(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)
Tiểu thuyết được bình chọn là cuốn tiểu thuyết của thế kỷ bởi những nhà phê bình văn học hàng đầu của Séc.
Lời nói đầu
Thời đại lớn đòi hỏi có những con người vĩ đại. Họ là những người anh hùng không ai biết đến, là những người giản dị khiêm tốn không có cái vinh quang và lịch sử như của Napoleon. Nhưng đem tính cách của họ ra mà phân tích thì ta thấy nó có thể làm lu mờ cả quang vinh của Alexander Đại đế. Ngày nay, trên các nẻo đường Praha, chúng ta có thể gặp một người đàn ông ăn mặc tồi tàn, một người không hề biết mình có ý nghĩa gì trong lịch sử của thời đại lớn lao mới. Người đàn ông ấy khiêm tốn rảo bước trên đường đi của mình, không làm phiền ai và cũng chẳng bị các nhà báo làm phiền để xin được phỏng vấn ông. Nếu mà bạn hỏi ông tên là gì, thì ông ấy sẽ trả lời một cách đơn giản và khiêm tốn: „Tôi là Švejk…“
Vâng, người đàn ông trầm lặng, khiêm tốn và ăn mặc xấu xí đó quả đúng là người lính tốt Švejk ngày nào. Đó là một người anh hùng, một người dũng cảm mà
220px-Jaroslav_Hašek
Jaroslav Hašek. Hình ảnh thuộc phạm vi công cộng.
mọi công dân của Vương quốc Bohemia dưới thời nhà nước Áo đều nói đến, và vinh quang của ông cũng không bị lãng quên cả ở giai đoạn nhà nước cộng hoà.[1]
Tôi rất quý mến người lính tốt ấy. Viết về vận mệnh của Švejk trong đại chiến thế giới, tôi tin chắc rằng tất cả các bạn sẽ có cảm tình với người anh hùng khiêm tốn không tên tuổi ấy. Ông không đốt đền thờ nữ thần ở Ephesus, như kẻ ngu ngốc Hérostratos đã làm, để được viết đến trên báo chí và đưa vào sách tập đọc ở nhà trường.
Và như vậy là đủ.
Tác giả
Tập Một – Ở hậu phương
1. NGƯỜI LÍNH TỐT ŠVEJK CAN THIỆP ĐẾN ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI
„Thế là họ giết Ferdinand của chúng ta rồi,“ bà giúp việc nói với Švejk, người lính đã giải ngũ cách đây mấy năm, sau khi bị Ban quân y tuyên bố một cách chắc chắn rằng anh là một kẻ ngu độn. Bây giờ thì anh kiếm sống bằng nghề bán chó, toàn những con chó lai tạp xấu xí như ma, lại còn giả mạo giấy tờ thuần chủng cho chúng nữa. Ngoài cái nghề đó ra, anh còn bị bệnh thấp khớp hành hạ, và đúng lúc đó thì anh đang ngồi xoa thuốc mỡ lên đầu gối.
„Ferdinand nào, hả bà Müllerová?“, tay vẫn không ngừng xoa bóp đầu gối, anh Švejk hỏi lại. „Tôi có biết hai người tên là Ferdinand. Một người là thằng hầu của ông Průš bán hàng vệ sinh và mĩ phẩm, có lần hắn uống nhầm cả một lọ dầu bôi tóc của ông ấy. Một người nữa tên là Ferdinand Kokoška, chuyên đi nhặt phân chó. Cả hai mà có bị sao thì cũng chẳng mất mát gì.“
„Nhưng mà cậu ơi, đấy là ngài Đại công tước Ferdinand,[2] ở Konopiště,[3] cái ông to béo ngoan đạo ấy cơ ạ.“
„Ối Giêsu Maria!“ anh Švejk kêu lên, „khá thật! Thế ngài Đại công tước bị giết ở đâu vậy?“
„Thưa cậu, ở Sarajevo[4] ạ. Bị bắn bằng súng lục cậu ạ. Ngài cùng với bà Đại công tước đến đó bằng xe ô tô.“
„À ra vậy, bà thấy chưa, đến bằng xe ô tô đấy! Ừ, tất nhiên là một người như ngài có thể đến bằng ô tô, nhưng mà ngài không hề nghĩ tới chuyện một chuyến đi như thế có thể kết thúc thảm hại. Hơn nữa, lại còn đi ở Sarajevo, tức là ở Bosna,[5] bà ạ. Tôi cho là có lẽ người Thổ Nhĩ Kỳ đã ám sát ngài. Đúng ra mà nói thì chúng ta không nên chiếm Bosna và Hercegovina của họ.[6] Thế đấy, bà ạ. Vậy là ngài Đại công tước đã về chầu trời rồi. Ngài có bị đau đớn lâu không?“
