George Luis
Ông ta gọi nó là Cõi không tưởng, cái từ có nguồn gốc Hy Lạp này muốn nói rằng một nơi như thế không tồn tại.
Quevedo
Không ngọn đồi nào giống ngọn đồi nào nhưng khắp nơi trên trái đất đồng bằng đều y hệt nhau. Tôi bước đi trên một con đường đồng bằng. Tôi tự hỏi, nhưng không thấy điều này có gì quan trọng, đây là Oklahoma, Texas hay cái vùng của Argentina mà trong văn chương người ta vẫn hay gọi là pampa. Cả bên phải lẫn bên trái đều không thấy có hàng giậu nào. Thêm một lần tôi chậm rãi ngâm mấy câu thơ của Emilio Oribe:
Ở giữa dải đồng bằng bất tận đáng sợ
Nơi ấy, gần Braxin,
Chúng cứ không ngừng to lớn và mở rộng thêm.
Con đường gập ghềnh. Mưa bắt đầu rơi. Cách chừng vài trăm mét tôi nhìn thấy ánh đèn một ngôi nhà. Đó là một ngôi nhà thấp hình chữ nhật, cây cối vây xung quanh. Người đàn ông mở cửa cho tôi cao lớn đến mức gần như khiến tôi sợ hãi. Ông ta vận đồ màu xám. Tôi có cảm giác ông ta đang đợi một ai đấy. Trên cửa không có ổ khóa.
Chúng tôi bước vào một căn phòng rộng bốn bề là tường gỗ. Một ngọn đèn trần tỏa xuống thứ ánh sáng vàng lợt. Không hiểu sao tôi thấy cái bàn có vẻ gì đó kỳ quặc. Trên bàn đặt một cái đồng hồ cát, tôi mới chỉ từng nhìn thấy những cái đồng hồ tương tự trên một bức tranh khắc cổ xưa nào đó. Người đàn ông chỉ cho tôi một cái ghế.
Tôi thử nói nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng chúng tôi không sao hiểu được nhau. Khi cất tiếng, hóa ra ông ta dùng tiếng Latinh. Tôi đành gom góp những gì còn nhớ được từ hồi xa xưa khi còn đi học để chuẩn bị bước vào cuộc đối thoại.
“Căn cứ vào trang phục của anh,” ông ta nói với tôi, “tôi thấy là anh từ một thế kỷ khác đến. Sự đa dạng ngôn ngữ tạo điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng tộc người và cho cả chiến tranh nữa; thế giới đã quay trở về với tiếng Latinh rồi. Nhiều người sợ rằng tiếng Latinh rồi sẽ lại biến chất để trở thành tiếng Pháp, tiếng Limousin hay tiếng Papiamento, nhưng đó không phải là một nguy cơ nhãn tiền. Dẫu có thế thì tôi cũng không quan tâm đến quá khứ hay tương lai.”
Tôi không nói gì, thế là ông ta tiếp tục:
“Nếu không thấy khó chịu khi nhìn người khác ăn, anh có muốn ăn cùng tôi không?”
Tôi hiểu rằng ông ta đã nhận ra sự bối rối của tôi và nhận lời mời của ông ta.
Chúng tôi đi qua một hành lang cả hai bên đều có những cánh cửa, nó dẫn tới một căn bếp hoàn toàn làm bằng kim loại. Chúng tôi quay trở lại, tay cầm khay đựng đồ ăn: những bát ngũ cốc, một chùm nho, một thứ quả lạ có hương vị khiến tôi nghĩ đến sung, và một bình to đựng nước. Tôi nghĩ là không có bánh mì. Đường nét khuôn mặt ông chủ nhà sắc nhọn và trong ánh mắt ông ta có một vẻ gì đó rất lạ. Tôi sẽ không quên nổi khuôn mặt khắc khổ nhợt nhạt ấy, mà sau này tôi sẽ không gặp lại. Trong lúc nói ông ta không làm một cử chỉ nào.
Tôi ngại ngần vì phải nói chuyện bằng tiếng Latinh, nhưng vẫn nói được với ông ta:
“Tôi xuất hiện đột ngột thế này mà ông không thấy ngạc nhiên à?”
“Không,” ông ta đáp. “Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác chúng tôi thỉnh thoảng vẫn có những chuyến viếng thăm như thế này. Những chuyến thăm ấy không kéo dài lắm đâu; chậm nhất là ngày mai anh sẽ về nhà thôi.”
