
Thời gian đọc: 23 phút(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)
Mọi nơi và không nơi nào
Mỗi lần xuất phát cho bất kỳ chuyến đi nào, tôi đều lọt ra khỏi vùng phủ sóng. Không ai biết tôi ở đâu. Ở điểm mà từ đó tôi khởi hành? Hay ở điểm mà tôi đang tiến đến? Liệu có một nơi ở giữa không? Tôi có giống cái ngày bị mất khi ta bay về phía đông, và đêm có thêm khi đi về phía tây đó không? Liệu tôi có bị chi phối bởi cái định luật vật lý lượng tử lừng lẫy ấy, nói rằng một hạt có thể tồn tại ở hai nơi cùng lúc? Hay một định luật khác chưa được chứng minh mà chúng ta thậm chí còn chưa nghĩ ra, nói rằng bạn có thể vừa tồn tại vừa không tồn tại ở cùng một nơi?
Tôi nghĩ có nhiều người giống mình. Những người không ở quanh đây, những người đã biến mất. Họ xuất hiện đột ngột ở ga đến và bắt đầu tồn tại khi nhân viên nhập cảnh đóng dấu lên hộ chiếu của họ, hoặc khi nhân viên lễ tân lịch sự ở bất kỳ khách sạn nào đưa chìa khoá cho họ. Đến lúc này họ hẳn đã nhận thức ra tính bất ổn định và sự phụ thuộc của họ vào nơi chốn, thời gian trong ngày, vào ngôn ngữ hoặc vào một thành phố và không khí của nó. Tính uyển chuyển, tính lưu động, tính ảo ảnh – đây chính xác là những tính chất khiến chúng ta trở nên văn minh. Người dã man không xê dịch. Họ chỉ đơn giản là đi tới những đích đến hoặc tiến hành các cuộc cướp phá.
Quan điểm này được chia sẻ bởi người đàn bà mời tôi dùng trà thảo dược trong bình giữ nhiệt khi hai chúng tôi đợi xe buýt từ ga tàu đến sân bay; tay bà ta vẽ henna họa tiết phức tạp mà sau mỗi ngày lại nhạt đi một chút. Khi chúng tôi đã lên xe buýt, bà nêu giả thuyết của mình về thời gian. Bà nói rằng những dân tộc định cư, những người làm nông, thích sự an nhàn của thời gian xoay vòng, theo đó mọi sự vật hiện tượng phải quay về điểm khởi đầu, cuộn tròn lại thành phôi thai và lặp lại trình tự sinh lão bệnh tử. Nhưng những người du mục và thương gia, khi bắt đầu các hành trình họ phải nghĩ ra một loại thời gian khác cho mình, loại thời gian sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch chuyển của họ. Thời gian đó là thời gian tuyến tính, thực tế hơn vì có thể đo lường tiến độ nhắm tới một mục tiêu hoặc đích đến, sự tăng lên theo tỉ lệ phần trăm. Mỗi khoảnh khắc là duy nhất; không khoảnh khắc nào lặp lại. Tư duy này ủng hộ việc chấp nhận rủi ro, sống hết mình, nắm bắt từng khoảnh khắc. Thế nhưng tư tưởng mới này lại nhuốm mùi cay đắng: khi mà sự thay đổi theo thời gian là không thể đảo ngược được, thì mất mát và tiếc thương trở thành chuyện thường ngày. Vì vậy bạn sẽ không bao giờ nghe họ nói những từ như “vô ích” hoặc “trống rỗng”.
“Nỗ lực vô ích, tài khoản trống rỗng,” người đàn bà bật cười, đặt bàn tay được vẽ lên đầu. Bà nói cách duy nhất để tồn tại trong kiểu thời gian tuyến tính, bị kéo dài như thế là giữ cho mình khoảng cách, như một điệu nhảy tiến gần rồi lại lùi xa, tiến một bước, lùi một bước, sang trái một bước, sang phải một bước – các bước tương đối dễ nhớ. Và thế giới càng mở rộng ra, thì bạn càng có thể nhảy kiểu này ra một khoảng cách lớn hơn, di trú qua năm châu bốn bể, hai ngôn ngữ, cả một tín ngưỡng.
Nhưng tôi có một quan điểm khác về thời gian. Thời gian của mỗi lữ khách là rất nhiều thời gian trong một, một phổ khá rộng. Đó là giờ kiểu đảo, các quần đảo có trật tự trong một đại dương hỗn loạn; đó là thời gian được sản sinh từ những chiếc đồng hồ trong ga tàu, mỗi nơi mỗi khác; thời gian quy ước, thời gian tạm thời, mà chẳng ai cần phải xem là quá nghiêm túc. Những giờ biến mất trên một chiếc máy bay trên không trung, bình minh phát nhanh với buổi chiều và buổi tối đã theo sát gót. Thời gian hối hả của những thành phố lớn mà bạn chỉ ở lại một chút, muốn rơi vào cú vồ vập của buổi tối nơi đó, và thời gian lười nhác của những thảo nguyên không người ở nhìn từ trên cao.
Tôi cũng nghĩ rằng thế giới sẽ nằm vừa in vào bên trong một rãnh trên não, vào tuyến tùng – cũng có khi nó chỉ là một cái cục trong cổ họng, quả địa cầu này. Sự thực là, bạn có thể khạc nó lên và nhổ nó ra.
Bữa tiệc Thứ Tư Lễ Tro
“Cứ gọi tôi là Eryk,” gã thường tuyên bố như thế thay cho lời chào hỏi khi bước vào quán rượu nhỏ, mà vào thời gian đó trong năm chỉ được sưởi ấm bằng gỗ trong lò sưởi, và mọi người sẽ mỉm cười thân thiện đáp lại gã, vài người thậm chí còn ra hiệu cho gã đến gần với một cái vẫy tay mang ý nghĩa đơn giản “Kéo ghế ngồi đi.” Nói gì thì nói, gã được xem là một bạn nhậu tốt và – mặc cho những thói gàn dở của gã – được mọi người quý mến. Đầu tiên là, trước khi ngà ngà say, gã thường ngồi trong góc với bộ dạng cau có, ở nơi thiếu vắng sự ấm áp của lò sưởi. Gã chịu được – gã có vóc người lực lưỡng, có khả năng chịu lạnh, có thể tự giữ ấm.
