
Thời gian đọc: 14 phút
Karl Ove Knausgård sinh năm 1968, là nhà văn người Na Uy từng được tờ Wall Street Journal gọi là “một trong những hiện tượng văn chương lớn nhất thế kỷ 21”.
Knausgård theo học chuyên ngành Nghệ thuật và Văn học tại Đại học Bergen, trước khi ra mắt tiểu thuyết đầu tiên của mình vào năm 1998 thì ông từng làm rất nhiều nghề khác nhau như dạy học, bán băng cassette, vv… Thành tựu lớn nhất của Knausgård là bộ tiểu thuyết tự truyện 6 tập vô cùng đồ sộ mang tên My Struggle (Min kamp), tiếp đó là bộ tứ Bốn mùa, tiểu thuyết The Morning Star, tập tiểu luận In the Land of the Cyclops, vv… Suốt sự nghiệp của mình, Knausgård đã giành được nhiều giải thưởng lớn như giải của Giới phê bình Na Uy dành cho Văn chương năm 1998 và năm 2009, giải Jerusalem 2017… và hiện đang được xem là ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Văn học.
Chất liệu chính trong các tác phẩm của Knausgård thường lấy từ cuộc sống cá nhân của ông, là những chiêm nghiệm về cuộc đời và xã hội, thiên nhiên bên ngoài và bản thể bên trong. Ngoài ra thì Knausgård cũng khá quan tâm đến mỹ học, ông từng xuất bản nhiều sách về nghệ thuật thị giác.
Đoạn trích dưới đây thuộc chương thứ 2 của quyển Mùa xuân, cuốn thứ 3 trong bộ tứ Bốn mùa. Đây là tập sách Karl Ove Knausgård viết riêng cho con gái mới sinh của mình, tạm quên đi một dự án văn học tham vọng, độc giả có thể xem đây như những lời tâm tình của một người cha dành cho con, khi người cha cố gắng dùng những trải nghiệm của mình để giảng giải cho con hiểu về những mặt sáng tối của thế giới rộng lớn.
Huy Nguyễn
Càng ngày bố càng nghĩ rằng chúng ta đang sống trong hai thực tại, một là cái thế giới vật lý, vật chất, sinh học, hoá học, thế giới của các vật thể và cơ thể, ta có thể gọi đó là thực tại đầu tiên, còn lại là thế giới trừu tượng, phi vật, thế giới của ngôn ngữ và nhận thức, của các mối tương quan và liên kết xã hội, ấy là thực tại thứ hai. Thực tại đầu tiên được vận hành bởi những quy luật rõ ràng tuyệt đối – nước đóng băng ở một nhiệt độ nhất định, quả táo lìa cành khi đạt được trọng lượng nhất định, khi cơn gió giật đạt tới một lực nhất định, quả rơi xuống với vận tốc nhất định, cú va chạm với mặt đất khiến phần thịt quả dưới lớp vỏ bị dập thành một hình nhất định – trong khi đó thì thực tại kia lại có tính tương đối và có khả năng thay đổi. Sẽ rất dễ hiểu nếu hai thế giới này tồn tại song đôi, nhưng tất nhiên không phải vậy rồi. Một thế giới tồn tại bên trong thế giới kia, vì vậy mà một vật thể, tỉ dụ như một cái xô màu đỏ nhé, nó vừa là cái xô đỏ đúng nghĩa, phải tuân theo các định luật vật lý, ví dụ như tan chảy khi bị đặt quá gần lửa, thành các hình và dạng dưới tác động của nhiều yếu tố liên quan, chẳng thể nào khác được – thế rồi đồng thời một hình ảnh nội tâm sẽ hình thành trong đầu người chứng kiến, ở đấy nó tồn tại theo đủ dạng: một vật dụng tiêu chuẩn được sản xuất hàng loạt, đứng trên mặt đất lá phủ cạnh đống đất vừa được đào lên, giữa đồng khoai tây, ở thể rắn và không thể phân hủy giữa thiên nhiên ôn hòa biến đổi vô chừng; một vật dụng đỏ rỗng