người dịch : Hoàng Ngọc Tuấn
Tôi đã từng là một ông già thông tuệ.
Bây giờ tôi nói năng không còn trôi chảy; quý vị thậm chí có thể xem tôi là hoàn toàn không hiện hữu. Nhưng vào thuở ấy, chắc hẳn ai trong quý vị cũng muốn tìm đến tôi và, dù cho bất cứ gánh nặng nào đè lên một con người, bất cứ tội lỗi nào dày vò đầu óc của y, tôi cũng ôm y vào lòng và nói: “Con trai của ta, hãy an tâm, không còn gánh nặng nào đè lên con nữa, và ta cũng không thấy một tội lỗi nào trong con nữa,” và chắc hẳn y sẽ chạy vù đi trong niềm vui sướng.
Thuở ấy, tôi vĩ đại và đầy quyền lực. Gặp tôi trên đường phố, ai cũng tránh sang một bên và tôi có thể đi xuyên qua một đám đông như một chiếc bàn ủi mỏng.
Thuở ấy, đôi chân của tôi thường được hôn, nhưng tôi không phản đối, vì tôi biết tôi xứng đáng được như thế. Tại sao tôi lại cấm người ta sung sướng tôn vinh tôi? Ngay cả chính tôi, với một cơ thể uyển chuyển khác thường, cũng đã thử hôn chân mình. Tôi đã ngồi trên một cái tràng kỷ, nâng bàn chân phải của mình, và kéo nó lên đến mặt tôi. Tôi đã hôn được ngón chân cái của tôi. Tôi đã sung sướng. Tôi hiểu sự sung sướng của những người khác.
Mọi người đều tôn thờ tôi! Và không chỉ con người, mà cả cầm thú, thậm chí đủ loại côn trùng cũng bò lổn nhổn trước mặt tôi và ngoe nguẩy những cái đuôi của chúng. Và những con mèo! Chúng thật lòng kính yêu tôi và, bằng một cách nào đó chúng chắp hai bàn chân trước lại với nhau, chạy trước mặt tôi bất cứ lúc nào tôi đứng trên thang lầu.
Thuở ấy, tôi thật sự thông tuệ và tôi hiểu biết mọi thứ trên đời. Không một điều gì vượt quá tầm tri thức của tôi. Trí óc kỳ vĩ của tôi chỉ cần hé mở một phút thì vấn đề phức tạp nhất cũng được giải quyết một cách đơn giản nhất. Thậm chí tôi đã từng được mang vào Viện Nghiên Cứu Não Bộ, và khối óc của tôi đã được khảo sát bởi các giáo sư thông thái. Họ đã dùng điện để đo trí tuệ của tôi và họ đành bỏ cuộc. “Chúng tôi chưa bao giờ trông thấy bất cứ cái gì như thế này,” họ nói.
Tôi đã lập gia đình nhưng hiếm khi thấy mặt vợ tôi. Bà ấy sợ tôi, vì sự khổng lồ của trí tuệ tôi làm bà ấy choáng ngợp. Hầu như bà ấy sống chỉ để run rẩy; và nếu tôi nhìn bà ấy lâu quá thì bà ấy bắt đầu nấc cụt. Chúng tôi sống với nhau một thời gian dài, nhưng rồi tôi nghĩ có lẽ bà ấy đã biến mất ở một nơi nào đó. Tôi không nhớ rõ.
Ký ức — đó là một điều hoàn toàn lạ lùng. Thật khó khăn để nhớ, và thật dễ dàng để quên. Đó là điều thường xảy ra: quý vị ghi nhớ một điều, và rồi quý vị nhớ lại một điều hoàn toàn khác. Hoặc là: quý vị cố ghi nhớ một điều gì đó với một chút khó khăn, nhưng ghi nhớ rất rành mạch, thế rồi quý vị không thể nhớ lại một điều gì cả. Điều đó cũng thường xảy ra. Tôi khuyên mọi người hãy rèn luyện ký ức của mình chút ít.
