bản dịch : Hoàng Ngọc Biên
Tôi là đội trưởng đội cứu hoả. Bổn phận của tôi là dập tắt những đám cháy và cứu sống những người có ý định tự tử.
Những người này ngày càng nhiều. Nếp cũ nó biểu hiện như thế đó.
Người ta thông báo cho chúng tôi địa chỉ này hay địa chỉ kia có người đang có ý định nhảy từ một tầng lầu cao, thường là từ mái nhà. Chúng tôi đến đó. Chúng tôi không gặp khó khăn nào khi tìm địa chỉ: dưới chân toà nhà, một đám đông nhiều người đã bu quanh và nhìn lên cao.
Ứng viên tự tử đứng trên mái đua. Chúng tôi tháo cái thang gấp và tôi bắt đầu trèo lên. Anh chàng đứng nơi càng cao, chúng tôi càng phải tỏ ra thận trọng, để không làm anh ta hoảng sợ. Nghĩa là để anh ta không nhảy trước khi chúng tôi kịp cứu anh.
Theo ý kiến tôi, chẳng có gì phải lo sợ về vấn đề này. Bởi vì rốt cuộc, đúng là anh chàng đang đợi tôi. Lẽ ra anh cũng có thể nhảy ngay tức thì, không chỉ trước khi chúng tôi đến nơi, mà còn trước cả khi đám đông tụ lại. Anh ta có thể nhảy đến mười lần, hai mươi lần trước khi có người để ý đến anh. Nhưng không, anh chàng chờ cho tới khi người ta bu đông, sau đó chờ chúng tôi đến. Và chỉ đến lúc ấy màn diễn mới bắt đầu.
Tôi leo lên cái thang, mỗi lúc tôi càng đến gần anh ta và tôi giả bộ như vô cùng thiết tha việc anh chấp nhận tiếp tục sống. Bởi suy cho cùng thì đây là điều người ta mong đợi ở tôi, tôi được trả lương để làm chuyện này. Vả chăng, nếu tôi ít giả bộ hơn, thì đám công chúng bu lại phía dưới cũng sẽ ít hài lòng về tôi.
Hôm nay, tôi không vui, hơn nữa thời tiết thật là tồi tệ, trời lạnh, gió thổi, nhất là ở chỗ trên cao này. Nếu tôi mặc áo quần lót ấm, có lẽ tôi sẽ thấy khoẻ khoắn hơn. Khi trời tốt, người ta dễ đóng vai thằng ngốc hơn. Nhưng không thể làm vậy khi gió đâm buốt tận xương. Thêm vào đó, tôi ngày càng già, đã bao nhiêu lần tôi đóng vai này rồi!
Vậy thì tôi đến gần anh chàng, và nếu như tôi bước thêm một bước nữa, anh ta — như thường lệ — giả vờ như muốn nhảy. Cả anh chàng này cũng không khỏi trông giống như những người tiền nhiệm của anh: xuềnh xoàng, hay đúng ra là hốc hác, với một vẻ mặt cứng đơ. Trò chơi này là một món đặc sản của bọn suy yếu. Những kẻ có cái gì đó trong đầu thường tự tử mà không cần phải làm rùm beng thế này, và họ làm là làm thiệt.
Bây giờ tôi biết tôi phải làm gì. Dừng lại và nói chuyện với anh ta, bằng giọng hết sức nhân từ. Làm yên lòng anh chàng, giải thích cho anh chàng hiểu cuộc đời là đẹp và chúng ta ai nấy đều coi rất trọng chuyện sống của anh. Bản thân tôi, những người ở dưới kia, nói chung là toàn thể xã hội. Bạn hãy thử nghĩ coi cái chuyện có thêm một thằng ngốc nữa dạo chơi trên phố và dẫm lên chân chúng ta mà chúng ta lại coi là quan trọng!
Và cái đám người dưới kia, họ cũng thế, họ cũng giả vờ. Họ lê bước hết chỗ này đến chỗ nọ, như mọi ngày, chán muốn chết. Thế rồi có người cho không họ một màn trình diễn. Một ứng viên tự tử trên mái đua. Sẵn sàng nhảy vào khoảng trống, họ tự nhủ, quả là giật gân! Tất nhiên, họ biết rõ là các đội viên cứu hoả sẽ đến, những người này sẽ cứu anh ta và chuyện sẽ dừng lại ở đấy. Nhưng cho đến cùng, họ hi vọng anh ta sẽ nhảy. Họ biết mọi chuyện sẽ chấm dứt đầu voi đuôi chuột, như mọi lần, thế tuy nhiên… Họ tự nhủ là lần này có lẽ… hắn sẽ trượt chân, hoặc là… Hoặc là mái đàn hồi sẽ sụp… Họ chỉ có thể trông vào một tai nạn, vậy nên họ chỉ tin vào đó. Còn tôi, tôi phải làm hết sức mình để họ khỏi thất vọng vì trò trình diễn, nhưng đồng thời để họ thất vọng vì cái mà họ quan tâm hơn cả. Khủng khiếp thật!
