♦ Chuyển ngữ: Ah
LTS: Jorge Francisco Isidoro Luis Borges (sinh ngày 24 tháng 8 năm 1899, Buenos Aires, Argentina -mất ngày 14 tháng 6 năm 1986, Geneva, Thụy sĩ) là một nhà văn, nhà thơ, và tiểu luận gia, với văn chương ảo tưởng của thế giới mơ đã trở thành các tác phẩm kinh điển của thế kỷ 20. Vũ trụ hư cấu của Borges được kết tạo bởi kiến thức đọc sách mênh mông của ông trong lĩnh vực văn học, triết học và thần học. Borges cho rằng hành trình đi tìm chân lý trong một vũ trụ vô hạn cũng là một nỗ lực vô hạn. Trong vũ trụ của năng lượng, khối lượng và vận tốc ánh sáng, Borges nghĩ điều bí ẩn lớn lao nhất chính là thời gian, thay vì không gian. Ảnh hưởng bởi nhà triết học George Berkeley (1685-1753 – Anh quốc), Borges chiêm nghiệm khái niệm hiện thực như một trong những biểu hiện vô biên của tri giác. Trong một cuộc phỏng vấn, Borges kể rằng khi còn bé, ông đã tìm thấy một bức khắc bảy kỳ quan thế giới, và một trong những kỳ quan này là một mê cung vòng tròn. Mê cung đã làm ông khiếp đảm và trở thành một ẩn dụ tái xuất trong ác mộng và văn chương của ông. Một ẩn dụ tái xuất khác là tấm gương phản ảnh nhiều bản sắc khác nhau. Ý tưởng cho truyện ngắn “Borges và Tôi” (“Borges y yo”) đã phát xuất từ một giấc mơ. Borges nằm mơ nhìn thấy một người giống y hệt mình đang nhìn mình chăm chú –hắn là một Borges khác, một cái tôi khác.
Gia đình của Borges có tổ tiên là người Anh và ông đã học tiếng Anh trước khi học tiếng Tây Ban Nha. Trong thư viện của bố ông, Borges đã được đọc những truyện và bản dịch Anh ngữ tạo ảnh hưởng sâu đậm trong suốt cuộc đời văn chương của ông, như Những Chuyến Phiêu Lưu của Huckleberry Finn; Don Quixote; và Một Ngàn Lẻ Một Đêm. Borges rất gần gũi với bố mẹ. Bố ông hành nghề luật sư và cũng là một nhà tâm lý học, đã chứng minh nghịch lý toán học Zeno cho Borges trên bàn cờ tướng hồi ông còn rất bé. Thư viện lớn trong villa thời thơ ấu và khu vườn rộng đã xúc tác trí tưởng tượng của Borges. Năm 1914 gia đình ông định cư ở Geneva, nơi Borges đã học tiếng Pháp và Đức rồi sau đó tốt nghiệp bằng cử nhân tại đại học Geneva.
Gia đình ông trở về Buenos Aires vào năm 1921, và từ đó Borges bắt đầu tham gia vào những sinh hoạt văn chương của Argentina. Lúc đầu ông sáng tác thơ, và tương đối mẫu mực. Ông chỉ thực sự trở nên táo bạo trong những thử nghiệm văn xuôi sau khi ông bị thương nặng ở đầu và bị nhiễm trùng huyết vào năm 1938 – có vẻ như cơn bệnh làm ông bị mê sảng và câm trong một thời gian dài đã thực sự giải phóng ông về mặt nghệ thuật. Để có phương tiện tài chính, ông làm thủ thư tại một thư viện lớn ở Buenos Aires vào năm 1939, nhưng ông cảm thấy chán và tù túng trong những năm làm việc ở đây, cho đến khi ông bị chính quyền Perón sa thải vào năm 1946 vì những phát biểu chính trị đối lập. Trong thời gian này ông hợp tác với một nhà văn nổi tiếng khác của Argentina là Adolfo Bioy Casares. Họ cùng viết những truyện trinh thám với bút hiệu H. Bustos Domecq, xuất bản trong quyển Sáu Vấn Đề của Don Isidro Parodi (Seis problemas para Don Isidro Parodi). Những tác phẩm trong thời điểm này biểu lộ toàn diện thế giới mơ của Borges, một thế giới hoàn toàn đối nghịch với thế giới hiện thực, nhưng được trang bị với hệ thống ngôn ngữ và ký hiệu độc lập vô cùng phức tạp.
Vào khoảng năm 1946 và năm 1954, Borges giữ chức vụ kiểm tra gia cầm cho Thị Trường Thành Phố Buenos Aires. Do ông tiếp tục phát biểu những ý kiến đối lập, nhà ở của ông đã bị chính quyền Perón âm mưu bỏ bom nhưng ông may mắn thoát chết. Sau khi Perón bị truất phế vào năm 1955, ông được phong làm giám đốc Thư Viện Quốc Gia. Lúc này – gần như mù hoàn toàn vì bệnh gia truyền – Borges đã thốt lên, “Chúa đã chơi khăm bằng cách ban cho tôi cùng lúc 800,000 quyển sách và bóng tối dầy đặc.” Tuy vậy, đây là thời điểm hưng thịnh của Borges. Ngoài chức vị ở Thư Viện Quốc Gia, ông cũng kiêm chức giáo sư văn chương tại đại học Buenos Aires (từ năm 1955 đến 1970). Vào năm 1961 ông được đồng giải Prix Formentor với nhà văn Ái Nhĩ Lan Samuel Beckett. Không còn bị giới hạn bởi vấn đề tài chính, ông bắt đầu du lịch khắp thế giới cho đến cuối đời.
Lúc sinh thời Borges hợp tác với dịch giả Norman Thomas di Giovanni, người dịch những tác phẩm của ông sang Anh ngữ và do đó đã giúp ông nới rộng tầm độc giả hoàn cầu. Nhưng sau khi ông qua đời, bà Maria Kodama, vợ ông, đã hủy bỏ tác quyền của tất cả mọi tác phẩm xuất bản trong Anh ngữ với Norman Thomas di Giovanni và thay thế với các bản dịch mới của Andrew Hurley.