“Một hòn đảo,” gã thường bắt đầu như vậy, dường như thở dài với chính mình nhưng lại đủ to để người khác nghe thấy, khiêu khích họ trong khi gã gọi ly bia khổng lồ đầu tiên. “Thật là một trạng thái tinh thần thảm hại. Lỗ đít của thế giới.”
Những người khác ở quầy bar không thực sự hiểu gã nói gì, có vẻ như vậy, nhưng họ vẫn bật cười ra chiều hiểu chuyện.
“Nè Eryk, chừng nào cậu mới đi săn cá voi đây?” họ sẽ rống lên, khuôn mặt đỏ lựng vì lửa và chất cồn.
Đáp lại Eryk sẽ chửi thề như hát, mồn một là những vần thơ, không lẫn vào đâu được – đây là một phần của trình tự hằng đêm. Vì mỗi ngày đều tiến lên như một chuyến phà men theo dây cáp, từ bờ này đến bờ kia, băng qua trên lộ trình của nó vẫn ngần ấy những chiếc phao đỏ có nhiệm vụ phá vỡ sự độc quyền của mặt nước về tính bao la, làm cho nó trở nên đo lường được, và cùng với đó, đem lại một ấn tượng giả tạo về sự kiểm soát.
Sau khi làm thêm một ly bia nữa, Eryk đã sẵn sàng tới ngồi với những người khác, và gã thường làm thế, dù thời gian gần đây gã càng uống thì tâm trạng càng thường trở nên chua chát. Gã sẽ ngồi đấy nhăn nhó, xéo xắt. Gã không còn kể những câu chuyện đi biển – nếu biết gã đủ lâu, bạn sẽ biết rằng gã chưa từng lặp lại câu chuyện nào, hoặc ít nhất chúng cũng khác nhau nhiều về chi tiết. Nhưng giờ đây, càng lúc gã càng chỉ đơn giản là tấn công người khác thay vì kể chuyện. Eryk giận dữ.
Cũng có những đêm gã rơi vào một kiểu trạng thái lên cơn, và vào những lúc ấy gã trở nên không thể chịu nổi. Đã hơn một lần Hendrik, chủ cái quán rượu nhỏ, phải can thiệp.
“Cứ coi như các người đã có tên trong danh sách rồi,” Eryk sẽ hét lên, chỉ tay lần lượt vào từng người trong phòng. “Đến cả người cuối cùng. Và tôi sắp ra khơi với một thủy thủ đoàn vô đạo chẳng có chút hơi ấm mẫu tử nào! Được đẻ rơi đẻ rớt ở đâu đó bởi biển cả đầy cá mập! Ôi, đời! Chính vào giờ phút như thế này, khi linh hồn đã gục ngã và buộc phải thừa nhận – giống như những vật hoang dã, thô lậu bị ép ăn.”
Hendrik sẽ ân cần kéo gã ra và vỗ lưng gã vẻ thân tình, trong khi đám khách khứa trẻ hơn cười hô hố trước bài diễn thuyết kỳ lạ của gã.
“Thôi nghỉ đi, Eryk. Cậu không muốn sinh sự, phải không nào?” những người lớn tuổi hơn, biết rõ về gã, sẽ nói để giúp gã bình tĩnh lại, nhưng Eryk không cho phép mình bình tĩnh lại.
“Chớ nói chuyện bổ báng với ta, bạn ạ; ta sẽ đánh cả mặt trời nếu mặt trời ấy chửi ta.[1]”
Khi điều này xảy ra, việc duy nhất phải làm là cầu nguyện cho gã đừng xúc phạm một khách hàng vãng lai nào, vì người địa phương không phật lòng với Eryk. Bạn có thể mong chờ gì ở gã, khi mà lúc này gã nhìn ra ngoài quán rượu như nhìn xuyên qua một tấm màn nhựa màu trắng đục; ánh mắt vô hồn cho thấy giờ đây gã đang băng qua các đại dương trong lòng, tàu đã căng buồm. Bây giờ điều duy nhất có thể làm là mở lòng độ lượng đưa gã về nhà.
“Nghe này, kẻ có trái tim chai sạn,” Eryk không ngừng lải nhải, cắm ngón tay vào ngực một ai đó, “ông cũng đang nói chuyện với mày đấy.”
“Thôi nào, Eryk. Đi thôi.”
“Hai anh bạn đã nhận tàu rồi, phải không? Tên trên giấy rồi phỏng? Chà, chà, cái gì đã được ký thì cũng ký rồi; cái gì đến sẽ đến; mà nghĩ đi nghĩ lại, biết đâu, nói cho cùng, có khi không đến cũng nên…” gã lầm bầm rồi quay từ cửa vào quầy bar, đòi uống ly cuối cùng, “một hớp của một hớp,” gã nói, dù chẳng ai hiểu nó có nghĩa là gì.
Gã tiếp tục làm trận làm thượng cho đến khi một ai đó tóm được khoảnh khắc hoàn hảo để lôi gã ra ngoài bằng đuôi áo đồng phục và ép gã ngồi xuống cho đến khi taxi đến.
Nhưng không phải lúc nào gã cũng hung hăng như thế. Thông thường gã đã ra về trước khi rơi vào tình trạng này, vì gã vẫn còn phải đi bộ bốn cây số – và gã thấy chuyến đi bộ về nhà này, gã tự nhủ, là đáng ghét nhất. Cung đường rất tẻ nhạt, theo một con đường chạy giữa những bãi chăn thả cũ nay um tùm cỏ dại và những cây thông lùn hiện ra mờ mờ. Thi thoảng, khi trời đêm trong lành, gã có thể nhận ra từ xa đường nét của một cái cối xay gió, đã ngưng hoạt động từ lâu, chỉ đóng vai trò phông màn cho du khách khi họ chụp hình tự sướng và chụp hình cho nhau.
