môn với nhà thơ, cũng là người đồng sáng lập Viện Phật học Naropa ớ Colorado, là nơi có Trường thơ thoát xác mang tên Jack Kerouac – School of Disembodied Poetics) trong cuốn Folle Sagesse (Éditions Points Sagesse, Seuil, Paris, 1993 – được coi như một tuyên ngôn của tự do đích thực) phác họa loạn khôn – folle sagesse / crazy wisdom – như là một trạng thái tinh thần thơ ngây vô tội giống như một buổi bình minh-thức tỉnh long lanh tươi mát. Nguyên lý của loạn khôn là nội dung cuộc đời của vị sư tổ người Ấn độ Padmasambhava, người đã đưa Phật giáo vào Tây tạng, được nhận thức như điểm khởi đầu mở ra một chuyến du hành tâm linh phi thường. Nhìn gần góc độ soi sáng ấy, ta thấy việc tu luyện tâm linh không phải nhằm đem lại một câu giải đáp yên ổn cho nỗi đau hay những mơ hồ trong con người của ta; ngược lại, nỗi đau, những cảm xúc của ta, những “lầm lạc” của ta được nhận thức ở đây như bấy nhiêu những phương tiện, những bàn đạp đưa tới một khám phá mới về chính con người của ta. Chữ loạn khôn dùng ở đây chắc hẳn vẫn còn là một chọn lựa “khiên cưỡng” (Chú thích của người dịch).

 

 

Chủ đề khách quan

 

Quả thật là ta viết về chính ta

Có ai khác ta biết rõ hơn?

Có chỗ nào khác gom hoa hồng đỏ máu & rác trong bếp

Có cái gì khác trái tim bự, cái gan viêm hay cái trĩ này –

Có ai khác sống bảy mươi năm của ta, mẹ già Naomi chăng?

và nếu tình cờ ta chép lại chính trường Hoa kỳ, thiền định

Uyên thâm, lý thuyết nghệ thuật

ấy là bởi ta đọc báo ta yêu

thầy ta đọc lướt mấy tờ báo hoặc viếng một bảo tàng

                                                8 tháng Ba, 1997, 12:30 sáng

 

Một trời chữ

 

Mặt trời lên chói mắt

Còi hụ dội xé trời

Còi taxi dội đường phố

Còi xe hỏng kêu be be be

 

Trời phủ đầy chữ

Ngày phủ đầy chữ

Đêm phủ đầy chữ

Thượng đế phủ đầy chữ

 

Ý thức phủ đầy chữ

Trí tuệ phủ đầy chữ

Sống & Chết là chữ

Chữ phủ đầy chữ

 

Những người yêu phủ đầy chữ

Bọn sát nhân phủ đầy chữ

Bọn gián điệp phủ đầy chữ

Nhà nước phủ đầy chữ

 

Hơi độc cháy phủ đầy chữ

Bom khinh khí phủ đầy chữ

“Bản tin” thế giới là chữ

Chiến tranh phủ đầy chữ

 

Lính kín phủ đầy chữ

Chết đói phủ đầy chữ

Xương Mẹ phủ đầy chữ

Xương Con phủ đầy chữ

 

Quân đội phủ đầy chữ

Tiền bạc phủ đầy chữ

Bọn Giàu phủ đầy chữ

Lũ Nghèo phủ đầy chữ

 

Ghế điện phủ đầy chữ

Đám đông hò hét phủ đầy chữ

Bạo chúa phát thanh phủ đầy chữ

Địa ngục truyền hình phủ đầy chữ

                        23 tháng Ba, 1997, 5 giờ sáng

 

 

Những ngày tháng Năm 1988

 

I

Trong khi ta đi qua sàn nhà bếp ý nghĩ về cái Chết trở lại,

ngày này sang ngày khác, khi ta thức dậy & và uống nước chanh và nước nóng,

đánh răng & và hỉ mũi, đái vào bồn tiểu một dòng vàng khè

từ thân thể ta đi ra, nhìn qua những cửa sổ che màn, bên kia đường

Ngôi Nhà thờ Đức mẹ Mary Nhân Từ, bao nhiêu năm nữa

còn phải đổ rác, khiêng những bao nhựa đen xuống lề đường,

trước khi luộc sôi món trứng cuối cùng,

ngày này sang ngày khác mắt liếc cái gối đệm tĩnh tâm trước bàn thờ & thở dài,

đi qua trước những kệ sách đầy thơ ca Hi-lạp & hàng pho sách về Bí mật Kỹ nghệ Quân sự?

Bao nhiêu buổi sáng nữa qua cửa sổ nhìn những đám mây xám chuyển đường trôi bên trên con cú bằng gỗ

trên mái nhà Giáo xứ, những con bồ câu rập rình bay từ ngọn đèn đường đến một hàng rào sắt, ta trở vào bếp

gạo lứt yến mạch nấu trong nồi sắt, ngồi lên một chiếc ghế gỗ, chọn một cái muỗng canh, vừa ngồi mơ trước cửa sổ vừa ăn món cháo lứt

trong khi những cây lá lĩnh đâm chồi & trổ đầy lá xanh, những rong tảo trong vùng mưa Đại tây dương,

rụng hết lá sau mùa tuyết, đưa cành trần trụi ra trước những ngọn gió han gỉ tháng Giêng?

Bao nhiêu buổi sáng chụp mấy cái ảnh dây phơi áo quần, những ống khói sân nhà cách một đường đi?

Bao nhiêu năm nữa nằm một mình trên giường và mân mê củ dương của ta

hay kê đầu trên gối nửa khuya đọc báo Times, trả lời điện thoại, nói với Bà mẹ kế của ta

hay Joe ở Washington, đợi một tiếng gõ cửa chính là anh chàng Peter mập béo tỉnh táo ngập ngừng

dò xem có gì ăn tối, ít khi đến thăm, buồn bã cuộc sống mất toi – anh có tiền nhà trả mỗi tháng rồi?

đám Thư ký tuyệt vọng tay ôm một đống đầy thư từ buổi sáng –

bao nhiêu năm nữa đứng dậy nhét áo vào quần, xoay chìa khóa trong ổ, bước xuống cầu thang ngoài hành lang,

đi vào Thành phố New York, tiệm ăn Ba Lan Christine’s ở góc Đường 12 East nằm trên Đại lộ 1

lên phố bằng taxi tới các viện bảo tàng nghệ thuật hay thăm Bs. Brown, chụp X quang cái phổi, xem ho là do hút thuốc hay cảm cúm

Lấy tin tức bên Palestine, Nghe lời ai thán của Leadbelly[1] trên băng từ, Black Girl, Jim Crow, Irene – và

mỗi tuần lễ cứ đên Chủ nhật là nghe mấy người Puerto Rico leo lên những bực thềm xi măng ở nhà thờ.

 

II

 

Những chiếc vớ trong đống đồ giặt, bật đèn trong bếp nửa đêm đi tìm tủ lạnh, những quả cà chua phơi khô, miếng phó mát mềm & giăm bông, nước Khóm,

tiền nhà kiểm ở mức $260 tháng, nền nhà lát gỗ sáng kiểu thể dục, tường trắng,

cuốn Tyger của Blake[2] trên kệ sách trong phòng ngủ, tiếng taxi chạy lách cách trên nhựa đen dưới đường,

Im lặng, căn nhà quạnh quẽ, cuốn Charles Fourier nằm trên bàn đầu giường ngủ đang đợi kiểm tra, tắt đèn –

Áo quần ngủ trong ngăn tủ, 80 cuốn sách để sau đầu giường phải đọc lướt –

Thơ ca tiếng Yiddish[3] của Irving Howe, Attila József, Obscure Religious Cults của Sashibusan Das Gupta, Céline, De Vulgari Eloquentia –

Tài sản nào cho tuổi già đây? Những giấc ngủ ngày thoải mái những giấc mơ đêm dài nào? Giở những trang sách ở Persepolis và Lhasa!

Đòi hỏi gì hơn ở đời sống? Trừ thời gian, nhiều thời gian nữa, thời gian chín muồi và yên tĩnh

& thời gian không Chiến tranh để chứng kiến những tháng năm suy sụp, mặc dù nhức mình nhức răng nhức đầu nhức cùi chỏ,

thắt sống lưng vặn có két, mũi khô, mắt cá lốm đốm tím

& cái lưỡi sắc sảo, bao nhiêu năm nữa để nói, chụp ảnh, hát trên sân khấu

ngẫu hứng trong lớp học trên đường phố nhà thờ đài phát thanh, xa Quốc hội?

Bao nhiêu năm nữa mắt nhắm 9 giờ sáng thức dậy lo lắng

cái ung nhọt trên má ta có phải là ung thư? Ta có phải bắt người viết tiểu sử Burroughs trả tiền những bức ảnh

in lại từ 40 năm trước? Khả năng văn phong nhà biên tập Miles có OK để viết Văn Sử Thế hệ Beat?[4] Ta có sẽ ngồi dậy & thiền định

hay cứ nằm ngủ giữa ngày để hồi phục khỏi cảm cúm? điện thoại reo nửa giờ trước đây

Có lời nhắn nào trên Máy Trả lời? Trả lại Tiền ứng trước của tạp chí Harper’s?

Ai hứa thời hạn cuối cho cuốn sách hình kia? Ta đã chẳng thức đến 2 giờ sáng để nhuận sắc mấy Bài thơ?

Thơ xuất thần?!? Lên máy bay đến Greenland, viếng Dublin?

Hội VĂN BÚT họp 17 tháng Năm, kiến nghị chuyện Do thái Khiểm duyệt Báo chí Ả rập?

Gọi điện C – O – mụ thơ nữ dịch tiếng Yiddish theo phái Phục quốc Do thái?

Thư cho Elie Wiesel nhà đạo đức thẩm quyền về các trại tập trung, câu ông ấy nói là gì nhỉ

“dân Ả rập nên dùng chữ mà ném chứ không nên dùng đá?” – trích nguyên văn trên báo Times?[5]

Ta có phải đứng dậy ngay, hai chân bắt chéo nguệch ngoạch viết Nhật ký

với tiếng động cơ ì ầm dưới đường, những chiếc xe đánh cắp được ngụy trang đậu bên lề

hay kéo chăn lên đắp cho mấy cái xương nhức mỏi này? Bao nhiêu năm nữa tỉnh hay ngủ

Bao nhiêu buổi sáng tháng Năm nữa sẽ đến, những con chim chiêm chiếp hót kiên trì trên những mái nhà sáu tầng?

những chồi nụ mọc trong những sân sau các thành phố? Hoa liên kiều vàng nở bên những tường gạch & những giát lò xo rỉ sét bên hàng rào?

 

III

 

Bao nhiêu Chủ Nhật nữa thức dậy và nhắm mắt nằm yên nhớ đến cái Chết,

7 giờ sáng Mặt trời Xuân ngoài cửa sổ tiếng một tên Nữu Mỹ[6] nhậu say om sòm ở góc phố

nhắc ta nhớ đến Peter, Naomi, thằng cháu Alan, ta đay cũng điên, xưa nay bao giờ cũng vẫn cứ như thế

thức dậy ở N. Y. năm thứ 61 để nhận ra ta không con một tên lập dị không mẹ

như bao nhiêu triệu người, từ Paterson Los Angeles đến Amazon

Người & Cá voi tuyệt vọng la hét từ chóp đỉnh Empire State Building đến tận đáy biển quanh Bắc cực – ?

1-3 tháng Năm, 1988

 

—————–

Dịch từ nguyên tác “May Days 1988”, trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings – Poems 1986-1992 (New York: HarperCollins, 1994).

[1]Leadbelly là biệt danh (có trong thời gian ở tù, do có một thể chất cứng rắn) của ca sĩ đã trở thành thần thoại Huddie William Ledbetter, ra đời tại Jeter Plantation ở Mooringsport, Louisiana, ngày 29 tháng Giêng năm 1885 (chưa xác định) và mất ở New York ngày 6.12.1949. Học phong cầm và ghita từ một ông chú, tài năng âm nhạc phát triển đã giúp ông trở thành một ca nhạc sĩ nổi tiếng trong thể loại ca khúc blues đồng quê. Ông trải qua nhiều chặng đưòng dài thăng trầm kết hợp âm nhạc, công việc trang trại, lái xe tải với nhiều lần tù tội, khổ sai (kể cả vượt ngục), trước khi đến New York, liên kết với giới nghệ sĩ tả phái, đạt tiếng tăm ở đỉnh cao…

[2]Tyger là một trong những bài thơ đẹp nhất và thường được trích dẫn nhất (gồm sáu khổ thơ bốn câu) của Wlliam Blake (1757-1827), một nhà thơ, họa sĩ, nhà sáng tạo huyền bí của nước Anh, người đặt óc tưởng tượng trên hết mọi suy tưởng lý trí và vật chất.