Bản Việt ngữ trên Da màu được dựa trên bản Anh ngữ của Norman Thomas di Giovanni, hiện ở trong phạm vi công cộng. Tuy nhiên, bản Anh ngữ của Norman Thomas di Giovanni, khi đối chiếu nguyên bản Tây Ban Nha, có một vài đoạn khác biệt, cùng một vài lỗi về dịch thuật, hoặc từ ngữ không còn thông dụng hiện nay. Khi biên tập, BBT Da màu – vì không được phép dùng bản Anh ngữ của Andrew Hurley (nxb. Penguin) – đã đối chiếu thẳng với nguyên bản Tây Ban Nha của Borges ở những đoạn mà bản Anh ngữ của Norman Thomas di Giovanni không đồng nhất với nguyên bản.
*******
Thượng đế hỡi! Dù có bị giam trong một hạt cây, ta vẫn coi ta là bá chủ của không gian vô tận …
Hamlet, II, 2
Cho dù họ dạy chúng ta rằng Vĩnh Cửu là sự Đứng Lặng của Phút Giây Hiện Tại, một Nunc-stans (như các trường phái đã gọi); nhưng không ai trong họ, hay bất cứ một ai, hiểu khái niệm đó, cũng giống như họ không biết gì hơn về Hic-stans – nhằm chỉ sự lớn lao Vô Ngần của Địa Thế.
Leviathan, IV, 46
Vào buổi sáng tháng Hai thiêu đốt ngày Beatriz Viterbo qua đời, sau cuộc chống chọi vô phương với căn bệnh đã không hề, dù chỉ một thoáng, biến thành sự tủi thân hay sợ hãi, tôi để ý thấy những bảng quảng cáo dọc lối đi quanh khu thương mại Constitution đang lăng-xê một nhãn hiệu mới nào đó của thuốc lá Mỹ. Điều này làm tôi đau lòng, vì tôi nhận ra rằng cái vũ trụ rộng và vô tận đã vừa tuột xa khỏi nàng, và sự thay đổi nhỏ mọn này là khởi sự của một loạt vô tận. Vũ trụ có thể đổi nhưng tôi thì không, tôi nghĩ với chút tự mãn buồn rầu. Tôi biết đôi lần mối tình si vô vọng của tôi đã quấy phiền nàng, giờ nàng không còn, tôi dồn tâm tư cho những kỷ niệm về nàng, tuy vẫn vô vọng nhưng không thể bị cười chê. Tôi nhớ ba mươi tháng Tư là sinh nhật của nàng; vào ngày này tôi ghé nhà nàng trên đường Garay, hỏi thăm cha nàng và Carlos Argentino Daneri, anh họ nàng, là việc nên làm và có lẽ là một cử chỉ lịch sự không thể chốn tránh. Một lần nữa tôi ngồi chờ trong cái ánh sáng chạng vạng của một phòng khách nhỏ bề bộn, một lần nữa tôi có thể ngắm nghía từng bức hình của nàng: Beatriz Viterbo chụp nghiêng hình màu; Beatriz đeo mặt nạ trong lễ hội Carnival 1921; Beatriz ngày Chịu Lễ Lần Đầu; Beatriz trong ngày cưới với Roberto Alessandri; Beatriz ngay sau khi ly dị, trong bữa ăn trưa tại Câu Lạc Bộ Turf; Beatriz tại khu nghỉ mát sát biển ở Quilmes với Delia San Marco Porcel và Carlos Argentino; Beatriz với chú chó nhỏ Bắc Kinh do Villegas Haedo tặng; Beatriz, nghiêng ba phần tư mặt, đang cười, tay chống cằm …. Tôi không còn thấy cần thiết, như hồi xưa, phải kiếm cớ tới gặp bằng ít quà cáp sách báo – sách báo mà mãi sau tôi mới biết là phải rọc sẵn, kẻo nếu không rọc sẽ khám phá ra là, nhiều tháng sau, chúng vẫn nằm quanh quẩn không được đụng tới.
Beatriz Viterbo từ trần năm 1929. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ để ngày ba mươi tháng Tư trôi qua mà không ghé nhà nàng. Tôi thường có mặt đúng bảy giờ mười lăm và nán lại khoảng hai mươi phút. Mỗi năm, tôi tới hơi trễ tí và ở lại lâu hơn. Năm 1933, trận mưa lũ đã giúp tôi, họ buộc phải mời tôi ăn tối. Dĩ nhiên, tôi lợi dụng cái tiền lệ may mắn đó. Năm 1934, tôi đến, vừa sau tám giờ, với ổ bánh rắc đường Santa Fe cỡ lớn, và đương nhiên tôi ở lại ăn tối. Cứ như vậy, nhờ những ngày giỗ ảm đạm và xao xuyến vô vọng này tôi dần dà được Carlos Argentino Daneri coi như người thân.
Beatriz cao, mảnh khảnh, hơi khòm; dáng đi của nàng (nếu tôi được phép mâu thuẫn) lóng ngóng mà duyên dáng, một cốt cách tuyệt vời. Carlos Argentino da dẻ hồng hào, người đậm, tóc bạc, mắt mũi thanh tú. Anh giữ chức vụ quèn trong một thư viện không ai đọc mãi tận xóm rìa phía Nam Buenos Aires. Anh độc đoán nhưng tủn mủn. Mãi tới gần đây, anh lợi dụng ca đêm và ngày nghỉ để ở nhà. Sau hai thế hệ, cái cách phát âm chữ “S” và bộ điệu sôi nổi của dân Ý vẫn còn vương lại trong anh. Những hoạt động tinh thần của anh liên tục, thâm trầm, và mênh mông – đại loại – vô nghĩa. Anh bận tâm với những tương quan vô dụng và đắn đo vụn vặt. Anh có (Beatriz cũng vậy) hai bàn tay dài, đẹp, với đường nét thanh. Trong nhiều năm tháng anh có vẻ bị ám ảnh bởi Paul Fort – không hẳn bởi thơ ballad của thi sĩ nhưng bởi danh vọng tuyệt đỉnh của ông. “Ông là Hoàng Tử của các nhà thơ,” Daneri có thể lập đi lập lại một cách lố bịch. “Bạn chỉ hoài công chỉ trích ông ta – không cách chi, ngay cả những mũi tên độc hại nhất cũng chỉ lướt nhẹ qua người ông.”
