Danilo Kis-Kiểm duyệt / Tự kiểm duyệt, Khai sinh (Tự truyện ngắn)

Hà Vũ Trọng dịch  

Danilo Kis (1935-1989) nhà văn Serbia thuộc Yugoslavia cũ. Cha Do Thái, mẹ người xứ Montenegro. Trong Thế Chiến Hai, gia đình ông chịu sự ngược đãi bài Do Thái và hầu như chẳng mấy người sống sót. Sau chiến tranh, ông học văn học ở Belgrade và làm giảng viên ở các đại học Pháp. Qua đời tại Paris. Kis bước vào văn đàn cùng một nhóm nhà văn trẻ tài năng vào giữa thập niên 1960 và từ đó luôn luôn ở trong tuyến tiên phong của văn học Serbia. Cuốn tiểu thuyết Gác xép (1962) của ông, mô tả những nhức nhối thời niên thiếu. Những cuốn tiểu thuyết kế tiếp nói về sự bách hại trong chiến tranh đối với những kẻ vô tội, phần lớn là người Do Thái vì lí do chủng tộc và chính trị. Năm 1965, cuốn tiểu thuyết Vườn, tro cốt và cuốn tiểu thuyết Ðồng hồ cát (1972) là những đài tưởng niệm cho số phận của người cha bị chết trong một cuộc trấn áp biệt khu Do Thái, đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong trí nhớ người con trai trẻ tuổi là tác giả. Cái chết của người cha này đã góp phần cho Kis có một sự cảm nhận đặc thù về thực tại như sự vắt chéo giữa cõi thực và cõi ảo; giữa cái thông hiểu và cái kì bí. Tập truyện ngắn Một nấm mồ cho Boris Davidovich (1976) tập trung vào những nạn nhân của khủng bố trong hàng bao thế kỉ. Ở đây là nhãn hiệu Cộng sản của công cuộc khủng bố. Năm 1989, tập truyện ngắn Bách khoa toàn thư về những kẻ đã chết được xuất bản sau khi ông qua đời.
Năm 1995 nhà văn nữ Hoa kì Susan Sontag tập hợp những tiểu luận và phỏng vấn của tác giả mang tên là Người Thơ [Homo Poeticus]. Trong tập này, Kis luận chiến về chủ ngĩa dân tộc như thứ đồ rởm và sự điên loạn tập thể, và những thế lưỡng nan của một căn cước Trung Âu, về những hiểm nguy của sự kiểm duyệt, và về văn học như cuộc tranh đấu chống lại cái tầm thường. Tác phẩm của Kis đã xác nhận ông là một trong những nhà văn lớn của thời đại chúng ta.
(Dịch từ The Everyman Companion to East European Literature, R. B. Pynsent & S.I Kanikova biên tập, Nxb JM Dent, London 1993)

Vào cao điểm những biến cố xảy ra ở Ba Lan, vừa khi Công đoàn Ðoàn kết bị đặt ra ngoài phòng pháp luật, tôi nhận được một lá thư có đóng con dấu ‘Nie cenzurowano’ (Không kiểm duyệt). Mấy con chữ này muốn nói lên chính xác điều gì? Có lẽ chúng muốn chứng tỏ rằng, từ quốc gia mà nó xuất phát, không có sự kiểm duyệt. Nhưng chúng cũng muốn nói rằng những lá thư không mang con dấu này đều đã bị kiểm duyệt, một dấu hiệu mà giới quan chức chọn lựa tuỳ tiện muốn chứng tỏ sự tin tưởng một số công dân nào đó trong khi từ khước những công dân khác. Dĩ nhiên chúng cũng hàm ý rằng tất cả mọi lá thư mang con dấu này thực sự đã được thông qua bởi kẻ kiểm duyệt.

Bất cứ trường hợp nào, con dấu mơ hồ và tượng trưng ấy đưa ra cái nhìn thấu suốt về bản chất của sự kiểm duyệt. Kẻ kiểm duyệt muốn vừa thiết lập tính chính đáng của y và vừa bằng việc phủ nhận nó, để nguỵ trang cho sự hiện hữu thực sự của y. Vì trong khi kẻ kiểm duyệt coi việc kiểm duyệt là một tất iếu lịch sử, một cơ chế chuyên lo trật tự công cộng và chính đảng đang cai trị, y không muốn thú nhận rằng có việc kiểm duyệt. Y xem việc ấy là một việc xấu tạm bợ được iêu cầu do một hệ thống luôn luôn ở thế lâm chiến. Vậy nên, việc kiểm duyệt chỉ là một biện pháp nhất thời rồi sẽ bị phế bỏ ngay khi tất cả những kẻ viết ra, bất kể là thư từ hay sách, đã tới độ trưởng thành và tự họ minh chứng độ chín muồi về mặt chính trị, như vậy tránh cho nhà nước và những đại biểu của nó khỏi vai trò giám hộ các công dân.