„Ngài Đại công tước chết ngay tức thì, cậu ạ. Vả cậu cũng biết rằng đấy là súng lục chứ có phải đồ chơi đâu! Cách đây không lâu, ở Nusle[7] chỗ tôi ở có một ông mân mê khẩu súng lục, táy máy thế nào mà bắn chết cả nhà, kể cả ông coi nhà, đúng lúc ông ấy nghe tiếng súng nổ đã lên tầng ba để xem ai bắn.“
„Ấy, cũng có khẩu súng lục chẳng làm sao mà bắn ra được phát nào, cho dù bà có phát điên lên thì cũng thế, bà Müllerová ạ. Súng ấy có nhiều kiểu lắm. Nhưng mà khi muốn bắn ngài Đại công tước thì hẳn là họ phải mua khẩu tốt hơn. Và tôi cũng xin cuộc với bà là, kẻ đã bắn ngài tất phải ăn mặc rất chỉnh tề. Bà cũng biết là bắn ngài Đại công tước là việc rất khó khăn, không giống như khi lâm tặc bắn người canh rừng đâu! Trước hết là phải làm sao đến gần được ngài Đại công tước. Mà để đến gần được người như thế thì không thể ăn mặc lôi thôi, phải đội mũ chóp cao, để không bị cảnh sát tóm cổ trước khi tới nơi.“
„Nghe bảo họ nhiều người, cậu ạ.“
„Cái ấy thì là lẽ tất nhiên rồi, bà ạ,“ Švejk nói và ngừng tay xoa bóp đầu gối, „nếu mà muốn giết ngài Đại công tước, hoặc Hoàng đế, thì chắc hẳn bà cũng phải bàn bạc với ai chứ! Thêm người là thêm cái khôn. Người này bàn vào cái này, kẻ khác góp ý cái kia, có thế thì mới được việc, cũng như lời trong bài quốc ca của chúng ta[8] ấy mà. Cái chính là phải rình cho được lúc ngài ấy đi qua. Giống như vụ tay Luccheni đâm chết Alžběta[9] tội nghiệp của chúng ta bằng cái giũa. Hắn đã đi dạo cùng bà ấy. Đến nước ấy thì bà bảo còn tin ai được; từ dạo ấy cũng chẳng có hoàng hậu nào đi dạo chơi nữa. Và cũng còn nhiều người khác sẽ gặp chuyện. Rồi bà thấy là người ta cũng sẽ động đến cả Sa hoàng với nữ hoàng, thậm chí, lạy trời, còn có thể động tới cả Hoàng đế[10] nữa, khi mà họ đã làm như thế với ông chú của người.[11] Hoàng đế có nhiều kẻ thù lắm, còn nhiều hơn cả Ferdinand. Cách đây không lâu, có một ông đã nói ở quán rằng sẽ có ngày mà các hoàng đế nối nhau mất mạng, rằng lúc ấy thì chẳng quan chức nào cứu giúp được họ. Nhưng ông ấy lại không có tiền để trả, thế là chủ quán gọi cảnh sát đến bắt. Và ông ấy cho chủ quán một cái tát, cho cảnh sát hai cái. Vì vậy mà ông ấy bị đẩy vào xe cũi rồi bị kéo đi, nghe bảo để cho trấn tĩnh lại. Ối chao, đời nay có nhiều chuyện lắm, bà ạ. Việc này là tổn thất lớn cho nhà nước Áo. Ngày tôi còn ở quân đội thì có một tay infanterista[12] bắn chết ngài hejtman.[13] Hắn nạp đạn vào khẩu súng trường rồi đi vào văn phòng của ngài. Người ta bảo hắn là hắn chẳng có nhiệm vụ gì ở đấy, nhưng hắn cứ lải nhải là phải nói chuyện với hejtman. Ông này đi ra và ngay lập tức ra lệnh phạt cấm rời doanh trại, thế là hắn nhằm thẳng vào tim ông ấy mà bóp cò. Viên đạn xuyên qua người ông ấy, rồi lại còn gây thiệt hại cả trong văn phòng nữa. Nó làm vỡ lọ mực, mực ấy đổ ra công văn giấy tờ.“
„Ối, thế còn người lính ấy thì sao hả cậu?“ một hồi sau bà Müllerová hỏi, lúc Švejk mặc áo.