có quai dùng để xách nước hoặc để đựng khoai tây hay táo, đặt ngay góc bếp; một nháng đỏ ai đó bỏ quên trên đồng, lúc này chính cái việc bị bỏ quên mới là khía cạnh chính, nó hé lộ về con người của kẻ bỏ quên, về tính cẩu thả lơ đễnh của kẻ ấy; nó còn là một trong những vật dụng thuộc về bố mẹ của bố, thứ mà bố không thể trông thấy mà không nhớ về bố mình cùng những năm tháng bọn bố sống với nhau; mặt xô đỏ bị chảy thành một hình tựa như mặt người từ cái lần mẹ của bố lỡ để nó sát lửa quá – đúng rồi, qua nhiều năm tháng cái gương mặt ấy đã át cả ấn tượng về cái xô, bố chỉ còn thấy nó thè lưỡi ra nhìn bố suốt ba thập kỷ. Lạ sao một vật hình trụ bằng nhựa có đáy, thường để trong tủ đựng chổi của mẹ bố lại có thể mang nhiều căn tính đến thế và lại gợi lên nhiều cảm giác đến vậy… Quả là một hình ảnh có sức gợi biết bao, ý niệm về cái xô đứng đó trong buổi tà, bên cạnh chỗ đất đen âm ẩm, trên đám lá nâu vàng trơn trượt, mấy cọng cỏ xanh mướt lấp loáng lỗ chỗ, ngay tại bìa rừng, nơi đồng khoai trải hết và tường cây bắt đầu, thứ mà lúc ấy, trong khi bố của bố đang xới khoai bằng cây chĩa, lại đứng thu mình trong thứ bóng tối thẫm đen như thể đang rỉ ra – ít nhất là bố tưởng tượng như thế, từ giữa các thân cây rồi tràn ra khắp cánh đồng, nơi mà chỉ độ nửa tiếng trước đó bầu không hẵng còn sáng trong mà giờ đã càng lúc càng u minh, và sự yên lặng cũng lớn dần – cái yên lặng của rừng về đêm mới lớn làm sao – thế nên những tiếng động còn lại ngoài những âm rung gần như vô thanh của cây cối khi có cơn gió lùa qua chỉ là tiếng thọc cây chĩa xuống đất, âm ling ting nho nhỏ khi kim loại cứng sượt qua đất tơi, tiếng ủng giậm, tiếng sột soạt khi bố của bố hất đất sang bên, tiếng thở của ông. Cái xô đứng đấy, nhang nháng lên trong bóng đêm thẫm dần, món đồ đã mang trong mình cơ man nào là thứ – những con cua sống bắt từ biển hãy còn ướt mặn, mấy con cá chết, vẫn đang nhớt mềm, các thớ cơ chợt phản xạ khiến đuôi chúng quẫy một đôi lần thành một chuyển động chẳng thuộc cõi sống cũng chẳng phải chết, chỉ lưng chừng ở giữa, na ná như chuyển động của gió và nước, cả táo, lê, mận, việt quất, phúc bồn tử, dâu đen, mận gai, rác rến, cả nước sạch lẫn nước bẩn, quần áo khô lẫn ướt, các chai thuốc tẩy…

Căn tính của bố, con người mà bố là, được bện nối vào thế giới vạn vật theo một cách thức mà sẽ thật bất khả nếu muốn chỉ ra đâu là nơi thứ này bắt đầu và nơi thứ nọ kết thúc, trong khi cơ thể của bố, theo nghĩa nào đấy cũng chỉ là một vật thể, cũng hữu hạn như bao vật thể khác, cũng có những giới hạn nhưng cũng thật rộng mở, bởi vì nước đâu chỉ chảy xuống xuyên qua đất mà còn chảy xuống qua thực quản, không khí đâu chỉ lấp đầy các khoảng trống mà còn lấp đầy những lá phổi, để nói rằng chẳng chút gì từ những động vật thực vật mà ta tiêu hoá rồi thải ra sau khi đã hấp thụ trọn những dinh dưỡng cần thiết – rồi một ngày cơ thể ta sẽ hoàn toàn hoà nhập vào thế giới vạn vật, trở thành một vật thể giữa muôn vàn vật thể khác, như một chiếc lá, một khúc gỗ, một ngọn đồi, và sẽ tiếp tục tồn tại như những phần tử của một thực tại câm nín.