[3]Yiddish: Thứ tiếng Do thái rất thịnh hành trong những người dân Do thái sống ở Đông Âu, nhất là Ba lan — chịu ảnh hưởng sâu đậm của các ngôn ngữ địa phương.

[4]Trong nguyên tác: “Lit Hist Beat Generation” (Literature/Literary – History)

[5]Trong một ấn bản ở Pháp, Ginsberg có chữa lại: “trích trong báo New York Post năm 1988.”

[6]Trong nguyên tác: “Nuyorican”.

 

 

Về lễ hỏa táng Chögyam Trungpa, Vidyadhara

 

ta nhìn thấy cỏ, ta nhìn thấy núi đồi, ta nhìn thấy những xa lộ,

ta nhìn thấy con đường đất, ta nhìn thấy những dãy xe trong bãi đậu

ta nhìn thấy những người lấy vé vào cổng, ta nhìn thấy tiền mặt và séc & thẻ tín dụng

ta nhìn thấy xe buýt, ta nhìn thấy những người đưa tang, ta nhìn thấy đám con cái họ mặc đồ màu đỏ

ta nhìn thấy tấm bảng ở cổng vào, nhìn thấy những dãy nhà tĩnh tâm, nhìn thấy những Cờ hiệu xanh & vàng –

nhìn thấy những đạo hữu, những xe tải & xe buýt của họ, những người canh gác mặc đồng phục kaki,

ta nhìn thấy những đám đông, nhìn thấy bầu trời sương phủ, nhìn thấy những nụ cười lan tỏa & những ánh mắt nhìn trống rỗng –

ta nhìn thấy những chiếc gối màu đỏ & vàng, những gối đệm vuông và tròn –

ta nhìn thấy Cổng Tori,[1] một dòng đệ tử cúi đầu đi qua, những đàn ông và đàn bà mặc lễ phục –

nhìn thấy đám rước, nhìn thấy kèn túi, trống, tù và, nhìn thấy những mũ miện cao bằng lụa & những áo thụng màu vàng nghệ, nhìn thấy những bộ áo ba mảnh,

ta nhìn thấy cái kiệu, một cái lọng, cái lăng[2] sơn son đầy ngọc quí màu tứ phương – màu hổ phách cho sự độ lượng, màu lá cây cho những việc nghiệp chướng, nhìn thấy màu trắng tượng trưng cho Đức Phật, màu đỏ cho trái tim –mười ba cõi thế gian trên chóp lăng, nhìn thấy cái núm chuông và cái lọng, cái đỉnh chuông rỗng bằng đất sét trắng –

nhìn thấy pháp thân người ta sẽ đưa vào đỉnh chuông –

nhìn thấy những thầy tu tụng niệm, tiếng tù và rên xiết trong tai chúng ta, khói bốc lên từ đỉnh chuông rỗng –

nhìn thấy những đám đông lặng lẽ, nhìn thấy nhà thơ Chi lê, nhìn thấy Cầu vồng,

ta nhìn thấy vị Trưởng lão đã viên tịch, ta nhìn thấy sư thầy của người ngực để trần đứng nhìn pháp thân cháy trong lăng,

nhìn thấy các đệ tử chịu tang ngồi khoanh gối trước những cuốn kinh, tụng những bài cầu nguyện, phác những cử chỉ huyền bí, những ngón tay, chuông & ánh đồng lấp lánh trong tay

ta nhìn thấy ngọn lửa phựt lên trên những cờ hiệu & dây cáp & lọng & và những cây sào sơn màu cam

ta nhìn thấy bầu trời, nhìn thấy mặt trời, một hình cầu vồnbg quanh mặt trời, những đám mây đục mù trôi qua Mặt trời –

ta nhìn thấy trái tim chính ta đập, hơi thở đi qua mũi chân ta bước, mắt nhìn, nhìn thấy khói tỏa trên cái thi thể đồ sộ hỏa thiêu

ta nhìn thấy đường đi xuống đồi, nhìn thấy đám đông di chuyển tới những chiếc xe buýt

ta nhìn thấy các thức ăn, xà lách rau diếp, ta nhìn thấy Sư thầy không còn nữa,

ta nhìn thấy các bạn bè, nhìn thấy chiếc Volvo màu xanh của chúng ta, một cậu thanh niên nắm tay ta chìa khóa cửa phòng nghỉ của ta, nhìn thấy một căn phòng tối hù, nhìn thấy một giấc mơ và đã quên, nhìn thấy cam chanh & món cá cavia trong bữa điểm tâm,

ta nhìn thấy xa lộ, buồn ngủ, nghĩ tới những việc ở nhà, đầu vú của chàng thanh niên trong gió khi chiếc xe chạy xuống dốc đồi qua những cánh rừng xanh đến tận bờ nước,

ta nhìn thấy những ngôi nhà, những ban công ngó ra một chân trời mờ sương, bờ biển & đá tảng bị thời gian ăn mòn trên cát

ta nhận ra biển, ta nhận ra tiếng nhạc, và ta muốn nhảy múa.

 

                                               28 tháng Năm, 1987, 2:30 sáng – 3:15 sáng

 

 

——————————

Chú thích của người dịch:

[1] Tori Gate: Cổng mái bước vào nơi thờ phượng. Ngày nay, trước các vườn cảnh hoặc công viên người ta cũng xây loại cổng có mái này.

[2] Nguyên tác: Stupa.

Dịch từ nguyên tác “On Cremation of Chögyam Trungpa, Vidyadhara”,

trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings – Poems 1986-1992, HarperCollins, 1994.

 

 

 

Mặt sau của thực tại

 

bãi đường sắt ở San Jose

tôi lang thang cô quạnh

trước xưởng chế thùng chứa

và ngồi trên một chiếc ghế dài

gần lán trại của người bẻ ghi.

 

Một cánh hoa nằm trên cỏ khô trên

mặt nhựa đường xa lộ

– cánh hoa cỏ khô đáng sợ

tôi nghĩ – Hoa có một

cuống dễ gãy màu đen và

đài hoa có những gai nhọn vàng

úa bẩn như vòng gai một lóng tay của chúa

Jesus, và một túm vải bông

ô uế khô khốc ở chính giữa

giống như một cái chổi cạo râu xài mòn

nằm vất vưởng dưới

nhà xe đã một năm trời.

 

Vàng, hoa vàng, và

hoa công nghiệp,

cánh hoa xấu xí cứng đầy gai,

thế nhưng vẫn là hoa,

với hình dạng một cánh Hồng

lớn màu vàng trong đầu bạn!

Đây là cánh hoa của Thế giới.

 

San Jose 1954

 

 

Khổ sai

 

Sau nửa đêm, món Bò nấu củ cải gia vị ở Đường số Hai

đặt trên chiếc bàn gỗ tiệm ăn Kiev –

Món Ngũ cốc nấu trộn Nấm ngon miệng y

như cái xứ Byelorussia khi mẹ ta

chạy thoát khỏi tay bọn Cossacks năm 1905

Kế hoạch ngũ niên có xài được không? Stalin ác độc cỡ nào?

Ta có phải là một tên Stalin-nít? Một tên Tư bản? Một

tên Tư sản Khó ưa? Một tên Đỏ thối nát?

Không ta là một loài tiên có cánh tím hồng và vầng sáng trên

đầu trắng mờ suốt như một khoanh hành trong

ánh sáng huỳnh quang chuyển giới tính của Nhà hàng

Kiev sau một ngày làm việc vất vả

 

Tháng Hai, 1986, 12:35 sáng

 

 

Một bài ballad phương Đông

 

Tôi nói về tình yêu chợt đến trong đầu:

Trăng chung thủy, mù quáng mặc dầu;

Nó đi vào ý nghĩ, nó không nói được.

Chăm sóc đầy đủ trăng trở nên lạnh lẽo.

 

Tôi chưa bao giờ mơ biển sâu đến thế,

Đất tối đến thế, giấc ngủ tôi dài đến thế,

Tôi đã trở thành một đứa bé con,

Tôi thức dậy để nhìn thế giới hoang loạn.

 

1945-1949

 

______

 

“Mặt sau của thực tại”, “Khổ sai” và “Một bài ballad phương Đông” dịch từ nguyên tác “In Back of the Real” trong Allen Ginsberg, Howl and Other Poems (City Lights Books, 1956) [về sau được đưa vào Allen Ginsberg, Collected Poems 1947-1980 (Harper & Row Publishers, 1988)], “Hard Labour” trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings – Poems 1986-1992 (HarperCollins, 1994), và “An Eastern Ballad” [Empty Mirror: Gates of Wrath 1947-1952] trong Allen Ginsberg, Collected Poems 1947-1980 (Harper & Row Publishers, 1988).

 

 

 

Thần chú

 

Ngày xưa có một cậu bé sống trong một căn nhà gỗ trên con dốc đi xuống những nhà máy xay ngói đỏ chạy dọc Sông Passaic ở Paterson, New Jersey, gần Great Falls. Cậu bé sống một mình và lang thang mãi tận cây cầu đúc trên con kinh có dòng nước hồng tía đổ từ các xưởng nhuộm tơ lụa ra một cái ao nơi những buổi chiều nắng nóng mùa hè đám con trai bơi lội giữa những vách tường nhà máy.

Thằng bạn của hắn tên Earl ở trên hắn một dãy phố che chở không để bọn con trai ỷ mạnh chuyên đánh bọn nhỏ trần truồng và dọa xô chúng xuống mép bê tông ở chỗ bơi phía tận cùng ngó xuống một bãi phế liệu gỉ sét chứa đầy những chiếc xe hơi cũ.

Hắn cầu mong có một câu Thần Chú và mong mình là Vua khoác những chiếc áo lông chồn mang vương miện hoàng kim, để hắn có thể phong thằng Earl làm thầy Đại Pháp cho hắn. Hắn mất dấu tích kẻ bảo vệ tên Earl của mình sau khi hắn ra khỏi lớp ngữ pháp ở trường.

Hắn lớn lên và qua Ấn độ và học môn Thần Chú. Hắn hát Hare Krishna Hare Krishna Krishna Krishna Hare Hare Hare Rama Hare Rama Rama Rama Hare Hare [1] suốt nhiều năm để được che chở. Rồi hắn lại hát Om Namah Shivaya. [2] Hắn cảm thấy kích động khi hát như thế và mọi người nghe hắn hát cùng hát theo, cùng thấy kích động. Ai nấy đều hân hoan, và sau đó trở về nhà. Nhưng để được cảm thấy kích động họ phải hát lui hát tới câu Thần Chú. Thế rồi ai cũng thấy mệt vì kích động.

Hắn lớn lên thêm, và nhận ra cứ phải hát những câu Thần Chú suốt như thế quả là chán, cho dù câu Thần Chú mới Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha [3] hắn hát có một nhịp điệu nhanh, và có nghĩa là không ai còn cần phải kích động nữa, mà có thể nghỉ xả hơi. Thế tuy nhiên, câu hát vẫn dài và nghe huyền bí quá.

Chiến tranh xảy ra và hắn đi loanh quanh hát một câu Thần Chú mới dễ nhớ. Khi hơi cay bắn tạt vào các công viên và đám thanh niên tóc dài và thiếu nữ trẻ hét vào bọn cảnh sát đang tìm cách rượt đuổi chúng, hắn đi loanh quanh vừa đi vừa rống cổ họng hát OM.[2] Thế cũng ok thôi, nhưng câu hát nghe vẫn huyền bí và mặc dù ai cũng đều biết đây là một câu Thần Chú, không ai biết đích xác nó có nghĩa gì.

Chiến tranh chấm dứt và hắn nói Ah. Chỉ có thế. Đấy là một câu Thần Chú tự nhiên, ai cũng hiểu khi nói chữ Ah, cũng như ngày Bốn tháng Bảy người ta ngắm pháo bông thôi. Bộ râu hắn ngả trắng và hắn trông giống như một ông vua uyên thâm và bất cứ dịp nào cũng nói Ah.

Ah giống như một làn hơi trong không khí. Quả thế, bạn phải thở ra mới có thể nói chữ ấy, và thế nên lúc nào hắn cũng thở đúng y như bao nhiêu người khác. Một ngày nọ hắn không nói Ah nữa, nhưng vẫn tiếp tục thở ra. Hắn khám phá là chỉ cần thở ra như thế là hắn nhận biết câu Thần Chú từng giây từng phút. Những người khác họ cũng thở nhưng nhiều lúc họ không nhận biết được câu Thần Chú trong hơi thở của mình, mà chỉ đôi lúc thôi khi họ nhớ được là họ đang thở ra trong khoảng không.