Máy sưởi sẽ hoạt động khoảng một giờ trước khi gã về đến – gã cài đặt như thế để tiết kiệm điện – thế nên những đám mây lạnh – ẩm ướt, ngậm đầy muối biển – vẫn còn là đà trong bóng tối của cả hai căn phòng.
Gã sống bằng một món ăn đơn giản, thứ duy nhất mà gã chưa ngán: khoai tây thái mỏng, xếp xen kẽ những lát thịt nguội và hành tây, nấu trong nồi gang đúc. Rắc lá kinh giới và tiêu, nêm muối vô tư. Bữa ăn hoàn hảo, tỉ lệ dinh dưỡng được bảo toàn hoàn hảo: chất béo, carbohydrate, chất đạm, và vitamin C. Trong lúc ăn tối gã bật tivi lên, nhưng rồi, vì gã ghét tivi nhất trên đời, cuối cùng gã luôn khui một chai vodka rồi uống cạn, trước khi rốt cục cũng đi ngủ.
Thật là một nơi khỉ ho cò gáy, hòn đảo này. Bị tống lên phía bắc như vào một ngăn kéo tối tăm; gió mưa ảm đạm. Vì lý do nào đó người ta vẫn sống ở đây và chẳng hề có ý định chuyển đến những thành phố sáng sủa, ấm áp. Họ chỉ an trú trong những căn nhà gỗ tí hon được sắp đặt dọc theo một con đường nâng lên sau mỗi lần trải nhựa đường mới, đày họ vào sự thấp bé bất tận.
Bạn có thể đi dọc theo khúc quanh con đường đó, đến bến cảng nhỏ, được tạo thành từ vài tòa nhà tồi tàn, một túp lều bằng nhựa bán vé phà và một bến du thuyền đìu hiu – bị bỏ hoang phần lớn vào thời điểm này trong năm. Có thể vào mùa hè vài chiếc du thuyền sẽ đến đem theo vài du khách kỳ quặc đã ngán ngẩm với cảnh ồn ào quanh các thể loại sông suối ao hồ và những bãi biển oi bức ở phía nam. Và rồi những người như chúng ta – những kẻ bồn chồn, lúc nào cũng thèm cồn cào những chuyến phiêu lưu mới, ba lô nhét đầy mì ăn liền rẻ tiền – có thể kết cục lại tình cờ đặt chân lên chốn buồn thảm này. Bạn sẽ thấy gì ở đây? Bờ vực của thế giới, nơi thời gian, in bóng lên mặt nước trống rỗng, quay đầu vì thất vọng rồi tiến về đất liền và bỏ mặc không thương tiếc nơi này cho cơn thống khổ triền miên. Bởi vì năm 1946 thì khác gì với 1976 ở đây, hay 1976 khác gì với 2000?
Eryk bị mắc cạn ở đây sau một loạt những chuyến phiêu lưu và hạn vận. Đầu tiên, cách đây đã lâu, gã trốn chạy khỏi quê hương mình, một trong mấy miền đất cộng sản nhạt nhẽo, vô vị ấy, và thuở còn là một người nhập cư trẻ, được thuê làm việc trên một chiếc tàu săn cá voi. Vào lúc đó, gã chỉ có vài ba từ tiếng Anh lận lưng, những mốc đường nhỏ xíu gián đoạn giữa “có” và “không”, vừa đủ để trả lời những câu cụt lủn đơn giản mà mấy gã trên tàu thường nói với nhau. “Cầm”, “kéo”, “cắt”. “Nhanh” và “chặt”. “Bắt” và “buộc”. “Đ**”. Lúc đầu như thế là đủ. Và cũng là đủ, việc gã đổi sang một cái tên đơn giản, phổ biến hơn: Eryk. Để từ bỏ cái thây ma kéo lê chẳng ai biết phải phát âm thế nào cho đúng. Và để ném xuống biển những tập hồ sơ, chứng chỉ, bằng cấp, bảng điểm từ các ngành học thêm, và sổ tiêm phòng vắc xin – những thứ sẽ chẳng bao giờ cần đến ở đây; có chăng, chúng chỉ làm bẽ mặt những thủy thủ khác, toàn bộ sơ yếu lý lịch của họ chỉ bao gồm một vài chuyến hải hành đường dài và dăm ba trò ngông trong các quán rượu ven cảng.
Đời sống trên tàu là một sự nhấn chìm không phải trong nước muối, không phải trong những cơn mưa trên biển bắc, cũng chẳng phải trong ánh nắng, mà là trong adrenaline. Không có thời gian để nghĩ ngợi, không tiếc nuối chuyện cũ. Chốn xuất thân của Eryk ở rất xa và không hẳn là một đất nước có nghề đi biển, chỉ tiếp cận được một chút với biển. Các cảng biển của nó thì thà không nhắc đến còn hơn. Nó ưa thích những thị trấn nằm bên những con sông an toàn bó buộc bằng những cây cầu. Eryk không hề nhớ nơi ấy, mà thích ở đây, ở phương bắc hơn nhiều. Gã định bụng sẽ đi biển vài năm, dành dụm chút tiền, rồi tự xây cho mình một ngôi nhà gỗ, cưới một cô Emma hay Ingrid tóc vàng rồi sinh con đẻ cái, gã sẽ làm cho chúng phao để đi câu cá, gã sẽ cùng chúng rửa sạch những con cá hồi biển. Một ngày nào đó gã sẽ viết hồi ký đời mình, khi các chuyến phiêu lưu của gã đã sắp xếp lại thành một câu chuyện hấp dẫn thích hợp. Gã không nhớ tại sao lại có chuyện đó, việc những năm tháng chạy đua vùn vụt, rẽ vào vài lối đi tắt xuyên qua cuộc đời gã – nhẹ tênh, lướt qua, chẳng để lại dấu vết nào. Có chăng chúng để lại vết tích trên thân thể gã, cụ thể là lá gan của gã. Nhưng đó là về sau. Thời gian đầu, sau chuyến hải hành đầu tiên, xui rủi thế nào gã lại phải đi tù – trong hơn ba năm – tay thuyền trưởng ác độc vu oan cho toàn bộ thủy thủ đoàn buôn lậu thuốc lá và một gói ma túy lớn. Nhưng kể cả khi ở trong tù trên một mảnh đất xa xôi, Eryk vẫn chịu sự thống trị của đại dương và cá voi. Trong thư viện nhà tù chỉ có duy nhất một cuốn sách tiếng Anh, hẳn là do một tù nhân nào đó để lại từ nhiều năm trước. Đó là một bản cũ từ đời ông bà ông vải, có những trang sách giòn gãy, ố vàng, mang nhiều dấu vết của đời sống thường nhật.
