Franz Kafka-Trước Pháp Luật

“Trước Pháp Luật” là truyện ngắn, có thể gọi là truyện cực ngắn (trong nguyên tác tiếng Đức chỉ có vỏn vẹn 584 từ), nhưng là một tác phẩm quan trọng của Kafka (1883-1924). Nó là một trong những tác phẩm hiếm hoi được Kafka cho đăng tải hai lần lúc ông còn sống (trên Vom Jungsten Tag và Selbstwehr). Hơn nữa, trong nhật ký, ông còn cho đó là tác phẩm khiến ông có “cảm giác thoả mãn và hạnh phúc” (Dẫn theo Erwin R. Steinberg, “Kafka’s ‘Before the Law’, a reflection of fear of marriage; and corroborating language patterns in the diaries”, Journal of Modern Literature, Mar 86, Vol. 13 Issue 1, tr.129). Cũng có thể xem đó như một sơ thảo của cuốn tiểu thuyết Vụ án, một tác phẩm dở dang nhưng rất nổi tiếng được Kafka sáng tác về sau. Trên thực tế, Kafka sau đó đã sử dụng “Trước Pháp Luật” như một phần nhỏ (nằm trong chương 9) của cuốn Vụ án, nhưng đó là phần quan trọng. Theo Harold Bloom, nếu Vụ án có một trung tâm thì trung tâm ấy chính là truyện cực ngắn này. (Harold Bloom, Franz Kafka, Infobase Publishing, New York, 2010, tr. 20)
 
Đi xa hơn nữa, chúng ta cũng có thể xem đó là tác phẩm tiêu biểu cho cả phong cách lẫn tư tưởng của Kafka. Về phong cách, “Trước Pháp Luật” là một ngụ ngôn mang đầy tính ẩn dụ, điều khiến nhiều nhà phê bình thường đặt nó bên cạnh vở kịch Trong khi chờ Godot của Samuel Beckett, như những tác phẩm có sức gợi mở lớn lao, cơ hồ không bao giờ cạn kiệt, luôn luôn thách thức khả năng diễn dịch của hết thế hệ này đến thế hệ khác. Về tư tưởng, “Trước Pháp Luật” kết tinh những ám ảnh và trăn trở không dứt của Kafka về quan hệ giữa con người và chân lý, công lý, quyền lực cũng như số phận.
 
Chính vì tầm quan trọng đặc biệt của nó, “Trước Pháp Luật” đã thu hút sự chú ý và phân tích của rất nhiều nhà phê bình và học giả. Trong cuốn The Complete Stories of Franz Kafka do Nahum N. Glatzer biên tập (1971), truyện “Trước Pháp Luật” được đặt trên cùng, dù đó không phải là tác phẩm đầu tiên của Kafka.
 
Cũng xin thưa là, trong bản dịch này, tôi dịch nhan đề “Before the Law” là “Trước Pháp Luật” (cũng như một số dịch giả Việt Nam khác). Tuy nhiên nên lưu ý là “Law” có ý nghĩa rộng là Luật, chứ không chỉ là pháp luật. Pháp luật (do Quốc Hội một nước ban hành) chỉ là một phần của khái niệm Luật. Ngoài pháp luật, còn có các luật lệ tôn giáo, xã hội, và cả luật tự nhiên. Theo nhiều nhà phân tích ở Tây phương, các luật lệ tôn giáo và các taboo trong xã hội là những ám ảnh lớn đối với Kafka. Dù vậy, đối với độc giả Việt Nam, việc giới hạn trong ý niệm pháp luật cũng có một ý nghĩa quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi pháp luật không ngừng bị chà đạp, tiếng kêu cứu của vô số người dân thấp cổ bé miệng gào lên và tắt ngấm giữa hư không. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh người đàn ông đến từ miền quê cả đời mòn mỏi và tuyệt vọng trước cổng Pháp Luật cũng có ý nghĩa và sức hấp dẫn rất đặc biệt. Nó gợi nhớ đến các cuộc biểu tình đòi đất của nông dân trong cả nước những năm vừa qua. 
 