Hôm ba mươi tháng Tư, 1941, cùng với ổ bánh rắc đường tôi tự cho phép mình mang theo một chai rượu cô-nhắc Á Căn Đình. Carlos Argentino nếm thử, tuyên bố rượu “có cá tính” và, sau vài ngụm đã bắt đầu tán tụng sự vinh quang của con người thời nay.
“Tôi thấy con người” anh nói bằng sự phấn khích khó tả, ”trong thâm tâm, giống như đang ở trong lâu đài của mình, được cung cấp với điện thoại, máy điện báo, máy hát, máy bộ đàm, màn hình coi phim, máy chiếu ảnh, sách thuật ngữ, lịch trình, sổ tay, bản tin…”
Anh nhận xét với một người được trang bị như thế, đi du lịch là thừa thãi. Thế kỷ hai mươi của chúng ta đã đảo ngược câu chuyện của Mohammed và ngọn núi; ngày nay, ngọn núi phải đến với Mohammed hiện đại.
Những ý tưởng của anh quá ngây ngô đối với tôi, quá vênh vang và vẽ vời khoa trương, làm tôi liên tưởng ngay tới văn chương và hỏi sao anh không viết những ý tưởng này xuống. Như tiên đoán, anh trả lời là đã viết rồi – những ý tưởng này, và những ý tưởng khác cũng không kém nét đột phá, đã có chỗ của chúng trong phần Lời Tựa, Lời Phi Lộ, hay, đơn giản hơn, Lời Mở Đầu của bài trường thi mà anh đã làm từ nhiều năm qua, một mình, không công bố, không kèn trống, được yểm trợ duy nhất từ đôi bạn song hành thường được gọi là công việc và nỗi cô đơn. Trước hết, anh nói, mình phải mở toang cánh cửa của ảo tưởng, rồi sau đó dùng công cụ gọt dũa. Bài thơ tựa là Trái Đất; nó gồm đoạn mô tả hành tinh, và, đương nhiên, không hề thiếu những cái thơ mộng ngoài lề và những cái lạc đề táo tợn.
Tôi yêu cầu anh đọc một đoạn, chỉ một đoạn ngắn cũng đủ. Anh mở ngăn kéo bàn viết, lôi ra một chồng giấy – những trang giấy in dấu ấn công sở của anh, Thư Viện Juan Crisostomo Lafinur – và, với giọng vang rền tự mãn, anh ngâm nga:
Đôi mắt tôi, như mắt của dân Hy Lạp thuở xưa, đã nhìn thấu phố phường và danh vọng con người,
Những công trình, những tháng ngày trong ánh sáng nhạt nhòa màu hổ phách;
Tôi không thay sự thật hay tráo đổi tên người –
Cuộc hành trình mà tôi viết xuống … chỉ quanh quẩn trong phòng.
Bất kể từ góc độ nào, đây là một đoạn thơ tuyệt tác,” anh nói, tự cho điểm. “Câu mở đầu đã được sự tán thưởng từ nhà giáo, nhà khoa bảng, và nhà chuyên gia văn minh Hy Lạp – đó là chưa nói đến tầng lớp học giả tương lai, một phần tử đáng kể của quần chúng. Phần hai của tác phẩm chảy miên man từ Homer đến Hesiod (lòng thành, ngay từ đầu, phải dành cho ông tổ của thi ca giáo huấn), không thể không tái sinh một truyền thống với cội nguồn từ Kinh Thánh – liệt kê, tổng hợp, kết tụ. Phần ba – kiểu cách? suy đồi? thí dụ điển hình của trường phái thuần thể? – bao gồm hai đoạn thơ đối chiếu. Phần bốn, nhất định phải song ngữ, làm tôi an tâm về sự cảm thông vững chãi của mọi trí tuệ còn bén nhậy với những đam mê của trò chơi. Để công bằng, tôi cũng sẽ phân tích cách vận vần sáng tạo trong câu hai và bốn, đồng thời chia sẻ kiến thức văn học đã giúp tôi – tôi sẽ cố không để lộ chân tướng mô phạm của mình – bằng cách dồn vào bốn câu thơ ba điển tích kết tụ ba mươi thế kỷ trĩu nặng văn chương – trước hết là điển tích Odyssey, thứ hai là Công Việc và Ngày [của Hesiod], và thứ ba là tác phẩm bất tử [Hành Trình Chung Quanh Căn Phòng Tôi] qua ngòi bút nghịch ngợm của danh nhân Savoy, ngài Xavier de Maistre. Một lần nữa tôi nhận ra rằng văn chương đương đại đòi hỏi hương vị của nụ cười, một đoạn nhạc scherzo. Không thể chối cãi, hiện nay Goldoni là bá chủ của sân khấu!”
Daneri đọc nhiều đoạn thơ khác, mỗi đoạn đều được anh ưng ý và khơi ra những diễn giải dài dòng. Chẳng có gì đáng chú ý. Tôi cảm thấy chúng không mấy tệ hơn đoạn thơ đầu; thi pháp của anh cần cù, mẫu mực, và lan man; tuy thế, thành quả của Daneri không nằm trong những bài thơ anh sáng tác mà là trong cách anh sáng tác những lý do tại sao thơ anh nên được ngưỡng mộ. Dĩ nhiên, điều này đã thuyết phục và nâng cao giá trị những bài thơ anh sáng tác trong chính con mắt anh, mặc dù không trong mắt người khác. Cách diễn dịch của Daneri rất hào phóng, nhưng sự đều đặn chán ngấy của vần nhịp trong thơ anh thường làm lu mờ nét hào phóng này.
(Trong ký ức tôi vẫn lởn vởn những trích đoạn từ bài thơ châm biếm trong đó anh đả kích không thương tiếc những nhà thơ dở. Sau khi lên án cách những nhà thơ đã trùm lên thi ca cái áo giáp của kiến thức, và do đó chỉ biết vùng vẫy hoài công với mớ cánh cụt, anh kết thúc:
Nhưng họ quên mất, hỡi ôi, một chân lý tối thượng – CÁI ĐẸP!)
Chỉ duy nỗi sợ sẽ tạo ra một lực lượng thù địch ác nghiệt mới ngăn cản anh (anh nói với tôi) trong việc mạnh dạn xuất bản bài thơ trên.