Và thế là trong hơn ba năm (nói cho cùng không phải là một bản án quá nghiêm khắc, so với luật hiện hành ở cách đấy chỉ một trăm hải lý, hình phạt cho tội danh tương tự là tử hình bằng cách treo cổ) Eryk đã có được những bài học miễn phí về Anh ngữ nâng cao, một khoá học về văn chương, nghề săn cá voi, tâm lý học và du lịch, tất cả trong cùng một quyển sách giáo khoa. Một phương pháp hay, không có gì gây xao nhãng. Chỉ trong năm tháng, gã đã có thể kể lại những chuyến phiêu lưu của Ishmael bằng những đoạn gã thuộc nằm lòng, và nói bằng giọng của Ahab, điều này khiến gã đặc biệt thích thú, bởi đây là cách diễn đạt tự nhiên nhất đối với Eryk, vừa vặn với gã như bộ quần áo thoải mái; lạ lùng hay nhà quê thì cũng có sao đâu. Và thật may mắn làm sao một quyển sách như thế lại rơi vào tay một người như thế ở một nơi như thế. Một hiện tượng được các nhà tâm lý học xê dịch gọi là sự đồng bộ, bằng chứng của việc thế giới này có nghĩa lý. Bằng chứng cho thấy xuyên suốt sự hỗn loạn đẹp đẽ này những sợi chỉ ý nghĩa vẫn tuôn ra về mọi hướng, những mạng lưới logic kỳ lạ, tất cả, nếu người ta tin vào Chúa, đều mang các dấu vân tay méo mó của Người. Đấy là cách Eryk nhìn sự việc này.
Vậy là, chẳng mấy chốc, ở nhà tù xa xôi nơi xứ lạ đó, nơi mà vào buổi tối việc thở trở nên thật khó khăn vì độ ẩm nhiệt đới, nơi sự lo âu và mong ngóng dày vò tâm trí, Eryk đã đắm chìm trong việc đọc, trở thành một tấm thẻ chặn sách, trở nên hạnh phúc. Thật ra thì, gã có lẽ đã không thể sống sót qua khoảng thời gian trong tù nếu không có quyển tiểu thuyết đó. Những bạn tù của gã – cũng là những kẻ buôn lậu – thường nghe gã đọc thành tiếng và nhanh chóng bị hút vào các cuộc phiêu lưu của những người săn cá voi. Sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào nếu, sau khi được thả, họ thử tự mày mò học thêm về lịch sử ngành đánh bắt cá voi, viết luận về lao móc đánh cá voi và thiết bị hàng hải. Những kẻ có năng khiếu nhất trong số họ có thể đã đạt được cấp độ cao hơn: chuyên môn sâu về tâm lý học lâm sàng trong lĩnh vực bền bỉ tiến lên trước bất kỳ trở ngại nào. Và thế là gã Thủy thủ từ Azores, gã Thuỷ thủ Bồ Đào Nha, và Eryk bắt đầu nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng lóng nhà tù chỉ họ hiểu. Họ thậm chí còn dùng cách này để thảo luận về những cai tù người châu Á nhỏ bé:
“Thánh thần ơi! Há chẳng phải là một anh chàng tốt bụng sao!” gã Thuỷ thủ từ Azores sẽ thốt lên khi, chẳng hạn như, một cai tù chịu tuồn một bao thuốc lá bị ướt vào phòng giam của họ.
“Phải công nhận rằng tôi không ít thì nhiều cũng có cùng quan điểm. Chúng ta hãy ban phước lành cho anh ta nào.”
Cách này có ích cho họ, vì mỗi bạn tù mới nhập trại thoạt đầu đều chẳng hiểu gì mấy, trở thành người nước ngoài với họ, cần thiết để họ có thể sinh hoạt xã hội có chút nào như thông thường.
Mỗi người đều có những câu văn ưa thích riêng, sẽ được anh ta đọc to vào mỗi buổi tối, và những người khác đồng thanh kết thúc câu của anh ta.