Thế là hắn đi loanh quanh và nhìn thẳng vào mắt người này người nọ, biết chắc là mình đang thở. Ai nấy xử sự với hắn y như hắn dẫu sao cũng là một ông vua, thế nên hắn không cần mũ miện áo bào gì cả. Vào tuổi trung niên đầu hói gặp ai hắn cũng hỏi xin một lời khuyên nên hắn tìm ra được nhiều vị Đại Pháp và đám thầy pháp này ai nấy đều giúp cai quản Trái đất.

Hắn dọn đến sống ở New York City. Thỉnh thoảng hắn trở về Paterson, New Jersey, và viếng thăm cái vũng ao nằm giữa các nhà máy. Hắn đứng đó im lặng và thở.

 

 

——————–

[1] Bài ngợi ca Đấng Bảo Vệ Vũ Trụ [Vishnu].

       Phụ chú của Tiền Vệ: Câu thần chú Hare Krishna, còn gọi là Maha Mantra (Đại Chân Ngôn), gồm 16 chữ xưng tụng các danh hiệu của Vishnu. Người ta tin rằng khi câu thần chú này được hát lớn tiếng, thì người hát và người nghe sẽ đạt đến sự tỉnh thức cao độ. Câu thần chú này được truyền bá từ Ấn-độ ra thế giới nhờ tổ chức tôn giáo International Society for Krishna Consciousness (thường được gọi là phong trào tôn giáo “Hare Krishna”) mà người sáng lập là A.C. Bhaktivedanta Swami Prabhupada. Trong những năm 60, rất nhiều văn nghệ sĩ Âu-Mỹ đã tham gia hoặc ủng hộ phong trào này và xem đó như một phương diện của phong trào kêu gọi hoà bình thế giới. Allen Ginsberg đã tự đệm đàn harmonium và hát câu thần chú này ở rất nhiều nơi, kể cả trên chương trình truyền hình bảo thủ “Firing Line” của William F. Buckley Jr. vào năm 1968, và ngay trong phiên toà ngày 11 tháng 12 năm 1969 xử ông về tội xách động chống chiến tranh Việt Nam. Năm 1969, nhạc sĩ George Harrison của ban The Beatles đã phổ nhạc câu thần chú này và đã cùng nhiều thành viên của phong trào “Hare Krishna” trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 1971, sau khi ban The Beatles đã tan rã, George Harrison lại sáng tác ca khúc “My Sweet Lord”, trong đó có trích câu thần chú này.

[2] Bài ngợi ca Đấng Biến Chuyển Vũ Trụ [Shiva]

       Phụ chú của Tiền Vệ: Om Namah Shivaya là một trong những câu thần chú quan trọng nhất trong kinh Veda. “Om” là âm thanh tối thượng của vũ trụ. “Namah Shivaya” là danh hiệu thiêng liêng nhất của Shiva.

[3] Đi qua, đi qua, đi qua tận bờ bên kia, tất cả đi qua tận bờ bên kia, hỡi trí huệ, xin chúc mừng!

       Phụ chú của Tiền Vệ: Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha là câu thần chú kết thúc kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa — Prajna Paramita Sutra.

“Thần Chú” dịch từ nguyên tác “Magic Spell” của Allen Ginsberg trong tuyển tập WONDERS – Writings and Drawings for the Child in Us All, do Jonathan Cott & Mary Gimbel biên tập, 638 trang, Nxb. Rolling Stone Press, 1980.

 

 

 

Chúc may mắn

 

Ta thật may mắn có năm ngón trên bàn tay phải

May mắn đi đái chỉ đau chút xíu

May mắn còn đi ỉa được

May mắn, ngủ đêm trên một chiếc giường cây, ngủ giữa trưa

May mắn thả bộ xuống First Avenue

May mắn kiếm được hai trăm ngàn một năm

hát Eli Eli,[*] nghĩ gì viết nấy, nguệch ngoạc những nét vẽ nguyên thủy,

dạy học trường Phật giáo, bấm máy Leica chụp hình trạm xe buýt

qua cửa sổ cầu mắt của ta

Nghe những hồi còi xe cấp cứu, ngửi mùi tỏi & gỉ sét, nếm hồng vàng &

cá bơn, bước đi trên sàn tầng gác mái lòng bàn chân hơi bị tê

May mắn ta còn biết nghĩ, và tuyết có thể rơi

 

                                                      8 tháng Giêng, 1997

 

 

 

Trong nhà vệ sinh

 

                              Gửi G.S.[**]

 

Đọc báo No Nature trong nhà vệ sinh

Ngồi xuống, mải mê

lật hết trang này qua trang khác, quên

thời gian, quên cái bàn toạ của ta

hãy thư giãn, phân

rơi tõm xuống nước

— tốt hơn khi phải rặn và vặn,

sốt ruột, tự giác —

tốt hơn nên quên và đọc một cuốn sách,

hãy cứ để cho cái bàn toạ tự lo lấy

một tập thơ hay, hơn là mấy cục trĩ.

 

                                 23 tháng Mười 1992, 11 giờ trưa

 

_______________

[*]Chúa tôi, Chúa tôi.

[**]Nhà thơ Gary Snyder

“Chúc may mắn” dịch từ nguyên tác “Good Luck” trong Allen Ginsberg, Death & Fame — Last Poems 1993-1997 (New York: Harper Perennial, 1999). “Trong nhà vệ sinh” dịch từ nguyên tác “In the Benjo” trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings — Poems 1986-1992 (New York: HarperCollins, 1994).

 


Hai bài thơ trong NHẬT KÝ ẤN ĐỘ

 

16.7.1962 –

 

… Nhưng tôi không sao thay đổi được [ý thức của tôi] & những phương tiện làm được chuyện này thì đang nằm trong tay tôi, ít nữa là thử nghiệm lại cái cảm xúc mà tôi đã chỉ cho mọi người dưới cái tên gọi là thay đổi ý thức. Nói tóm là tôi đang sợ & chờ đợi một cái gì mà tôi không hề biết đến để đẩy tôi tới trước. Rốt cuộc tôi làm một cái gì đó trong giấc mơ này…[1]

 

Max Frohman

 

– về Chú Max[2] con người to lớn mảnh khảnh

mà tôi yêu, chú có một bộ râu mép Canada,

và suốt thời thơ ấu của tôi chú ngủ trên giường tới trưa

Thế nên tôi không dám gõ cửa phòng chú quá sớm

vì sợ làm phiền trái tim chú – về ngôi nhà ấm cúng

không một bóng trẻ con của chú, và cái máy hát của chú

lần đầu tôi được nghe Bellini & Khúc dạo đầu

& Rondo Capricioso của Saint-Saëns, những

nốt nhạc thanh nhã hiếm hoi cho đệ nhất vĩ cầm –

tiên tri & hơi thở buồn. Và Elanor[2] nay đã

qua đời, và những lần ít oi tôi thăm viếng chú Max

sau đó, tuổi thơ đã qua & những chuyến đi lang bang

của tôi bắt đầu. Còn chú Max thì trước ở đâu nay ở đấy,

trong cùng căn hộ, uống cà phê

vào giờ trưa thay điểm tâm & tính

sổ chi tiêu, đến văn phòng làm việc bằng xe điện hầm,

– Lần cuối cùng tôi đến thăm chú & và đọc chú nghe

những bài thơ về cái chết của Elanor – giống như

một con chim kên lông xù, trước cái bàn trong

phòng bếp, chúng tôi ngồi khóc.

 

 

* * *

 

28.7.1962 –

 

Giờ đây tôi suy nghĩ vơ vẩn trên gối

tay gác lên đầu

hai mắt nhắm mở to nhìn những bờ vịnh đen của Thời Gian –

Những bầy trâu nước, những quãng đường rộng,

hình ảnh loang loáng của dầu ô liu[3]

Đôi mắt lồi[3] ra lõm vào từng mỗi giây

lẫn vào cái mênh mông trắng xoá.

Đây chính là tôi bằng da bằng thịt. Ai

là kẻ tôi sẽ phải tin đây? Tôi cảm thấy đồng hành

với tất cả chúng ta trước cái chết

đợi chờ bên trong Cuộc Sống. Nơi chúng ta

có mặt đây quả là rộng lớn. Những người khác

trước chúng ta đã bỏ ra đi – Họ có thể đang lánh

hiện tại ở đâu – mà họ

đang phải giở những ngón gì

để trốn ra khỏi những cơ thể mập phì –

để cuối cùng bước bước đi ấy, bị vỡ

toác từ đầu đến chân, ngột ngạt, mù mắt,

tự nuốt trọn hết mình như

con rắn kia với họ vẫn

luôn là Kẻ nhắc nhớ kỷ niệm xưa

trước khi câu hỏi đơn độc[4]

làm sao ta lại là ta trở thành quen thuộc

– Con người tuyệt vọng đáng thương trong vùng tối

biết rõ toàn thể vũ trụ của chính mình

là một sự dối trá ích kỷ đã trở thành

đau khổ đến độ nó phải nôn ra hết

những kỷ niệm của mình – và để cho cái

vùng mênh mông bò sát kia tự tái tạo

không kể mắt hay tai hay bất cứ cái đụng chạm

khủng khiếp nào khác – Tôi là ai nằm trên giường

hai mắt nhắm nghiền, rất quen thuộc

từ trước – như Hồn ma của Elise[5]

hốt hoảng dưới những vòm Bellevue

kiến trúc Gothic và bị gia đình nàng

là Cảnh Sát kéo ra giữa ánh sáng

ban ngày – Nàng đưa ngón tay chỉ vào

cái gì trên sông Hudson buổi chiều hôm,

những tiếng nói chỉ có nàng nghe được

– và bây giờ nàng chỉ là cái hồn ma ấy

chạy trốn trong những căn phòng tối tăm của

cái đầu tôi rộng mênh mông hai mí mắt bị che

phủ. Bây giờ bên ngoài là bình minh Xanh,

và tôi trở lại với cơn đồng bóng thèm

hút thuốc & nói chuyện qua khắp

căn phòng xi măng với làn gió của cái

Quạt Ấn Độ và những tiếng nấc cụt của tôi.

Tôi sẽ là một nhà theo thuyết tượng trưng. Và Dì

Rose[2] sẽ là một biểu trưng, chói ngời trong

Tp. Newark Trong suốt, và Chú Max

sẽ ngồi trước bàn viết cọng thêm vào

những số liệu trên trang giấy như tôi đây &

hút một điếu xì gà, và Dì Elanor

cũng thế sẽ ở trong tôi y như khi tôi thấy dì lần cuối

nằm trên chiếc giường bệnh Montefiore sau

những tấm màn trắng, giọng cô

nữ sinh nói “tôi sắp chết rồi sao?”

Và Chú Harry, bước từng bậc thang,

lên đến phòng ngủ và biết được

vụ ung thư trong khi tôi ở rất xa,

và Naomi[2] giờ đây chỉ la lối

trong những căn phòng cách xa mười hồn ma

áo quần mặc vào & cởi ra & đôi vớ dài

màu nâu kéo lên & tụt xuống, và

cái đầu bự của Bác Sam trông càng giống

người lùn vì bao nhiêu năm tháng đã trôi qua

đời bác & Garver thì đứng ho gần cái

cửa sổ có chấn song, và Cannastra thì

đưa ra hai bàn tay vấy máu của mình và tôi

sửng sốt trước cái số dân đã chết

nay hẳn là đang gia tăng để ghi tên tôi vào với

những người còn lại.    Thế thì sao!    Đây là

tất cả những gì làm tôi sợ tôi đoán thế – khi

đầu óc tôi dần dần nhận rõ là cũng sẽ chẳng có

gì khác khi tôi đã ngủm – Chúng ta

tất cả sẽ không ai phụ thuộc ai

nếu như đó là cái chúng ta mong muốn để

trốn thoát nỗi buồn tự thương cảm

khi chia tay.

 

 

———–

“Max Frohman” và “***” dịch từ nguyên tác trong Allen Ginsberg, Indian Journals – March 1962-May 1963 (New York: Grove Press, 1996).

Như người đọc có thể nghĩ đến, đây là một giấc mơ, và hai bài thơ in trong Indian Journals trên đây rất có thể chỉ là MỘT: đoạn trước viết ngày/đêm 16.7.1962 và đoạn sau viết ngày/đêm 28.7.1962. [Ghi chú của người dịch]

 

[1]Trích dịch đoạn cuối nhật ký 16.7.1962 đi trước bài thơ “Max Frohman”.

[2]Max Frohman, Dì Rose, Dì Elanor, Naomi là chú, những người dì và mẹ của Allen Ginsberg, thường xuất hiện trong nhiều bài thơ của tác giả.

[3]Olive oil & Popeyes: liên tưởng giữa nhân vật Olive (bạn đường của Popeye) và Olive (một nhân vật được nhắc đến trong Indian Journals).