Tôi luôn luôn tin vào sự công bình và không bao giờ đánh ai một cách vô cớ, bởi vì, khi quý vị đánh một người nào đó, thì quý vị luôn luôn nổi khùng chút ít và quý vị có thể đánh quá trớn. Trẻ con, chẳng hạn, thì quý vị không nên đánh chúng bằng một cái dao hay bằng bất cứ thứ gì làm bằng sắt. nhưng đàn bà thì ngược lại, quý vị đừng dùng chân mà đá họ. Súc vật thì, như người ta nói, chịu đòn giỏi hơn. Nhưng tôi đã thí nghiệm nhiều lần theo kiểu đó và nhận thấy không phải lúc nào cũng đúng như vậy.
Nhờ sự uyển chuyển của cơ thể, tôi có thể làm những việc mà không ai làm được. Ví dụ, tôi đã dùng tay để mò tìm lại được một cái vòng đeo tai mà anh tôi đã rủi ro đánh rơi vào trong một cái ống rút nước cực kỳ ngoằn ngoèo. Ví dụ, tôi có thể trốn bên trong một cái rổ tương đối nhỏ và đập nắp giỏ lại.
Vâng, thật vậy, tôi là một hiện tượng!
Anh tôi thì hoàn toàn ngược lại với tôi: thứ nhất, anh ấy to xác hơn, và, thứ nhì, đần độn hơn.
Anh ấy và tôi chưa bao giờ quá thân mật. Mặc dù, tuy nhiên, chúng tôi vẫn thân mật, thậm chí rất thân mật. Tôi vừa nói sai chút ít ở đây: nói cho đúng, anh ấy và tôi chẳng thân mật gì cả và luôn luôn xích mích với nhau. Và đây, tôi xin nói rõ lý do tại sao chúng tôi xích mích. Tôi đang đứng gần một cửa tiệm: ở đó, người ta đang bán đường cát, và tôi đứng xếp hàng, cố gắng không lắng nghe những điều người ta nói chung quanh. Tôi hơi đau răng và không cảm thấy thoải mái lắm. Không khí ngoài trời rất lạnh. Đứng xếp hàng, ai cũng có áo choàng nhồi lông thú mà vẫn tê cóng. Tôi cũng đang đứng trong tấm áo choàng nhồi lông thú, nhưng tôi không tê cóng, mặc dù hai bàn tay tôi tê cóng vì tôi phải rút chúng ra khỏi túi áo choàng, kéo cho cái xách tay nằm đúng chỗ để hai đầu gối kẹp nó lại vững vàng, khỏi bị lấy trộm. Thình lình có người đập vào lưng tôi. Tôi rơi vào một tâm trạng bực dọc vô cùng và, nhanh như chớp, bắt đầu tìm cách trừng phạt kẻ đã xúc phạm đến tôi. Trong lúc đó, tôi lại bị đập một cú thứ nhì vào lưng. Tôi dỏng tai lên, nhưng quyết định không xoay đầu lại, và giả vờ như không để ý. Để được an toàn, tôi giữ chặt cái xách trong tay. Bảy phút sau, tôi lại bị đập thêm một cú thứ ba vào lưng. Lúc ấy, tôi xoay người lại và thấy trước mắt là một gã đàn ông trung niên cao lớn trong tấm áo choàng lông của quân đội khá sờn cũ nhưng vẫn còn mặc được.
“Ông muốn gì ở tôi?” Tôi hỏi gã bằng một giọng cứng cỏi và thậm chí hơi đanh thép.
“Còn mày, tại sao mày không chịu xoay lại khi tao gọi mày?” Ông ta hỏi.
Tôi vừa bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của những lời gã nói, thì gã lại mở miệng và hỏi: “Chứ mày mắc cái chứng gì vậy? Mày không nhận ra tao hay sao? Tao là anh của mày đây này.”
Một lần nữa tôi vừa bắt đầu suy nghĩ về lời nói của gã, thì gã lại mở miệng và nói: “Lắng nghe đây, thằng em. Tao còn thiếu bốn rúp để mua đường, và thật là phiền toái khi phải bước ra khỏi hàng. Cho tao mượn năm rúp, rồi tao sẽ trả lại cho mày sau.”