Vậy thì tất cả chúng tôi đều giả vờ. Anh chàng ứng viên tự tử: giả vờ muốn tự tử, trong khi anh tuyệt đối chống việc này. Anh ta muốn làm anh hùng, lôi kéo mọi người chú ý đến mình, có một công chúng và được người ta viết bài về mình đăng trên báo. Trước hết là vì vậy mà anh chàng muốn sống và cũng vì lý do đó mà anh giả bộ không thiết sống. Còn về đám đông, thì họ làm bộ sợ chuyện khủng khiếp sắp xảy ra và bởi vậy nên họ không chịu rời hiện trường, để có thể thấy được trong hoàn cảnh nào cái khủng khiếp kia sẽ không xảy ra. Coi như là! Thật ra, họ không nóng lòng mong muốn gì hơn là thấy được một cái gì mạnh. Kể từ khi người ta huỷ bỏ những cuộc hành quyết trước công chúng thì với họ đây là dịp duy nhất. Còn tôi, tôi làm bộ tin anh chàng tuyệt vọng nọ và tin những người đứng dưới kia và phải hành động theo cách ấy, y như tôi không hề biết cái điều mà ai nấy, cả anh chàng nọ lẫn đám đông kia, thực sự đang muốn. Để giúp họ vui, tôi phải giả bộ ngu ngốc hơn chính mình.
Vậy là, tôi tiến về phía anh chàng trên cái thang đang leo; khi tôi đã đến gần, nhưng không quá gần, anh ta bước một bước về phía mép mái đua, để cho tôi thấy là anh ta sắp nhảy trước khi tôi có thể giữ anh ta lại. Bây giờ, đến phiên tôi dừng lại và bắt đầu màn diễn của mình. Vậy là tôi dừng lại. Ở dưới kia, đã có những nhà báo, người ta đã chụp hình chúng tôi. Những chiếc xe của đài truyền hình đã đến nơi, những máy quay phim bắt đầu quay. Còn có cả những người bán đậu phụng, và những người bán xúc xích kẹp bánh mì. Họ biết việc làm ăn sẽ ngon lành vì sự khiếp sợ sẽ kích thích công chúng ăn ngon miệng. Trong khi tôi, hôm nay, tôi hầu như chưa ăn gì, bởi sáng nay tôi không sao nuốt cái gì vô bụng, bởi vì hãy còn sớm quá, và nói chung tôi thấy trong mình không được khoẻ trước buổi trưa. Trên ảnh chụp và trên truyền hình người ta sẽ thấy tôi từ sau lưng, ở đây tôi chỉ là diễn viên số hai, cái thằng cha đứng trên mái đua sẽ là diễn viên số một. Vả chăng, tôi tham gia trò diễn này đã nhiều lần nên với tôi nó đã là vô thưởng vô phạt, tôi hoàn toàn dửng dưng. Hơn thế, tôi chỉ là một đội viên cứu hoả bình thường nhất, có nghĩa tôi nằm trong ban nhân viên kỹ thuật, tôi đang làm nghĩa vụ, tôi chỉ làm tròn bổn phận của mình. Ngôi sao thật sự, chính là thằng cha trên mái đua, đang đưa mặt ra trước máy quay phim.
Nhưng làm gì bây giờ, phải bắt đầu thôi. Tôi bắt đầu quá trình thuyết phục của mình, bằng cách lên tiếng với giọng hết sức hoà giải:
“Vậy thì, chú mày. Hãy chờ một chút nhé, chú mày không có chuyện gì hay hơn để làm sao?”
Anh chàng kia làm ra vẻ giận, anh ta vừa bước cái bước rất ngon lành kia và không đi lùi, nhưng cũng không đi tới xa hơn. Anh ta làm như không nghe tôi nói, nhưng anh ta cũng sốt ruột không kém, tất nhiên, muốn biết những gì tiếp theo sau. Tôi sẽ không nói quá là anh ta đã rất quen với mọi chuyện như thế đó, nhưng mỗi người trong đám này, ngay cả khi làm ăn lần đầu tiên, cũng làm ăn như một tay chuyên nghiệp. Hết chương này qua chương kia, căn cứ theo một quy định bài bản.