Cả con nữa, con của bố, cũng là một vật thể, một sinh vật nhỏ nhắn mềm mại có tứ chi, thuận theo quyết định của sinh học, với quả tim đập đều đặn theo số lần nhất định.
Cuộc sống của con bắt đầu từ khi nào?
Đó là lúc hai tế bào từ hai cơ thể riêng biệt cùng hợp nhất lại và tế bào mới bắt đầu phân chia. Việc này được diễn ra tại một thời khắc cụ thể ở một nơi chốn cụ thể trên thế giới. Thế nhưng trên những diễn biến sinh học câm lặng và khép kín ấy thì một tự sự khác cũng nảy nở, là khía cạnh xã hội mà trong đó chẳng thứ gì thực sự có khởi nguyên cũng như tận cùng, điểm bắt đầu câu chuyện của con, điều làm nên cuộc đời con, có khi phải từ cái lúc mẹ con được sinh ra, hoặc từ lúc bố mẹ gặp nhau lần đầu, vào một chiều nắng trên một hòn đảo nội địa của Thuỵ Điển mùa hè năm 1999, hay là cái lần bố mẹ bắt đầu bàn về khả năng sẽ sinh thêm một em bé nữa.
Chuyện xảy ra vào tháng Năm của năm 2013, khi bố mẹ đến thành phố Sydney nước Úc, nơi bố phải tham gia một lễ hội văn học. Khách sạn và các địa điểm lễ hội diễn ra đều nằm gần chỗ có nước, trong các toà nhà mà bố đoan chắc từng là các nhà kho cũ. Cơ thể của bố vốn quen với nhịp điệu thường nhật của cuộc sống ở quê nhà, nên bố thấy tuồng như có một cuộc chiến bên trong, giữa các giác quan của bố, trước mắt rõ ràng là đêm, với bóng tối đen đặc choán đầy mưa ngoài cửa sổ cùng sự yên lặng ngự trị khắp các gian phòng và hành lang, thế nhưng ở những vỉa tầng sâu hơn của bộ não lại là ban ngày, chính điều ấy khiến bố không ngủ nổi: bố hết nằm tỉnh trân trên giường ngó trần nhà rồi lại ngồi lên ghế ngay trước tấm cửa kính lùa để ngắm sân hiên và xa hơn là lối đi cạnh cảng, lối đi sáng đèn đường bên trên dòng nước đen vô hồn cứ thế xô tới cầu cảng kế đó dễ tới năm mươi mét. Mưa và dòng nước và tia sáng ánh lên từ các toà nhà khiến bố nhớ tới Bergen, và dù bố biết mình đang ở Úc, bên kia địa cầu, ngay tại Sydney, thế nhưng cái cảm giác đang ở Bergen đã chiến thắng lý trí, như thể bố đang thực sự ở đó. Cơ thể và cảm giác của bố cứ xoắn xuýt nhau như thế đấy, cứ chao đảo giữa ngày và đêm, giữa xuân và thu, Bergen và Sydney, quá khứ và hiện tại, phủ lên thực tại một màn sương khó nắm bắt, như thể bố đang mộng du ấy. Vào ban ngày cảm giác này thậm chí còn mạnh hơn, ngay cả những giờ đồng hồ dưới ánh mặt trời, khi các bề mặt đều được soi rọi tỏ tường và mọi màu sắc đều độc sáng cũng không thể chế ngự cảm giác của bố rằng bấy giờ là đêm, rằng trời đã tối đen rồi. Bố thấy được bóng tối bên trong ánh sáng, thấy được đêm ở trong ngày, và cái thôi thúc phải ngủ mạnh tới mức nó chẳng còn liên quan gì tới cơn mỏi mệt – vốn là thứ ta có thể rũ bỏ và kháng cự, giờ đây nó là một thứ tự tại, một trường lực hình thành bên trong bố, là cánh cung mà chỉ trong khoảnh khắc tiếp theo thôi, khi bố ngả lưng xuống, sẽ bắn bố tựa như mũi tên vút vào giấc ngủ.