Giọng nói cả quyết của ông ta khiến tôi trấn tĩnh. Tôi thấy cần tự giới thiệu:
“Tôi tên là Eudoro Acevedo. Tôi sinh năm 1897 ở thành phố Buenos Aires. Tôi đã hơn bảy mươi tuổi. Tôi là giáo sư văn chương Anh-Mỹ, tôi viết truyện huyền ảo.”
“Tôi nhớ là đã đọc,” ông ta đáp, “hai truyện huyền ảo, tôi thấy cũng hay. Những cuộc du hành của thuyền trưởng Lemuel Gulliver, được nhiều người nghĩ là chuyện thực, và Summa Theologiae. Nhưng ta đừng nói về những điều cụ thể. Giờ đây chẳng còn ai quan tâm đến các sự kiện nữa đâu. Đó chỉ là những điểm khởi đầu cho sáng chế và suy luận mà thôi. Ở trường, chúng tôi được học nghi ngờ và nghệ thuật quên. Trước tiên là quên những gì thuộc về cá nhân và địa phương. Chúng ta sống trong thời gian, nó là thứ tiếp diễn, nhưng chúng tôi thử sống sub specie aeternitatis [theo kiểu vĩnh viễn]. Từ quá khứ chúng tôi chỉ giữ lại vài cái tên mà ngôn ngữ tìm cách quên đi. Chúng tôi tránh những điều cụ thể vô ích. Không còn ngày tháng cũng chẳng còn lịch sử. Cũng không còn thống kê nữa. Anh bảo anh tên là Eudoro; nhưng tôi thì không nói được tôi tên là gì, vì tôi chỉ được gọi là một ai đó.”
“Thế bố ông tên là gì?”
“Ông ấy không có tên.”
Trên một bức tường tôi thấy một giá sách. Tôi cầm đại một quyển mở ra xem; các chữ trong đó được viết bằng tay, sắc nét và không hiểu nổi. Kiểu chữ góc cạnh khiến tôi nghĩ đến bảng chữ cái Runes, thế nhưng loại chữ này thường chỉ được dùng để viết mộ chí. Tôi tự nhủ người tương lai không chỉ cao lớn hơn chúng ta mà còn khéo léo hơn. Theo bản năng, tôi liếc nhìn những ngón tay thon dài của người đàn ông.
Ông ta bảo tôi:
“Giờ tôi sẽ cho anh xem một thứ mà anh chưa bao giờ nhìn thấy.”
Ông ta cẩn trọng chìa cho tôi một bản Utopia của More, in ở Basel vào năm 1518, quyển sách không có các trang và các minh họa.
Tôi đáp, hơi có chút bần thần:
“Đây là một quyển sách in. Ở nhà tôi có hơn hai nghìn quyển, nhưng dĩ nhiên chúng đều không cổ và không quý bằng quyển này.”
Tôi đọc to nhan đề cuốn sách.
Ông ta phá lên cười.
“Chẳng có ai đọc được hai nghìn cuốn sách đâu. Trong vòng bốn thế kỷ đã sống qua chắc tôi đọc không đến nửa chục cuốn. Vả lại, điều quan trọng không phải là đọc, mà là đọc lại. Sự in ấn giờ đây đã bị hủy bỏ, nó từng là một trong những thảm họa tồi tệ nhất của loài người, vì nó có xu hướng sản xuất ra những văn bản vô tích sự nhiều đến chóng cả mặt.”
“Thời của tôi, mới vừa đây thôi,” tôi đáp, “có một sự mê tín rằng từ hôm nay đến ngày mai sẽ xảy ra những sự kiện mà nếu không biết thì thật là đáng xấu hổ. Hành tinh này đầy rẫy những bóng ma tập thể: Canada, Braxin, Congo thuộc Thụy Sĩ và Thị trường chung. Gần như chẳng có ai biết gì về lịch sử trước đó của những thực thể Platon này, nhưng ngược lại họ biết tất tật về hội nghị mới nhất của ngành sư phạm, những đoạn tuyệt về quan hệ ngoại giao sắp xảy ra, rồi những thông báo được viết bởi tay thư ký của tay thư ký, bằng cái thứ văn phong rất thiếu chính xác đặc trưng ấy. Người ta đọc những thứ đó để rồi quên ngay, vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau lại có thêm những chuyện vớ vẩn khác xóa nhòa chúng đi. Trong số mọi nghề ngỗng trên đời, nghề chính trị gia chắc hẳn là nghề nổi nhất. Một đại sứ hay một bộ trưởng giống như kẻ tàn tật cần được chuyển từ chỗ này sang nơi khác trên những loại xe dài và ồn ĩ, vây quanh là đám xe máy và lũ cận vệ, bị tụi nhiếp ảnh gia hau háu rình mò. Như thể bọn họ bị chặt mất chân ấy, mẹ tôi vẫn hay nói thế. Hình ảnh và chữ in còn thực hơn bản thân mọi thứ. Chỉ những gì in ra là có thực. Esse est percipi (ta chỉ tồn tại nếu được chụp ảnh), đó là khởi đầu, trung tâm và kết thúc của thế giới quan đặc thù của chúng tôi. Trong quá khứ của tôi, người ta ngây thơ lắm; họ tin một thứ hàng hóa là tốt bởi vì kẻ sản xuất ra nó khẳng định điều đó rồi cứ thế nhắc đi nhắc lại. Cũng hay có trộm cắp, mặc dù chẳng ai không biết rằng sở hữu tiền bạc chẳng hề làm người ta hạnh phúc hay thanh thản hơn.”