Một dạo tôi có dịp đọc mười lăm ngàn câu thơ alexandrine của Polyolbion, một kiệt tác về địa hình trong đó Michael Drayton ghi chép hệ thực vật, hệ động vật, thủy văn học, sơn văn học, lịch sử quân đội và tu trì của Anh Quốc. Tuy vậy, tôi tin rằng tác phẩm ít phổ biến nhưng dày cộm này vẫn đỡ ngán hơn những nỗ lực to lớn tương tự của Carlos Argentino. Daneri dự định sẽ mang vào thơ toàn bộ diện mạo của trái đất, và trước 1941, anh đã mang vào thơ một số mẫu đất ở tiểu bang Queensland, gần một dặm đường chạy dọc Sông Ob, một nhà máy hơi đốt phía bắc Veracruz. Các cửa tiệm nổi tiếng trong giáo xứ Concepcion của thành phố Buenos Aires, biệt thự của bà Mariana Cambaceres de Alvear ở khu Belgrano trong thủ đô Argentina, và một khu nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ gần Hồ Cá Brighton nổi tiếng. Anh đọc cho tôi những trích đoạn dài lê thê từ phần kể về nước Úc, và có đoạn anh tán tụng một chữ do chính anh chế ra, màu “thiên bạch,” mà anh thấy “thực sự phát hiện bầu trời, một yếu tố cực kỳ quan trọng khi mô tả phong cảnh Nam Bán Cầu.” Nhưng những vần thơ sáu âm uể oải và vô tri thiếu ngay cả cái kích động của phần anh gọi là Lời Phi Lộ. Tới khoảng nửa đêm, tôi về.
Bẵng đi hai Chủ Nhật, Daneri gọi điện thoại cho tôi – có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời anh. Anh đề nghị chúng tôi nên gặp nhau lúc bốn giờ “đi uống cocktail ở quán rượu cạnh nhà, mà hai ngài có tầm nhìn xa là Zunino và Zungri – chủ nhà của tôi, như anh hẳn còn nhớ – đã khai trương để tiếp đón công chúng. Quán đó là một địa điểm anh thực sự phải tới để biết.”
Muốn chiều ý anh nhiều hơn là hứng thú, tôi nhận lời. Tới nơi, hơi chật vật để kiếm được một cái bàn. “Quán rượu” trông hiện đại một cách tàn ác, chỉ đỡ tệ hơn điều tôi tưởng tượng chút xíu. Ở mấy cái bàn kế bên, mấy vị khách đang hăng nói liên tu về số tiền mà Zumino và Zungri, bất kể tốn kém, đã đầu tư vào việc trang trí quán rượu. Carlos Argentino giả vờ thán phục về nét này nét nọ của cách phối trí ánh sáng (tôi nghi anh ta đã quá sành sõi về điều này), rồi anh nói như phán, “Dù sao, anh phải công nhận rằng chỗ này cũng nghiêng ngửa với nhiều chỗ được quần chúng coi là sang trọng hơn.”
Sau đó anh đọc cho tôi bốn năm đoạn của bài trường thi. Anh đã tu sửa chúng theo nguyên tắc màu mè sở trường của anh: lúc đầu chữ “xanh” đã tạm đủ, bây giờ anh chìm đắm trong “trong xanh,” “thiên thanh” và “thương thương.” Chữ “màu sữa” là quá dễ dãi với anh; trong đoạn hăng say diễn tả một lán trại giặt len cừu, anh chọn những chữ như “nhũ bạch,” “nhũ uế” và thậm chí chế hẳn ra một chữ, “nhũ tượng ngà.” Sau đó, không nhân nhượng, anh lên án phong tục viết lời tựa cho sách, “một phong tục mà Hoàng Tử Trào Lộng đã đả kích trong chính lời tựa gẫy gọn cho quyển Quixote của ông.” Anh công nhận, tuy nhiên, sẽ rất sáng giá nếu tác phẩm đầu tay của anh hân hạnh có được “lời giới thiệu từ một văn sĩ nổi tiếng.”Tiếp đến anh nói anh đang dự định xuất bản những trích đoạn trong bài trường thi. Tới đây tôi dần hiểu cú điện thoại bất ngờ; Daneri sắp sửa nhờ tôi đóng góp lời tựa cho mớ thập cẩm mầu mè của anh. Nỗi sợ của tôi hóa ra vô căn cứ; Carlos Argentino nhận xét, với lòng ngưỡng mộ và ganh tỵ, là anh không sai lầm khi dùng từ “chắc nịch” để thẩm định danh tiếng của Álvaro Melian Lafinur, nhà trí thức, người mà, nếu tôi vui lòng thuyết phục, sẽ chả ngần ngại viết lời mở đầu duyên dáng cho bài trường thi của Daneri. Để phòng hờ chuyện bị mất mặt trong trường hợp Álvaro từ chối, anh đề nghị tôi nên tự nguyện làm xướng ngôn viên cho hai đức hạnh không thể chối cãi trong tập thơ của anh – là sự hoàn hảo của thi pháp và nét chính xác khoa học – “vì khu vườn bát ngát của ẩn dụ, cú pháp, của những biểu hiện thanh nhã, sẽ không dung dưỡng bất cứ một tiểu tiết nào không thực sự tôn trọng sự thật.” Anh nói thêm rằng Beatriz lúc nào cũng có cảm tình với Álvaro.
Tôi tán thành – nhiệt liệt tán thành – và, để được tin cậy, giải thích rằng tôi sẽ không nói gì với Álvaro ngày hôm sau, là thứ Hai, nhưng sẽ chờ đến thứ Năm, khi chúng tôi cùng dự bữa cơm thân mật sau mỗi buổi họp của Hội Nhà Văn. (Chưa bao giờ có buổi ăn tối như vậy, nhưng buổi họp mỗi thứ Năm là có thật, một chi tiết mà Carlos Argentino Daneri có thể xác định qua các nhật báo, như vậy cũng giúp lời hứa của tôi mang tính cách xác định.) Nửa như phòng dự, nửa như hoãn binh, tôi cho Daneri hay trước khi nhờ Álvaro thảo một lời tựa tôi sẽ soạn một dàn bài liệt kê những nét đặc thù của bài trường thi. Sau đó chúng tôi tạm biệt.