Vì việc kiểm duyệt rõ ràng là cần thiết – do ở tính chất nhất thời – kẻ kiểm duyệt coi như nó đã bị thủ tiêu, đã trở thành chuyện dĩ vãng. Chính vì thế mà sự tồn tại của nó không được công nhận bởi những kẻ thực hiện, họ tìm cách nguỵ trang nó bằng tấm áo khoác của những định chế dân chủ, cũng như nhằm phục vụ cho những chức năng khác – ban biên tập của một nhà xuất bản hoặc một tờ báo – hoặc bản thân người biên tập cuốn sách hoặc một tạp chí định kì, hoặc giám đốc nhà xuất bản, hoặc người điểm sách báo, người sửa bản in, và vân vân. Nếu một thông điệp phản ngịch vẫn còn lọt qua tất cả những người đóng vai kiểm duyệt này – họ thực thi nhiệm vụ bằng cái hảo tâm bởi vì họ không phải chỉ là những người kiểm duyệt – vẫn có một giải pháp cuối cùng. Những thợ in, thành phần ý thức cao nhất của giai cấp lao động, chỉ đơn thuần sẽ từ chối in văn bản ấy. Cái biện pháp có vẻ dân chủ này là một trong những cung cách vô sỉ nhất để che giấu kiểm duyệt – chưa phải dùng tới việc cấm đoán cuốn sách hoặc bài báo bởi ngành tư pháp (thay thế cho kẻ kiểm duyệt) nhân danh công luận, cho dù thật sự chẳng có công luận nào cả.

Trong số những dạng thức kiểm duyệt khác ít được biết tới hơn là hiện tượng phổ biến của sự “kiểm duyệt thân hữu” – đưa ra một dạng chuyển tiếp giữa kiểm duyệt và tự kiểm duyệt – khi mà người biên tập (bản thân cũng là nhà văn) gợi ý rằng bạn nên loại bỏ – chẳng hạn một đoạn văn hoặc một câu thơ nào đó ra khỏi cuốn sách của bạn là nhằm tốt cho bạn. Nếu y không thể thuyết phục được bạn bằng sự thành tín của y, y sẽ dùng tới đòn o ép về tinh thần và thố lộ mối lo ngại của y để giữ gìn cho bạn – ngay cả số phận của y phụ thuộc vào việc chính bạn tình nguyện kiểm duyệt, để che giấu sự kiểm duyệt với công chúng. Nếu bạn không tình nguyện kiểm duyệt, bạn sẽ tàm tiêu tan sự ngiệp và sinh mạng của y. Nếu bạn chịu làm, y sẽ không những chỉ xuất bản sách của bạn mà còn che giấu sự kiện rằng cuốn sách ấy từng có những đoạn văn, nếu đã xuất bản, ắt hẳn làm tiêu tan cả hai luôn.

Dù bạn nhìn vào nó cách nào, việc kiểm duyệt vẫn là biểu hiện cho một bệnh thái mang triệu chứng của căn bệnh kinh niên – căn bệnh ấy chính là sự tự kiểm duyệt – được phát triển phối hợp với sự kiểm duyệt. Nó vô hình nhưng vẫn có đó, xa khỏi con mắt công chúng và bị chôn sâu trong những nơi bí mật nhất của của tâm linh, nó hiệu quả hơn sự kiểm duyệt rất nhiều. Mặc dù cả hai đều phụ thuộc vào cùng một phương tiện – đe doạ, sợ hãi, trấn áp – nhưng sự kiểm duyệt thì che giấu những cưỡng chế, hoặc ít ra không bộc lộ sự hành xử cưỡng chế. Sự chiến đấu chống lại kiểm duyệt thì công khai đầy nguy hiểm nên do đó mang tính anh hùng, trong khi cuộc phấn đấu chống tự kiểm duyệt thì vô danh, đơn độc, và không có nhân chứng – một ngọn nguồn của tủi nhục làm bẽ mặt và xấu hổ cho kẻ hợp tác.