Ngày xưa khi bố còn nhỏ, có lần bố bước vào phòng khách của căn nhà nơi mình lớn lên, lúc ấy tivi đang mở và không có ai trong phòng cả, bố nhìn màn hình và thấy một người không đầu đang bước lên cầu thang. Có vẻ đó là một bộ phim chiếu vào giờ chiều, vì bố nhớ có thấy mặt trời vẫn toả sáng khắp quang cảnh mùa thu ẩm ướt bên ngoài, hôm ấy cũng là Chúa nhật thì phải vì bố đang ở nhà. Lúc đấy bố hẳn không lớn lắm, chỉ tầm bảy hoặc tám tuổi là cùng, cảnh phim ấy đã khiến bố sợ hãi hơn tất thảy mọi thứ bố từng kinh qua. Việc nó diễn ra giữa ban ngày ban mặt càng khiến nỗi sợ lớn hơn, cảm tưởng như chẳng còn nơi đâu là chốn an toàn cả. Nếu con sợ tối, con chỉ việc tìm nơi có sáng. Nhưng biết làm sao đây khi cả ánh sáng cũng chứa đầy nỗi kinh hoàng?
Lúc ở Sydney bố không sợ, nhưng bố cảm nhận được thứ tương tự với điều mình đã thấy thuở bé, là bóng tối nằm trong ánh sáng, đêm ngự trong ngày. Thứ bố cảm nhận được và thứ bố từng sợ chính là bóng dáng của cái xa lạ. Rằng cả thảy mọi người, mọi khuôn diện, mọi giọng nói đều thuộc về kẻ lạ. Cả ông và bà cũng xa lạ. Đây chính là nỗi sợ bị đánh thức bởi các bộ phim kinh dị, các câu chuyện ma, truyền kỳ về ma cà rồng, xác sống, những người về từ cõi chết và những kẻ song trùng. Nhưng khi nó bị giữ chân trong bóng tối, bằng cách nào đó bị cô lập khỏi cuộc sống thì nó lại khá buồn cười, vì ngay cả khi nỗi sợ về bóng dáng của cái xa lạ được xem là thực, nó vẫn có giới hạn thôi, ngày rồi sẽ đến, và trong ánh sáng của ngày cái xa lạ sẽ tan biến và điều thân thuộc lại trở về.
Một người không mang trong mình sự kết nối nào là một trường hợp biệt dị, vì rằng hầu hết mọi việc chúng ta làm đều là để tạo kết nối với người xung quanh cũng như để tạo ra những mối quan hệ mà ta hằng mong sẽ tồn tại, sẽ trường cửu. Có một ý hướng khá mạnh rằng sự nối kết không nhất thiết phải hướng tới những người thân quen, tới bạn bè gia quyến thì mới trở nên đáng kể; đó có thể là một giọng nói trên đài, một gương mặt trong tivi, người trợ lý bán hàng ở siêu thị, một giọng kể ngôi nhất trong sách. Lần duy nhất bố trải qua cảnh cô độc tách biệt suốt một quãng thời gian dài là khi bố dành ra vài tháng trời sống trên một hòn đảo để viết, thiếu hơi người là sự thiếu hụt rất ghê gớm mà cũng thật khó định nghĩa, nó gần như sờ nắn được, giống như bệnh thiếu muối hay thiếu ánh nắng, bố dần gắn bó với vài giọng nói nào đấy trên đài phát thanh, bố mở sẵn đài khi chương trình chuẩn bị lên sóng, nghe được giọng của họ cũng cho ta niềm vui giống như khi gặp gỡ bạn bè. Có một cuốn nhật ký bố đọc dạo ấy cũng đem lại cảm giác tương tự. Nó an ủi bố, cho dẫu với phần đông có lẽ đây chỉ là một sự an ủi sơ sài, vì tình bạn kỳ lạ này không mang tính tương hỗ, cả giọng nói trên đài lẫn tác giả viết sách đều không biết bố là ai, tất nhiên họ chẳng thấy có sự nối kết nào với bố cả, ngay cả bố cũng đồ rằng chính mình cũng nhận ra cái cảm giác xoa dịu họ cho bố chỉ được tí chút mà thôi, như cách người ta nghĩ rằng sự an ủi mà người già neo đơn tìm thấy trên tivi là sơ sài và thảm hại, vì họ là con người bằng xương bằng thịt, còn những gương mặt tivi, thi thoảng họ còn cười cùng chúng, chỉ là những điểm ảnh điện tử ru hồn người vào một sự gần gụi nhân tạo, thứ quá sức giả, một thực tại họ chỉ vờ tin mà thôi.