[4]Câu hỏi đơn độc: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Hình ảnh con rắn như một biểu tượng xưa có trước khi con người ra đời, nghĩa là trước khi con người đặt cho mình câu hỏi này.

 

 

Kheer[*]

 

Cho một chút sữa keo vàng

ngọt vào miệng ta

Những chiếc quạt quay tít, đèn neon xanh,

Một ông quấn khăn và bộ râu kiểu người Pháp

ngồi dưới nút ngắt điện, một tiếng còi xe

và con Đường, quay vòng với

tiếng lanh canh của xe Điện:

Ôi cái bà da trắng bé tí ăn xin đưa

bàn tay qua cửa sổ xe hơi —

Những bộ râu xám & những người đội giỏ đi qua

thấp thoáng Bóng —

Một chiếc buýt rú ga chạy qua với những người

mặc quần tây đu người ra ngoài cửa xe

Tiếng ho khò khè phát lớn từ

cổ họng bị nghẽn

những người nhai thuốc lá khạc

vào cái bồn rửa tay,

 

Bentick St. Calcutta

Mùa Đông 1962

 

 

 

22 tháng Năm, 1963, đêm cuối ở Calcutta

 

Đêm yên tĩnh. Chiếc đồng hồ xưa kêu tích tắc,

Hai giờ rưỡi. Tiếng dế nỉ non

còn thức giấc trên trần nhà. Cửa chính hướng ra

đường đã khoá trái — những người ngủ say, râu mép,

trần truồng, nhưng không chút thèm muốn. Mấy con muỗi

làm nổi cơn ngứa, chiếc quạt quay chậm rãi —

một chiếc xe hơi gầm dọc con đường nhựa đen,

một con bò mộng khịt mũi, người ta đợi một cái gì xảy đến —

Thời gian đóng cứng giữa bốn bức tường vàng.

Tiếng còi xe lửa vang vọng đáp tiếng gọi của con vật

có sừng. Ở đây không một bóng người, khoảng trống lấp đầy

bằng tiếng chó sủa, đáp lại cách cả một khu phố.

Pushkin[**] ngồi trên kệ sách, bộ toàn tập của

Shakespere[**] cũng như của Blake chưa ai đọc —

Ôi Tinh thần Thơ ca, gọi đến mi mà cứ ngồi lải nhải

giữa khoảng trống chất đầy giường dưới tấm gương

sáng hình bầu dục quả chẳng ích gì — đêm

hoàn hảo để những kẻ ngủ say biến mất trong bóng tối

yên tĩnh, và ngơi nghỉ tám giờ đồng hồ

— Thức dậy những ngón tay lấm lem, miệng đắng

và phổi dính chặt trong cơn đói thuốc,

làm gì đây với ngón chân to tướng, cánh tay kia,

con mắt ấy trong chuyến xe điện nóng bức của Calcutta

chất đầy những bộ xương đói của đám ngựa đau

đi vào Vĩnh Cửu — người đẫm mồ hôi và răng thối rụng —

Rilke ít ra còn có thể mơ đến “Những tình nhân”[***]

bầu vú xưa kích động và cái bụng rung rung,

có phải vậy? Và còn có khoảng không mênh mông & những vì sao —

Nếu như đầu óc thay đổi thì vật chất sẽ sợ hãi

thở hắt trở lại lên con người — Nhưng giờ đây

tiếng tòa nhà đập đổ vang ầm và những hành tinh

chọc thủng những bức tường ngôn ngữ và vĩnh viễn

dìm tôi xuống lòng sông Hằng nặng trĩu.

Không đường thoát nào trừ ngõ Chết qua lối Bankok[**] & New York.

Nhưng như thế thì chỉ khép lại giấc mơ

trong chiếc hộp cũ quen thuộc. Ánh sáng tăng

ánh sáng theo tiếng gõ nhanh những chiếc đồng hồ cha ông.

Da đủ để là da, ấy là tất cả những

gì nó có thể, cho dù những tiếng thét đau đớn trong quả thận

có làm nó chán ngấy chính mình, một giấc mơ rỗng

chỉ mong vĩnh viễn chấm dứt mọi nỗi khổ quen thuộc

— sự bất tử để lại cho một kẻ khác ngu xuẩn chịu đau,

không để mình bị kẹt trong một góc Vũ Trụ

để phải chích moc-phin lên tay và ăn thịt.

 

 

______________
[*]Một loại sữa chua keo màu vàng và có mùi thơm

[**]Theo cách phiên âm riêng của Ginsberg trong nguyên tác

[***]Có thể Ginsberg muốn nhắc đến Khúc thứ Tám của “Les Élégies de Duino”. của Rainer Maria Rilke [1875-1926], trong đó hình ảnh “bầu vú” được nhắc đến nhiều lần.

“Kheer” và “22 tháng Năm, 1963, đêm cuối ở Calcutta” dịch từ nguyên tác “Kheer” và “May 22, 1963 Last Night in Calcutta” trong Allen Ginsberg, Indian Journals – March 1962-May 1963 (New York: Grove Press, 1996).

 

 


Carmel Valley[*]

 

Đồi cỏ vàng,

dãy núi nhỏ bầu trời xanh

hồ chứa nước chói chang dưới thấp con đường nhỏ xe cộ

Cây vươn cánh lá xanh gió thở dài

lên cao, xuống thấp –

Phật, Chúa, những Khuynh hướng

tách đôi –

Những tia nắng trắng     chọc thủng đôi kính của ta –

cánh tay vỏ cây màu xám của loài thú,

da khô    tróc vảy,

những ngón tay vươn cành chĩa tới, nhánh con run rẩy

những mạt giũa xanh đong đưa,

búp cành nhiều mắt –

Không ai sẽ phải loan báo Thời Đại Mới

Không tên gọi đặc biệt, không cách thế Một Chiều,

không người rao tin Phương Pháp cũng chẳng

có Sứ Giả Rắn Độc Vô Danh,

Không vị Cứu Tinh cần thiết mà chỉ là Tổ Quốc chính chúng ta,

năm mươi năm tuổi –

Đức Allah cây này, Vĩnh Cửu Thời Đại Không Gian kia!

Những thanh thiếu niên đang dạo chơi ở Times Sq.     hãy ngước nhìn

những hành tinh xanh qua đỉnh các toà nhà

néon sắt thép,

Những ông lão nằm dài trên cỏ buổi chiều

cây Hồ Đào già cắm trên mặt da xanh của núi rừng

những con kiến bò trên trang giấy, không nhìn thấy được

sâu bọ ca hát, chim

lượn vòng,

Con Người sẽ thư giãn trên một ngọn đồi nhớ tới cây cối bè bạn.

 

Tháng 11. 65 – Ở nhà Joan Baez

 

_____________

[*]Carmel Valley, California, là nơi năm 1965 ca sĩ Joan Baez đã cùng với bà Ira Sanderl, một học giả Ấn độ, chuyên gia về Gandhi, thành lập Viện Nghiên Cứu về Bất Bạo Động / Institute for the Study of Nonviolence [Chú thích của người dịch]

 

“Carmel Valley” dịch từ nguyên tác của Allen Ginsberg trong tập thơ Planet News (San Francisco: City Lights Books, 1968). Bài thơ này về sau được đưa vào tuyển tập Allen Ginsberg, Collected Poems 1947-1980 (New York: Harper & Row, 1984).

 

 

Tiệm đồ cổ nhà giải trí

 

Tôi đã lái xe đi qua hết các Tiểu bang &

dừng chân ở một tiệm đồ cổ đồng quê, một

căn nhà kiểu xưa, tình trạng còn rất tốt –

Giấy hoa dán tường, lan can bóng loáng

những chụp đèn sạch bụi, giá nến đánh bóng

yên tĩnh cháy ngọn bên phòng giữ áo mũ

dưới cầu thang, bình đựng nước & những cái

chậu trắng bên cạnh những cánh cửa sổ sát đất

những tấm vải lót thêu & hoa giả

màu ngà & và nâu nhạt trên những chiếc bàn gỗ gụ

thu dọn bát đĩa, một cái cốc bằng đồng dùng chơi bài,

bếp nấu ăn với cái lò lạnh sáng chói sẵn sàng

đốt lửa vào cuối mùa Hè bằng củi

khúc & mớ củi đóm đựng trong những cái xô để cạnh

lò sưởi trống không, những cái kẹp & lưới che lửa

sắp xếp ngăn nắp. Tầng hai cũng

được dọn dẹp gọn gàng như tiền sảnh

(có bày đủ giá treo mũ & gậy & gương soi)

thảm trải cầu thang & cửa bằng gỗ sồi, chăn lông mịn

một kệ sách cửa kính, những bàn viết gỗ nâu láng bóng,

những hộc tủ nhét đầy cà vạt cũ & quần túm,

những cổ áo bằng nhựa dẻo, năm ba áo lót dài tay, mấy

cái sơ mi & khăn quấn cổ lụa & vẽ hoa lá – và dẫn lên

gác mái tầng ba là năm bậc cầu thang dốc đứng

đi vào một vách trắng dán giấy hoa hồng đẹp mắt.

Ngón nghề thật tinh tế, nghệ thuật làm y như

thật, kiểu chăm chút quả đẹp đẽ & ý thức thần diệu

đã xếp đặt nên tiệm đồ cổ này, bày biện quả là

thiết thực như quán trọ[1] cho khách du lịch

dừng chân & giấc mơ uỷ mị của gã sưu tập chụp đèn –

Thế tuy nhiên đây là một cơ sở thương mại tân kỳ

nơi chúng tôi tình cờ bước vào trên đường đi

băng qua Maryland để gặp luật sư của chúng tôi ở D.C. –

Một anh làm công trong tiệm quan sát chúng tôi ngắm nghía

trang bị trong nhà nhìn chúng tôi quay gót bước đi –

Tôi muốn đọc một bài diễn văn: “Xin chúc mừng

tác phẩm Nghệ thuậật[2] của các bạn, cách chăm sóc đồ cổ

và óc thông minh tinh tế của các bạn, cứ như các Ông Mc Dermott

& McGough[3] chụp hình trọn những năm 1980

& dựng mới theo 3 chiều[4] vào cuối thiên niên kỷ này –“

 

Tôi cứ dông dài như thế nhưng đám người nhà bàn bạc với nhau,

đầu óc để tận đâu, chỉ có một thằng cháu trong nhà

mặt tròn như trăng rằm băm mấy tuổi ngồi banh chân

trên một cái cầu thang giả & vỗ tay tán thưởng lời khen

& sự thích thú của chúng tôi – & thế là chúng tôi ra đi, cả đám

lên đường hướng về Thủ đô hậu hiện đại.

 

                                                31 tháng Tám 1992

 

_________________________

[1]trong nguyên tác: Bed-and-Breakfast.

[2]trong nguyên tác: your work of Ahrt.

[3]David Walter McDermott [sinh 1952, Hollywood, California] và Peter Thomas McGough [sinh 1958, Syracuse, New York]. McDermott & McDough thường triển lãm chung, sử dụng rộng rãi những kỹ thuật nhiếp ảnh và in ảnh đã đi vào lịch sử, nổi đình đám nhất trong thập ky 1980s.

[4]trong nguyên tác: in 3-D.

“Tiệm đồ cổ nhà giải trí” dịch từ nguyên tác “Fun House Antique Store” trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings (Paris: Christian Bourgois Editeur, 1996).

 

 

 

 

Thông điệp

 

Từ khi chúng ta thay đổi

giao cấu lộn vòng lao động

khóc than và cùng vãi đái với nhau

ta thức dậy buổi sáng

mắt còn đọng một giấc mơ

nhưng mi thì đã trở về NY

còn nhớ ta Tốt bụng

ta yêu mi ta yêu mi

& anh em nhà mi quả là khùng

ta chấp nhận ba cái vụ say sưa của chúng

Từ lâu quá rồi ta sống một thân một mình

từ lâu quá rồi ta ngồi trên giường

chẳng có ai cho ta đụng tới đầu gối, đàn ông

hay đàn bà giờ đây ta chẳng còn quan tâm, ta

cần tình yêu ta sinh ra để hưởng ta cần mi bên ta bây giờ

Những chuyến tàu biển sôi sục trên Đại tây dương

Dàn giáo thép tinh vi của những nhà chọc trời chưa hoàn tất

Phía sau khinh khí cầu đang gầm rú trên bầu trời Lakehurst

Sáu phụ nữ cùng nhau nhảy múa trần truồng trên sân khấu đỏ

Lá trên cây ở Paris giờ tất cả đều xanh

Hai tháng nữa ta sẽ về nhà và nhìn vào đáy mắt mi

 

1958

 

 

——————

“Thông điệp” dịch từ nguyên tác “Message” trong Allen Ginsberg, Kaddish and Other Poems (San Francisco: City Lights Publishers, 1961).