„Hắn treo cổ bằng dây đeo quần,“ Švejk nói, tay phủi bụi cái mũ cứng. „Nhưng cái dây đeo quần ấy cũng chẳng phải là của hắn, mà hắn mượn của cai ngục, bảo là mượn vì quần bị tụt. Chứ chẳng lẽ ngồi chờ bị xử bắn hay sao? Bà biết đấy, những lúc như thế người ta thường bối rối đầu óc không biết làm sao. Cai ngục bị giáng cấp, cộng với sáu tháng tù nữa, nhưng ông ta chẳng ngồi tù mà bỏ trốn đi Thuỵ Sĩ, bây giờ thì làm cha giảng đạo của một tôn giáo nào ấy. Thời nay có ít người trung thực lắm bà ạ. Tôi cho là ở Sarajevo, ngài Đại công tước cũng nghĩ nhầm về kẻ đã bắn ngài. Lúc trông thấy người đàn ông ấy, chắc ngài nghĩ rằng ’À, đấy là người tử tế, người ấy chào đón mình kia mà.‘ Ấy thế mà hắn lại nổ súng bắn ngài. Hắn chỉ bắn ngài một phát, hay bao nhiêu?“
„Báo viết là ngài Đại công tước bị bắn thủng cả người, cậu ạ. Hắn trút tất tần tật đạn vào ngài.“
„Súng bắn thì nhanh lắm, nhanh kinh khủng, bà Müllerová ạ. Giá như làm việc đó thì tôi sẽ mua khẩu Browning. Trông nó giống như đồ chơi, nhưng mà chỉ trong vòng hai phút thôi là bắn chết được đến hai chục đại công tước, bất kể gầy hay béo. Đương nhiên là nhằm vào ngài đại công tước to béo thì chắc chắn hơn là vào ngài đại công tước gầy gò, ấy là nói chuyện vậy với bà thôi. Bà còn nhớ hồi người ta bắn chết nhà vua ở Bồ Đào Nha không? Ông vua ấy rất béo, vâng, bà biết đấy, là nhà vua thì không thể gầy được. Thôi, bây giờ thì tôi ra quán U kalicha[14] đây. Nếu có người đến hỏi lấy con phốc hươu tôi đã nhận tiền cọc thì bà bảo là tôi đang để nó ở ngoại ô, rằng tôi mới cắt tai cho nó, chừng nào chưa lành thì còn chưa được mang nó đi, không thì nó bị lạnh. Bà để chìa khoá cho tôi ở chỗ bà coi nhà nhé!“
Trong quán U kalicha chỉ có một người khách đang ngồi. Đó là ông cảnh sát dân sự Bretschneider,[15] người của An ninh quốc gia. Ông chủ quán Palivec đang rửa bát đĩa, còn ông Bretschneider thì cố gắng nói câu chuyện quan trọng với ông Palivec, nhưng vô hiệu.
Ông Palivec là người ăn nói thô tục có tiếng, lời nào nói ra cũng xen thêm đít hay cứt. Ấy thế mà ông lại là con mọt sách, ông luôn bảo mọi người hãy đọc những gì Victor Hugo đã viết khi miêu tả trận đánh cuối cùng của quân đội Napoleon chống người Anh trong chiến trận Waterloo.
„Mùa hè đẹp đấy chứ nhỉ?“ ông Bretschneider cố gợi một câu chuyện nghiêm chỉnh.
„Chẳng ra cái cứt gì,“ ông chủ quán Palivec trả lời, tay xếp bát đĩa vào tủ.
„Ở Sarajevo người ta làm ghê quá,“ ông Bretschneider lại nói với hi vọng mong manh.
„Ở Sarajevo nào?“ ông Palivec hỏi lại, „quán rượu ở Nusle ấy ư? Ngày nào ở đấy cũng có đám đánh nhau, ông biết đấy, Nusle mà!“
„Sarajevo ở Bosna cơ, ông chủ quán ạ. Người ta đã bắn chết ngài Đại công tước đấy. Ông bảo sao?“
„Tôi chẳng dính vào những chuyện ấy làm gì, có liếm đít tôi thì liếm chứ đừng lôi tôi vào đấy.“ Ông Palivec lịch sự trả lời và châm lửa hút tẩu. „Thời buổi này dây vào những chuyện ấy là mất mạng như chơi. Tôi là nhà hàng, ai đến đây uống bia thì tôi rót. Nhưng mà cái Sarajevo, cái chính trị hay cái ngài đại công tước đã chết ấy chẳng phải là chuyện của chúng tôi, vớ vẩn vào đấy thì có mà đi Pankrác[16] sớm.“
Ông Bretschneider im bặt và thất vọng nhìn cái quán vắng tanh.
Một lúc sau, ông lại lên tiếng: „Ngày trước ở đây có treo chân dung Hoàng đế, đúng chỗ bây giờ có cái gương kia.“
„Ừ, ông nói phải,“ ông Palivec trả lời, „có treo ở đấy, nhưng ruồi ỉa vào đầy, thế là tôi phải cất lên tầng mái. Ông biết đấy, kẻo lại có người nói này nói nọ phiền ra, tôi chả muốn bận vào thân.“
„Ở Sarajevo chắc là phải kinh khủng lắm, ông chủ quán nhỉ?“
Câu hỏi trực tiếp xảo quyệt khiến ông Palivec trả lời một cách hết sức thận trọng:
„Vào những lúc này thì ở Bosna và Hercegovina thường nóng kinh khủng. Hồi tôi còn đi lính ở đấy thì người ta thường phải chườm đá lên đầu ông obrlajtnant[17] của chúng tôi.“
„Ông đã ở trung đoàn nào, hả ông chủ quán?“
„Tôi không nhớ cái nhỏ mọn cỏn con ấy, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến những chuyện vớ vẩn như thế, cũng chẳng bao giờ tò mò bận tâm làm gì,“ ông chủ quán đáp, „quá tò mò là có hại.“
image-w1280 (1)
Lần này thì ông cảnh sát dân sự Bretschneider im bặt thật sự. Khuôn mặt đăm đăm của ông chỉ tươi lên khi thấy Švejk tới. Vừa vào đến quán, Švejk đã gọi một cốc bia đen, kèm theo lời nhận xét:
„Hôm nay ở Viên người ta cũng có tang.“
Mắt ông Bretschneider sáng lên đầy hi vọng; ông nói ngắn gọn:
„Ở Konopiště có treo mười lá cờ đen.“
„Lẽ ra thì phải có mười hai lá,“ Švejk uống một ngụm bia, rồi nói.