Con hãy tưởng tượng mà xem, con gái bé bỏng của bố, cái trạng thái cô đơn thực sự ấy, khi mà con không quen biết, không trò chuyện cùng ai, nơi chẳng một ai trông thấy con, họ chỉ nhìn lảng ra xa, trong sự tuyền cô đơn ấy con sẽ chẳng thể sống nổi, đã vậy thì người ta còn tiếp tục sống để làm gì? Mọi thứ bên trong chúng ta đều hướng tới người khác. Ngôn ngữ hướng tới người khác, nhờ thế suy nghĩ cũng tới được, nhờ thế nữa mà cả chân lý hiện sinh ở nơi thẳm sâu nhất trong ta, cả bản ngã của ta cũng vậy. Miễn là bản ngã tồn tại được ở nơi có bóng người, dẫu chỉ mang dáng dấp một tiếng nói phát thanh, một gương mặt truyền hình, một giọng kể trong sách, ấy tức là đã có ý nghĩa, và sẽ giúp con sống một cuộc đời có nghĩa. Nhưng bởi bản ngã của ta được cấu thành dưới dạng thông điệp hướng tới người khác, nếu nó bị tước đi những người khác thì nó chỉ còn có thể được duy trì bằng ý chí, và bởi ý chí của bản ngã đơn thuần là ý chí vị người khác, nếu không còn chút hy vọng nào sót lại, chẳng chóng thì chầy bản ngã sẽ bị huỷ hoại mà thôi.
Nếu người không mang kết nối là một biệt dị thì việc tự sát cũng thế. Có bao nhiêu kẻ tự kết liễu đời mình thì cũng có ngần ấy lý do để tự sát, nhưng có một điểm chung giữa những kẻ tự sát là bằng cách này cách khác họ đều bị mất kết nối, có thứ gì đó khác với sự kết nối đã thắng thế bên trong họ, khiến họ không thể nhận lấy điều bản ngã của mình cần để tồn tại. Tình trạng bất khả kết nối như thế thường chỉ tạm thời thôi, vì thứ bóng tối bên trong này, trạng thái căng cứng của tâm hồn này là thứ gì đấy mà chẳng tác động bên ngoài nào có thể thâm nhập hoặc chuyển di, ta gọi đó là chứng trầm cảm lâm sàng, ấy là tình trạng tuy cấp tính nhưng không phải không thay đổi được: vì qua đêm đen bĩ cực của tâm hồn vẫn tới hồi thái lai. Bằng cách này hay cách khác ta đều hiểu điều đó, tất cả trừ kẻ tự sát, những người mang bóng tối cùng nỗi đau đã quá lớn đến mức ngay cả sự chắc chắn rằng rồi đây mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn cũng chẳng khiến họ thấy dễ chịu. Đêm đen và nỗi đau họ mang rợn ngợp đến độ ngay cả hình ảnh những đứa con của họ cũng không đủ để chế ngự khao khát về một bóng đen cuối cùng, cái chết của bản ngã.