Nhưng chủ đề chính trong các cuộc nói chuyện của họ bằng thứ ngôn ngữ ngày càng trau chuốt này là biển cả, những chuyến đi, và việc lênh đênh ngoài khơi, phó thác bản thân cho nước, mà – theo kết luận của họ sau cuộc thảo luận kéo dài vài ngày ngang với các triết gia tiền Socrate – là nguyên tố quan trọng nhất trên trái đất. Họ đã lên kế hoạch xong xuôi cho những cung đường mà họ sẽ đi để về nhà, sẵn sàng cho những quang cảnh họ sẽ thấy trên đường, tự soạn trong đầu những bản điện tín mà họ sẽ gửi về gia đình. Họ sẽ kiếm sống bằng cách nào? Họ tranh luận xem những ý tưởng nào hay nhất, nhưng luôn luôn kết cục xoay vòng trở về chủ đề muôn thuở, bởi đã bị dính (dù họ chưa biết điều đó), bị lây nhiễm cơn sốt ấy; cảm thấy bồn chồn sâu sắc bởi khả năng nhỏ nhoi về sự tồn tại của một cái gì đó như một con cá voi trắng. Họ biết vẫn còn có những quốc gia đánh bắt cá voi, và mặc dù công việc đó ít lãng mạn hơn nhiều so với những gì Ishmael mô tả, nhưng vẫn thật khó để nghĩ ra cái gì tốt hơn, xét hoàn cảnh hiện tại của họ. Họ có nghe nói Nhật Bản cần người làm công việc đánh bắt cá voi, và chuyển từ cá tuyết và cá trích sang cá voi cũng giống như chuyển từ làm đồ thủ công sang mỹ thuật…
Ba mươi tám tháng là đủ lâu để suy nghĩ thấu đáo chi tiết cuộc sống tương lai của họ; để thảo luận chúng một cách chính xác, từng điểm một, với các đồng nghiệp. Không có bất đồng nghiêm trọng nào.
“Công việc trên tàu buôn chết mẹ. Đừng có nói cái ngữ đó với ta. Có thấy cái cẳng kia không? Ta sẽ cắt bỏ cẳng kia ra khỏi mông mi, nếu mi còn nói đến công việc trên tàu buôn với ta lần nữa. Ta đoán mi thấy tương đối oai vì đã phục vụ trên đám tàu buôn đó hẳn. Nhưng mà này, cái quái gì khiến mi muốn đi đánh cá voi, hả?” Eryk gầm lên.
“Mày đã thấy gì trên thế giới này rồi?” gã Thuỷ thủ Bồ Đào Nha thét lên.
“Biển Baltic chẳng lạ gì với tao, và tao đã đi dọc ngang hết Biển Bắc. Tao biết rõ những dòng chảy của Đại Tây Dương như mạch máu của chính mình…”
“Mày tự tin lắm, thằng bạn à.”
Họ phải nói gì đó với nhau.
Mười năm – Eryk mất ngần ấy thời gian để trở về nhà – và trong khoản này gã đã gặp may hơn những đồng chí của mình. Gã chọn lộ trình vòng vèo để trở về, băng qua những biển cả ngoại biên, những eo biển hẹp nhất và những vịnh rộng nhất. Ngay khi các cửa sông vừa bắt đầu quyện vào dòng nước lớn của biển, ngay khi gã vừa ghi danh lên một chiếc tàu về quê, bất ngờ một cơ hội mới nào đó lại xuất hiện, thông thường theo hướng ngược hẳn lại, và nếu có một thoáng chần chừ, gã sẽ thường đi đến kết luận rằng lập luận chí lý nhất là một câu ngạn ngữ cổ – trái đất hình tròn, thế nên đừng để quá dính mắc vào phương hướng. Và điều này thật dễ hiểu – với một kẻ đến từ không nơi nào cả, mỗi sự chuyển dịch đều biến thành một sự trở về, vì không gì có lực hút mạnh bằng sự rỗng không.
Trong những năm tháng đó gã làm việc trên những con tàu treo cờ Panama, Australia, và Indonesia. Trên một chuyến tàu chở hàng Chile, gã vận chuyển ô tô Nhật đến Mỹ. Trên một chiếc tàu chở dầu Nam Phi, gã đã sống sót trong một vụ đắm tàu ngoài khơi Liberia. Gã vận chuyển công nhân từ Java đến Singapore. Gã mắc bệnh viêm gan và nhập viện ở Cairo. Sau khi bị gãy tay trong một vụ ẩu đả vì say xỉn ở Marseille, gã cai rượu được vài tháng, để rồi lại uống đến mụ người ở Málaga và làm gãy cánh tay còn lại.
Chúng ta sẽ không đi vào chi tiết. Những biến cố thăng trầm trong vận mệnh của Eryk trên biển lớn không phải là điều khiến chúng ta bận tâm ở đây. Chúng ta hãy nhảy cóc đến thời điểm cuối cùng gã đã lên bờ ở hòn đảo mà sau này gã trở nên ghét cay ghét đắng, được thuê lái chiếc phà nhỏ thô sơ chạy giữa các hòn đảo. Làm công việc đó – nhục nhã, gã gọi là thế – Eryk sụt cân và trở nên xanh xao hơn. Làn da rám nắng gã có trước đây đã biến mất vĩnh viễn khỏi khuôn mặt gã, để lại những đốm sẫm màu. Tóc gã bạc đi ở phần thái dương, và những nếp nhăn khiến ánh mắt của gã càng xuyên thấu hơn, sắc nhọn hơn. Sau công việc này, một cú đấm mạnh vào lòng kiêu hãnh của gã, gã được chuyển sang một tuyến phà có nhiều trách nhiệm hơn – giờ đây chiếc phà của gã nối hòn đảo với đất liền, và không có sợi dây cáp nào giam cầm gã nữa. Khoang tàu rộng rãi của gã có thể chứa được mười sáu chiếc ô tô. Công việc cho gã một mức lương ổn định, bảo hiểm y tế, và một cuộc đời thanh bình trên hòn đảo phương bắc đó.