Qua khỏi đường Bernardo de Irigoyen, tôi cân nhắc, qua sự thẩm định vô cùng khách quan, những chọn lựa trước mắt. Đó là: a/ nói chuyện với Álvaro, kể cho anh về người anh họ của Beatriz (lối giải thích xa gần sẽ cho phép tôi nhắc tới tên nàng) đã sáng tác một bài trường thi có vẻ như kết cấu từ vô tận mọi tiềm năng của tạp âm và hỗn loạn; b/ sẽ không nói gì với Álvaro. Tôi thấy trước rằng cái lười của mình sẽ chọn b.
Nhưng khởi đầu vào sáng thứ Sáu, tôi bắt đầu lo lắng về cái máy điện thoại. Chuyện làm tôi bực mình là cái máy dạo trước phát ra tiếng nói không thể tìm lại của Beatriz, nay lại phải xuống cấp để trở thành chỗ chứa những lời trách móc nóng giận của một Carlos Argentino Daneri mát nặng. May quá, không có gì xảy ra – trừ cái cảm giác khó chịu không tránh khỏi dấy lên trong tôi từ gã đàn ông này, người đã yêu cầu tôi hoàn tất một sứ mạng tế nhị cho hắn xong lại lờ tôi đi.
Dần dà, cái điện thoại bớt làm tôi khiếp đảm, nhưng một ngày cuối tháng Mười nó reo lên, với Carlos Argentino trên đường dây. Anh bị mất bình tĩnh trầm trọng đến nỗi ngay lúc đầu tôi không nhận ra giọng anh. Buồn và uất ức anh lắp bắp rằng Zunino và Zungri đang phách lối, với cái cớ là mở rộng “quầy rượu” hiện đã lớn quá mức, sắp sửa lấy chiếm và phá căn nhà của anh.
“Mái ấm của tôi, mái ấm của tổ tiên tôi, tổ ấm Đường Garay ‘hương nhân chi dĩ nhị thạch trụ, thạch trụ ký thâm căn dũ cố của tôi!’” anh lập đi lập lại, gần như quên mất nỗi thống khổ của anh trong âm hưởng của lời than vãn.
Không khó để tôi cảm thông nỗi đau của anh. Sau cái tuổi năm mươi, mọi biến chuyển đều trở thành biểu hiệu đáng ghét cho sự trôi qua của thời gian. Hơn nữa, mối liên hệ gắn liền với ngôi nhà đối với tôi luôn là bóng hình của Beatriz. Tôi cố giải bày tâm tư của mình, nhưng Daneri hình như không nghe thấy. Anh nói nếu Zunino và Zungri tiếp tục vi phạm trắng trợn, Tiến Sĩ Zunni, luật sư của anh, sẽ kiện hành động vi phạm đó và đòi bồi thường thiệt hại năm mươi ngàn đô.
Tên tuổi Zunni gây ấn tượng cho tôi; tổ hợp luật gia của ông, với địa chỉ không tương xứng trên góc đường Caseros và Tacuari, dù sao cũng được nhìn nhận là một cơ sở lâu đời và uy tín. Tôi hỏi anh liệu Zunni đã được mướn để thi hành vụ kiện. Daneri cho hay anh sẽ liên lạc với luật sư ngay chiều hôm đó. Anh do dự, rồi bằng cái giọng đều đều và xa cách mà ta thường dùng khi muốn che giấu một điều gì riêng tư, anh thổ lộ rằng để hoàn tất bài trường thi, anh không thể nào xoay sở nếu không còn căn nhà vì ở trong tầng hầm có một Aleph. Anh giải thích rằng Aleph là một trong nhiều điểm của không gian có thể chứa tất cả mọi điểm khác.
“Nó ở trong căn hầm nằm ngay dưới phòng ăn,” anh nói tiếp, giờ thì quá lo lắng đến nỗi quên phóng đại. “Nó là của tôi – của tôi. Tôi khám phá ra nó từ lúc tôi còn nhỏ, chỉ một mình tôi thôi. Cái cầu thang trong căn hầm rất dốc đến độ chú cô tôi cấm tôi sử dụng, nhưng tôi nghe phong phanh có một thế giới ở dưới đó. Sau này tôi mới biết là họ có ý nói cái quả cầu cổ lỗ sĩ trưng ở dưới hầm, nhưng trước đó tôi cứ tưởng họ ám chỉ cả một thế giới. Một hôm không ai ở nhà tôi mon men lẻn xuống, nhưng tôi vấp té. Khi tôi mở mắt, tôi thấy được Aleph.
“Cái Aleph?” tôi lập lại.
“Đúng, một nơi duy nhất trên trái đất mà tất cả mọi nơi có thể được nhìn thấy từ mọi góc cạnh, tất cả đều rõ như in, không hề hỗn độn hay nhập nhòa. Tôi giữ cái khám phá đó cho riêng mình và trở lại bất cứ khi nào có dịp. Khi còn nhỏ, tôi chưa biết rằng đây là một vinh dự mà tôi được lãnh nhận để sau này có thể làm thơ. Zunino và Zungri không thể tước đoạt di sản này của tôi – không, và một ngàn lần không! Luật pháp trong tay, Tiến Sĩ Zunni sẽ chứng minh rằng Aleph của tôi là không thể xâm phạm.”
Tôi cố gắng lý luận với anh. “Nhưng căn hầm không tối lắm sao?” tôi hỏi.
“Sự thật không thể nào len vào một tâm hồn khép kín. Nếu tất cả mọi nơi trong vũ trụ nằm trong Aleph, thì tất cả các vì sao, tất cả ngọn đèn, tất cả nguồn sáng cũng nằm trong nó.”