Tự kiểm duyệt có ngĩa là đọc văn bản của mình thông qua cặp mắt của một kẻ khác, một tình thế khiến cho bạn trở thành quan toà của chính mình. Bạn trở nên ngiêm khắc hơn và đa ngi hơn bất kì ai khác, bởi vì bạn là chính tác giả, biết những gì mà không kẻ kiểm duyệt nào có thể phát hiện ra – những ý tưởng kín đáo nhất không nói ra của bạn, mà bạn cảm thấy như vẫn có thể bị đọc ra giữa những hàng chữ. Bạn gán cho cái kẻ kiểm duyệt tưởng tượng kia những khả năng mà chính bạn không có và gán cho văn bản kia một ý ngĩa mà nó không hề có. Bạn đuổi theo những ý tưởng của bạn đến độ phi lí cho đến chung cuộc ngất ngư ở đó mọi sự là phản ngịch mà ngay cả cái sự tiếp cận cũng nguy hiểm và sa đoạ.

Người kiểm duyệt tự chỉ định là hình bóng kép của nhà văn (double’s writer), một bóng kép ghé qua vai y và can dự vào văn bản ngay lúc khai sinh, giữ cho y không trật đường ý hệ. Không thể nào vượt thắng được cái kẻ kiểm duyệt kép này; y giống như Thượng đế, y biết hết và nhìn thấy hết, bởi y bật ra từ chính bộ óc của bạn từ những sợ hãi trong chính ác mộng của bạn. Cuộc phấn đấu với bóng kép của bạn, sự tập trung trí thức và đạo đức, để lại những vết sẹo tất iếu hiển hiện trên văn bản, trừ phi cuộc tranh đấu này kết liễu duy nhất bằng một cử chỉ đơn độc và duy nhất chấp nhận được về mặt tinh thần – là bạn huỷ bản thảo và bỏ dự án. Nhưng ngay cả việc từ bỏ này, chiến thắng này, có cùng hậu quả – một cảm nhận về sự thất bại và ô nhục. Dù bạn làm gì đi nữa, bóng kép của bạn bao giờ cũng thắng. Nếu bạn loại trừ y, y chế nhạo nỗi sợ hãi của bạn; nếu bạn bạn nge theo y, y chọc bạn là hèn nhát.

Phân tích đến cùng, thì kép của nhà văn thành công trong việc làm xói mòn và làm hoen ố ngay cả một cá nhân có đạo đức nhất ở ngoài vòng kiểm duyệt đã không phá nổi. Bằng chối từ thừa nhận việc tự kiểm duyệt, tác giả đầu hàng trước những dối trá và bại hoại tâm linh.

Nếu nhà văn xoay xở tránh được sự tự huỷ tận gốc, bằng tất cả tài năng của mình, sự tập trung tư tưởng, can đảm, và mưu trí mà thành công trong việc lừa thoát khỏi kẻ cám dỗ kép của mình, thì những vết tích của trận đấu này sẽ xuất hiện trong tác phẩm của y – dưới bóng dáng của phép ẩn dụ. Ðiều này tạo nên một cuộc chiến thắng kép: không chỉ ở văn bản, bất chấp tất cả, rút cuộc đã được viết ra; cái mẹo giảm trừ ý tưởng thành một ẩn dụ (bằng hoán chuyển cái thực sang cái bóng gió) có ngĩa là kẻ tự kiểm duyệt đã chuyển hoá ý tưởng của mình thành một phép tu từ và chệch hướng nó vào trường của thi pháp. Người ta có thể rút ra những kết luận sâu rộng ở đây, trong lịch sử văn học và lí thuyết văn học; và trên cơ sở ưu thắng của phép ẩn dụ, người ta có thể phân tích nguồn gốc khai sinh của nhiều tác phẩm văn học, chẳng hạn như nền văn chương tiền vệ Nga vào những năm 1920. Việc tự kiểm duyệt đã tạo nên một sắc độ và một thanh điệu đặc thù. Boris Pilnyak và Isaac Babel trong văn xuôi, Osip Mandelstam và Marina Tsvetaeva trong thơ, những hiệu quả văn học tuyệt vời rút ruột từ cuộc tranh đấu chống lại sự tự kiểm duyệt. Một sự khải hoàn đẫm vị đắng cay và bi đát.