Gã sẽ thức dậy vào mỗi buổi sáng, rửa mặt bằng nước lạnh, rồi dùng ngón tay vuốt lại bộ râu bạc. Sau đó gã mặc bộ đồng phục màu xanh lá của Công Ty Phà Liên Hiệp Miền Bắc rồi đi bộ đến cảng, nơi gã đã neo phà vào đêm hôm trước. Không lâu sau đó một người làm bên dịch vụ mặt đất, Robert hoặc Adam, sẽ mở cổng, và ngay lập tức những chiếc xe đầu tiên sẽ nối đuôi nhau chạy qua thang dốc bằng sắt để lên phà của Eryk. Luôn luôn có đủ chỗ cho tất cả mọi người, và đôi khi cũng xảy ra tình trạng phà trống trơn, thông thoáng, nhẹ tênh như một giấc mộng ban ngày. Khi đó Eryk sẽ ngồi trong buồng lái của mình, treo lơ lửng trên cao trong cái tổ cò bằng kính, và bờ bên kia có vẻ như thật gần. Chẳng phải xây một cây cầu thì sẽ tốt hơn là bắt mọi người đi đi về về và hành hạ gã theo cách này sao?
Đó là vấn đề về trạng thái tinh thần. Mỗi ngày gã có thể chọn giữa hai kiểu. Một là nhạy cảm, dễ chạm tự ái – gã sẽ tin chắc mình chẳng giỏi giang bằng ai, rằng gã đang thiếu thứ mà mọi người đều có, rằng gã là một loại dị bản lệch lạc nào đó mà, oái oăm thay, thậm chí không biết mình gặp vấn đề gì. Gã sẽ cảm thấy bị cô lập, cô đơn, như một đứa trẻ bị đuổi về phòng nhìn ra ngoài cửa sổ xem bạn bè đồng trang lứa chơi đùa vui vẻ. Rằng định mệnh đã an bài gã đóng một vai phụ nhỏ bé trong những hành trình nhân sinh hỗn loạn này, băng qua đất liền và biển cả, và giờ đây, từ khi ổn định cuộc sống trên đảo, tập phim này hóa ra cũng chỉ là một tập phụ.
Trạng thái còn lại củng cố niềm tin của gã rằng thực ra gã giỏi giang hơn, đặc sắc, xuất chúng. Rằng gã là người duy nhất cảm nhận và hiểu được chân lý, rằng chỉ có gã mới có khả năng trở nên xuất chúng. Và thỉnh thoảng gã lại có được vài giờ trong tâm trạng tự tin ngời ngời này, thậm chí có nhiều ngày gã cảm thấy có phần hạnh phúc, tạm gọi là thế. Nhưng rồi nó tan dần, như tình trạng say rượu. Và giống như tàn dư cơn say, ý nghĩ đáng sợ này xuất hiện, đó là để trông như một người đáng được tôn trọng, gã phải liên tục giả vờ theo hai cách này và – điều tồi tệ nhất là – một ngày nào đó sự thật sẽ bị bại lộ; nó sẽ tiết lộ rằng gã chẳng là ai cả.
Gã đang ngồi trong buồng lái bằng kính quan sát dòng người lên chuyến phà sáng đầu tiên. Gã thấy những người mà gã đã quen biết một thời gian dài từ thị trấn nhỏ. Đây là nhà R. trong chiếc Opel xám – ông bố làm việc ở cảng, bà mẹ làm ở thư viện, còn hai đứa con, một trai một gái, vẫn còn đi học. Đây là bốn đứa trẻ vị thành niên, những đứa học sinh, sẽ đón xe buýt ở bờ bên kia. Và đây là Eliza, cô nuôi dạy trẻ ở trường mầm non, cùng đứa con gái nhỏ của cô, mà tất nhiên cô dẫn theo đến trường. Cha đứa bé đã đột nhiên biến mất hai năm trước và kể từ đó không còn nghe thấy tin tức gì nữa. Eryk nghi rằng anh ta đang đi đánh bắt cá voi ở đâu đó. Đây là già S., có bệnh gì đấy về thận; hai lần mỗi tuần ông ta phải đi phà đến bệnh viện để lọc thận. Ông ta và vợ đang tìm cách bán ngôi nhà gỗ nhỏ trông như chú lùn của họ để chuyển đến sống gần bệnh viện hơn, nhưng vì lý do nào đó họ vẫn chưa làm được. Xe tải từ công ty Thực Phẩm Hữu Cơ sẽ chất đầy sản phẩm trên đất liền. Vài chiếc xe ô tô đen ngoại quốc, hẳn là khách của giám đốc. Chiếc xe tải màu vàng thuộc về anh em Alfred và Albrecht, hai lão già độc thân ngoan cố tiếp tục nuôi cừu trên đảo. Hai người đi xe đạp, tê cóng vì lạnh. Xe giao hàng của cửa hàng ô tô – hẳn là đang đi mua phụ tùng. Edwin vẫy tay với Eryk. Bạn có thể nhận ra anh ta trên bất kỳ hòn đảo nào trên thế giới này – anh ta luôn luôn mặc áo sơ mi kẻ lót lông nhân tạo. Eryk biết tất cả bọn họ, kể cả những người gã mới thấy lần đầu – gã biết tại sao họ đến đây, và khi biết mục đích của một hành trình, bạn biết đủ những điều cần biết về một con người.
Có ba lý do để đến hòn đảo này. Lý Do Thứ Nhất, vì đơn giản bạn sống ở đây; Lý Do Thứ Hai, vì bạn là khách của giám đốc; và Lý Do Thứ Ba, vì cái cối xay gió, để chụp một tấm ảnh có bạn với nó ở phông nền.
Phà chạy mất hai mươi phút. Trong thời gian đó một số hành khách rời khỏi xe ô tô để hút thuốc, dù việc đó không được phép. Những người khác thì đứng ở lan can và chỉ nhìn ra mặt nước, cho đến khi tầm nhìn lắc lư của họ móc vào được bờ bên kia. Chỉ ít nữa, phấn khích trước mùi của đất liền, với tất cả mọi trách nhiệm nghĩa vụ cực kỳ quan trọng của mình, họ sẽ biến mất lên những con đường nhỏ bên bờ, chạy đi mất như con sóng thứ chín chạm đến những nơi xa nhất, ngấm vào mặt đất và không bao giờ quay về biển cả. Những người khác sẽ thế chỗ của họ. Ông bác sĩ thú y trong chiếc xe bán tải thanh lịch; ông ta kiếm sống bằng cách triệt sản mèo. Một chuyến đi thực địa để tìm hiểu các loài hoa và thực vật trên đảo của một lớp học về thế giới tự nhiên. Một chuyến xe giao chuối và kiwi. Một đoàn truyền hình đến để phỏng vấn giám đốc. Gia đình G., trở về sau chuyến đi thăm bà. Một cặp đạp xe rám nắng khác sẽ thế chỗ cho cặp trước đó.