“Tiền à?” người đàn ông nhắc lại. “Giờ thì chẳng ai còn phải chịu cảnh nghèo khó nữa, chắc hẳn đó là thứ không thể chịu đựng nổi, cũng không phải chịu cảnh giàu có, hẳn đó là hình thức thô lậu đáng bực mình hơn cả. Ai cũng có một phận sự.”
“Giống như các rabbi,” tôi nói.
Ông ta có vẻ không hiểu, vẫn nói tiếp:
“Cũng không còn các thành phố nữa. Nếu căn cứ vào đống đổ nát của Bahia Blanca, mà tôi từng thăm thú vì tò mò, thì chúng tôi đã không mất đi nhiều nhặn gì. Vì không còn sở hữu nên cũng không có thừa kế nữa. Ở tuổi một trăm, khi đã trưởng thành, con người đã sẵn sàng đối diện với chính mình, đối mặt với sự cô đơn. Ở tuổi ấy anh ta cũng đã sinh một đứa con trai.”
“Chỉ một thôi à?” tôi hỏi.
“Đúng. Chỉ một thôi. Chẳng có lý do gì để phát triển giống người. Một số người nghĩ rằng con người là một cơ quan của thần linh, cơ quan ấy giúp hắn nhận thức được vũ trụ, nhưng chẳng ai biết chắc được rằng một thần linh như thế có tồn tại hay không. Tôi nghĩ giờ đây chúng tôi đã đến giai đoạn thảo luận về ưu và nhược của tự sát dần dần hay ngay lập tức đối với toàn thể cư dân hành tinh. Nhưng thôi, ta hãy quay trở về với những điều đang bàn đã.”
Tôi gật đầu đồng ý.
“Đến tuổi một trăm, con người có thể không cần đến tình yêu và tình bạn nữa. Những bất trắc và cái chết bất như nguyện không còn là một mối đe dọa đối với anh ta. Anh ta thực hành một nghệ thuật nào đó, lao vào triết học, toán học hoặc chơi cờ một mình. Khi nào muốn, anh ta tự sát. Con người trở thành người chủ cuộc sống và cả cái chết của mình.”
“Nghe như một câu trích dẫn nhỉ?” tôi hỏi.
“Đúng rồi. Giờ chúng tôi chỉ còn các trích dẫn thôi. Ngôn ngữ là một hệ thống các trích dẫn.”
“Thế còn cuộc phiêu lưu vĩ đại của thời tôi, những chuyến bay vào vũ trụ, thì sao?” tôi hỏi.
“Chúng tôi đã từ bỏ những chuyến du hành đó từ nhiều thế kỷ rồi. Chắc chắn là chúng rất đáng ngưỡng mộ, nhưng ta đâu có thể thoát khỏi nơi đây và lúc này.”
Và với một nụ cười ông ta nói thêm:
“Vả lại, tất cả các chuyến đi ấy đều diễn ra trong không gian. Đi từ hành tinh này sang hành tinh khác thì đâu có khác gì đi từ đây sang nông trại trước mặt. Khi anh bước vào căn phòng này thì cũng có nghĩa anh đang thực hiện một chuyến đi trong không gian.”
“Đúng thế,” tôi đáp. “Người ta cũng hay nói về các chất hóa học và các loài thú.”
Giờ đây người đàn ông quay lưng về phía tôi và nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài, đồng bằng trắng xóa tuyết và ánh trăng.
Tôi đánh liều hỏi:
“Còn có các viện bảo tàng và thư viện không?”
“Không. Chúng tôi muốn quên đi quá khứ, trừ khi viết những bài ca tụng. Không còn các lễ tưởng niệm, kỷ niệm hay tượng người chết nữa. Mỗi người chúng tôi phải tự chế tác ra khoa học và nghệ thuật mà mình cần.”