 

 

 

Gửi Lindsay

 

Này Vachel,[1] sao chiếu sáng

hoàng hôn xuống trên đường Colorado

một chiếc xe chậm rãi bò qua đồng bằng

trong ánh đèn mù mờ đài phát thanh gầm tiếng nhạc jazz

anh đại lý chào hàng lòng tan nát đốt thêm một điếu thuốc

Trong một thành phố khác 27 năm trước

tôi nhìn thấy bóng anh in lên vách tường

anh mặc quần có dải đeo ngồi trên giường

bàn tay vô hình đưa lên tới đầu chai thuốc sát trùng

bóng anh đổ xuống trên nền nhà

 

Paris 1958

 

 

Cơ thắt

 

Ta hi vọng cái lỗ đít thân yêu của ta sẽ chịu đựng

từ 60 năm nay đại thể nó vẫn OK

Mặc dù một cuộc giải phẫu khe nứt ở Bolivia

đã giúp nó qua khỏi ở bệnh viện altiplano[2]

một chút máu, không có polip,[3] năm thì mười hoạ

một cục trĩ nhỏ

hoạt động, hung hăng, dễ cảm thụ với dương vật

những chai coca, đèn cầy, cà rốt

chuối & những ngón tay —

Bây giờ bệnh AIDS làm nó ngại ngùng, nhưng nó vẫn

say mê phục vụ —

mấy cục phân vương vãi ra ngoài, anh bạn cực khoái

đeo bao thì vô trong —

vẫn cứ co dính vạm vỡ,

vẫn táo tợn mở rộng tìm vui

Nhưng 20 năm nữa ai biết được,

những lão ông đau khắp mình mẩy —

đau cổ, đau tuyến tiền liệt, đau bụng, đau khớp —

Hi vọng cái lỗ già kia vẫn cứ trẻ

cho đến chết, xin cứ thoải mái

 

15 tháng Ba 1986, 1:00 trưa.

 

 

 

________

[1]Nicholas Vachel Lindsay [1879-1931], nhà thơ Mỹ, được coi là cha đẻ của dòng singing poetry (nhiều người còn gọi là lyrical poetry). Từ những chủ đề vùng trung tây Hoa kỳ trong thơ ông, ông thường còn được mệnh danh là “Kẻ hát rong trên Đồng cỏ”.

[2]Altiplano: chỉ vùng trung Nam Mỹ, nơi cao nguyên dãy núi Andes nở rộng hơn cả.

[3]Polyp là mô nở lớn bất thường nhô ra từ một màng nhầy — thường thấy trong ruột kết, bụng, mũi, xoang, bọng đái, dạ con…

“Gửi Lindsay” dịch từ nguyên tác “To Lindsay” trong Allen Ginsberg, Kaddish and Other Poems (San Francisco: City Lights Publishers, 1961). “Cơ thắt” dịch từ nguyên tác “Sphincter” trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings – Poems 1986-1992 (New York: HarperCollins, 1994).


 

 

Phố trên

 

Những bảng hiệu đèn vàng trên các quầy rượu gỗ sồi,

“Tôi đã thấy hết mọi thứ” — anh chàng phục vụ thối lại cho tôi tờ 10$,

Tôi nhã nhặn nhìn vào mặt anh qua bộ râu thời Adam của tôi —

cùng với đám nhạc công Montana lang thang vất vưởng ở Manhattan, cậu nào

cậu ấy tóc tai quăn tít — chúng tôi ngồi trong một quán nhậu xưa, tán gẩu,

phòng khách văn chương của Bà Grady[*] một giá trị kỳ lạ ở New York —

“Nếu ta có cách ta sẽ cạo đầu mi và tống mi qua Việt Nam” —

“Vậy thì xin Chúa phù hộ mi” tôi trả lời cái thằng công dân tong teo đội nón vội

vàng bước ra cửa tiệm rượu

trên Đại lộ Amsterdam tối tăm ướt át mấy thập niên sau đó —

“Và nếu ta không làm được vậy thì ta sẽ cắt cổ mi” hắn càu nhàu chia tay,

và “Xin Chúa phù hộ ông, thưa ông” tôi nói thêm trong khi tên Ái-nhĩ-lan bảnh

bao, đi về nghiệp chướng của mình, dưới mưa.

 

Tháng Tư 1966

 

_________________________

[*]Tức Panna Grady, một người bảo trợ giới văn nghệ, là bạn của các nhà thơ Charles Olson, John Wieners, William Burroughs, và John Giorno, từng sống ở khu Chung cư Dakota, Tây Central Parks, New York, thường tổ chức các buổi gặp gỡ văn học ở địa chỉ này. Bà Panna Grady khả ái và nhà giàu là người bạn đường cuối cùng của nhà thơ siêu thực / họa sĩ người Anh Philip O’Connor, từng có hai con với nhà thơ, và cuối đời hai người đã kéo nhau qua sống nhiều năm ở Pháp.

 

Dịch từ nguyên tác “Uptown” trong Allen Ginsberg, Planet News (San Francisco: City Lights Books, 1968).

 

 

 

Theo cách Lalon[*]

I

 

Quả thật là tôi bị kẹt trong

thế giới này

Khi tôi còn trẻ Blake từng

mách nước cho tôi

Nhiều bậc sư khác đã đi theo:

Tốt hơn nên chuẩn bị cái Chết

Hãy đừng vướng vào sở hữu

vật chất

Đấy là khi tôi còn trẻ

Tôi được cảnh báo

Giờ tôi có thẻ chứng minh Dân Già

Và kẹt cứng với một triệu

cuốn sách

một triệu ý nghĩ môt triệu

đô la một triệu

mối tình

Làm sao tôi có thể lìa khỏi thân xác mình?

Allen Ginsberg bảo,[**] Ta quả

là đang bơi trong vũng cứt

 

II

 

Tôi ngồi dưới chân một gã

Tình nhân

và hắn kể cho tôi mọi chuyện

Hãy cút đi, chuồn nhanh lên,

hãy canh chừng cái lỗ đít mi

coi chừng vấp ngã

hãy thể dục, hãy trầm tư, hãy giữ

bình tĩnh —

Giờ đây tôi là một lão ông và

tôi sẽ không sống thêm

20 năm nữa có lẽ ngay cả

20 tuần,

có lẽ một giây đồng hồ tới tôi sẽ

bị kéo qua

cuộc sống khác

trại nuôi giun, mà có lẽ nó

đã xảy ra rồi —

Làm sao ta biết được, Allen

Ginsberg bảo[**]

Có lẽ suốt từ đầu đến giờ

ta chỉ nằm mơ —

 

III

 

Bây giờ là 2 giờ sáng và tôi phải

dậy sớm

và đi 20 dặm taxi để thoả mãn

tham vọng của tôi —

Tôi giải quyết cái khó khăn này ra sao,

tức cái màn chợ ôm đồm kinh doanh –

giải trí — tĩnh tâm ấy?

Nếu tôi có một linh hồn tôi đã đem bán nó

đổi lấy năm ba chữ hay ho

Nếu tôi có một thân xác tôi đã dùng nó bắn

kiệt cạn ra hết tinh chất của mình

Nếu tôi có một thứ tâm trí nó hẳn

đã được Tình yêu phủ kín —

Nếu tôi có một thứ đầu óc tôi đã quên

khi tôi thở

Nếu tôi có được Lời nói thì đó

toàn là lời ba hoa

Nếu tôi có đam mê nó cũng nằm

trong lỗ đít

Nếu tôi có nhiều tham vọng

muốn được giải phóng

thì làm sao tôi lại trở thành con

người nhăn nhúm thế này?

Với bao nhiêu những lời hoa mỹ, tinh chất Tình yêu,

những cảm hứng ba hoa, những khao khát

hậu môn, những tội trứ danh?

Anh quả là lộn xộn, Allen Ginsberg ạ.

 

 

IV

 

Tôi ngủ không được &

nghĩ đến cái Chết của mình

— chắc chắn là nó gần hơn

cái thời tôi mười

tuổi

và tôi tự hỏi chẳng biết thế gian

này bao lớn —

Nếu tôi không nghỉ ngơi một chút tôi sẽ chết lẹ hơn

Nếu tôi ngủ tôi sẽ mất cái may

được cứu rỗi —

ngủ hay thức, Allen

Ginsberg cũng nằm trên giường

lúc giữa đêm.

 

 

V

 

4 giờ sáng

Thế rồi họ đến kiếm tôi

Tôi trốn trong phòng vệ sinh

Họ phá cánh cửa phòng vệ sinh

Cửa sập xuống trên một thằng bé vô tội

Ái da cánh cửa gỗ sập xuống

trên một thằng nhóc vô tội!

Tôi đứng trên cái chậu & lắng tai nghe,

Tôi che cái bóng mình,

họ còng tay thằng bé kia và

lôi tuột nó đi

thay cho tôi — Còn bao lâu nữa

tôi mới thoát khỏi tình thế này?

Rất sớm họ sẽ khám phá ra

tôi không có ở đấy

Họ sẽ trở lại kiếm tôi, tôi còn có thể

giấu cái thân mình ở đâu?

Tôi có phải là chính tôi hay là một ai khác

hay chẳng là ai cả?

Thế thì cái bị thịt nặng nề này trái tim yếu ớt

cái quả thận chuyên đái rắt này nó là cái gì?

Ai là kẻ từng bị giam kín

suốt 65 năm trời

trong xác chết này? Còn ai từng sống

trong sự nhập định ngất ngây này ngoài tôi?

Giờ thì mọi chuyện sắp kết thúc,

hưởng thụ cho nhiều thì có ích gì?

Điều ấy rồi có sẽ thành sự thật? Thực ra nó

có sẽ thành sự thật?

 

 

VI

 

Tôi đã có cái may và đã đánh mất nó,

rất nhiều cái may & đã không hết

mình coi là chuyện nghiêm chỉnh.

Ồ đúng thế tôi cảm phục, gần như

đã nổi điên lên vì sợ

mình sẽ để mất cái may mắn bất tử,

Nó đã mất thật rồi.

Allen Ginsberg cảnh báo với các bạn

hãy chớ theo vết chân của hắn

đi đến nơi tuyệt chủng

 

31 tháng Ba 1992

 

_____________________

Chú thích của người dịch:

[*]Fakir Lalon Shah hay Lalon Shah [có thể 1774-1890, năm sinh cũng như năm mất vẫn không hề được biết đích xác] là một nhà thơ/ca sĩ/ tác gia huyền bí Bengali. Ông sống nghèo khổ và ít học tại làng Cheuria trong vùng đất có tên gọi là Nadia, xưa là thuộc địa của người Anh [British India], nay là hạt Kushtia của Bengladesh. Thơ ông ngợi ca sự tự do thân xác, linh hồn, kể cả ngôn ngữ, chống lại mọi hình thức áp bức và kỳ thị, chia rẽ. Thơ Lalon đọc lên nghe như ca khúc, được xếp vào loại văn chương cổ trong ngôn ngữ Bengla, là loại thơ cách mạng trước khi có cách mạng, là thơ giải phóng trước khi có giải phóng: đó là những bài ca quần chúng chống lại mọi lối chia cách đẳng cấp, bè phái… Lalon từng được nhiều thế hệ nhà thơ Ấn Độ sùng bái — như Tagore chẳng hạn, không phải vì tính bác học, mà vì thể hiện cuộc sống sinh động trong dân gian. Lalon rất có thể là nhà thơ Beat đầu tiên của chúng ta…

 

Lalon [1774-1890] — Phần mộ tưởng niệm Lalon ở Kushtia, Bangladesh — Tagore [1860-1941]

Hình hậu cảnh trong chân dung Ginsberg là William Blake [1757-1827] — do người dịch bị “ngứa tay”.

 

[**]Tại sao bài thơ của Allen Ginsberg có cái nhan đề lạ lùng “After Lalon”? Người dịch xin trích dẫn một vài câu thơ Lalon trong Con chim kỳ lạ và Chủ nghĩa đẳng cấp:

 

… Ôi trời, bạn là chim trong lồng! Và làm bằng những cái que xanh

Lồng chim làm ra, nhưng một ngày kia nó sẽ bị đập gãy.

Lalon bảo: Hãy mở lồng ra, hãy nhìn xem cách chim bay xa! 

Nhiều người hỏi, Lalon thuộc đẳng cấp nào?

Lalon bảo, mắt ta không nhìn ra được

Những dấu hiệu của đẳng cấp…

 

hay trong nhiều bài thơ/ca khúc khác, chẳng hạn:

 

… Chúng tò mò muốn biết đức tin của Lalon là gì,

Lalon bảo, hình dáng tôn giáo luôn né tránh cái nhìn của ta…

 

… Người ta hỏi Lalon Fakir theo Hindu hay Muslim,

Lalon bảo chính hắn cũng không biết hắn là ai…

 

“Theo cách Lalon” dịch từ nguyên tác “After Lalon” trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings — Poems 1986-1992 (New York: Harper/Collins Publishers, 1994).