“Anh chờ đó. Tôi qua ngay để xem.” Tôi gác điện thoại trước khi anh có dịp phản đối. Sự hiểu biết thông suốt về một sự việc đôi khi giúp bạn thấy tức khắc những liên hệ mà trước kia tưởng không có gì đáng ngờ. Nó làm tôi kinh ngạc tại sao cho tới lúc đó tôi chưa hề nghi rằng Carlos Argentino là một người mất trí. Giống như cả gia đình Viterbos, khi nghĩ lại cho kỹ. Beatriz (chính tôi thường nói vậy) vừa là đàn bà vừa là con nít, với tiềm năng nhìn thấu mọi vật gần như huyền bí, nhưng lại dễ quên, phân tâm, khinh đời, tính tình cũng hơi ác, và có lẽ những điều này đòi hỏi một giải thích y khoa. Bệnh điên của Carlos Argentino làm tôi lâng lâng trong niềm sung sướng cay độc. Trong thâm tâm, chúng tôi luôn ghét nhau.
Đến căn nhà đường Garay, người giúp việc lễ phép xin tôi chờ. Ông chủ, như thường lệ, đang ở dưới căn hầm rửa hình. Trên phím dương cầm bỏ không, bên cạnh cái bình hoa lớn nhưng không có một cành hoa, tấm ảnh lớn của Beatriz mỉm cười (cho muôn thuở thay vì chỉ một thuở) trong sắc mầu cầu kỳ. Không ai thấy chúng tôi, trong phút giây yếu đuối, tôi nhích dần tới bức chân dung và thốt lời: “Beatriz, Beatriz Elena, Beatriz Elena Viterbo, Beatriz yêu dấu, Beatriz giờ đã xa vĩnh viễn, anh đây, Borges của em.”
Lát sau, Carlos bước vào. Anh nói cộc lốc. Tôi có thể thấy anh chẳng lo nghĩ gì hơn là sẽ bị mất Aleph.
“Trước hết nên uống một ly cô-nhắc dỏm,” anh phán, “rồi hãy đi xuống hầm. Tôi nhắc anh, anh phải nằm phẳng trên nền nhà. Tối mịt, hoàn toàn bất động, cũng cần điều chỉnh lại thị giác chút ít. Từ nền nhà, anh phải chú mắt vào bậc thang thứ mười chín. Khi tôi để anh nằm dưới đó, tôi sẽ đóng kín cửa hầm và lúc đó chỉ có mình anh thôi. Đừng ngán đám chuột bọ – dù tôi biết rằng anh sẽ khó tảng lờ bọn chúng. Chỉ trong một hai phút, anh sẽ thấy Aleph – cái thế giới vi thể của các nhà giả kim và đạo sĩ Kabbalah, người bạn quen thuộc như xương thịt của chúng ta, điểm không gian tích tụ!
Khi đã vào tới phòng ăn, anh nói thêm, “Dĩ nhiên, nếu anh không thấy nó, sự khiếm thị của anh sẽ không phủ nhận những điều tôi đã trải nghiệm. Giờ anh xuống đi. Một chút nữa anh có thể lảm nhảm với tất cả bóng hình của Beatriz.”
Mệt mỏi với những lời nhảm nhí của Daneri, tôi mau mắn bước xuống hầm. Căn hầm, chỉ hơi rộng hơn cái cầu thang tí xíu, giống như một cái hố. Mắt tôi dõi nhìn vảo bóng tối, hoài công tìm quả địa cầu mà Carlos Argentino đã kể. Vài két ve chai và vài cái bao bố nằm lổn ngổn trong góc phòng. Carlos lượm một cái bao, gấp lại làm hai, và trải bao ra ở điểm chọn.
“Dùng cái này làm gối,” anh nói, “thì coi bộ hơi dã chiến, nhưng nếu nó dày thêm chỉ nửa inch anh sẽ không thấy gì, và rồi sẽ nằm đó, thấy mình quê và ngu hết sức. Giờ được rồi, cứ nằm dài trên sàn nhà và đếm đúng mười chín bậc thang.”
Tôi làm theo những lời dặn vớ vẩn của Carlos, và cuối cùng anh rời hầm. Cái nắp hầm được đóng lại cẩn thận. Bóng tối gần như tuyệt đối, bất kể một kẽ hở mà mãi sau tôi mới thấy. Lần đầu tiên, tôi nhận ra điều nguy hiểm mà tôi đang mắc vào: tôi đã để chính mình bị khóa chặt trong căn hầm bởi một tên khùng, sau khi ngốn hết một ly độc dược! Tôi biết đằng sau cốt cách huyênh hoang tự đại, Carlos rất lo sợ là tôi sẽ không thấy cái kỳ quan hứa hẹn. Để giữ kín bệnh điên, để tránh khỏi thú nhận rằng anh ta điên, Carlos phải thủ tiêu tôi. Tôi cảm thấy chới với hoảng sợ, và tôi cho là từ vị trí không thoải mái của mình thay vì hậu quả của liều thuốc. Tôi khép mắt lại – xong tôi lại mở mắt. Và tôi thấy Aleph.
Giờ là đoạn chính yếu khó tả của câu chuyện. Và từ đây bắt đầu nỗi khổ của một nhà văn. Toàn bộ ngôn ngữ là một tập hợp ký hiệu mà những kẻ sử dụng nó được coi như cùng xuất xứ từ một truyền thống. Do đó, làm thế nào để tôi có thể chuyển đổi thành chữ cái vô biên của Aleph, khi mà chính cái đầu loạng choạng của tôi vẫn chưa thấu hiểu? Các nhà thần bí, đối diện với cùng một vấn đề, lại cũng trở về với ký hiệu: khi nói đến thượng đế, một người Ba-Tư tuyên dương một con chim mà chính nó thể hiện cho tất cả các loài chim; thi sĩ Alanus de Insulis nói về một trái cầu tròn mà tâm điểm là ở mọi nơi và chu vi là vô định; tiên tri Ezekiel miêu tả một thiên thần bốn mặt có thể cùng một lúc di chuyển tới đông, tây, nam, bắc. (Không hẳn hoài công mà tôi gợi lại những tương quan khó hiểu này; chúng có liên hệ đôi chút với Aleph.) Có lẽ thần thánh sẽ ban cho tôi một ẩn dụ tương tự, nhưng rồi sự tường thuật này có thể sẽ bị hoen ố vì văn chương, vì trí tưởng tượng. Thực ra, điều tôi muốn làm là bất khả thi, vì bất kể một hệ thống nào dù có dung chứa một loạt vô tận cũng chỉ là một hạt li ti. Trong cái giây phút vĩ đại đó tôi thấy hàng triệu những hành vi vừa tuyệt vời vừa kinh khiếp; không một hành vi nào chiếm cứ cùng một điểm trong không gian, không đè lấp mà cũng không thông suốt. Điều mắt tôi thấy là cùng một lượt, nhưng những gì tôi viết xuống đây là theo lượt, vì ngôn ngữ là theo lượt. Tuy vậy, tôi sẽ cố gắng thu thập lại với hết khả năng.