„Vì sao anh lại nghĩ là mười hai lá?“ ông Bretschneider hỏi.
„Để cho đủ số, đủ một tá, cho dễ đếm, với lại bao giờ tính theo tá thì cũng rẻ hơn.“ Švejk trả lời.
Không ai nói gì. Švejk thở dài phá tan im lặng:
„Thế là ngài đã về chầu trời rồi, cầu trời cho ngài được vinh quang mãi mãi. Nhưng sao mà ngài chẳng chờ cho đến lúc được làm hoàng đế. Khi tôi còn phục vụ ở quân ngũ thì có một ông tướng bị ngã ngựa rồi chết, cứ im như không. Khi đến giúp ông ấy lên ngựa, người ta mới ngạc nhiên thấy là ông ấy đã chết rồi. Mà khi đó ông ấy cũng đang chờ thăng lên chức feldmaršál[18] đấy! Việc ấy xảy ra trong một cuộc diễu binh. Các cuộc diễu binh chẳng bao giờ mang lại cái gì tốt đẹp cả. Ở Sarajevo cũng thế, cũng diễu binh. Tôi nhớ là có lần tôi tham gia một cuộc diễu binh tương tự, nhưng quân phục của tôi thì lại bị thiếu hai mươi cái cúc. Vì chuyện ấy mà tôi bị biệt giam mười bốn ngày, bị trói quặt chân tay, nằm mất hai ngày. Nhưng mà trong quân đội thì phải có kỉ luật, không thì chẳng ai coi cái gì ra cái gì. Ông obrlajtnant Makovec của chúng tôi bao giờ cũng bảo: ‘Phải có kỉ luật, đồ ngu độn ạ. Không thì các anh sẽ leo cây như lũ khỉ vậy. Nhưng mà quân đội sẽ rèn các anh thành người, lũ ngu xuẩn ạ.’ Có đúng không nào? Các ông thử tượng cái cảnh ở công viên, thí dụ ở Karlák,[19] mà trên cây nào cũng có một người lính vô kỷ luật đang leo trèo. Đó là cái bao giờ tôi cũng sợ nhất.”
„Ở Sarajevo, người Serbia đã làm việc ấy.“ Ông Bretschneider tiếp tục.
„Ông nhầm rồi,“ Švejk nói, „người Thổ Nhĩ Kỳ đấy, họ làm thế là vì Bosna và Hercegovina.“
Và Švejk lí giải ý kiến của mình về chính sách đối ngoại của nước Áo ở bán đảo Balkan. Năm 1912, người Thổ Nhĩ Kỳ thua trận với Serbia, Bungaria và Hy Lạp, và đã muốn nước Áo giúp họ. Nhưng vì không được giúp nên họ đã bắn chết Ferdinand.
„Anh có thích người Thổ Nhĩ Kỳ không?“ Švejk quay sang hỏi chủ quán Palivec, „Anh có thích lũ chó ngoại đạo ấy không? Anh không thích, phải không?“
„Khách nào cũng là khách,“ ông Palivec nói, „kể cả người Thổ Nhĩ Kỳ. Với nhà hàng chúng tôi thì chẳng có chính trị gì hết. Đã đến đây thì trả tiền bia đi, rồi ngồi đây mà ba hoa tán gẫu thế nào tuỳ thích. Đấy là nguyên tắc của tôi. Chứ tôi chẳng quan tâm đến việc kẻ giết ngài Ferdinand của chúng ta là người Serbia hay Thổ Nhĩ Kỳ, là tín đồ Công giáo hay tín đồ Hồi giáo, là người vô chính phủ hay người theo đảng Séc Trẻ.[20]“
„Vâng, ông chủ quán ạ,“ ông Bretschneider lên tiếng, lại hi vọng là ít ra một trong hai người sẽ sa lưới, „nhưng ông cũng phải công nhận rằng đó là tổn thất lớn cho nước Áo.“
Švejk trả lời thay ông chủ quán:
„Tổn thất là cái rõ, không chối cãi được rồi. Tổn thất kinh khủng. Không thể thay thế ngài Ferdinand bằng một thằng ngu nào đó được. Chỉ có điều đáng lẽ ngài phải béo hơn thế nữa.“
„Anh nghĩ thế là sao?“, ông Bretschneider chợt tỉnh cả người.