Tự sát cũng là một cách tạo ra ý nghĩa. Nó là một hành động, mà hành động thì luôn mang một ý nghĩa nào đó, không chỉ trong hệ quả của hành động mà còn trong ý định nữa. Có một cô gái bố quen từng làm việc tại một học viện vào mùa hè nọ, cô kể với bố rằng con trai ông giám đốc chỗ ấy đã cầm súng bắn vào đầu ngay tại bãi cỏ trước văn phòng cha mình. Một anh chàng bố quen sơ sơ thì treo cổ ngay dưới cầu thang nhà mẹ mình đúng vào ngày sinh nhật bà ấy. Anh ta còn một đứa con nhỏ. Cả hai trường hợp trên đều muốn tỏ cho ta tường một điều gì đấy, rằng hãy nhìn này, họ nói bằng hành động, nhìn xem các người đã làm gì với tôi. Một người khác bố quen từng treo cổ chết trong căn hộ của mình lúc vẫn mặc vest đen sơ mi trắng cùng cà vạt, để lại hai đứa con. Suốt thời trưởng thành chú ấy đã thi vị hoá cái chết, tôn sùng nó. Lẽ nào đây cũng là một phương thức khiến nỗi đau dễ chịu hơn, biến cái chết thành một thứ đáng khao khát?
Tất thảy những hành động như thế, không thể hủy bỏ và đầy hung hãn, kết tội một ai đó đã trót gây đau đớn cho mình, thi vị hoá cái chết, há chẳng phải khá ấu trĩ và cũng thật quen thuộc với chúng ta sao: thuở nhỏ có ai lại không tưởng tượng ra cái nỗi thống khổ người khác phải gánh chịu khi tiễn quan tài ta ra nghĩa trang, nơi mà sau rốt họ cũng nhận ra rằng mình đã bất công với ta đến chừng nào? Chỉ có vậy, ta ắt đã nghĩ, chỉ có cái chết mới khiến người khác nhìn thấy giá trị đích thực của ta, giống như đột ngột có ánh đèn bừng lên trong căn phòng tối.
Đây là gì nếu không phải là khao khát tạo lập kết nối? Là thứ được ban đồng thời bị tước bỏ, là tình thế lưỡng nan đã khiến cho câu chuyện về cái nhìn của Orpheus trở nên bất hủ. Nó thật là ấu trĩ, nhưng không phải kiểu ấu trĩ của thời thơ bé vì tự sát thì rất xa lạ với trẻ thơ. Tuổi trẻ, với biết bao tâm trạng thất thường, những cơn bốc đồng và thiếu hụt khả năng lường trước hậu quả, có thể trở thành một giai đoạn nguy hiểm; ấy là lúc duy nhất mà bố những mong kết liễu đời mình thay vì cân nhắc những điều đẹp đẽ đáng giá của cuộc sống, dâng lên cùng với niềm tội lỗi là cái ý nghĩ bảo bố rằng mày có thể đấy, nếu muốn mày chỉ việc bẻ lái mà đâm vào chiếc xe tải đang lao đến, mà suy tính đến chuyện đó thực sự, năm bố mười tám tuổi, đang trên đường về nhà sau một bữa tiệc vào một sớm mùa hè, qua khung cảnh công nghiệp vùng ngoại ô Kristiansand, say xỉn và không đỡ nổi cú sốc đã khiến bố rời đi mà chẳng nói với ai một lời. Đấy chỉ là chuyện nhỏ thôi, ai cũng cười bố, kể cả những đứa bạn thân mà bố tin tưởng nhất, cái ý nghĩ rằng chẳng ai thích mình và mình thật vô tích sự, là một trong nhiều suy nghĩ khác, đã tích tụ dần trong cơn say rồi đủ lớn để chế ngự bố. Bố trèo lên một ngọn núi định nhảy xuống, cái ý nghĩ rằng được đấy, chỉ một khắc sau là đời mày kết thúc đã cuộn lên trong bố như một đợt sóng hỉ hả. Bố vẫn nhớ được sự tuyệt vọng và cơn hỉ hả nhưng lại không nhớ nổi điều gì đã cản mình nhảy, tại sao nửa tiếng sau mình lại leo xuống rồi đi tiếp về nhà. Có thể đó là mẹ của bố, vì nhìn ra nỗi đau của bà. Mà có thể hình ảnh ấy mới là cái lý do thực sự đã khiến bố leo lên cao, có lẽ đó chính là thứ bố cần tìm, ý nghĩ rằng có người yêu thương mình, có người cần mình?