Phan Quỳnh Trâm

TRƯỚC PHÁP LUẬT

Trước Pháp Luật có một tên gác cổng. Một người đàn ông đến từ miền quê xin tên gác cổng cho vào bên trong Pháp Luật. Nhưng tên gác cổng nói hắn không thể cho ông vào lúc này được. Người đàn ông nghĩ ngợi rồi hỏi liệu ông có thể vào một lúc nào khác chăng. Tên gác cổng nói: “Có thể, nhưng không phải lúc này”. Cái cổng Trước Pháp Luật để ngỏ, như thường nó vẫn vậy; tên gác cổng bước qua một bên, người đàn ông nghiêng mình ngó vào bên trong. Khi tên gác cổng nhận ra điều đó, hắn cười phá lên và bảo: “Nếu nó hấp dẫn đến vậy, ông cứ vào đại đi, mặc kệ tôi cấm, nhưng nhớ là tuy tôi có quyền, tôi chỉ là kẻ ít quyền lực nhất trong số những người gác cổng ở đây. Từ phòng này sang phòng khác, ở đâu cũng có những người gác cổng, càng vào sâu thì càng quyền thế. Người gác cổng thứ ba là đã dễ sợ tới độ chính tôi cũng không dám nhìn nữa.” Có những khó khăn mà người đàn ông đến từ miền quê không thể ngờ tới; Pháp Luật, theo ông nghĩ, phải nên rộng mở cho mọi người và mọi lúc, nhưng bây giờ khi đã nhìn kỹ tên gác cổng trong chiếc áo choàng lông thú, với cái mũi to nhọn và hàm râu kiểu Tartar đen, dài và mảnh, ông quyết định tốt nhất là chờ cho đến khi được phép. Tên gác cổng đưa cho ông một chiếc ghế đẩu và để ông ngồi chờ ở bên cánh cổng. Ông đã ngồi ở đó ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Ông tìm mọi cách để được vào, và năn nỉ tên gác cổng đến độ làm cho hắn mệt nhừ. Tên gác cổng thường làm những cuộc phỏng vấn nho nhỏ, hỏi ông về quê quán và nhiều chuyện linh tinh khác, nhưng những câu hỏi ấy thường được cất lên một cách hờ hững, theo kiểu cách các lãnh chúa thường làm, và luôn kết thúc với lời phán là ông chưa thể vào được. Người đàn ông hy sinh tất cả mọi thứ mà ông có, những thứ mà ông mang theo cho chuyến đi, dù quý giá đến mấy, để mua chuộc tên gác cổng. Tên gác cổng nhận tất, nhưng bao giờ cũng lưu ý ông rằng: “Tôi chỉ nhận để cho ông khỏi nghĩ rằng ông đã làm điều chi sơ suất.” Trong suốt nhiều năm trời, người đàn ông chỉ mải mê chú ý vào tên gác cổng. Ông quên bẵng những tên gác cổng khác, và với ông dường như tên gác cổng đầu tiên này mới là trở ngại duy nhất chặn ngang con đường vào Pháp Luật của ông. Ông nguyền rủa sự bất hạnh của mình, thoạt đầu một cách ồn ào và bừa bãi, những năm về sau, càng già, ông chỉ còn lẩm bẩm một mình. Ông trở nên ngây ngô, và nhờ ngắm nghía tên gác cổng trong nhiều năm trời, ông biết đến cả những con bọ chét trong chiếc áo choàng lông thú của hắn, cũng như đã năn nỉ những con bọ chét ấy giúp ông làm sao cho tên gác cổng xiêu lòng. Sau một thời gian dài, thị lực của ông bắt đầu yếu dần, và ông không còn biết được trời tối thực hay cặp mắt đã đánh lừa ông. Tuy vậy, trong bóng tối mờ mịt đó ông vẫn có thể nhận biết được một luồng hào quang không thể dập tắt được cứ tràn ra từ cánh cổng của Pháp Luật. Giờ đây thì ông không còn sống được bao lâu nữa. Trước khi ông chết, tất cả những kinh nghiệm thu thập được trong nhiều năm dài đằng đẵng tụ về một điểm trong đầu ông, một câu hỏi ông chưa từng hỏi tên gác cổng bao giờ. Ông ngoắc hắn lại gần, bởi ông không còn sức để nhấc tấm thân đã cứng đờ của mình. Tên gác cổng phải cúi xuống, bởi chênh lệch về chiều cao đã thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho người đàn ông (cùng với tuổi tác). “Bây giờ ông muốn biết gì nào?” tên gác cổng hỏi, “ông thật là tham.” “Ai cũng muốn đến với Pháp Luật,” người đàn ông nói, “nhưng tại sao trong bao nhiêu năm, ngoài tôi ra, chẳng có ai khác xin vào đây vậy?” Tên gác cổng nhận thấy người đàn ông đã đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, rồi để cho những giác quan đang yếu lả của ông có thể nắm bắt được những lời nói của hắn, hắn gào vào tai ông: “Không có ai khác được vào đây cả, bởi vì chiếc cổng này được dựng lên chỉ để dành riêng cho ông mà thôi. Bây giờ thì tôi sẽ đóng nó lại.”

Frank Kafka – Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm

======
Dịch từ bản Anh ngữ “Before the Law”, trong The Complete Stories of Franz Kafka, ed. Nahum Norbert Glatzer (New York: Schocken Books, 1983) 3-4.
nguồn: https://phanquynhtram.com