„Tôi nghĩ thế là sao ư?“ Švejk hào hứng đáp. „Chỉ đơn giản là vậy. Giá mà ngài béo hơn, thì chắc chắn trước đó ngài đã bị tai biến mạch máu não mà chết rồi, khi ngài đuổi mấy mụ đàn bà đến nhặt củi hái nấm trong rừng của ngài ở Konopiště. Giá mà thế thì ngài đã không phải chết một cách nhục nhã như thế này. Ngẫm lại thì thấy ngài là chú của Hoàng đế, mà họ còn bắn ngài. Quả thật là xấu hổ, người ta viết đầy báo chí về chuyện ấy. Trước đây, ở Budějovice[21] của chúng tôi có một người buôn bán gia súc tên là Břetislav Ludvík. Người ta đâm chết ông ấy ở ngoài chợ chỉ vì một cuộc cãi nhau nhỏ. Ông ấy có thằng con tên là Bohuslav; nó đi đâu bán lợn cũng chẳng ai mua cho, ai cũng bảo: ‘Đây là con trai của kẻ bị đâm chết, chắc nó cũng là đứa chẳng tử tế gì.’ Thế là nó phải nhảy cầu ở Krumlov[22] xuống sông Vltava,[23] người ta phải vớt nó lên, phải làm nó sống lại, phải tống nước ra khỏi người nó, vậy mà nó chết trong tay bác sĩ khi ông này tiêm cho nó.”
“Anh so sánh lạ thật đấy,” ông Bretschneider nói một cách ý nghĩa, “đầu tiên anh nói đến ngài Ferdinand, rồi sau đó lại nói về kẻ buôn bán gia súc.”
“Đâu có thế,” Švejk bào chữa, “trời phạt tôi, nếu tôi muốn so sánh ai với ai. Ông chủ quán biết tôi đấy. Tôi không bao giờ so sánh ai với ai, có phải không nào? Tôi chỉ không muốn ở vào địa vị bà quả phụ của ngài Đại công tước thôi. Bây giờ thì bà ấy biết làm sao đây? Mấy đứa con thành trẻ mồ côi, đất ở Konopiště thành đất không chủ. Lại đi lấy một ngài đại công tước mới nào khác ư? Như thế thì được ích lợi gì? Lại sẽ đi với ngài ấy đến Sarajevo, rồi thành bà quả phụ lần thứ hai hay sao. Trước đây, ở Zliv gần Hluboká[24] có một ông coi rừng, ông ấy có cái tên xấu xí là Pinďour.[25] Ông ấy bị bọn lâm tặc bắn chết, để lại bà quả phụ với hai đứa con. Một năm sau, bà này đi bước nữa, lại lấy một người coi rừng tên là Pepík Šavel ở Mydlovary.[26] Và ông này cũng bị lâm tặc bắn chết. Rồi bà ấy đi lấy chồng lần thứ ba và cũng lại lấy người coi rừng. Bà ấy bảo là ‘Đến lần thứ ba thì mọi việc sẽ tốt đẹp, nếu không thì tôi chẳng biết sẽ phải làm gì nữa.’ Tất nhiên là cả ông thứ ba cũng bị bắn chết, lúc đó thì bà ấy đã có với các ông chồng cả thảy sáu đứa con. Bà ấy đi đến tận văn phòng của ngài Công tước ở Hluboká để than phiền về nỗi khổ sở bất hạnh của mình với các ông coi rừng. Người ta khuyên bà lấy ông Jareš là người coi hồ cá ở Ražice.[27] Nhưng các ông có biết rồi lại thế nào không? Bọn đánh cá ở hồ đã dìm chết ông ấy, mà ông bà thì đã có với nhau hai mụn con. Sau đó, bà ấy đi lấy ông thợ hoạn ở Vodňany.[28] Một đêm, ông này lấy rìu chém chết bà, rồi tự ra đầu thú. Khi bị đem ra treo cổ trước toà án vùng ở huyện Písek,[29] ông ấy cắn vào mũi cha cố rồi bảo là hoàn toàn không hối tiếc gì cả, và cũng còn nói thêm cái gì đó rất xấu xa về Hoàng đế.”
“Thế anh có biết ông ấy nói gì về Hoàng đế không?” ông Bretschneider hỏi bằng giọng chứa chan hi vọng.
“Tôi không thể nói cho ông được, vì không ai là người dám nhắc lại cái ấy. Nhưng nghe bảo cái ấy là cái khủng khiếp và ghê gớm lắm, đến mức mà một ông uỷ viên toà án lúc đó ở đấy đã nghe thấy, rồi phát điên. Cho đến bây giờ, người ta vẫn còn biệt giam ông ấy, để điều đó không bị lộ ra. Cái ấy không phải là chuyện xúc phạm Hoàng đế một cách bình thường mà người ta nói khi say rượu đâu.”
“Thế những gì xúc phạm Hoàng đế mà người ta nói khi say rượu?” ông Bretschneider hỏi.
“Thôi thôi, tôi xin các ông, nói chuyện khác đi,” ông chủ quán Palivec lên tiếng, “các ông biết là tôi không thích những chuyện ấy. Tán gẫu linh tinh rồi hối không kịp.”