Đằng sau bậc thang, phía bên phải, tôi thấy một trái cầu lấp lánh thứ ánh sáng gần như khôn kham. Thoạt đầu tôi tưởng nó đang xoay; nhưng rồi tôi nhận ra sự di động là môt ảo giác tạo ra bởi cái thế giới chóng mặt mà trái cầu đang cưu mang. Đường kính của Aleph chỉ lớn hơn một inch, nhưng toàn thể không gian là ở đó, hiện hữu và không hề suy giảm. Mỗi thứ (cứ cho đó là mặt gương) cũng là những thứ vô hạn vì tôi có thể nhìn nó từ mọi góc độ trong vũ trụ. Tôi thấy biển dạt dào; tôi thấy bình minh và hoàng hôn; tôi thấy muôn sinh của Mỹ Châu; tôi thấy màng nhện bạc lấp lánh ngay giữa kim tự tháp đen; tôi thấy một mê cung tan vỡ (đó là Luân Đôn); tôi thấy, thật gần, vô số những con mắt đang ngắm chúng trong tôi như trong gương; tôi thấy nhiều tấm gương trên mặt đất nhưng chẳng cái nào phản chiếu hình tôi; tôi thấy trong khu vườn của đường Soler những vuông gạch tôi đã thấy ba mươi năm trước ở lối vào căn nhà vùng Fray Bentos; tôi thấy những chùm nho, tuyết, thuốc lá, mạch kim loại, hơi nước. Tôi thấy những sa mạc trên vòng cung xích đạo và trong từng sa mạc là những hạt cát; tôi thấy người thiếu phụ ở Inverness mà tôi không bao giờ quên; mái tóc rối của nàng, dáng thanh cao, tôi thấy ung thư trong nhũ hoa nàng; tôi thấy một vòng bùn khô trên vỉa hè, nơi trước kia là một thân cây; tôi thấy căn nhà nghỉ hè ở Adrogue và ấn bản Anh ngữ đầu tiên của Pliny – quyển sách của Philemon Holland – và cùng lúc mỗi mẫu tự trên mỗi trang sách (hồi nhỏ, tôi thường lấy làm lạ là những mẫu tự của quyển sách đóng không bao giờ bị lộn nhào hay lạc mất qua đêm); tôi thấy mặt trời lặn ở Queretaro có vẻ như phản chiếu sắc mầu một đóa hồng vùng Bengal; tôi thấy căn phòng trống vắng của tôi; tôi thấy trong tủ áo ở Alkmaar quả địa cầu giữa hai mặt gương nhân lên nhiều vô kể; tôi thấy những con ngựa xõa bờm ở ven biển Caspian lúc rạng đông; tôi thấy mạch xương tinh vi của bàn tay; tôi thấy những người lính trận sống sót đi gửi bưu ảnh; tôi thấy trong tủ trưng ở Mirzapur một bộ bài Tây Ban Nha; tôi thấy cành dương sỉ nghiêng bóng trên sàn ngôi nhà kính; tôi thấy những con hổ, những van piston, những con bò mộng, những đợt thủy triều, những đoàn quân; tôi thấy tất cả mọi loài kiến của hành tinh; tôi thấy cái kế thiên Ba-Tư; tôi thấy ngăn kéo bàn viết (và nét chữ làm tôi run rẩy) những bức thư táo tợn, tục tĩu, tỉ mỉ mà Beatriz đã viết cho Carlos Argentino; tôi thấy tượng đài tôi ngưỡng mộ tại nghĩa trang Chacarita; tôi thấy bụi xương rã mục đã từng là Beatriz Viterbo ngọt ngào; tôi thấy máu đỏ của mình trong hệ thống tuần hoàn; tôi thấy sự kết tụ của tình yêu và biến thể của cái chết; tôi thấy Aleph từ mọi điểm và mọi góc, và trong Aleph tôi thấy trái đất và trong trái đất là Aleph và trong Aleph là trái đất; tôi thấy chính khuôn mặt và ruột gan mình; tôi thấy mặt bạn; và tôi thấy choáng váng; rồi tôi bật khóc, vì mắt tôi đã nhìn thấy vật thâm kín và huyền thoại với cái tên đã bị nhân loại chiếm đoạt nhưng chưa một ai thực sự nhìn tận mắt: một vũ trụ phi thường.
Tôi cảm nhận nỗi tuyệt vời vô tận, nỗi đau xót vô vàn.
“Anh thấy tự đắc, đúng không, sau khi được nhìn vào những nơi không liên can gì tới anh?” một giọng nói vui vẻ đáng ghét bỗng vang lên. “Cho dù anh có tha hồ vắt óc, còn lâu anh mới có thể đền ơn tôi sau vụ tiết lộ này. Một tòa thiên văn độc địa, có phải không, Borges?”
Chân Carlos Argentino đứng trên bậc thang cao nhất. Trong ánh sáng mờ mờ chợt phát hiện, tôi xoay mình bò dậy rồi thốt, ”độc địa – đúng, quả thật là độc địa.”
Sự thản nhiên trong cách tôi trả lời làm chính tôi ngạc nhiên. Nôn nóng, Carlos Argentino hỏi tiếp ”Có thấy mọi thứ không – thiệt rõ, đầy mầu sắc?”
Ngay lúc đó tôi kiếm được cách trả đũa. Từ tốn, lộ vẻ thương hại anh ra mặt, xúc động, lẩn tránh, tôi cám ơn Carlos Argentino Daneri vì sự ưu đãi trong căn hầm và yêu cầu anh hãy tận dụng chuyện ngôi nhà sẽ bị phá để thoát khỏi đời sống đô thị nhiễu nhương không dung thứ một ai – tin tôi đi, tôi khuyên anh, không dung thứ một ai! Từ tốn nhưng cương quyết, tôi từ chối thảo luận về Aleph. Lúc chào anh, tôi ôm anh và nhắc lại đời sống dưới quê, làn gió mát và sự yên tĩnh chính là những thầy thuốc hữu hiệu.