 

 

 

Kral Majales[*]

 

Và mấy ông Cộng sản chẳng có gì đem cho ngoài những cái má phính và những

cặp kính và những tên công an dối trá

còn mấy ông Tư bản thì đem bom Napalm và tiền bạc trong những cái va li xanh

tặng đám dân Trần truồng,

và mấy ông Cộng sản tạo ra công nghiệp nặng nhưng trái tim cũng nặng

và những viên kỹ sư đẹp đẽ đã chết hết, các tay kỹ thuật thì âm mưu

tạo hào quang cho mình

trong Tương lai, trong Tương lai, nhưng giờ này đây thì họ uống Vodka và

than phiền Lực lượng An ninh,

còn mấy ông Tư bản thì uống gin và whisky trên máy bay nhưng để dân Indian

da nâu chết đói hàng triệu

và khi những cái lỗ đít đám Cộng sản và Tư bản choảng nhau loạn xạ thì

con người Công minh bị bắt giam hoặc bị cướp hoặc bị chặt đứt đầu,

nhưng không như Kabir,[1] và cơn ho thuốc lá của con người Công minh bên

trên những đám mây

dưới ánh nắng chói chang là một lời chào mừng sức khoẻ của trời xanh.

Bởi ta từng bị bắt đến ba lần ở Prague, một lần vì ca hát say xỉn trên phố

Narodni[2]

một lần bị đánh gục xuống mặt đường nửa đêm bởi một tên cảnh sát râu ria hét

vào tai ta THẰNG LẠI CÁI,[3]

một lần vì đánh mất cuốn sổ ghi những quan điểm giấc mơ chính kiến về

cái củ giống bất thường,

và ta bị tống lên máy bay từ Havana[4] bởi mấy tên thám tử đồng phục màu xanh,

và ta bị tống lên máy bay từ Prague bởi mấy tên thám tử mặc bộ đồ doanh nhân

Czechoslovakia,

Những người chơi bài trong tranh Cézanne, hai cô búp bê lạ mặt bước vào

căn phòng của Joseph K buổi sáng

cũng bước vào phòng của ta, ngồi ăn ngay tại bàn ăn của ta, và đã xem xét

mấy chữ viết nguệch ngoạc của ta,

và theo ta ngày cũng như đêm từ các chàng tình nhân của ta đến tận những

quán cà phê Centrum[2] –

Và ta là Vua tháng Năm,[5] tức là sức mạnh của tuổi trẻ tình dục,

và ta là Vua tháng Năm, tức là cần cù trong hùng biện và hoạt động trong

yêu đương,

và ta là Vua tháng Năm, tức là mái tóc dài của Adam và chòm Râu của

thân thể chính ta

và ta là Vua tháng Năm, tức là Kral Majales trong tiếng Tiệp khắc,

và ta là Vua tháng Năm, tức là thơ ca xưa của Nhân loại, và có đến 100,000

người đã chọn tên ta,

và ta là Vua tháng Năm và vài phút tới đây ta sẽ hạ cánh xuống Phi trường

London,

và ta là Vua tháng Năm, tất nhiên, bởi bố mẹ ta là dân Slavic và ta là

một tay Do thái theo đạo Phật

tôn thờ Thánh tâm của chúa Christ thân thể xanh của Krishna chiếc lưng cứng

của Ram

những hạt chuỗi của Chango[6] ở Nigeria ngợi ca Shiva Shiva[7] theo cách tụng

chính ta phát minh ra,

và Vua tháng Năm là một vinh dự Trung Âu, danh xưng thuộc về ta ở thế kỷ XX

mặc dù có những phi thuyền không gian và Time Machine,[8] bởi lẽ ta từng nghe

giọng của Blake trong một lần ảo giác

và lặp lại giọng ấy. Và ta là Vua tháng Năm nằm ngủ chung với đám choai choai

cười giỡn.

Và ta là Vua tháng Năm, bởi ta bị trục xuất ra khỏi Triều đình của ta với Danh dự,

như ngày xưa,

Để cho thấy sự khác biệt giữa Triều đình Caesar và Triều đình Vua tháng Năm

của loài Người –

và ta là Vua tháng Năm, mặc dù bị hoang tưởng, bởi Triều đình tháng Năm

quá đẹp để có thể sống lâu hơn một tháng –

và ta là Vua tháng Năm bởi lẽ ta đưa ngón tay chạm lên trán mình để chào

một thiếu nữ nặng nề rực rỡ có hai bàn tay run rẩy cấ tiếng “xin đợi cho một chút

thưa ông Ginsberg”

trước khi một cô Công an chìm mập ú kịp chen chân đứng giữa hai chúng tôi –

ta đang trở lại nước Anh –

và ta là Vua tháng Năm, trở lại thăm nghĩa trang Bunhill Fields[9] và bước trên

các lối đi trong công viên Hampstead Heath,[10]

và ta là Vua tháng Năm, ngồi trong một chiếc phi cơ phản lực khổng lồ đáp

xuống sân bay Albion sợ run người

khi máy bay gầm lên để hạ cánh xuống bãi bê tông màu xám, lay động & tống

hơi ra ngoài, và êm ái đỗ lại dưới những làn mây với một mảng trời xanh

còn nhìn thấy được.

Và mặc dù ta là Vua tháng Mười, mấy ông Mác-xít vẫn nện ta một trận giữa

đường phố và giữ ta thức suốt đêm ở Trạm Công an, theo dõi ta suốt cả

mùa Xuân Prague, giữ ta trong nhà giam kín và trục xuất ta ra khỏi

vương quốc của ta bằng máy bay.

Thế nên ta đã viết bài thơ này kẹt cứng trong một chiếc ghế phản lực cơ bay

giữa lưng chừng Trời.

 

7 tháng Năm 1965

 

 

 

_____________________

Chú thích của người dịch:

[*]Kral Majales: Ta là Vua tháng Năm.

[1]Kabīr, hay Kabīra [1440-1518] là một nhà thơ huyền bí, xuất thân là thợ dệt ít học ở Benares, Ấn Độ, thường được so sánh với William Blake. Thơ ông đã được Tagore, Robert Bly, Linda Hess dịch, và có ảnh hưởng lớn đến phong trào Bhakti/Tận hiến. [Từ Al-Kabir (tiếng Arabic có nghĩa là Vĩ đại) là tên vị thần thứ 37 trong 99 vị thần trong kinh Koran.]

[2]Narodni là một trong những đại lộ quan trọng ở Prague; Café Centrum ở trung tâm Prague.

[3]“và ta bị tống lên máy bay từ Havana”: Tháng Hai 1965, tác giả bị trục xuất khỏi Cuba, lên máy bay qua Tiệp Khắc, vì trong chỗ riêng tư ông đã chỉ trích bài diễn văn Fidel Castro đọc ở Đạj học Havana, trong đó người đứng đầu đất nước này đã tố cáo những người đồng tính và ra lệnh làm một cuộc thanh lọc ở trường sân khấu. Ginsberg bị giữ biệt giam ở một khách sạn, không cho đến Casa de las Americas là nơi đã chính thức mời ông tham gia trong ban giám khảo cuộc thi Interamerican Poetry kéo dài một tháng.

[4]Bouzerant: tiếng lóng ở Tiệp Khắc chỉ người đồng tính.

[5]Vua tháng Năm: Lễ hội truyền thống này bị hủy bỏ sau khi Đức chiếm đóng đất nước Tiệp khắc thời trước Thế chiến II. Những người đồng chí Xô viết khi thay thế các anh em Đức quốc xã [1945] đã cho phép tổ chức tưng bừng lễ hội này, nhưng là theo kiểu “trống kèn” vinh danh lao động. Sinh viên Tiệp từng cùng quần chúng tụ tập đông đảo ở công viên và xuống đường biểu tình rầm rộ, ấu đả với cảnh sát, đòi chính phủ phục hồi lễ đăng quang Vua và Hoàng hậu tháng Năm theo nghi lễ truyền thống. Khi Allen Ginsberg có mặt ở Prague [5.1965], ông đã được sinh viên Đại học Bách khoa đề cử, và sau đó được 100,000 người dân quốc gia này bầu làm Vua tháng Năm, mặc dù Bộ trưởng các bộ Văn hóa và Giáo dục phản đối. Một tuần lễ sau, nhà thơ bị bắt biệt giam, cuốn sổ ghi chép ở Prague của ông bị tịch thu, và chính ông bị trục xuất qua Anh – bài thơ, do vậy, đã được viết trên máy bay, trên đường đi London.

[6]Thần Sấm Sét.

[7]Một vị thần cao trọng trong đạo Hindu.

[8]Time Machine: Không thể nói từ này không dính dáng đến tác phẩm viễn tưởng cùng tên của nhà văn Mỹ H.G. Wells [1866-1946], nay đã trở thành danh từ chung chỉ những phương tiện chuyên chở giúp con người thực hiện những cuộc hành trình trong thời gian, và vượt cả thời gian – thí dụ lên một cái “Time Machine”, người dịch ngay hôm nay có thể tìm Allen Ginsberg [1926-1997] rủ đi đọc thơ trong ngày khai trương [18.01.2025] trường Đại học mang tên Đại học Quốc gia Chung Do Kwan ở Tây Triều Tiên.

[9]Bunhill Fields: Khu đất dùng làm nghĩa trang cho những người biệt giáo, nằm ở phía bắc London. Đây là nơi yên nghỉ của nhiều nhân vật nổi tiếng, trong số có mấy nhà văn nhà thơ, nhà thần học không theo quốc giáo là William Blake, John Bunyan, John Wesley, Isaac Watts, và Daniel Defoe.

[10]Hampstead Heath [hay “The Heath”] là một công viên rộng mênh mông ở London, nằm trên đồi cao, cây cỏ xanh tươi, chạy dài từ Hampstead đến Highgate, có nhiều ao hồ, rừng cây, hồ tắm, nơi dân London thường đi bộ hóng mát, mùa hè người ta tổ chức hòa nhạc, cũng là nơi thường lui tới của danh họa John Constable, nhà thơ John Keats – người từng viết tác phẩm bất hủ “Ode to a Nightingale” trong một ngôi nhà nằm ngay bìa bãi đất hoang…

 

 

“Kral Majales” dịch từ nguyên tác “Kral Majales” trong tạp chí Evergreen Review, số 40, 1966. Bài thơ được in lại trong Allen Ginsberg, Planet News (San Francisco: City Lights Books, 1968) và Allen Ginsberg, Collected Poems 1947-1980 (New York: Harper & Row, 1984).

 

 

 

Ðiệp khúc

 

Không gian tối mù, đêm buồn,

Ta nằm không ngủ và ta rên rỉ.

Chẳng ai quan tâm khi có người nổi điên,

Hắn buồn lòng, Thượng đế thì vui.

Cái bóng giờ biến thành xương.

 

Mỗi cái bóng có một tên gọi;

Khi ta nghĩ đến tên ta ta kêu than,

Ta nghe tiếng đồn tên tuổi như thế.

Không vì hãnh diện, chỉ là xấu hổ,

Cái bóng giờ biến thành xương.

 

Khi ta đỏ mặt ta khóc vì vui sướng,

Và tiếng cười từ ta bật ra như một tảng đá:

Cái cười già đi của cậu bé

Nhìn thấy cái xác bẽn lẽn trẻ mãi không già.

Cái bóng giờ biến thành xương.

 

Paterson, tháng Tám 1948

 

 

Chuyến xe lửa tốc hành Patna-Benares[*]

 

Dù thế nào dù là ai

Con người vấy máu cứ hoài ca hát

Dù hắn chết cách nào

Hắn rong chơi trên những toa xe lửa

Hắn thức dậy lúc bình minh, dưới ánh sáng trắng

của một thế giới mới

Hắn không sao làm gì khác hơn

Hắn bộ xương để lộ đôi mắt

đứng dậy từ chiếc ghế dài bằng gỗ

thấy dửng dưng khi nhìn ra cánh đồng và những hàng cọ

chẳng có tiền bạc trong ngân hàng bụi

chẳng có tổ quốc chỉ có những đám mây xám câm lặng

trước buổi bình minh

đánh mất thẻ chứng minh thư ngay trong bóp ví của mình

trên chiếc xe kéo để trần gần công viên Maidan[**] ở thành phố

Patna khô cằn

Sau đó đưa mắt nhìn vô vọng tỉnh dậy từ một giấc ngủ say

miệng khô đắng trên sân Ga xe lửa

giữa những kẻ đánh giày mình quấn khố gà gật ngủ trên nền

xi măng dơ bẩn

Giờ đây dân từ đâu kéo xác đến tụ họp chật ních cả thành phố

 

Tháng Năm 1963

 

______

[*]

Patna [trái] là Thủ phủ bang Bihar ở Ấn Độ, hữu ngạn sông Hằng, cách Benares [phải] 125 dặm.