“Những gì xúc phạm Hoàng đế mà người ta nói khi say rượu ư?” Švejk nhắc lại. “Đủ thứ. Người ta uống rượu vào rồi say, rồi nghe quốc ca Áo, rồi người ta bắt đầu nói. Người ta nghĩ ra bao nhiêu chuyện về Hoàng đế, nhiều đến mức giá mà nó chỉ đúng một nửa thôi thì cũng đủ cho Hoàng đế phải xấu hổ cả đời. Nhưng mà quả thật là ông già không đáng bị nói xấu như thế. Ông cứ nghĩ mà xem. Rudolf, con trai Hoàng đế, đã chết lúc còn trẻ, còn đang sung sức.[30] Hoàng hậu Alžběta của Hoàng đế thì bị đâm chết bằng cái giũa, Đại công tước Jan Ort[31] biến mất, còn Hoàng đế Mexico, em trai Hoàng đế, thì bị xử bắn ở chân tường thành một pháo đài nào đấy.[32] Bây giờ thì Hoàng đế đến tuổi già rồi mà chú của ngài lại bị bắn chết. Hoạ có là người bằng sắt mới chịu đựng nổi từng ấy chuyện. Thế mà một thằng say rượu nào đấy lại đi chửi bới Hoàng đế. Nếu bây giờ mà có việc gì xảy ra thì tôi sẽ tự nguyện đi phục vụ và hi sinh thân mình vì Hoàng đế.”
Švejk uống bia một hơi dài và tiếp tục:
“Các ông nghĩ là Hoàng đế chịu để yên thế ư? Thế thì các ông chưa biết rõ ngài. Chiến tranh với người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải xảy ra. Các ngươi giết chú của ta thì ta vả vào mặt các ngươi. Chiến tranh là cái chắc. Serbia và Nga sẽ giúp chúng ta trong cuộc chiến tranh ấy. Sẽ đánh thẳng tay, sẽ có đổ máu!”
Trong giây phút tiên tri ấy, trông Švejk thật đẹp. Gương mặt hồn nhiên, tươi cười tròn trặn như mặt trăng rằm của anh rạng rỡ vì hào hứng. Anh thấy mọi việc đều rõ ràng như vậy.
image-w1280 (2)
Anh lính Švejk trong bộ phim hoạt hình chuyển thể do đạo diễn Jiří Trnka thực hiện.
„Có thể là,“ Švejk tiếp tục nói về tương lai của nước Áo, „trong trường hợp chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, người Đức sẽ đánh chúng ta, bởi vì người Đức và người Thổ Nhĩ Kỳ về phe với nhau. Lũ ấy là đồ đểu không ai bằng trên thế giới. Nhưng mà chúng ta có thể liên kết với Pháp. Từ năm bảy mốt Pháp đã nhăm nhe muốn đánh Đức rồi. Mọi việc sẽ xảy ra, chiến tranh sẽ xảy ra, tôi sẽ không nói gì hơn nữa.“
Ông Bretschneider đứng dậy và trịnh trọng nói:
„Anh sẽ không phải nói gì hơn nữa, anh đi với tôi ra ngoài hành lang, tôi có chuyện nói với anh.“
Švejk đi theo viên cảnh sát dân sự ra hành lang. Ở ngoài đó, anh hơi ngạc nhiên thấy người khách cùng uống bia với mình đưa cho anh xem huy hiệu cảnh sát có hình con đại bàng và tuyên bố rằng bắt anh và sẽ giải lên trụ sở cảnh sát ngay lập tức. Švejk cố gắng giải thích rằng có lẽ là người ấy nhầm, chứ anh hoàn toàn vô tội, rằng anh đã không hề nói một lời nào có thể xúc phạm đến ai.
Nhưng Bretschneider bảo Švejk rằng thực sự anh đã phạm một số tội, và một trong những tội ấy là tội phản quốc.
Cả hai quay trở lại quán và Švejk nói với ông Palivec:
„Anh tính cho tôi năm cốc bia với một cái bánh sừng bò có xúc xích. Bây giờ thì rót cho một ly rượu mận nữa, rồi tôi phải đi, vì tôi bị bắt.“
Ông Bretschneider đưa cho ông Palivec xem huy hiệu cảnh sát mang hình chim đại bàng, nhìn ông ấy một lúc rồi hỏi:
„Ông có vợ hả?“
„Vâng.“
„Bà ấy có thể trông nom cửa hàng trong lúc ông đi vắng được không?“
„Trông được.“
„Ờ, vậy thì ổn rồi, ông chủ quán ạ,“ Bretschneider vui vẻ nói, „ông gọi bà ấy đến đây, giao cửa hàng cho bà ấy, tối nay chúng tôi đến giải ông đi.“
„Đừng lo lắng làm gì cả,“ Švejk an ủi ông chủ quán,“tôi đi đến đấy chỉ vì tội phản quốc thôi!“
„Nhưng tôi thì vì tội gì?“ ông Palivec ca thán. „Tôi đã thận trọng đến thế cơ mà!“
Bretschneider bật cười và đắc thắng trả lời:
„Vì ông đã nói là ruồi ỉa vào Hoàng đế. Rồi người ta sẽ tẩy não ông để cho ông quên Hoàng đế đi!“
Và trong sự tháp tùng của viên cảnh sát dân sự, Švejk rời quán U kalicha. Khi ra đến ngoài đường, anh nhìn vào mặt hắn rồi cười thân thiện và hỏi:
„Tôi có phải đi xuống vỉa hè không?“
„Tại sao?“
„Tại vì tôi nghĩ là khi bị bắt thì tôi không có quyền được đi trên vỉa hè.“
Khi cả hai vào đến cổng trụ sở cảnh sát, Švejk nói:
„Thế mà chả mấy chốc đã tới nơi rồi. Ông có hay đến quán U kalicha không?“
Trong khi người ta đưa Švejk vào phòng tiếp ở trụ sở cảnh sát, ông Palivec giao việc trông coi quán U kalicha cho bà vợ đang nước mắt ngắn dài. Ông an ủi vợ theo cách đặc biệt của mình:
„Đừng khóc, đừng gào! Chỉ vì cái ảnh Hoàng đế bị ruồi ỉa thì họ làm gì tôi được?“
Thế là người lính tốt Švejk đã can thiệp đến đại chiến thế giới một cách duyên dáng đáng yêu như vậy. Việc Švejk nhìn thấy được tương lai xa xôi sẽ là điều các nhà sử học quan tâm đến. Nếu mà sau này, tình hình có diễn biến khác đi so với những gì anh đã nói ở quán U kalicha, thì chúng ta phải nhớ rằng anh không hề bao giờ được đào tạo chuẩn bị gì về những kiến thức ngoại giao.