Tự kiểm duyệt là cái cực âm của năng lượng sáng tạo; nó hoang mang và cáu kỉnh; đôi lúc chạm phải cực dương, nó nảy sinh một tia lửa. Khi việc đó xảy ra, nhà văn khắc phục được nỗi sợ hãi. Giết chết cái bóng kép của mình, và trong sự sụp đổ tàn bạo của bao năm dè dặt, xấu hổ và nhục nhã, những ẩn dụ tan tành, những lối nói vòng vo tiêu tan và ở đó chỉ còn lại thứ ngôn ngữ sống sượng của hành động – tập sách tranh đấu. Không còn nữa kẻ kiểm duyệt kép để phát hiện những gì nằm giữa những hàng chữ; tất cả được viết bằng mực đen trên giấy trắng ở tận tâm can của sự bất mãn. (Vào chính một thời điểm như thế Mandelstam đã viết bài thơ về Stalin, bài thơ thứ hai, nó đã giải phóng ông khỏi việc tự kiểm duyệt và sự nhục nhã, cùng với sự trả giá bằng chính sinh mạng của ông.

Nguyên tắc đạo đức giết chết hoặc là nhà văn hoặc là tác phẩm khi nó toàn thắng.

Cái “tôi” bị kiểm duyệt, từ lâu đã chịu áp lực của sự sợ hãi, nắm lấy tập sách tranh đấu như nắm thanh gươm phục thù. Và cuộc toàn thắng lên trên cái kẻ kiểm duyệt kép kia đã khiến cho hơn một nhà văn lưu vong thành cằn cỗi. Là những nạn nhân của sự tự kiểm duyệt qua nhiều năm, họ đột nhiên vượt qua đường ranh chia cách giữa ngệ thuật với sự tuyên truyền để tới một giai đoạn mà Czelaw Milosz từng nói đến như là sự “thâu hẹp”.

Chúng ta có thể rút ra được kết luận nào từ tất cả những điều này? Kết luận là hành vi của sự tự kiểm duyệt tất iếu dẫn đến tai hoạ cho ngệ thuật và con người, không kém trí mạng cho bằng cái điều gây ra do chính việc kiểm duyệt; tự kiểm duyệt là một sự thao túng nguy hiểm của tâm trí, với những hệ quả trầm trọng gây cho văn học và tinh thần con người.

1985
Danilo Kis
Khai sinh (Tự truyện ngắn)

Cha tôi chào đời ở miền Tây Hungary và học trường thương mại tại thành phố nơi ông sinh ra của một ông có tên là Virag, người nhờ ông James Joyce cuối cùng đã trở thành nhân vật Leopold Bloom. Tôi tin rằng chính nhờ chính sách tự do của [hoàng đế] Franz Josef II cùng với lòng mong mỏi hội nhập đã dẫn tới việc ông nội tôi chuyển đổi họ cho đứa con trai chưa tới tuổi trưởng thành, mặc dù nhiều chi tiết về kí lục gia đình chịu mãi mãi tối tăm: năm 1944, cha tôi và tất cả họ hàng của chúng tôi bị đưa đến [trại tập trung Quốc Xã] Auschwitz, và hầu như không có ai trở lại.

Trong số tổ tiên phía mẹ tôi có một vị anh hùng thần kì của xứ Montenegro mãi đến tuổi năm mươi mới biết đọc biết viết, do đó đã thêm vinh quang của cây bút vào vinh quang của lưỡi kiếm, và một nữ kiệt đã báo thù bằng cách chặt đầu một bạo chúa Thổ Nhĩ Kì. Sự hiếm hoi về mặt nhân chủng mà tôi đại diện sẽ lụi tàn cùng với bản thân tôi.

Năm 1939, khi tôi lên bốn tuổi và những đạo luật bài Do Thái được ban bố ở xứ Hungary, cha mẹ tôi đã cho tôi làm lễ rửa tội theo đức tin Chính thống giáo tại nhà thờ Ðức Mẹ Lên Trời ở Novi Sad. Việc ấy đã cứu mạng tôi. Cho đến năm 13 tuổi, tôi sống trong vùng sinh quán của cha tôi ở Hungary, là nơi chúng tôi trốn về năm 1942 sau khi xảy ra vụ tàn sát ở Novi Sad. Tôi làm đầy tớ cho những phú nông, và ở trường tôi học giáo lí và Kinh Thánh Công giáo. “Sự lạ lẫm, hoang mang” mà Freud gọi là Heimlichkeit sẽ là mối kích động cơ bản cho tôi về văn học và siêu hình. Năm chín tuổi tôi viết những bài thơ đầu tiên bằng tiếng Hungary; một bài là về cơn đói, bài kia chủ iếu là một bài thơ tình.