[**]Maidan: một vùng trong thành phố Patnar, nơi có trường đua ngựa và sân chơi môn polo.

 “Điệp khúc” dịch từ nguyên tác “Refrain” trong Allen Ginsberg, Collected Poems 1947-1980 (New York: Harper & Row, 1984). “Chuyến xe lửa tốc hành Patnar-Benares” dịch từ nguyên tác “Patnar-Benares Express” trong Allen Ginsberg, Planet News (San Francisco: City Lights Books, 1968).

 

 

 


Thánh thi III

 

Gửi Thượng đế: để soi sáng mọi người. Bắt đầu là khu Skid Road.[*]

Xin biến phương Tây và Washington thành một chốn cao hơn, là khu thị tứ vĩnh cửu.

Xin soi sáng đám thợ hàn ở các xưởng đóng tàu bằng chính hào quang những ngọn lửa của họ.

Xin cho gã lái cần trục hân hoan vung cánh tay.

Xin để những thang máy kêu tiếng rít và cất giọng nói, kéo lên kéo xuống trong sợ hãi.

Xin ban ân huệ lấy đường đi của hoa làm tín hiệu cho mắt.

Xin để cánh hoa mọc thẳng loan báo mục đích mọc thẳng của mình – là để tìm ánh sáng.

Xin để cánh hoa uốn gập loan báo mục đích uốn gập của mình – là để tìm ánh sáng.

Xin để lối mọc thẳng và uốn gập của hoa loan báo ánh sáng.

Xin cho eo biển Puget Sound[**] được là một luồng sáng.

Con sống bằng Tên Người như một con gián sống bằng mẩu bánh mì – chính con gián ấy mới thánh thiện.

 

Seattle, June 1956

 

 

Chuyện của Gregory Corso

 

Lần đầu tiên tôi đi

về miền quê ở New Hampshire

khi tôi khoảng tám tuổi

có một cô gái

thời ấy tôi thường lội nước với một thanh gỗ dán.

 

Chúng tôi mê nhau,

thế là đêm cuối cùng ở đấy

chúng tôi thoát y dưới ánh trăng

và cho nhau coi thân thể của mình

rồi chúng tôi vừa cất tiếng hát vừa chạy trở về nhà.

 

10.12.1951

 

Gregory Corso & Allen Ginsberg: mê nhau từ tuổi thanh niên đến…  tuổi già.

______

[*]Skid Road nằm ở trung tâm Seattle, xưa là nơi người ta dùng đẩy gỗ thanh để di chuyển từ chỗ cao xuống chỗ thấp, và do cách di chuyển đó, đường sá xuống cấp trầm trọng, nên từ này thường được dùng để chỉ những khu phố của dân nghèo – cho dù không phải ở Seattle.

[**]Puget Sound: Tên một eo biển ở Tiểu bang Washington. Năm 1792 George Vancouver đặt tên vùng sông nước phía nam Eo biển Tacoma là Puget’s Sound để vinh danh Peter Puget là người phụ tá theo chân ông trong cuộc Thám hiểm Vancouver; về sau tên này dùng chung cho cả vùng bắc Eo biển Tacoma.

 

“Thánh thi III” dịch từ nguyên tác “Psalm III” trong Allen Ginsberg, Reality Sandwiches: 1953-1960 (San Francisco: City Lights Books, 1963). “Chuyện của Gregory Corso” dịch từ nguyên tác “Gregory Corso’s Story” trong Allen Ginsberg, Empty Mirrors, Early Poems (New York: Totem/Corinth, 1961).

 

 

 

Khi anh nhìn thấy ánh sáng

 

Lento

 

Này cu cậu, anh sẽ trần trụồng sẽ lớn lên sẽ cầu nguyện sẽ hiểu

Khi anh nhìn thấy ánh sáng, khi anh nhìn thấy ánh sáng

Anh sẽ ca hát,& yêu thương sẽ ngợi ca bầu trời xanh trên kia

Khi anh nhìn thấy ánh sáng, cu cậu ạ, khi anh nhìn thấy ánh sáng

Anh sẽ rên rỉ & sẽ thổn thức sẽ nhuốm bệnh và thở dài

Anh sẽ ngủ & sẽ nằm mơ sẽ hiểu ra mình muốn gì

Khi anh nhìn thấy ánh sáng, cu cậu ạ, khi anh nhìn thấy ánh sáng

Anh sẽ đến & sẽ đi, sẽ lê bước loanh quanh nơi này nơi kia

Anh sẽ quay về nhà tuyệt vọng sẽ tự hỏi sao phải bận tâm

Anh sẽ ấp úng & sẽ nói dối sẽ hỏi mọi người tại sao

Anh sẽ ho và sẽ càu nhàu ngón chân anh sẽ bị chứng gút hành hạ

Anh sẽ nhảy vọt sẽ la lối sẽ chửi mắng đám bạn bè

Anh sẽ lớn tiếng và sẽ phủ nhận & bảo là mắt anh ráo hoảnh

Anh sẽ lăn lộn và sẽ nhún nhẩy sẽ giơ ra con cu bự tùa cứng nhắc

Anh sẽ yêu và sẽ khổ & và một ngày kia anh sẽ huýt sáo & mỉm cười

Khi nhận ra là Thượng Đế đã không bõ công sinh ra anh

Anh sẽ thuyết pháp và sẽ lượn là trên bục giảng đầy tự hào

Len chân & lướt qua sân khấu như một dòng sông dâng trào

Anh sẽ đến nhanh hay chậm cũng thế thôi anh sẽ không bao giờ biết

Khi anh nhìn thấy ánh sáng, cu cậu ạ, khi anh nhìn thấy ánh sáng

 

                                                           3 tháng Năm 1987, 2 giờ 30 sáng

 

 

————————

“Khi anh nhìn thấy ánh sáng” dịch từ nguyên tác “When The Light Appears” trong Allen Ginsberg, Cosmopolitan Greetings – Poems 1986-1992 (New York: Harper/Collins Publishers, 1994).

 

 

 

Thích Ca Mâu Ni xuống núi[*]

 

từ bức tranh của Lương Khải,[**] triều Nam Tống

 

Người kéo lê chân trần

ra khỏi hang

dưới bóng cây,

đôi chân mày

mọc dài rũ xuống

và chiếc mũi khoằm nỗi đau,

khoác lên mình những chiếc áo bèo nhèo tả tơi

ủng lẳng một bộ râu bảnh bao,

đôi bàn tay bất hạnh

siết chặt bộ ngực để trần –

khiêm nhường là tính cách beat

khiêm nhường là tính cách beat –

bước loạng quạng

trong những bụi cây gần suối,

mọi thứ vô tri

trừ mỗi trí tuệ của người –

đứng lên nơi ấy

cho dù run rẩy:

A-la-hán[***]

đi tìm Trời

dưới một ngọn núi đá,

ngồi trầm tư

cho đến khi người ngộ ra

là trần gian cực lạc có thật

trong trí tưởng –

tia chớp vụt sáng:

gương soi trống không –

đau đớn biết bao khi phải đầu thai

với một chòm râu gọn ghẽ,

bước vào trần gian trở lại

một kẻ hiền nhân xơ xác đắng cay:

trái đất trước mặt là lối mòn duy nhất.

Ta có thể nhìn ra tâm hồn người,

người chẳng biết gì

như một vị thần linh:

kẻ bất hạnh

hiền khô đã bị đào thải –

khiêm nhường là tính cách beat

trước cõi Thế gian tuyệt đối.

 

                                            NY Public Library 1953

 

 

_________________________

[*]Allen Ginsberg viết bài thơ “Sakyamuni Coming Out from the Mountain” (Thích Ca Mâu Ni xuống núi) lấy cảm hứng từ bức tranh “Hạ Sơn Thích Già Đồ” [出山釋迦圖] của Lương Khải [梁楷, 1140-1210], một hoạ sĩ nổi tiếng về những tác phẩm diễn tả tư tưởng Thiền tông.

 

Thích Ca Mâu Ni xuống núi [“Hạ Sơn Thích Già Đồ” 出山釋迦圖],

117.6 x 51.9 cm, tranh mực tàu và màu vẽ trên lụa, khoảng năm 1150,

hiện trưng bày ở Viện Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật –

là một trong những họa phẩm nổi tiếng nhất của Lương Khải.

[**]Lương Khải [梁楷, 1140-1210] sinh ở Sơn Đông, làm việc ở Lâm An (về sau gọi là Hàng Châu). Ông được phong làm Hoạ Viện Đãi Chiếu [畫院待詔] dưới triều đình Nam Tống. Vua ban Kim Đái [金帶 đai vàng] cho ông nhưng ông không mang đai khi đi ra ngoài, chỉ để treo trong hoạ viện. Vì ông có tính tình du phóng, hay say sưa, bất chấp lễ nghi hình thức, nên người thời ấy thường gọi ông là “Lương phong tử” [梁瘋子 – chàng điên họ Lương].

[***]Arhat: Tự điển của Đào Duy Anh dịch là A-la-hán, và chua thêm đó là tiếng Phạn [Sanskrit], chỉ Thánh nhân, dứt được hết các phiền não.

 

Nổi bật trong bài thơ trên là một danh họa. Thế nhưng chính bài thơ dịch sẽ không hoàn tất, nếu không có những góp ý quí báu của hai nhạc sĩ. Nhiều chi tiết về tiểu sử Lương Khải đã được nhà văn/nhạc sĩ guitare Hoàng Ngoc-Tuấn vui lòng bổ sung. Và khi chúng tôi mail cho nhạc sĩ cello Cao Thanh Tùng là bạn thân lâu năm để hỏi cách phiên âm từ Arhat, chúng tôi đã nhận được một câu trả lời khá đầy đủ. Sau khi viết: “Arhat (Sanskrit) – tự điển của Đào Duy Anh dịch là A-la-hán, và chua thêm đó là tiếng Phạn, chỉ Thánh nhân, dứt được hết các phiền não”, anh bạn cellist nổi tiếng là một người Việt Nam hiền lành viết thêm: “A la hán thường có… râu, đội bê rê, ngậm tẩu, oánh chết mẹ mấy thằng Trung Quốc cắt dây cáp.” “Có râu, đội bê rê, ngậm tẩu…” quả là quá đụng chạm cá nhân. Nhưng bù lại, “oánh chết mẹ…” thì quá đã đời.

 

“Thích Ca Mâu Ni xuống núi” dịch từ nguyên tác “Sakyamuni Coming Out from the Mountain” trong Allen Ginsberg, Reality Sandwiches: 1953-1960 (San Francisco: City Lights Books, 1963).

 

 

 

Ðọc thơ Pháp

 

Những bài thơ trỗi dậy trong đầu óc ta

như nước hoa mua trong Cửa hàng Woolworth 5 & 10¢[*]

Ôi tình yêu ta dành cho những bộ ngực lép

cậu bé 17 tuổi với cái đít nhẵn nhụi

Ôi cha ta với hai bàn tay trắng

những đốm mỡ trên chân cha & hơi thở hôi cho biết khối u

Ôi chính ta với chuyện tình diễm lệ

những thân xác tàn lụi nhưng mập ú nằm lại

trên giường với ta ấm nóng mà không chút mặn nồng

trừ phi ta tự luyện mình như một tên ngốc

Ôi cái tuổi Ngũ tuần của ta đang đến gần

như Tennessee như Andy[**] một cú thất bại, con số không to tướng –

những chủ đề khả quan cho Thơ ca.

 

New York, 12.01.1976

 

 

Những bến bờ của Cézanne

 

Nhìn cận cảnh ta thấy thời gian và cuộc đời

bị quét sạch trong cuộc đua

hướng về phía trái của bức tranh

nơi bến bờ tiếp cận bến bờ.

 

Nhưng nơi gặp gỡ kia

không được thể hiện;

nó không hề xảy ra trên khung tranh.

 

Còn phía bên kia vịnh[***]

là Thiên đường và sự Vĩnh cửu,

hoang vắng một đám mù sương trên núi.