Bố nhận thấy rằng mình không thích nói về chuyện này vì nỗi khổ tâm của bố nhỏ nhoi biết bao và cũng đã có gì xảy ra đâu, nhưng điều bố muốn nhắn nhủ là, con của bố ạ, khi con đến tuổi thiếu niên, chỉ một sự chệch nhịp nhỏ thôi cũng có thể đẩy con vào tình cảnh tương tự, nếu con chỉ say hơn một chút và tuyệt vọng hơn một chút, biết đâu đột ngột con sẽ làm cái điều mà lẽ thường chẳng ai dám nghĩ tới. Có lần bố tham gia một chuyến leo núi ở miền bắc Na Uy, người hướng dẫn kể rằng đã từng có một phong trào tự tử của những người trẻ tuổi tại địa phương. Một khi thiếu niên đầu tiên tự sát, nó sẽ trở nên khả dĩ, sẽ dễ hơn để thiếu niên sau đó bắt chước theo, và rồi đến người kế tiếp và người kế tiếp nữa.
Bố của bố, ông nội của con đôi khi nói về tự sát như là một hiện tượng. Ông thích một nhà văn Na Uy tên Jens Bjørneboe, cả trong cuốn tiểu thuyết Jonas mà nhà văn ra mắt năm 1955, một cuốn sách lên án chế độ trường công – có thể do bố của bố vốn là một giáo viên; thỉnh thoảng ông có mượn cụm ‘con sa giông’, một thuật ngữ mỉa mai trong sách để chỉ trích đồng nghiệp của mình – lẫn trong chính cái chết vì tự sát của Bjørneboe, khía cạnh hoàn toàn thực tế trong của cái chết của ông ta, cách mà ông ta tự sát. Ông còn nói rằng ông tin số người tự sát trong thực tế có thể cao hơn số liệu được thống kê, ví dụ như có rất nhiều vụ tai nạn lao xe thẳng vào nhau ấy thực chất chính là những vụ tự sát được che giấu. Hồi đấy bố không biết rằng có một lý do đằng sau việc một người cứ thích nói mãi về một chủ đề, bố cứ thế nghe ông nói, có thể còn nhận xét này nọ nữa, chỉ vô thưởng vô phạt thôi, không nhận ra rằng việc đó mang một ý nghĩa nhất định, nó ám chỉ điều gì đang náo động bên trong ông. Chỉ vài năm sau là ông qua đời, hệ quả khó tránh của việc rượu chè vô lối, thật khó để không xem đó là một vụ tự sát từ từ. Ông muốn chết, thế là ông chết.
Vì sao ông lại muốn chết?
Ông là một người không mang kết nối. Ông từng viết như thế trong nhật ký của mình, rằng ông vẫn luôn là một kẻ cô đơn.
Quanh ông chẳng hề thiếu bóng người và cả tình yêu nữa, sự thiếu hụt nằm bên trong chính ông, ông không có khả năng nhận lãnh, khả năng tạo kết nối.
Con thấy đấy, cái đẹp của thế giới này chẳng có nghĩa gì cả nếu con đứng trong đó một mình.
Huy Nguyễn dịch từ bản tiếng Anh Spring của Ingvild Burkey, Penguin Press, 2018
Tranh minh họa của Anne Bjerger
nguồn: zzzreview