Bình Slavická dịch
hình trang 17
[1] Vương quốc Bohemia (tiếng Séc České Království, tiếng Đức Königreich Böhmen, tiếng Latinh Regnum Bohemiae, tiếng Anh Kingdom of Bohemia) là nhà nước tiền thân của Tiệp Khắc trước đây (Československo 1918–1992) và Cộng hoà Séc ngày nay (Česká republika – từ năm 1993). Đó là vương quốc thuộc miền tây Cộng hoà Séc ngày nay, mang tên là Séc (tiếng Séc Čechy, tiếng Đức Böhmen, tiếng Latinh Bohemia), phía đông giáp Morava, phía tây giáp Đức, phía nam giáp Áo, phía bắc giáp Ba Lan. Cái tên Bohemia, hay Boiohaemum, là tên của một bộ tộc người Celt ở châu Âu; một chi nhánh của họ sống tại địa phận Séc từ thế kỉ thứ 4 TCN. Vương quốc Bohemia tồn tại từ thế kỉ 13 đến năm 1918, dưới quyền cai trị của các triều đại ở châu Âu như nhà Luxemburg, nhà Jagellon, nhà Habsburg và nhà Habsburg-Lothringen. Năm 1918, nhà nước quân chủ Áo–Hung (1867–1918) của triều đại Habsburg-Lothingen bị sụp đổ, đánh dấu sự ra đời của nhà nước theo chính thể cộng hoà là Cộng hoà Tiệp Khắc (Republika Československá). (ND)
[2] Đại công tước Ferdinand (tiếng Đức Erzherzog Franz Ferdinand von Österreich-Este, tiếng Séc Arcivévoda František Ferdinand d‘Este), (1863-1914), là con của em trai Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph I (1830-1916). Sau khi Rudolf, con trai duy nhất của Hoàng đế tự vẫn, Franz Ferdinand được trao quyền kế thừa ngai vàng và trở thành Thái tử của Đế quốc Áo-Hung. (ND)
[3] Konopiště (zámek Konopiště) là tên một toà lâu đài ở miền Trung Séc, cách Praha khoảng 40 km về phía đông nam. Lâu đài được xây dựng vào cuối thế kỉ 13 theo loại hình công trình kiến trúc kiểu thành trì, dùng làm nơi ở cho quý tộc. Lâu đài đã thuộc quyền sở hữu của một số dòng họ quý tộc, nhưng được biết đến nhiều hơn như là dinh thự của Đại công tước Franz Ferdinand d’Este. Năm 1887, ông đã mua lâu đài và khu lân cận làm nơi ở cho gia đình – vợ ông là người Séc. (ND)
[4] Sarajevo là thủ đô của Bosna và Hercegovina, thuộc bán đảo Balkan, miền Đông Nam châu Âu. (ND)
[5] Nhiều khi người ta gọi tắt Bosna và Hercegovina là Bosna. (ND)
[6] Vào giữa thế kỉ thứ 15, Bosna va Hercegovina bị Đế quốc Ottoman (hay Osman, cũng còn gọi là Thổ Nhĩ Kỳ) thống trị. Năm 1878, Đế quốc Áo-Hung chiếm Bosna và Hercegovina. (ND)
[7] Một khu phố của Praha. (ND)
[8] Quốc ca của Đế quốc Áo-Hung. (ND)
[9] Cách gọi tên Elisabeth bằng tiếng Séc. Hoàng hậu Elisabeth (1837–1898), còn được biết với tên gọi Hoàng hậu Sissi, là vợ của Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph I. Năm 1898, bà bị một người Ý tên là Luigi Luccheni ám sát khi bà đi dạo ở bờ hồ Genève, Thuỵ Sĩ. Hắn đã đâm bà bằng một cái giũa nhỏ. (ND)
[10] Tức là Hoàng đế Franz Joseph I. (ND)
[11] Trên thực tế, Franz Ferdinand là cháu ruột, gọi Hoàng đế Franz Joseph I bằng chú. (ND)
[12] infanterista là cách nói bằng tiếng Séc của từ tiếng Đức infanterist, có nghĩa là lính bộ binh không có cấp bậc gì trong quân đội Áo-Hung. (ND)
[13] hejtman là cách nói bằng tiếng Séc của từ tiếng Đức hauptmann, một cấp bậc sĩ quan trong quân đội Áo-Hung, tương đương với cấp đại uý. (ND)
[14] Quán U kalicha (Quán Cái li) là một quán ăn ở Praha. Từ một quán ăn không lấy gì làm đặc biệt, nó trở nên nổi tiếng sau khi tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Švejk được dịch sang tiếng Đức, sau đó truyện được chuyển thể sang kịch bản sân khấu và được biểu diễn tại Berlin năm 1927. Ngày nay, quán U kalicha là địa điểm du lịch rất nổi tiếng của Praha. (ND)