Trong lúc khách lên và xuống phà, thời gian thường mất một giờ, Eryk sẽ hút vài điếu thuốc và cố gắng hết sức để không rơi vào tuyệt vọng. Sau đó phà sẽ quay về đảo. Và cứ thế nó đi tám lần, với hai giờ nghỉ trưa, khi đó Eryk luôn ăn tại cùng một quán nhỏ. Một trong ba quán ăn ở đó. Sau giờ làm gã mua khoai tây, hành tây, và thịt nguội. Thuốc lá và rượu. Gã cố gắng nhịn uống cho đến trưa, nhưng đến chuyến thứ sáu thì gã đã say bí tỉ.
Những đường thẳng – chúng thật biết làm nhục. Chúng thật biết cách tàn phá tâm trí. Thật là thứ hình học phản trắc, nó biến chúng ta thành những kẻ ngốc – đến đấy rồi quay về, một sự nhại lại của xê dịch. Đi tới chỉ thuần túy để quay trở về lần nữa. Tăng tốc chỉ để hãm phanh.
Cuộc hôn nhân của Eryk, ngắn ngủi và sóng gió, cũng hệt như thế. Maria, một phụ nữ đã ly dị, làm trong một cửa hiệu và có một đứa con trai đi học nội trú trong thành phố. Eryk dọn đến sống chung với cô ta, trong căn nhà nhỏ ấm cúng dễ thương của cô ta với chiếc tivi khổng lồ. Cô ta có thân hình mảnh mai, các đường cong khá ngon lành, nước da sáng màu, và mang quần bó sát. Cô ta nhanh chóng học cách làm món khoai tây với thịt nguội cho gã và bắt đầu rắc thêm lá kinh giới và nhục đậu khấu, trong khi gã lao vào bổ củi để đốt trong lò sưởi vào những ngày gã được nghỉ làm. Cảnh đó kéo dài một năm rưỡi; sau một thời gian tiếng ồn không dứt từ cái tivi bắt đầu khiến gã mệt mỏi, ánh sáng lòe loẹt của nó, tấm giẻ cạnh bên thảm chùi chân nơi gã phải để đôi ủng lấm bùn lên, và cái vị nhục đậu khấu đó. Sau vài lần gã say xỉn và chửi bới cô như một gã thuỷ thủ, hăm he giơ ngón tay lên, cô ta tống cổ gã ra khỏi nhà, rồi không lâu sau đó cô dọn vào sống trên đất liền, để được ở gần con trai.
*
Hôm nay là ngày 1 tháng Ba, Thứ Tư Lễ Tro. Khi mở mắt ra, Eryk thấy ánh sáng màu xám và mưa tuyết đang rơi, để lại những vệt mờ trên cửa sổ. Gã nghĩ đến cái tên cũ của mình. Gã đã suýt quên mất nó. Gã nói to nó ra, và nghe như gã đang được người lạ nào đó gọi. Gã cảm thấy sức ép quen thuộc trong đầu sau chầu uống hôm qua.
Bởi vì cần phải lưu ý rằng người Trung Quốc có hai tên: một tên do gia đình đặt, dùng để gọi đứa bé, la mắng và quở phạt nó, nhưng cũng là cái cốt cho những biệt danh trìu mến. Nhưng khi đứa trẻ bước vào đời, nó lấy một cái tên khác, một cái tên bên ngoài, một cái tên thế giới, một cái tên nhân vật. Tên ấy được mặc lên như một bộ đồng phục, một tấm áo lễ, một bộ áo tù, một trang phục cho buổi tiệc cocktail. Cái tên bên ngoài này hữu dụng và dễ nhớ. Từ đây trở đi nó sẽ chứng thực con người mang nó. Tốt nhất là những cái tên đời thường, toàn cầu, dễ được mọi người nhận ra; dẹp hết tính địa phương trong những cái tên của chúng ta đi. Dẹp hết Oldrzich, Sung Yin, Kazimierz, và Jyrek; dẹp hết Blażen, Liu, và Milica. Michael, Judith, Anna, Jan, Samuel, và Eryk muôn năm!
Nhưng hôm nay Eryk đáp lại tiếng gọi của cái tên cũ: Tôi đây.
Không ai biết cái tên ấy, vì vậy tôi cũng sẽ không nêu nó ra.
Người đàn ông tên Eryk mặc bộ đồng phục màu xanh lá có logo của Công Ty Phà Liên Hiệp Miền Bắc, lấy tay chải râu, tắt máy sưởi trong căn nhà nhỏ như chú lùn, rồi tiến ra đường trải nhựa. Sau đó, trong lúc ngồi trong cái hồ cá của gã chờ đợi hành khách lên phà và mặt trời cuối cùng cũng ló dạng, gã uống một lon bia và châm điếu thuốc lá đầu tiên. Gã vẫy tay từ trên cao chào Eliza và cô con gái nhỏ, thân thiện, như muốn ban thưởng cho họ vì hôm nay họ sẽ không đến được nhà trẻ.
Sau khi phà đã rời bến và đi được nửa hành trình giữa hai bến du thuyền, nó đột ngột khựng lại, rồi tiến ra biển cả.
Lúc đầu không phải ai cũng nhận thấy chuyện gì đang xảy ra. Vài người, đã quá quen thuộc với lộ trình của đường thẳng, nhìn bờ biển đang khuất dần với vẻ dửng dưng, tê liệt, khẳng định cho giả thuyết trong lúc say của Eryk về việc di chuyển bằng phà làm phẳng những nếp cuộn trên não. Những người khác chỉ nhận ra sau đó một lúc lâu.