“Vậy thì ai cũng phải trở thành Bernard Shaw, Đấng Ki-tô và Archimède của chính mình.”
Ông ta gật đầu.
“Các chính phủ thì thế nào?” tôi hỏi.
“Theo truyền thống, chúng dần dà trở nên lạc hậu. Chúng tổ chức bầu cử, tuyên bố chiến tranh, thu thuế, tịch thu các tài sản, bắt người, tìm cách kiểm duyệt nhưng có ai trên đời thèm quan tâm đâu. Báo chí đã ngừng đăng các bài diễn văn và ảnh của họ. Đám chính trị gia phải tự tìm những nghề nghiệp lành mạnh; một số trở thành diễn viên giỏi hoặc người chữa bệnh giỏi. Thực tế từng diễn ra hẳn là phức tạp hơn những gì tôi vừa mới tóm tắt sơ lược.”
Ông ta nói tiếp, giọng đã thay đổi:
“Tôi đã dựng ngôi nhà này, nó giống hệt mọi ngôi nhà khác. Tôi tự làm đồ đạc và các thứ dụng cụ. Tôi cày bừa trên mảnh ruộng kia, nó sẽ được những người mà tôi không quen biết cải thiện thêm. Tôi có nhiều thứ cho anh xem lắm.”
Tôi theo ông ta vào một phòng bên cạnh. Ông ta bật một ngọn đèn cũng treo trên trần nhà. Trong một góc, tôi nhìn thấy một cây đàn hạc chỉ có vài dây. Trên tường treo những bức tranh hình chữ nhật, màu chủ đạo là vàng. Có vẻ như chúng không được cùng một bàn tay vẽ ra.
“Tác phẩm của tôi đấy,” ông ta tuyên bố.
Tôi xem các bức tranh và dừng lại trước bức nhỏ nhất, nó vẽ hay gợi lên cảnh hoàng hôn, ở nó có điều gì đó như vô tận.
“Nếu thích thì anh có thể lấy nó, coi như kỷ niệm về một người bạn tương lai,” ông ta nói với tôi, giọng bình thản.
Tôi cảm ơn ông ta, nhưng có những bức tranh khiến tôi cảm thấy khó ở. Tôi sẽ không nói chúng gần như có màu trắng, nhưng cũng gần như vậy.
“Chúng được vẽ bằng những màu mà mắt quá khứ của anh không nhìn thấy được đâu.”
Một lúc sau, hai bàn tay thanh nhã của ông ta gảy các sợi dây đàn hạc, tôi chỉ nghe thấy vài âm thanh mơ hồ.
Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa.
Một người đàn bà cao lớn cùng ba hay bốn người đàn ông bước vào. Có thể nói họ là anh chị em ruột, hoặc giả rốt cuộc thời gian đã làm họ trở nên giống nhau. Ông chủ nhà của tôi nói chuyện với người đàn bà trước.
“Tôi đã biết là kiểu gì tối nay cô cũng sẽ đến mà. Cô có gặp Nils không?”
“Thỉnh thoảng. Anh ấy vẫn vẽ hăng lắm.”
“Mong sao cho anh ấy còn thành công hơn bố.”
Công việc tháo dỡ bắt đầu. Các cảo bản, tranh, đồ đạc, dụng cụ, chúng tôi không để lại thứ gì trong nhà.
Người đàn bà cũng làm việc cùng cánh đàn ông. Tôi thấy ngượng vì mình quá ốm yếu không giúp được gì nhiều. Không ai đóng cửa và chúng tôi đi ra, mang theo đống đồ. Tôi nhận thấy ngôi nhà có mái dốc.
Đi được mười lăm phút, chúng tôi rẽ sang trái. Tôi nhìn thấy từ xa một ngôi nhà như tòa tháp mái tròn.
“Đây là lò hỏa thiêu,” một người cất tiếng. “Trong đó có căn phòng chết. Người ta bảo nó là phát minh của một nhà nhân đạo, hình như tên là Adolf Hitler.”
Người gác, mang thân hình to lớn giờ đây không còn làm tôi kinh ngạc nữa, mở cổng cho chúng tôi.
Ông chủ nhà của tôi lẩm bẩm vài câu. Trước khi bước vào đó, ông ta vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi.
“Chắc tuyết còn rơi nữa,” người đàn bà nói.
Trong phòng làm việc ở phố Mexico tôi vẫn giữ bức tranh mà ai đó sẽ vẽ, hàng nghìn năm nữa, bằng những chất liệu giờ đây đang rải rác đâu đó trên hành tinh.