Từ bên mẹ, tôi thừa hưởng khuynh hướng kể chuyện pha trộn sự kiện và tiểu thuyết; từ bên cha, tôi thừa hưởng lòng trắc ẩn và tính châm biếm. Mối liên hệ của tôi với văn học cũng bị ảnh hưởng do sự kiện cha tôi là tác giả một thời khoá biểu quốc tế, tự thân là một di sản hoàn toàn mang tính đại đồng và văn học.

Mẹ tôi đã là người mê đọc tiểu thuyết cho đến khi 20 tuổi bà nhận thức được rằng chúng là “giả tạo” và không hề tiếc nuối dứt khoát từ bỏ chúng luôn. Ác cảm của bà với “sự giả tạo đơn thuần” cũng tiềm tàng trong tôi nữa.

Năm 1947, hội Chữ Thập Ðỏ đưa chúng tôi về hồi hương ở Montenegro, quê của bác tôi, một sử gia nổi tiếng và là người viết tiểu sử cũng như chú giải về [thi hào] văn học Serbia là Njegos [1813-51]. Ngay khi quay về, tôi dự kì thi nhập học trường mĩ thuật. (Uỷ ban tuyển chọn gồm cả Petar Lubarda và Milo Milunovic). Chúng tôi được iêu cầu vẽ lại pho tượng bán thân của Voltaire – theo mẫu thạch cao của Houdon – gợi tôi nhớ đến một bà cụ người Ðức mà tôi từng biết ở Novi Sad, và tôi vẽ ông ta như thế. Vậy mà tôi cũng được chấp nhận, có lẽ trên cơ sở một bài làm khác. Tôi đã phải chờ một hoặc hai năm cho đến khi tôi có được chuẩn bị thiết iếu về học hành. Trong suốt thời gian đó tôi quyết định hoàn tất chương trình trung học.

Trong hai năm tôi đã học vĩ cầm ở một trường trung học địa phương, nơi tôi học với thầy Simonuti Trưởng, người mà chúng tôi gọi là “Paganini”, không phải chỉ bởi hình dáng của ông mà còn vì ông mê ngón đàn rung dây. Ngay khi tôi đạt tới vị trí thứ nhì, thì trường học dời về Kotor. Tôi tiếp tục chơi nhạc bằng tai, đặc biệt chuyên về âm nhạc Gypsy, các tình khúc Hungary, và các vũ khúc trong trường, chuyên mê điệu tango và luân vũ Anh.

Ở trường trung học, tôi vẫn tiếp tục làm thơ. Tôi cũng dịch các nhà thơ Hungary, Nga, và Pháp, chủ iếu để thực tập về phong cách và ngôn ngữ: tôi luyện tập làm thơ, học về văn chương. Chúng tôi được các sĩ quan Bạch Nga dạy, đó là những người lưu vong từ thập niên 20, họ thay thế những thầy giáo vắng mặt, và họ thông thạo đủ cả toán, vật lí, hoá học, tiếng Pháp và tiếng Latinh.

Từ trường trung học, tôi vào Ðại học Belgrade, nơi tôi là sinh viên đầu tiên tốt ngiệp của phân khoa mới được tạo dựng là Phân khoa Văn học So sánh.

Là một giảng viên ngôn ngữ và văn học tiếng Serbo-Croatia, tôi đã dậy ở Strasbourg, Bordeaux, và Lille: trong thời gian gần đây, tôi sống ở Paris, ở quận 10 và không hề nhớ nhà. Dù khi tôi thức giấc và không biết mình ở đâu; tôi nge những người đồng hương gọi nhau và tiếng cây phong cầm phát ra inh ỏi từ một máy cassette trong một chiếc xe hơi đậu dưới cửa sổ.

1983

© 2004 talawas
Nguồn: Homo Poeticus – Essays and Interviews, Susan Sontag biên tập và dẫn nhập; Nxb Farrar, Straus and Giroux, New York 1995  

TÁC PHẨM ĐÃ DỊCH SANG TIẾNG ANH CỦA DANILO KIS:

https://www.amazon.com/Danilo-Kis/e/B000AQ6UYO?ref_=dbs_p_pbk_r00_abau_000000