“Eryk, cậu đang làm gì vậy? Quay lại ngay đi,” Alfred quát to, và Eliza tham gia với chất giọng the thé chói tai của cô ta: “Mọi người sẽ bị muộn giờ làm mất…”
Alfred tìm cách leo lên chỗ Eryk, nhưng Eryk đã chú ý đóng cổng và khoá buồng lái của gã.
Từ trên cao gã thấy mọi người cùng một lúc lấy điện thoại ra và gọi điện, nói với vẻ đầy căm phẫn vào không gian trống rỗng, hoa chân múa tay đầy lo lắng. Gã có thể hình dung họ đang nói gì. Rằng họ sẽ đi làm muộn, rằng họ muốn biết ai sẽ chi trả các thiệt hại nghiêm trọng liên quan, rằng những con sâu rượu như Eryk không nên được phép, rằng họ đã luôn biết mọi chuyện sẽ kết cục thế này, rằng họ không có đủ việc làm cho người dân của họ vậy mà người ta lại đi thuê người nhập cư; ai mà biết sao bọn họ học tiếng giỏi thế, nhưng dù gì đi nữa luôn luôn có…
Eryk chẳng thèm bận tâm. Gã hài lòng thấy sau một lúc họ đã ổn định trở lại và ngước nhìn lên bầu trời đang nhạt màu dần, phát ra những luồng ánh sáng tuyệt đẹp xuống dưới xuyên qua những đám mây. Chỉ có một điều khiến gã lo lắng – chiếc áo choàng màu xanh nhạt của bé gái con của Eliza, vốn là (và mọi dân đi biển lão làng đều biết điều này) một điềm xấu ở trên tàu. Nhưng Eryk nhắm mắt lại và nhanh chóng quên nó đi. Gã cho phà tiến ra đại dương rồi đi xuống chỗ các hành khách với một thùng nước uống có ga và những thỏi chocolate mà gã đã chuẩn bị cho dịp này từ lâu. Bữa quà nhẹ này có tác dụng tuyệt vời với họ, gã thấy: bọn trẻ con yên lặng trong khi nhìn chăm chú vào bờ biển trên đảo lùi xa nhạt dần, còn những người lớn thì lộ vẻ quan tâm tăng dần với chuyến đi.
“Chúng ta đang đi đâu vậy?” người em trai trong hai anh em nhà T. hỏi, rồi ợ lên nước có ga.
“Bao lâu nữa chúng ta mới ra đến biển lớn?” Eliza, cô nuôi dạy trẻ ở trường mầm non hỏi.
“Cậu có đảm bảo đã chuẩn bị đủ nhiên liệu không,” già S. hỏi, cái ông lão có bệnh về thận.
Hoặc ít nhất gã thấy có vẻ như họ nói những điều này thay vì những thứ khác. Gã cố gắng không nhìn họ và chẳng bận tâm. Gã dán mắt vào đường chân trời, bóng của nó cắt ngang qua con ngươi trong mắt gã, nửa trên nhạt màu vì màu trời, nửa dưới tối hơn, từ màu nước. Và hành khách của gã lúc này cũng đã bình tĩnh. Họ đã kéo mũ ôm sát đầu, quấn khăn choàng quanh cổ chặt hơn một chút. Có thể nói họ đã giong thuyền đi trong im lặng, cho đến khi sự yên bình của họ bị xé toạc bởi tiếng ầm ầm của trực thăng và tiếng còi inh ỏi của ca nô cảnh sát.
*
“Có những việc xảy ra tự nó, những chuyến đi bắt đầu và kết thúc trong mơ. Và có những kẻ lữ khách chỉ đơn giản là đáp lại tiếng gọi hỗn loạn từ sự bất an của chính họ. Một trong số họ đang đứng trước mặt mọi người lúc này…” Lời bào chữa của Eryk bắt đầu như thế trong phiên tòa ngắn ngủi. Tiếc thay, ngay cả lời bào chữa cảm động này cũng không thể cứu người anh hùng của chúng ta khỏi một bản án tù nữa. Tôi hi vọng rằng ở tù thêm cú nữa sẽ có ích cho gã. Cuộc sống với một người như Eryk được tạo thành từ những thăng trầm không thể tránh khỏi, tương tự như sự lắc lư nhịp nhàng của sóng biển và những con nước lớn hay ròng khó lý giải của biển cả.
Nhưng điều này không còn là mối bận tâm của chúng ta nữa.
Tuy nhiên, nếu ở đoạn kết của câu chuyện này, một người nào đó muốn hỏi tôi, muốn xua tan những hoài nghi cuối cùng về sự thật và không gì ngoài sự thật, nếu tôi bị tóm cánh tay, bị lay mạnh đầy sốt ruột và bị quát vào mặt: “Cho tôi biết đi, tôi van cô, liệu thuận theo niềm tin sâu thẳm của chính cô, liệu câu chuyện này và các nội dung trong đó có hoàn toàn có thật hay không. Xin thứ lỗi nếu tôi lỡ mạnh tay quá.” Tôi sẽ tha thứ cho họ, và sẽ trả lời: “Hỡi Thượng đế, xin hãy giúp tôi, tôi lấy danh dự mà thề rằng câu chuyện tôi nói với các bạn đây, về bản chất và về các điểm chính đều thực cả. Tôi biết câu chuyện đó có thực: nó đã xảy ra trên địa cầu của chúng ta; bản thân tôi đã ở trên boong chiếc phà đó.
Thanh Trúc dịch
[1] Mọi câu trích Moby-Dick trong tác phẩm đều dựa trên bản dịch của Nhã Nam phát hành năm 2017, có sửa chữa ở những chỗ thích hợp theo thay đổi của Olga Tokarczuk.