Tôi bắt đầu suy nghĩ xem tại sao anh tôi lại thiếu bốn rúp, nhưng gã đã nắm lấy tay áo của tôi và nói: “Thế nào? Mày có cho anh của mày mượn chút ít tiền hay không?” và vừa nói, gã vừa tự tay cởi giùm chiếc áo choàng lông của tôi ra, thọc tay vào túi của tôi và lấy cái ví của tôi.
“Đây rồi,” gã nói. “Tao mượn chút đỉnh, và cái ví của mày, xem này, tao nhét nó trở lại vào túi áo cho mày.” Và gã nhét cái ví của tôi vào túi phía ngoài chiếc áo lông của tôi.
Dĩ nhiên tôi rất kinh ngạc khi gặp anh tôi một cách bất ngờ như thế. Tôi im lặng chốc lát, rồi tôi hỏi gã: “Nhưng lâu nay anh ở đâu mà đến bây giờ tôi mới thấy anh?”
“Ở chỗ kia,” anh tôi trả lời, quơ tay lung tung.
Tôi bắt đầu suy nghĩ xem “chỗ kia” là chỗ nào, nhưng anh tôi thúc vào hông tôi và nói: “Xem kìa, họ bắt đầu cho chúng ta bước vào tiệm.”
Chúng tôi cùng bước đến cửa tiệm, nhưng khi tôi bước vào bên trong thì tôi thấy chỉ còn có một mình tôi, không có anh tôi bên cạnh. Tôi liền nhảy vội ra khỏi hàng, nhìn qua cửa, nhìn ra đường phố, nhưng chẳng thấy anh tôi đâu cả.
Khi tôi bước trở lại chỗ đứng của tôi trong hàng, thì người ta không chịu cho tôi bước vào, và thậm chí họ lấn dần dần cho tôi lọt ra ngoài đường. Cố dằn cơn giận dữ đối với những thái độ tồi tệ như thế, tôi bỏ về nhà. Về đến nhà, tôi mới khám phá ra rằng anh tôi đã lấy hết cả tiền trong ví của tôi. Đến tình trạng như vậy thì tôi cuồng nộ tối đa với anh tôi, và từ đó gã với tôi không bao giờ hoà hoãn với nhau được nữa.
Tôi đã sống một mình và chỉ cho phép những ai đến để tham vấn tôi thì mới được bước vào nhà. Nhưng có quá nhiều người muốn tham vấn, nên rốt cuộc cả ngày lẫn đêm tôi không còn một chút yên tĩnh nào nữa. Đôi khi tôi mệt đến nỗi tôi nằm dài trên sàn nhà để nghỉ. Tôi nằm trên sàn nhà cho đến khi tôi lạnh cóng; rồi tôi nhảy dựng lên và bắt đầu chạy lòng vòng trong phòng để làm ấm cơ thể. Thế rồi tôi lại ngồi lên cái tràng kỷ và ban lời khuyên răn cho tất cả những kẻ cầu xin.
Họ nối đuôi nhau bước vào nhà tôi, người đến sau nối liền với người đến trước, đôi khi thậm chí họ không cần phải mở cửa, Tôi thường khoái trá ngắm nhìn những bộ mặt thống khổ của họ. Tôi nói chuyện với họ, nhưng khó mà nhịn cười.
Một lần nọ, tôi không nhịn nổi nữa, bèn cười ầm lên. Họ hoảng hốt xô nhau chạy trốn — có người phóng ra khỏi cửa lớn, có kẻ nhảy qua cửa sổ, và có cả một số người đâm sầm xuyên qua bức tường.
Còn lại một mình tôi, tôi vươn vai lên đến tột cùng cái chiều cao vương giả của tôi, há miệng ra và nói: “Đồ bá láp!”
Nhưng ngay lúc ấy có một cái gì rạn vỡ trong tôi và, kể từ đó, quý vị có thể cho rằng tôi không còn hiện hữu nữa.