 

Và sông nước mênh mông ở Estaque[****] nơi giao lưu

những chiếc thuyền mái chèo li ti

 

Paterson, Mùa hè 1950

 

_____________________

Chú thích của người dịch:

[*]Woolworth’s 5&10¢ là tên một cửa tiệm bán lẻ và với giá rẻ, khởi sự từ giữa năm 1879 ở Lancaster, Pennsylvania, sau đó trở thành một thương hiệu gồm nhiều tiệm chuyên bán hàng với giá cực rẻ, mở mang đến tận New York. Đến năm 1997, mặc dù tiệm ngưng hoạt động và chuyển qua ngành buôn bán đồ thể thao [Foot Locker, 2001], tên tiệm Woolworth vẫn được dùng rộng rãi ở Đức, Áo, Mexico, Nam Phi, Anh, và cả ở Úc và Tân-tây-lan… 

[**]Tennessee và Andy: Rất có thể là Tennessee Williams và Andy Warhol.

[***]Vịnh Marseille, Pháp.

 

Vịnh Marseille nhìn từ Estaque – sơn dầu trên bố (1886), 99×73 cm The Art Institute of Chicago.

Estaque – sơn dầu trên bố (1882-1885), 59,5×73 cm Musée d’Orsay, Paris, France.

Estaque mái nhà gạch đỏ – sơn dầu trên bố (1883-1885), 65 x 81 cm – Sưu tập tư nhân.

 

[****]Estaque là một làng đánh cá nhỏ phía tây Marseille, Pháp. Nhiều họa sĩ ấn tượng và hậu-ấn tượng thường đến thăm viếng hoặc cư ngụ ở ngay / hoặc quanh quẩn vùng này. Nhiều tác phẩm hội họa đã ra đời, ghi lại hình ảnh con đường mòn dẫn vào làng, phong cảnh Vịnh Marseille nhìn từ làng. Ngoài Renoir, Braque… đặc biệt Paul Cézanne (1139-1906, người được coi là đã dẫn dắt hội họa đến trường phái lập thể) từ căn phòng của mình đã vẽ rất nhiều phong cảnh Estaque với những góc cạnh khác nhau, vào những mùa khác nhau, những chuyển động của sông nước, ánh sáng…

 

“Đọc thơ Pháp” dịch từ nguyên tác “Reading French Poetry” trong Allen Ginsberg, Poems All Over the Place: Mostly Seventies, Cherry Valley Editions (New York: Cherry Valley, 1978). “Những bến bờ của Cézanne” dịch từ nguyên tác “Cezanne’s Ports” trong Allen Ginsberg, Empty Mirror, Early Poems (New York: Totem/Corinth, 1961) – về sau được đưa vào Allen Ginsberg, Collected Poems 1947-1980 (New York: Harper & Row, Publisher, 1984).

 

 

 

Ta là nạn nhân của điện thoại

 

Khi ta nằm xuống ngủ và mơ thấy Giếng Ước thì nó reo

“Ông có vở kịch mới nào cho sân khấu bị bỏ phế không?”

Khi ta đang viết bài thơ của ta vào sổ tay thì nó reo

“Buster Keaton đang ở dưới cầu Brooklyn giữa đoạn Frankfurt và Pearl…”

Khi ta cởi bỏ tấm da ta chìa con cu mình ra phía hai bắp vế mập hay ốm

của ai đó, con trai hay con gái

Reng reng – “Xin ông vui lòng thả hắn ra… đám cảnh sát đang tràn vào đấy”

Khi ta nhấc cái muỗng xúp lên môi, điện thoại trên sàn nhà bắt đầu kêu

reng reng

“Alô tao đây – tao đang ở ngoài công viên có hai con điếm già từ Iowa đến…

đêm qua không chỗ ngủ… chơi miệng tuốt”

Khi ta lim dim tơ tưởng làn khói lan tỏa trên mái nhà bên ngoài cửa sổ nhìn

xuống đường

rửa sạch Vĩnh cửu với con mắt quan sát những cột hơi nước màu xám trên

nền trời

reng reng “Alô đây là tòa soạn Esquire xin ông vui lòng ưu ái và hoàn tất bản

tuyên ngôn về dấn thân chính trị của ông”

Khi ta đang nghe tiếng mấy ông tổng thống phát thanh rống to trên bục

danh dự của Đại hội

chuông điện thoại cũng reo vang “Xin cùng chúng tôi đổ xô ngay về khu

Harlem và xem biểu tình”

Điện thoại lúc nào cũng nối kết mọi con tim trên thế giới cùng một nhịp đập

la lối ông chồng tôi đã lên đường anh bồ tôi bị nhốt bất tận trong khám thơ tôi

bị loại bỏ

bạn có sẽ tới tham gia vì tiền và có sẽ vui lòng viết cho ta một mẩu chuyện

cứt ỉa nhảm nhí

Này cưng ơi cưng mạnh giỏi ra sao cưng có thể nào đến Easthampton tất cả

chúng ta đang có mặt tắm biển nơi đây chúng ta ai nấy cô đơn quá

và ta nằm ngửa trên nệm rơm ngắm nghía cái hóa đơn điện thoại 50$, tơi tả,

buồn ngủ, lo âu, trái tim hoảng sợ trước những ngón tay bấm số trên

điện thoại, những cái chết, tiếng chuông điện thoại reo vang

reo vang giữa bình minh reo vang suốt chiều hôm reo vang đến tận nửa đêm

reo vang bây giờ mãi mãi

 

20 tháng Sáu 1964

 

 

———————-

“Ta là nạn nhân của điện thoại” dịch từ nguyên tác “I am a Victim of Telephone” trong Allen Ginsberg, Planet News, 1961-1967 (City Lights, The Pocket Poets Series, 1971).

 

 

 

Thánh thi IV

 

Bây giờ ta sẽ ghi lại cái nhin thấy bí ẩn của mình, sự xuất hiện không tin nổi

gương mặt của Thượng Đế:

Đây chẳng phải là mơ ta nằm tênh hênh tỉnh táo trên một cái đi-văng to đùng

ở khu Harlem[*]

thủ dâm suốt vì thất tình, gần như trần truồng ta đọc một cuốn sách của

Blake[**] mở ra trên đùi

Lạ chưa kìa! Đầu óc ta trống rỗng và ta lật một trang và nhìn sững lên cánh

hoa hướng dương rực rỡ

và nghe một giọng đọc, ấy là Blake đang ngâm thơ theo nhịp âm ty:

giọng đọc vang ra ngoài trang sách tới tận tai bí ẩn trước đây ta chưa từng

nghe thấy —

ta hướng mắt nhìn lên cửa sổ, vách tường đỏ trên các toà nhà chói chang

bên ngoài, bầu trời vô tận buồn trong Vĩnh cửu

ánh nắng rọi lên thế giới, những căn hộ Harlem sừng sững trong vũ trụ

— mỗi viên ngói và mỗi mái đua nhuốm màu trí tuệ như một gương mặt sống

mênh mông —

bộ óc lớn mở ra và nghiền ngẫm trong hoang dã! — Bây giờ cất cao tiếng nói

bằng giọng của Blake

Tình yêu! ôi sự hiện diện bền bỉ và xương cốt thân thể mi! Cha ơi! ôi cha

canh giữ và chăm nom chu đáo linh hồn con!

Này con! Này con trai ta! bao nhiêu thế kỷ dai dẳng còn nhớ đến ta! Này con!

Này con trai ta! Thời gian cất tiếng hú âu lo trong tai ta!

Này con! Này con trai ta! Cha tôi khóc và ôm tôi trong đôi cánh tay đã chết

của người.

 

4 tháng Giêng 1960

 

 

_______

[*]1948 – chàng thanh niên 22 tuổi Allen Ginsberg trải qua một cơn ảo giác trong khi đọc thơ William Blake trong một căn hộ ở khu Harlem. Ban đầu nhà thơ trẻ cho rằng tiếng ông nghe được là tiếng của Thượng đế, nhưng sau đó ông nhận ra đây chính là giọng của William Blake đang đọc bài Ah, Sunflower, The Sick Rose và Little Girl Lost: một “giọng đọc thời xa xưa” – Ginsberg mô tả…

[**]

Trái: Nhà thơ tiền lãng mạn, hoạ sĩ William Blake (Anh, 1757-1827). Phải: Một minh hoạ của Blake theo phong cách tượng trưng(1795, khắc axit, mực tàu và thuốc nước) cho tác phẩm La Divina Commedia của nhà văn Ý Dante Alighieri (1265-1321) 
 
“Thánh thi IV” dịch từ nguyên tác “Psalm IV” trong Allen Ginsberg, Journals – Early Fifties Early Sixties, Gordon Ball biên tập (Grove Press Editions, 1977).
 

 

Café ở Warsaw

 

Những hồn ma này ngồi trên ghế nhựa cao

những hồn ma mang găng tay da lượn lờ trong tiệm café suốt một giờ nay

những hồn ma gái mang gương mặt lởm chởm, vớ đen lông mày mỏng

những hồn ma trai tóc vàng chải chuốt gọn gàng lún phún những bộ râu cằm ngắn

những hồn ma mới tụm năm tụm ba ngồi huyên thuyên chuyện trò nơi những

chiếc bàn con láng coóng mải tới chiều

giọng soprano buồn của lịch sử véo von trên một cái loa hi-fi

– quang cảnh vách tường và cửa sổ thế kỷ 18 chạy từ Đại lộ Thế Giới Mới

xuống tượng cột[*] Sigmund III với

thanh kiếm dựng canh chừng tuổi trẻ Ba-lan từ 3 thế kỷ –

Ôi những hồn ma Ba-lan các người từng đau khổ chừng nào kể từ khi Chopin

khóc trên cây dương cầm lãng mạn của mình

hỡi những toà nhà xưa đổ nát, những dạ tiệc vui thâu đêm dưới những trận

mưa bom,

những tiếng kêu la của khu phố nghèo đang biến mất – Đám thợ thuyền bước

qua những vách tường phòng ngủ xanh hồng trước chiến tranh đập

phá những phế tích ngập nắng –

Giờ đây những hồn ma họp lại sờ soạng, những cô gái môi hôn môi, mái tóc đỏ

xoã dài kiểu phù thuỷ từ Paris

& những chiếc đồng hồ vàng xinh đẹp – để ngồi gần bức tường vàng với một

cái túi to đùng màu nâu –

để hút ba điếu thuốc, những chiếc cà vạt mỏng màu đen và gật đầu khi nói về

một bộ phim mới –

Hỡi những hồn ma cầu cho Chúa và thân xác các người ở bên người thời khắc

các người còn trẻ

trên cái thiên đường hậu chiến còn lấm chấm mồ hôi Cộng Sản,

những mối tình và da trên khuôn mặt láng lẫy trắng nhợt trong ánh mắt

các người.

Ôi những hồn ma đẹp biết bao khuôn mặt nhẵn nhụi trầm tĩnh của các người,

những khăn quàng màu son nhạt, những gót giày thanh nhã của các người,

đẹp biết bao những cái nhìn thẫn thờ của các người, những đôi chân bắt chéo

trước bàn với những hàng mi dài,

đẹp biết bao tình yêu kiên nhẫn của các người cùng ngồi bên nhau và đọc

các tạp chí nghệ thuật –

đẹp biết bao khi các người bước vào qua cánh cửa có bức màn nhung, cười nói

trong căn phòng tràn ngập người,

như thế nào các người để nguyên nón mũ chờ đợi, đo lường những gương mặt,

rồi đứng lên và bỏ đi một tiếng đồng hồ,

hoặc ngồi trầm ngâm ở quầy rượu, chờ cô hầu bàn chậm chạp pha một chung trà

đỏ bốc khói, phút này qua phút khác

đứng yên khi giờ khắc reo từng hồi trên các gác chuông nhà thờ, năm tháng trôi qua

và các người sẽ vẫn đứng trên phố Novy Swiat,

đẹp biết bao khi các người mím chặt môi, miệng thở ra khói, hai bàn tay

xoa vào nhau

hoặc dựa vào nhau không ngừng cười to khi nhận ra anh chàng điên tóc tai rối bù

ngồi khóc giữa những người lạ

 

April 10, 1965

 

 

————————-

Dịch từ nguyên tác “Cafe in Warsaw” trong tập Planet News: 1961-1967 của Allen Ginsberg (City Lights Pocket Poets Series, 1971).

[*] Sigmund III column’d tiếng Ba Lan là Kolumna Zygmunta: tượng cột do con trai của Vua Sigmund III Vasa là Vua Władysław IV Vasa [cũng là vua kế vị] xây năm 1644 trên Quảng trường Castle, Warsaw, Ba-lan. Đây là một trong những di tích nổi tiếng của Warsaw, cũng là một trong những tượng đài xưa nhất vùng bắc Âu. Tượng và cột tượng tưởng niệm Vua Sigismund III Vasa là người đã dời kinh đô Ba-lan từ Kraków về Warsaw. Tượng vua Sigismund, cao 2m75, đặt lên cột cao 8m50, mặc áo giáp, một tay đưa cao cây thập giá, tay kia nắm thanh gươm.

 

 

nguồn : tienve.org