“Tôi hiểu, tôi hiểu, anh có lý do hẳn hoi, rõ là thế. Nhưng chúng ta hãy cùng suy nghĩ xem…”
Suy nghĩ chuyện gì đây, tôi hỏi các bạn đó, mẹ kiếp! Mọi chuyện đều minh bạch. Nhưng tôi thì tôi có những chỉ thị, và những chỉ thị ấy bảo: phải biết câu giờ. Phải làm cho cái chuyện kia kéo dài càng lâu càng tốt, để anh ta coi như là mềm lòng, để anh ta bỏ đi cái quyết tâm giả kia, và tiếp theo hoặc là anh sẽ tự xét mình, xem mình có phải thuộc phẩm chất hàng đầu hay không, hay là — nếu đây là một người giữ kỷ lục về phẩm chất hàng đầu — đám đội viên của tôi, hiện đã mai phục sẵn trên mái nhà, sẽ tóm cổ anh ta ở phía trên. Nghệ thuật của nguyên đoàn hát là ở chỗ này: họ đến gần “phút cuối” bao nhiêu, thì kết quả càng thành công bấy nhiêu, nhất là trên truyền hình. Sự thật là chúng ta đang có trước mắt những tài năng đặc biệt, mà ta chỉ nhúng tay vào giải quyết khi họ thiệt sự, thiệt sự đang nhảy vào khoảng không. Nhưng những người như họ, y như những tài năng lớn, là rất hiếm.
Anh ta cau mày, cau mặt và làm bộ không nghe tôi nói. Nhưng tất nhiên anh ta đợi câu hỏi tiếp theo của tôi. Tôi khạc đờm, vì từ tối qua tôi như bị sổ mũi, hơn thế còn có ngọn gió kia, tầng lầu thứ mười tám, và tôi nói tiếp, bằng một giọng cố hết sức tinh tế, hết sức ngọt ngào:
“Hãy nghĩ đến gia đình anh và bạn bè anh, và nếu như anh không có gia đình, thì hãy nghĩ…”
Và trong ý nghĩ tôi tôi tự hỏi anh ta có thể nghĩ đến cái gì. Thường thường, tôi không việc gì phải suy nghĩ, bởi vì xét cho cùng thì mọi thứ ấy tôi đều thuộc lòng, nhưng hôm nay nó lại từ trong trí tôi tuôn ra. Hay đúng ra là không, nó không tuôn ra, nó vẫn nằm yên trong đầu tôi, nhưng “nó” hiểu đây quả là chuyện cực kỳ ngu xuẩn và nó mắc cở đến độ không muốn để lộ ra ngoài. Vả chăng, với cái gia đình ấy và đám bạn bè ấy, thì nó cũng đã đủ ngu xuẩn rồi. Bởi vì rốt cuộc, nếu như đúng là vì họ mà anh ta chế ra toàn bộ cái trò xiệc này thì sao? Tuy nhiên, vẫn cần phải nói với anh ta một điều gì đó. Vậy thì tôi lôi nó ra, chỉ là để “câu giờ”:
“Hôm nay trời gió dữ, anh có thấy thế không?”
Anh ta nhìn tôi lần đầu tiên với một vẻ ít lúng túng hơn một chút. Hiển nhiên, là anh ta không chờ đợi một câu như thế, tôi không còn tôn trọng vai trò của mình nữa. Tôi vừa nói lên một câu hố. Vậy nên để đưa tôi trở lại trật tự, anh ta bước thêm nửa bước về phía rìa mái nhà. Chân anh ta treo lưng chừng trên mép bờ. Đột nhiên, tôi chịu hết nổi.
“Ồ, vậy thì anh nhảy đi, cái đồ kênh kiệu kia,” tôi bảo anh ta, và tôi bắt đầu bước tụt xuống thang.
Anh có nghĩ là anh ta nhảy không? Ấy có đấy, anh ta nhảy.
Bây giờ tôi đang chờ ra toà. Tất nhiên là tôi sẽ mất chỗ làm đội viên cứu hoả, điều ấy chẳng có một chút gì nghi ngờ. Và đây chỉ là vấn đề công lý thôi, bởi vì tôi không hoàn thành bổn phận nghế nghiệp. Tôi bị buộc tội là đã… Ồ, đây không phải là chuyện quan trọng, Vả chăng, tôi còn đồng ý về điểm buộc tội. Chỉ có duy nhất một chuyện tôi không đồng ý, và tôi tuyệt đối không đồng ý. Báo chí đang tin với cái tít: “Tự tử”, trong khi, theo tôi, thì nó là một tai nạn. Trong cái nghề làm ứng viên tự tử, thỉnh thoảng người ta cũng gặp những tai nạn chết người.

nguon ;tienve.org