Ra đường, bước xuống cầu thang bên trong trạm xe điện Constitution, bước lên xe điện ngầm, mọi khuôn mặt đều như quen thuộc đối với tôi. Tôi sợ sẽ chẳng còn điều gì trên mặt đất làm tôi ngạc nhiên; tôi sợ tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi tất cả những gì tôi đã thấy. Hạnh phúc thay, sau vài đêm mất ngủ, thêm một lần nữa tôi được hội ngộ với lãng quên.
Tái bút ngày một tháng Ba, 1943 – khoảng sáu tháng sau ngày một căn nhà trên đường Garay bị kéo sập, nhà xuất bản Procrustes & Co., không nản lòng với bài thơ dài quá mức của Daneri, đã trình làng một vài trích đoạn trong phần “Tiểu tấu về Á Căn Đình.” Giờ thì cũng thừa nếu lập lại những điều đã xảy ra. Carlos Argentino Daneri thắng Giải Nhì Văn Chương Quốc Gia. (“Tôi đã nhận được lời chúc mừng đau như hoạn của anh” Daneri viết cho tôi. “Anh phát điên với ganh tỵ, người bạn tội nghiệp của tôi, nhưng anh phải thú nhận – dẫu anh có chết nghẹn! – lần này tôi đã thắng; mũ mão tôi đã được tôn vinh với sắc thắm của lông chim, và trên khăn đóng của tôi là viên hồng ngọc chói ngời như của một quốc vương Hồi giáo”). Giải Nhất cho Tiến Sĩ Aita; Giải Ba, cho Tiến Sĩ Mario Bonfanti. Không thể tưởng tượng, quyển Thẻ bài Con bạc của tôi không được một phiếu bình chọn nào. Một lần nữa sự ngu muội và ganh tỵ đã chiến thắng! Cũng đã lâu từ ngày tôi cố liên lạc lại với Daneri; có lời đồn rằng những trích đoạn đợt hai của bài trường thi sắp được xuất bản. Cây bút được thời của anh (không còn lổn ngổn với Aleph) giờ đang lãnh nhận nhiệm vụ viết thiên anh hùng ca về người anh hùng dân tộc, Tướng San Martin.
Tôi muốn thêm vào hai nhận xét cuối cùng: một, về bản chất của Aleph; thứ hai, về cái tên của nó. Như nhiều người đã biết, Aleph là mẫu tự đầu tiên trong mẫu tự Do Thái. Dùng nó như biểu tượng cho quả cầu lạ lùng trong câu chuyện của tôi không phải là điều ngẫu nhiên. Trong giáo phái Kabbala, mẫu tự biểu hiện En Soph, thượng đế thanh khiết và vô biên; cũng được tả là mang hình dạng một người trỏ tay cùng lúc trên trời và xuống đất, để thấy rằng thế giới bên dưới là bản đồ và tấm gương của thế giới trên cao; theo lý luận toán học Mengenlehre của Cantor, nó là ký hiệu của những số siêu hạn, mà bất kể phần nào cũng có giá trị tương đương như tổng thể. Tôi muốn biết Carlos Argentino đã chọn cái tên đó hay đọc được từ đâu – vể một điểm nào khác nơi mọi điểm đều kết tụ – ở một trong vô số các sách vở mà Aleph trong căn hầm đã biểu lộ cho anh. Tuy thật khó tin, tôi nghĩ cái Aleph ở đường Garay là một Aleph giả.
Đây là những lý do của tôi. Vào khoảng năm 1867, Đại Úy Burton giữ chức Lãnh sự Anh quốc ở Ba-Tây. Vào tháng bảy năm 1942, Pedro Henriquez Urefia kiếm thấy một bản thảo của Burton, trong thư viện Santos, nói về một tấm gương mà văn hóa Trung Đông cho là liên can tới Iskander Zu al-Karnayn, hay Alexander Bicornis của Macedonia. Trong tấm gương đó cả thế giới được phản chiếu. Burton kể về những dụng cụ tương tự khác – cái ly bẩy tầng của Kai Kosru, tấm gương mà Tariq ibn-Ziyad tìm được trong một tòa tháp (Ngàn Lẻ Một Đêm, 272); tấm gương mà Lucian của Samosata nhìn thấy trên mặt trăng (Chân Sử, I, 26); ngọn giáo giống gương mà quyển đầu trong bộ sách Satyricon của Capella có nói tới; tấm gương vạn năng của tiên tri Merlin, “hình tròn và rỗng… như cả một thế giới bằng kính” (The Faerie Queene, III, 2, 19) – và Burton cũng thêm một lời nhận xét đáng chú ý này: “Nhưng những vật thể nêu trên (điều bất lợi là chúng không hiện hữu) chỉ là những dụng cụ quang học. Các tín đồ sùng đạo đi lễ đền Amr bên Cairo hiểu rằng vũ trụ toàn vẹn nằm bên trong một trong những cột đá bao quanh chính điện của đền …. Chưa ai, dĩ nhiên, thực sự thấy nó, nhưng những ai từng áp tai trên mặt cột đều kể lại rằng chỉ sau một thoáng họ nghe được âm thanh u u liên tục của nó… Đền thờ này có từ thế kỷ thứ bảy; những cột đá được lấy từ các đền thờ của những tôn giáo trước thời Hồi giáo, từ thời, như ibn-Khaldun đã viết: ‘Trong những quốc gia gầy dựng bởi dân du mục, sự giúp đỡ của ngoại nhân là thiết yếu cho mọi công trình xây cất.”
Cái Aleph này có tồn tại trong lòng đá không? Có phải tôi thấy nó trong căn hầm của Daneri khi tôi thấy hết mọi thứ, và giờ tôi đã quên? Trí nhớ của chúng ta dễ ngấm sự quên lãng; do sự xoáy mòn của năm tháng, chính tôi đang bóp méo và mất dần khuôn mặt của Beatriz.
(Chuyển ngữ từ bản dịch Anh ngữ “The Aleph” của Norman Thomas Di Giovanni và nguyên bản Aleph của Jorge Luis Borges )
nguồn: damau.org