[15] Bretschneider (có dạng nữa là Brettschneider) là tên có gốc Đức. Trong tiếng Séc, cái tên đó trở thành từ ám chỉ chung cho những kẻ đi tố giác sau khi có tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Švejk, vì đó là họ của viên mật thám. (theo Knappová)
[16] Pankrác là một nhà tù lớn ở Praha. (ND)
[17] obrlajtnant là phát âm kiểu dân gian bằng tiếng Séc của từ obeurleutnant trong tiếng Đức, một cấp bậc sĩ quan trong quân đội Áo-Hung, tương đương với cấp bậc thượng uý. (ND)
[18] feldmaršál là phát âm tiếng Séc của từ feldmarshall trong tiếng Đức, là cấp bậc cao nhất trong quân đội Áo-Hung, ngang với cấp bậc nguyên soái. (ND)
[19] Karlák là tên gọi tắt trong dân gian của quảng trường lớn nhất của Séc ở Praha, một trong những quảng trường lớn ở châu Âu, mang tên Hoàng đế Karel IV (tiếng Séc Karlovo náměstí, tiếng Đức Karlsplatz). (ND)
[20] Đảng Séc trẻ (tiếng Séc Mladočeši, tên chính thức Národní strana svobodomyslná – Đảng tự do dân tộc), là một đảng phái chính trị của Séc dưới thời Đế quốc Áo-Hung. (ND)
[21] Budějovice, tên đầy đủ České Budějovice, là thủ phủ của vùng Nam Séc, cách Praha 150 km về phía nam. Đây là một trong những địa danh gắn liền với tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Švejk. (ND)
[22] Krumlov, tên đầy đủ là Český Krumlov, thành phố ở miền Nam Séc, cách České Budějovice 22 km về phía tây nam. Thành phố có lịch sử từ giữa thế kỉ thứ 13, hiện nay là địa điểm du lịch nổi tiếng của Séc. (ND)
[23] Sông Vltava (tiếng Đức Moldau) là dòng sông dài nhất (430,2 km) của CH Séc. Vltava cũng là tên của một trong sáu tập thơ của bản giao hưởng nổi tiếng Đất nước tôi (Má vlast) của nhà soạn nhạc Séc Bedřich Smetana. (ND)
[24] Hluboká là tên của một lâu đài ở miền Nam Séc, cách České Budějovice 15 km về phía bắc. Từ một lâu đài xây dựng theo kiểu Gotic từ thế kỉ 13, Hluboká đã được xây dựng lại nhiều lần và vào nửa đầu thế kỉ 19 được xây mới hoàn toàn theo kiểu kiến trúc của lâu đài Windsor ở Anh. Hiện nay, Hluboká là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Séc. (ND)
[25] Nghĩa tiếng Việt là thằng Cu. (ND)
[26] Nơi sinh và mất của František Hašek, ông nội của Jaroslav Hašek. (ND)
[27] Jareš là dòng họ bên ngoại của Jaroslav Hašek. Cụ ngoại và ông ngoại của Hašek đều làm người coi ao cá ở Ražice thuộc miền nam Séc. (ND)
[28] Vodňany là một thành phố ở miền Nam Séc, cách České Budějovice 30 km về phía tây bắc.
[29] Písek là một thành phố ở miền Nam Séc, cách České Budějovice 44 km về phía tây bắc. Đó là một trong những địa điểm gắn với Vận mệnh người lính tốt Švejk. (ND)
[30] Hoàng Thái tử Rudolf (1858-1889) là con trai duy nhất của Hoàng đế Franz Josef I và Hoàng hậu Elisabeth. Hoàng Thái tử đã tự vẫn năm 1889, nhưng cho đến nay lý do vẫn chưa được rõ ràng. (ND)
[31] Jan Ort (tiếng Đức Johann Salvator von Österreich-Toskana 1852-?) là Đại công tước Áo, thuộc triều đại Habsbugr-Lothringen, chi nhánh Toskan. Bạn thân của Hoàng Thái tử Rudolf. Ông từ bỏ mọi tước hiệu quý tộc để sống cuộc đời thường dân. Có thể là bị mất do đắm tàu ở Chile năm 1890, nhưng không tìm thấy xác. (ND)
[32] Em trai Hoàng đế Franz Joseph I tên là Maximilian Joseph von Habsburg-Lothringen (1832-1867). Năm 1864 được phong là Hoàng đế của Mexico, năm 1867 bị truất ngôi và bị tử hình tại Mexico. (ND)